Truyện ngắn Nguyên Hương: Hồi đó... ngày xưa...

GN - Từ ký túc xá nhìn qua tịnh xá, thấy cái máy cưa và một đống gỗ ván, bọn tôi rủ nhau qua hỏi chú thợ mộc có đóng bàn ô sin không, loại bàn nhỏ dành cho sinh viên ngồi viết bài trên giường.

Hỏi sao nơi thanh tịnh mà lại có cái máy cưa, chú Hiển thợ mộc kể tịnh xá cần làm mấy cánh cửa, chú giúp Sư cô tới tận xưởng gỗ mua ván bìa cho rẻ. Người ta thường mua loại này về làm chuồng bò hoặc lót sân tạm. Chú Hiển tận dụng bằng cách khiêng luôn máy cưa tới, xẻ từng miếng ván ra, vụn vằn thì làm củi, còn thì tận dụng đóng ghép, vậy mà thành những cánh cửa lá sách rất đẹp, chỉ tốn thêm ít tiền mua gỗ dài để làm bộ khung.

Mấy cái bàn ô sin cũng vậy, nếu chú Hiển không nói thì bọn tôi cũng chẳng biết là gỗ ván tận dụng, vì ghép thành kiểu rất xinh. Khi lấy bàn, bọn tôi hỏi bao nhiêu tiền và chuẩn bị kỳ kèo với lý do muôn thuở “Tụi cháu là sinh viên mà chú”.

Chú Hiển cười: “Chỉ tốn tí công của chú. Mà chú ăn cơm uống nước tịnh xá, cà-phê sáng cũng là Phật tử của tịnh xá mời uống. Vậy nên mấy đứa bưng bàn về đi, rồi Chủ nhật qua làm công quả cho vui”.

ND (12).jpg


Hồi đó... ngày xưa... - Ảnh minh họa của Như Danh

Nói làm công quả mà thật ra bọn tôi qua ăn là chính. Chủ nhật nào Sư cô Liên cũng nấu cơm luôn phần bọn tôi. Góc sân có cây mít. Không phải Chủ nhật mà có trái mít chín thì hôm đó cũng thành Chủ nhật. Xơ mít thành món kho, hột mít luộc hoài ăn ngán thì phơi khô giã nhỏ trộn gia vị làm thành bánh. Có người nhờ nấu cúng giỗ, tiện tay nấu những món cầu kỳ, Sư cô Liên làm thêm cho bọn tôi ăn cho vui. Chú Hiển cười hì hì, nhờ Sư cô thương bọn sinh viên xa nhà mà chú được ăn ngon ké, thường ngày chỉ muối mè và rau luộc chấm nước tương thôi. Nói xong chú vội vàng mô Phật, vì ăn ngon mà thành ra mình nói xấu Sư cô rồi!!!

*

Cuối năm, Sư cô Liên rời tịnh xá để “ra riêng”.

Nơi Sư cô Liên tới là một mảnh rẫy cà-phê cách xa phố khoảng ba mươi cây số, cỏ rác khắp nơi và tơ nhện giăng đầy cành. Có cái giếng mà tay quay đã bị gỡ đi. Căn nhà xây tạm bợ để giữ rẫy đã xuống cấp, bốn bức tường ố đầy rêu, nền xi-măng rạn nứt, mái  tôn xộc xệch, cánh cửa chỉ là miếng tôn rỉ sét đóng nẹp gỗ.

“Sư cô sẽ ở đây một mình à?” Bọn tôi hỏi nhau, ớn lạnh. Chú Hiển gắt: “Đừng có để điều xấu nó ám mình. Mấy đứa thương Sư cô thì có dám cúp cua phụ chú một tay cho xong nhanh kịp đón năm mới không?”.

Không dám cúp cua nhiều, mỗi ngày một hai đứa nghỉ ốm để đi theo chú Hiển. Tối về, mấy đứa ký túc xá tụm lại nghe kể ngày nay làm được gì. Ban đầu là quét bụi trần nhà, bụi bặm bay xuống như mưa gặp lúc ngước mặt lên thì ôi thôi mắt mũi hứng trọn. Rồi thì cạo tường mà bốn bức tường quá dơ dáy, khói bếp củi và những vết dính bám không thể cạo sạch, còn bị ngấm nước nữa. Vụ sơn tường mới là, ba chú cháu hì hục suốt buổi rồi mới thấy bức tường ẩm mốc khiến những nhát sơn thành vệt nguệch ngoạc…

“Rồi sao, rồi sao?” Bọn tôi nhao nhao hỏi. Câu trả lời là chú Hiển nói đậy nắp thùng sơn cất đi, để chú tính lại.

Hôm sau, đến phiên Hà và tôi nghỉ ốm. Vừa thấy hai đứa tôi ngừng xe lại, chú Hiển trợn mắt: “Hai thằng hôm qua đâu rồi? Hôm nay đục bỏ lớp vữa tô tường cũ để tô lại lớp khác thì nó mới thấm sơn. Tụi bây con gái thì làm cái gì?”.

Chú Hiển đỏ mặt tía tai một hồi thì cũng hướng dẫn được cho hai đứa tôi và cả Sư cô cách cầm búa và đục sao cho đừng gõ búa vô tay mình! Phần chú leo lên đục trên cao. Mỗi khi nghe bên dưới này “úi” thì chú nhìn xuống, nếu là Sư cô thì chú im, còn nếu là Hà hay tôi thì chú hỉnh mũi: “Hai đứa bây cầm bút tay phải thì nện búa vô ngón tay trái cũng không sao đâu”.

Gần Tết, ký túc xá vắng dần vì các bạn về quê, Hà và tôi ở lại đi làm thêm trong khu hội chợ xuân. Chú Hiển nói buổi tối không học bài thì xuống với Sư cô, người dân ở đó chưa biết nên còn nghi ngại lắm, tổ dân phòng nửa đêm gõ cửa kiểm tra giấy tờ tạm trú…

Nhưng ngày nào hội chợ cũng làm tới gần mười một giờ đêm mới nghỉ. Nằm trong ký túc xá vắng tanh, nghe gió mùa lùa qua từng khe hở và thành tiếng rít luồn qua mái, Hà và tôi nói chuyện về Sư cô. Ở nơi đó chắc là Sư cô sợ lắm? Người tu có sợ hãi không? Bọn tôi quen nhìn thấy Sư cô cùng bạn đồng tu giữa ngôi tịnh xá trang nghiêm, mà nay Sư cô một mình giữa rẫy vắng…

Chiều ba mươi được nghỉ sớm, hai đứa tôi rời hội chợ náo nhiệt chạy xe đến Sư cô, ngược đường là dòng người nô nức đổ ra phố hướng về quảng trường để xem pháo hoa.

Sư cô đang cuốc dọn, màu áo vàng như đốm lửa nhỏ giữa hiu quạnh. Bàn thờ nhỏ, để vừa tượng Phật và chồng kinh sách, hôm nay có thêm bình hoa cúc dại màu tím và một trái đu đủ xanh. “Hoa nhà trái vườn chùa mình đó”, Sư cô nói.

Vườn-chùa-mình. Ba tiếng đơn giản mà nghe muốn ứa nước mắt. Mảnh sân phía trước đã dọn quang cỏ rác nhưng hai bên hông nhà và đằng sau vẫn đầy ngổn ngang, theo tay Sư cô chỉ, hai đứa tôi nhìn thấy lấp ló những bông hoa tím trong đám cỏ gai và cây đu đủ khẳng khiu giữa những cành cà-phê khô cháy.

Mấy đứa bé làn da nương rẫy sớm sạm đen nổi bật trong màu áo mới thập thò chạy tới, rụt rè hỏi: “Chị ơi, cái cô áo vàng đó có lì xì không?”.

*

Tôi đi dạy học tỉnh xa rồi lấy chồng xa. Thỉnh thoảng gọi điện thoại hỏi thăm, mới biết chú Hiển rủ bạn bè lập thành một đội xây dựng chuyên đi về vùng ven giúp sửa sang những ngôi chùa nghèo.

Mười ba năm. Nhân dịp mùa xuân này họp mặt trường cũ, tôi và bạn bè về thăm Sư cô. Đã xây được ngôi chánh điện mới khang trang, căn nhà nhỏ đầy kỷ niệm ngày xưa giờ là lớp dạy kèm cho những em bé nương rẫy sức học yếu không theo kịp bạn bè trên trường. Chỗ của những cây cà-phê khô cháy giờ là vườn rau và cây thuốc Nam.

Bọn tôi đến gặp lúc Sư cô đang dạy học. Sư cô vui lắm, mà hơi bối rối. Hà kêu lên: “Sư cô ơi không phải áy náy đâu, con cam đoan với Sư cô là cho nghỉ sớm học trò càng mừng”. Lại nói nhỏ: “Học trò của Sư cô chắc là chưa biết khai bệnh để cúp cua”.

Nhắc tới chuyện cũ, ai nấy cười râm ran. Chỉ mình Sư cô ngạc nhiên. Hóa ra hồi đó Sư cô không biết bọn tôi lấy lý do nghỉ ốm. Để Sư cô khỏi phải bối rối, tôi nói: “Tiết này cho con đứng lớp thay Sư cô”.

Bọn nhỏ ngạc nhiên nhìn theo bạn bè tôi theo Sư cô lên chánh điện lễ Phật, rồi những đôi mắt xoe tròn nhìn tôi. Tôi biết các em đang tò mò ghê gớm về những người khách lạ mà lại được Sư cô thân tình đến vậy.

Tôi bắt đầu: “Hồi đó… Ngày xưa…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

NSGN - Hòa thượng Ẩn Sơn có pháp húy là Thành Nhạc, thuộc đời 34 Thiền phái Lâm Tế, theo kệ phái Đạo Mân Mộc Trần. Hòa thượng là vị Tổ khai sơn chùa Long Thiền, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Học giới cho ngài là đệ tử của Hòa thượng Nguyên Thiều Thọ Tông (1648-1728).

Thông tin hàng ngày