Mes Aynak nằm trong tỉnh Logar. Đi bằng trực thăng từ Kabul đến đó mất một thời gian ngắn. Trước đây, nơi này là doanh trại huấn luyện của al-Qaeda, nhưng cũng là địa điểm đã có một phát hiện gây chấn động - tu viện Phật giáo hơn 1.400 năm tuổi.
Không như nhiều di tích khảo cổ khác, di tích này có nhiều đá trên mặt đất hơn và có những bức tường và các hàng lang. Đi dạo qua các bảo tháp, hay qua các điện thờ và các tượng Phật sơn đỏ vẫn còn sáng, chúng ta có cảm nhận thật sự về một ngôi tự viện đang hoạt động và vẻ hoành tráng của nơi này.
Các nhà sư đã định cư ở đây vì có mỏ đồng dưới lòng đất; nó là một phần của vương quốc Phật giáo. Đây là trạm dừng chân trên Con đường Tơ lụa, tuyến đường đã đưa Phật giáo từ Ấn Độ vào Tây Tạng và Trung Quốc.
Phillippe Marquis, nhà khảo cổ người Pháp đang làm việc tại khu di chỉ và đang hỗ trợ di tản khẩn cấp di tích, nói: “Nhiệm vụ chính của chúng tôi là chứng minh bằng tài liệu ở mức tối đa trong khả năng có thể trước khi nó bị phá hủy. Đó là đồng trong lòng đất đã đưa các nhà sư đến đây, đã làm cho quý sư có đủ điều kiện vật chất và đã cho phép quý sư xây dựng tu viện này”.
Nhưng nếu đồng đã dẫn đến việc tạo nên tu viện thì cũng chính đồng sẽ dẫn đến việc phá hủy tu viện này.
Nằm bên dưới lòng đất là trữ lượng đồng chưa khai thác lớn thứ hai thế giới và Trung Quốc đã mua được quyền khai thác toàn bộ khu vực này.
Báu vật của nhân loại
Dọc sườn đồi, các thợ mỏ Trung Quốc đã dựng các trại. Các nhân viên bảo vệ an ninh vũ trang đặc biệt tuần tra hàng dặm hàng rào quanh khu vực.
Trong vòng một năm nữa, việc khai thác mỏ sẽ được bắt đầu. Nó sẽ mang lại hàng triệu đô la cho đất nước cực kỳ nghèo nàn này. Nhưng tu viện, và thậm chí những sườn đồi xung quanh nó, sẽ bị phá hủy khi khu vực này trở thành một mỏ lộ thiên khổng lồ.
Afghanistan có một di sản khảo cổ phong phú: Khí hậu khô ráo đã giúp cho những di vật từ thời Alexander đại đế vẫn còn được bảo tồn một cách nguyên vẹn. Nhưng quốc gia này cũng đã mất đi quá nhiều.
Cách đây 10 năm, những pho tượng Phật ở Bamiyan cao chót vót đã bị phiến quân Taliban, những kẻ coi các pho tượng vĩ đại này là dị giáo, phá hủy.
Taliban và những kẻ khác cũng đã vào viện bảo tàng quốc gia đánh cướp di vật. Tiến sĩ Omara Khan Massoudi, giám đốc viện bảo tàng này nói những gì còn lại cần phải được bảo vệ.
“Trong 3 thập niên chiến tranh, nhiều di sản văn hóa của chúng tôi đã bị hủy diệt, bị thiệt hại và bị cướp bóc. Những di vật này không thuộc về một quốc gia, đó là báu vật thuộc về tất cả mọi người”, ông giám đốc nói.
Hiện có những nỗ lực quốc tế bảo tồn một vài trong số các di sản quý giá đó. Quân đội Hoa Kỳ đang chi một triệu đô la chỉ để giúp bảo tồn các di vật quý giá từ các di tích nằm trong số những phát hiện Phật giáo cổ nhất thế giới.