Đang còn tiết xuân nhưng khí trời bỗng trở nên lạnh lẽo, ẩm thấp. Mấy ngày qua có vài cơn mưa giông ở những huyện miền núi phía trên khiến cho thành phố cũng chịu ảnh hưởng một gam màu lạnh, buồn và hiu hắt của sắc thái mùa Đông. Ông Bảy Hương khoác thêm cái áo pa-đờ-xuy màu nâu sậm lên chiếc áo thun len rồi quyết định ra khỏi nhà. Hôm nay thứ Bảy, vợ con ông đều dậy muộn. Ông đi rảo theo con đường phố nhỏ yên tĩnh có những cây me cao đang rù rì lời gió, nghĩ ngợi mông lung đến đoạn đường đời xế chiều của mình, cho đến khi ông bất chợt trông thấy chiếc tắc xi chạy trờ tới từ phía trước. "Tắc xi!", ông vẫy tay, "cho đi nhờ cái!".
Tắc xi chở ông ra khỏi thành phố đang còn ngái ngủ, đậm hơi sương và khí trời lành lạnh, rẽ vào một hương lộ quanh co khúc khuỷu ở phía Bắc, ngược lên vùng cao hẻo lánh đất hãy còn lầy lội vì những cơn mưa vừa qua, đến cái nơi có danh thắng văn hóa lịch sử của tỉnh, một ngôi chùa cổ mà từ lâu ông vẫn mong mỏi được một mình đến thăm viếng, không có vợ con, không có người hầu kẻ hạ kề bên. Ông nghỉ hưu đã ba năm nay, nhưng có biết bao nhiêu việc phiền toái dây dưa trói buộc khiến ông hầu như không dành riêng được một khoảng thời gian nào đơn lẻ cho mình. Hôm qua, mọi việc tưởng như đã giải quyết xong, sau khi người con lớn của ông ở miền Tây trở ra để cùng gia đình dứt điểm các mối liên hệ tiền bạc và tài sản chung, thế nhưng dường như vẫn còn chưa xong. Vẫn còn những trở ngại tồn đọng nào đó trong quan hệ liên thông của vợ chồng con cái, anh chị em xung quanh vấn đề tài chính. Nó như một khối u mơ hồ mà nặng trịch đè lên trái tim già cỗi của ông, khiến ông cảm thấy mình hoàn toàn trơ trọi và khốn khổ giữa mệnh đời khắc nghiệt. Sáng sớm nay, ngồi uống trà trên lan can lầu, giữa khói sương bàng bạc của đời và mộng, ông nghĩ rằng ông nên tìm đến ngôi chùa cổ này, một tâm niệm từ lâu đã an định trong lòng, để cầu khẩn một đấng hình nhi thượng nào đó - Trời, Phật, Thượng đế hay linh khí của tổ tiên ông bà - ông không biết được, nhưng rõ ràng phải là một cái gì đó thiêng liêng, vô hình nhưng cao vượt lên khỏi tất cả những oan khiên và hạnh phúc tiền tài của cõi phàm tục này, để có thể giải bỏ hoặc ít ra an ủi, động viên, xoa dịu, làm lắng lòng ông trước gánh nặng khó trút thoát của cuộc sống tinh thần hiện nay, mà ông vẫn ví như một cuộc bơi lội tuyệt vọng trong dòng sông sẫm đục đầy sóng gió thét gào của hiện trạng cuộc đời. Một lời cầu khẩn, một giây phút chắt lọc tâm linh hướng tới sự bất khả tri thiêng liêng huyền nhiệm của thế giới, của vũ trụ, để khẩn nài giải tỏa mối ẩn ức đang dằn vặt trong tâm khảm ông. Ông không nhận hiểu rõ thực sự như thế nào, nhưng ông cảm nhận được điều đó. Rằng ông cần có giây phút tĩnh tâm để cầu nguyện một sự ân xá cho tâm thức già nua kiệt quệ của ông. Đó là thôi thúc cấp bách có từ bao lâu nay trong những năm tháng bon chen vì danh vì lợi, mà mãi đến hôm nay ông mới có cơ hội để làm cho được. Ra khỏi tắc xi, ông thong thả đi bộ ngược lên con dốc quanh co, lẫn giữa những hàng cây cao ngọn, những bụi trúc vàng đong đưa rì rào và những bụi hoa dại màu tím nhạt. Đường lên ngọn núi nhỏ này có rất ít bậc cấp nên lối đi khá chật vật cho một người cao tuổi như ông. Mới 8 giờ sáng. Khung cảnh thật vắng vẻ yên tịnh. Ông ngần ngừ giây lát rồi ngước nhìn lên trên đỉnh núi, nơi những mái cong huyền ảo của ngôi chùa đột ngột chọc đám sương mù hiện ra giữa bầu trời xám bạc. Ông nhìn quanh và bước tới một bụi trúc vàng. Ông lụi hụi ra sức bẻ được một cành trúc. Cần phải có một cây gậy mới vượt lên núi được… Sáng hôm nay, ông Bảy Hương dậy sớm hơn thường lệ vì đêm qua ông đã đi ngủ sớm với một tâm hồn nhẹ nhàng thư thái sau cuộc cầu nguyện im lặng, thành khẩn và đầy tín niệm trên ngôi chùa cổ. Ông tự cảm thấy đã gạn lọc được bao nhiêu cặn bụi bấu bám trong tâm khảm ông mà sự tịnh tâm cầu nguyện đã vô hình trung sàng sảy được cho ông. Đêm qua, ông ngủ thiếp đi trong tiếng nhạc Mozart văng vẳng từ chiếc máy hát để ở cuối phòng. Ông trôi tuột vào vùng vô thức lênh đênh mờ ảo, và ông mơ thấy ông đang đi vào trong ngôi nhà của ông, nhưng toàn bộ ngôi nhà không phải là ngôi nhà ông đã sống bấy lâu nay. Nó vẫn là ngôi nhà của ông đấy, nhưng tất cả đều toàn làm bằng trúc, tất cả, từ vách tường, cột kèo, sàn nhà đến bàn, ghế, tủ, giường, tất cả đều làm bằng trúc, thứ trúc vàng mà hồi sáng ông đã bẻ một cành làm cây gậy leo núi. Giấc mơ lôi ông đi quanh quẩn trong ngôi nhà làm bằng trúc vàng của mình. Ông ngồi xuống trên chiếc ghế trúc, đặt cạnh cái bàn trúc. Ông ngả lưng xuống cái giường trúc, và nhìn lên mái nhà cũng bằng trúc, rui kèo toàn trúc. Trúc vàng quanh ông… trúc vàng quanh ông… Ông Bảy Hương bưng bộ đồ trà ra ngoài cái bàn nhỏ đặt ở ban công lầu. Ông nhồi đầy một tẩu thuốc lá Half and Half, quẹt diêm châm, lơ đãng nhìn theo làn khói thuốc xanh uốn lượn thả ra ngoài khoảng không yên tĩnh. Ông hút thuốc, uống trà và suy nghĩ về giấc mơ đêm qua thấy toàn trúc vàng. Không phải bỗng dưng vô thức lại mách bảo với ông về trúc vàng. Vâng, chỉ một cành trúc bẻ vội vàng dưới chân núi để làm phương tiện giúp ông vượt lên dốc núi quanh co. Thế nhưng đó là một ẩn dụ. Nửa giờ im lặng một mình, khẩn nguyện và hối lỗi trước bàn thờ Phật Tổ trên ngôi chùa ấy đã đem lại cho ông sự thanh thản nội tâm. Gần như là một nỗi vô ưu, an lạc đã điều tiết cho tâm trí ông vượt qua khỏi được bao nhiêu vết hằn và cặn bụi đang làm lòng ông vẩn đục bèo nhèo suốt bao nhiêu năm tháng qua. Có thể xem đó như là một sự giải phóng tự tâm khỏi những oan khiên tình tự. Tâm hồn nhẹ nhàng thư thái, ông ra khỏi ngôi chùa vắng, chống cây gậy trúc vàng lần xuống non. Và ông đã vứt bỏ nó bên dưới chân núi, cũng đâu đó quanh những bụi trúc vàng kia. Giấc mơ về ngôi nhà toàn bằng trúc vàng là một ám dụ hiển nhiên. Được cá quên nơm, vắt chanh bỏ vỏ, qua bến bỏ đò… đại khái là những điều mà ông đã từng làm, đã thường làm trong khoảng thời gian dằng dặc từ khi ông còn là một ông sếp lớn cho đến khi bó buộc phải ra khỏi chốn quan trường. Theo thói tệ đã thành nếp, ông dùng xong cây trúc thì vứt bỏ đi, không lời cảm ơn, không chút băn khoăn, không chút ngại ngần hay luyến tiếc. Một quán tính bội bạc hầu như đã không hề được chỉnh đổi suốt một thời gian dài khi ông đang còn thao túng cửa quan và lạm dụng quyền lực để thâu tóm và củng cố cho khối bạc vàng sự sản đồ sộ của mình. Ông vỗ mạnh vào trán mấy cái liền. "Chết thật! Trúc! Trúc vàng! Hoàng Trúc! Ôi chao! Là Hoàng Trúc đây mà!" Một cơn lạnh buốt chạy dọc theo sống lưng ông. Ông sững sờ đặt tẩu thuốc xuống bàn, nhìn nó đăm đăm và trông thấy từ cái tẩu thuốc đen bóng này chuỗi hồi ức lấp lánh ngoi lên. Ôi, Trần Hoàng Trúc, người bạn thời niên thiếu, sau đó là bạn chiến đấu cùng đơn vị, rồi sau đó nữa là bạn đồng nghiệp khác ngành. Hoàng Trúc cũng quen hút tẩu như ông, nhưng cái tẩu của ông ấy là một cái tẩu đặc biệt tự chế bằng loại trúc vàng Trung Quốc. Ông ấy đã dùng cái tẩu nọ mấy chục năm rồi và xem nó như vật bất ly thân. Nhưng vấn đề không phải ở cái tẩu thuốc. Vấn đề là chính Trần Hoàng Trúc hơn 10 năm trước đã giúp ông thoát khỏi vụ bê bối tài chính của công ty X., đã gỡ tội cho ông và khéo léo vận động để ông được thuyên chuyển công tác sang xí nghiệp Y., dù kém bề thế hơn nhưng giữ được cho ông khỏi tiếp tục sa vào những sai phạm nghiêm trọng như ở công ty X. Và vấn đề là sau khi thoát ra khỏi vụ án ấy, ông đã hầu như quên béng Trần Hoàng Trúc. Giấc mơ về trúc vàng hiển nhiên là một lời nhắn nhủ Sau hai ngày đi thăm hỏi dò la, ông Bảy Hương mới tìm ra ngôi nhà hiện nay của ông Hai Trúc. "Anh ấy nghỉ hưu từ năm năm nay rồi. Đã lâu tôi không gặp anh ấy", ông Sáu Thành nói. Ông vốn là thuộc cấp trước kia của ông Hai Trúc, và cũng là chỗ quen biết trước kia của ông Bảy Hương, vì đã nhiều lần móc nối làm ăn lắt léo với nhau. "Ôi dào! Nghỉ hưu rồi thì sang căn hộ ở chung cư, đi mua căn hộ riêng ngoài ngoại ô. Nghe nói sống cũng chật vật lắm. Thanh liêm quá thì bần bách, anh ạ", Sáu Thành cười cười. Ông ta chẳng ưa gì vị cấp trên xưa kia của mình, người đã nhiều lần dập tắt, phá hỏng các cú làm ăn phi pháp của ông ta. "Anh Hai sống ra sao nhỉ?", ông Bảy Hương hỏi. "Thì còn ra sao nữa? Với đồng lương hưu vài ba trăm gì đó. Để tôi nhớ xem. À, hình như sống với cô con gái rượu. Ừ, cô con gái bị chồng bỏ vì không sinh nổi con, hình như đi làm công nhân dệt may dệt lụa gì đó. Hai cha con sống đắp đổi qua ngày vầy vậy. Chậc! Thanh quá, cương quá thì sống sao nổi hả anh Bảy?". Ông Bảy Hương làm ngơ trước lời nói và giọng cười bỗ bã ngạo mạn của ông Sáu Thành.
Và bây giờ ông đang ngồi trước ngôi mộ mới xây của ông Hai Trúc, trong khu vườn nhỏ trồng toàn vú sữa. Ngôi mộ nằm khuất dưới mấy bụi trúc vàng xum xuê. Một tháng trước, đám tang ông Trúc diễn ra đơn sơ lặng lẽ với một vài thân hữu. Theo ý nguyện, ông được chôn trong vườn nhà, dưới mấy bụi trúc vàng, cũng đơn giản như cuộc đời và tâm hồn ông. "Bác còn nợ bố cháu 5 cây vàng, đã lâu rồi, nhưng chưa có điều kiện trả lại được", ông Bảy Hương nói với Huyền, con gái ông Hai Trúc. "Hôm nay, bác tìm gặp bố cháu là để gởi lại số vàng ấy. Ai ngờ… đã ra người thiên cổ. Thôi, vậy bác xin gởi lại cho cháu". Ông rút trong túi áo khoác ra một bịch ny lông, gói năm cây vàng. Huyền mỉm cười nhẹ nhàng, xua tay: "Bác Bảy à, bố cháu sống đời thanh bạch thì làm gì có chuyện bị… hoàng kim hắc thế tâm để có vàng cho bác mượn chứ ạ? Cảm ơn bác đã có lòng giúp đỡ, nhưng xin bác cất lại số vàng này đi, kẻo bố cháu lại về quở cháu". "Không, đây là bác nói thật. Vàng này bác đã mượn của bố cháu để…". Huyền nhún vai cười: "Bố cháu không một lần nào cầm được một chỉ vàng chứ đừng nói đến mấy cây vàng. Cả đời bố cháu chỉ có một màu vàng của trúc làm bạn chứ không quen với màu vàng kim loại đâu, bác Bảy. Ờ, bác Bảy biết không? Đêm qua cháu nằm mơ thấy bố cháu cầm cây gậy trúc vàng đến bảo cháu rằng sẽ dắt cháu đi chùa cầu nguyện".