GNO - Giác Ngộ online ngày 19-8 qua, đăng bài viết Một Tiến sĩ phát ngôn sai lệch về ngài Mục Kiền Liên và trang fanpage Báo Giác Ngộ chia sẻ lại bài viết, ngay lập tức đã nhận được nhiều sự quan tâm, bình luận của độc giả. Mới đây, TS Nguyễn Ngọc Mai - nhân vật trong bài viết được quan tâm nói trên - đã có phản hồi dài trên 3.000 chữ, trong đó bày tỏ: "Bản thân tôi thành thật xin lỗi vì sự sơ xuất của mình khi trả lời phỏng vấn đã không nhấn mạnh vào câu chuyện mà tôi đưa ra là theo góc nhìn của văn hóa dân gian".
Cơm đưa chưa tới miệng đà/ Hóa thành than lửa nuốt mà đặng đâu
- Một cảnh tượng đau lòng được mô tả trong kinh Vu lan - Tranh PG
TS Mai cho biết - "Mặc dù khi trả lời phỏng vấn tôi đã nói rõ chi tiết này ngay từ đầu là liên quan đến “lễ Vu lan và tục cúng xá tội vong nhân” trong dân gian có rất nhiều tích truyện và tích truyện mà tôi đưa ra cũng chỉ là một tích truyện. Tuy nhiên, khi biên tập cắt cúp các phần phỏng vấn 10 phút và chỉ còn lại 2 phút thì ban biên tập đã sơ suất bỏ qua chi tiết này, vì vậy mà gây phản cảm cho thính/ độc giả".Theo bà Mai, khi trả lời phỏng vấn là hoàn toàn theo cách nhìn của văn hóa dân gian và đây là một trong những câu chuyện kể dân gian mà bà đã đọc trong tài liệu “Tín ngưỡng Việt Nam” của Toan Ánh (quyển thượng, tr.348 - 355, Nxb TP.HCM, 1992) chứ bà không tự sáng tạo ra câu chuyện. "Ngay cả khi khi trả lời cũng là theo cách nhìn của văn hóa dân gian chứ không theo cách nhìn của kinh Phật và trong toàn bộ buổi trò chuyện của tôi cũng không hề trích kinh Phật bất cứ một câu nào", TS Mai lý giải.Bà Mai bày tỏ, "văn hóa dân gian, cụ thể là truyện kể dân gian thì rất nhiều dị bản (hiện nay tôi đang có trong tay khoảng gần 10 dị bản khác nhau về lễ Vu lan và nhân vật Mục Kiền Liên, trong đó có 3 dị bản nói đến chuyện mẹ của nhà tu hành bị biến thành chó). Các dị bản đó có thể đúng với kinh, có thể sai lệch với kinh Phật là chuyện rất bình thường trong văn hóa dân gian, vì vậy không thể nói là tôi làm “sai lệch kinh Vu lan gây hiểu lầm”.Qua đó, TS Nguyễn Ngọc Mai cho rằng, các thính/ độc giả búc xúc vì hai chi tiết như đã nêu trên thực tế trong văn hóa dân gian lại rất bình thường. Sau đó, bà dẫn nhiều tích truyện dân gian khác, với những dị bản tương tự, để lý giải: văn hóa dân gian có rất nhiều mô típ thần thánh hóa nhân vật lịch sử hoặc nhân vật Phật giáo nhưng không thể gọi đó là “sặc mùi mê tín dị đoan” mà trong nghiên cứu văn hóa dân gian gọi đó là sáng tạo dân gian...Bà Mai nói, "khi tôi trả lời phỏng vấn VTC14 thì đó là tôi đại diện cho chính mình chứ không đại diện cho cơ quan mà tôi làm việc, vì thế đừng vơ đũa cả nắm đưa cả cơ quan tôi vào đây".Đồng thời, TS Mai cũng chia sẻ rằng bà rất hoan nghênh các ý kiến phản hồi của các bạn đọc trên báo Giác Ngộ khi thấy những điều khác với gì mình biết, mình nghĩ, nhưng nên phản hồi với tinh thần học thuật và tôn trọng lẫn nhau chứ không nên theo hướng quy kết, chụp mũ, hoặc bôi nhọ.Ngoài ra, hồi đáp lại bình luận chủ đạo trên fanpage về bài viết là vấn đề bằng giả, TS Mai cho rằng, việc thật giả ngày nay có quá nhiều, không thể tránh việc mọi người nghi ngờ. Tuy nhiên, bà khẳng định: "quý vị nào muốn biết nó thật hay giả xin đến gặp tôi và tôi đủ thời gian cho các vị chất vấn bất cứ lĩnh vực nào xung quanh luận án tiến sĩ của tôi, thậm chí cung cấp luôn cả danh tính của 7 vị giáo sư chấm điểm và các vị có thể gặp họ để hỏi về luận án tiến sĩ của tôi mà hiện nay đã xã hội hóa thành cuốn sách “Nghi lễ lên đồng lịch sử và giá trị”.Liên quan tới câu chuyện phát ngôn gây bão dư luận, Giác Ngộ sau đó đã có bài viết Phát ngôn: cần cẩn trọng!, trong đó mổ xẻ nguyên nhân: "Sở dĩ nhiều người cảm thấy phát biểu này kỳ cục, phản ứng gay gắt là vì nội dung của bà Mai nói không dựa trên kinh điển cũng như chính truyện về duyên khởi của Vu lan bồn, của mùa Báo hiếu vốn rất phổ biến". Đồng thời, có chia sẻ, đối với những phát ngôn "chỉ là nội dung ở nghĩa hẹp thuộc về văn hóa vùng miền mà quy thành nội dung mang tính phổ quát rộng rãi thì chắc chắn hứng chịu búa rìu dư luận".