Trước vấn nạn tin giả

GN - Với sự bùng nổ của mạng xã hội, theo đó tin giả như một dịch bệnh chưa có thuốc đặc trị, lây lan và trở thành vấn nạn nhức nhối cho xã hội, ảnh hưởng lên nhiều lĩnh vực của đời sống.

Đại dịch Covid-19 được xem là biến cố của thế kỷ, làm cho con người khắp nơi lo âu, thế giới hoảng loạn chưa từng có. Trong cuộc chiến chống đại dịch đó, tin giả lại hoành hành, ít nhiều tác động vào tâm lý của số đông, khiến cho tình hình trở nên rối loạn hơn.

tingia.jpg


Tin giả như một dịch bệnh chưa có thuốc đặc trị, lây lan và trở thành vấn nạn nhức nhối cho xã hội

Gần đây thôi, trên mạng xã hội lan truyền thông báo cho rằng TP.HCM sắp bị phong tỏa 14 ngày. Tin được chia sẻ theo cấp số nhân, tốc độ lan nhanh và gần như lập tức phủ khắp mạng xã hội. Thông báo ảo, nhưng tác động để lại nỗi lo âu thật. Lãnh đạo thành phố sau đó vận dụng tất cả kênh truyền thông khẳng định đó là thông tin bịa đặt, nhưng nỗi lo âu vẫn còn vương lại trong không ít người.

Bên cạnh đó, bức “tâm thư” mang màu sắc tâm linh được cho là của tỷ phú Bill Gates cũng được lan truyền. Người phát ngôn của vị tỷ phú với nhiều hoạt động nhân đạo này lên tiếng phủ nhận, một số trang báo nước ngoài sau đó đã cải chính, nhưng nhiều người dường như không muốn chấp nhận sự thực, vẫn coi sự giả mạo ấy là cần thiết và ý nghĩa.

Một nội dung nếu có thông điệp nhân văn thì tự nó có giá trị mà không cần nương vào danh phận của người nổi tiếng, thậm chí các bậc Thầy tâm linh, nhà lãnh đạo tôn giáo... Do đó, mỗi khi chính chủ lên tiếng phủ nhận, thì không còn lý do gì để chúng ta gán ghép, cho dù với động cơ mong muốn sự tốt đẹp.

Hiện nay tin giả (fake news) là vấn nạn nhức nhối, tràn ngập mạng xã hội. Người viết nhớ lại nhận định của ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí trong một lần nói chuyện với giới làm truyền thông Phật giáo, rằng mạng xã hội như một đứa trẻ lên tám, luôn thích các trò chơi mới và cũng nhanh chán. Với tâm lý đó, để có được số lượng “fan” - người theo dõi đông, nhiều chủ nhân của các tài khoản mạng xã hội cũng theo thị hiếu, cố tạo ra cái mới, độc và lạ. Đó cũng là nguyên nhân dẫn tới nạn tin giả, dẫn dắt dư luận, tác động xã hội theo nhiều động cơ khác nhau.

Mạng xã hội cũng là môi trường cho những người muốn thể hiện cái tôi, có thể “phán” cả thế giới, thay cho các chuyên gia mà không cần và không hề có thông tin thực tế. Điều đó đã được lưu ý cảnh giác trong đạo Phật qua khái nhiệm “khẩu đầu thiền” - thiền nơi cửa miệng, nơi đầu môi chót lưỡi mà không có chất liệu thực nghiệm, công phu tu tập.

Do vậy, gần đây chúng ta có thể thấy nhiều hiện tượng nổi tiếng bất thường và cũng tàn lụi nhanh chóng, để lại nhiều thị phi trong dư luận.

Chống tin giả là nhiệm vụ mà các cơ quan phòng chống dịch bệnh quan tâm, đặc biệt là trong mùa đại dịch Covid-19 với diễn biến ngày mỗi phức tạp, khó lường. Chính tin giả làm nhiễu loạn nguyên tắc thống nhất mệnh lệnh và phá vỡ tính kỷ luật bằng cách gieo nỗi lo âu, sợ hãi cho mọi người.

Trước vấn nạn đó, là người Phật tử, thiết nghĩ chúng ta cần tỉnh giác. Chánh niệm trước khi viết những dòng trạng thái, cân nhắc trong hành vi biểu hiện cảm xúc, thái độ, bấm chia sẻ như tinh thần mà Đức Phật đã dạy trong kinh Phạm võng, sự thật như thế nào thì thấy và nói như thế.

Diệu Nghiêm/Báo Giác Ngộ

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày