Từ thiện từ những việc rất nhỏ

0:00 / 0:00
0:00
GN - Từ năm 2007, tôi đã cùng tham gia vào một số câu lạc bộ chia sẻ với người nghèo, vùng khó khăn trong khả năng.

Bên cạnh đó, tôi còn tự tổ chức một số hoạt động đến với học sinh vượt khó, người già, người bệnh. Mới nhất là chương trình “Tình người nơi xóm trọ”, chia sẻ khó khăn với người dân tứ xứ mưu sinh ở Sài Gòn, đang tạm trú trong những khu trọ gần nơi tôi đang ở (thuộc khu phố 9, phường Trường Thọ, TP.Thủ Đức, TP.HCM). Họ bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, sau thời gian giãn cách kéo dài từ 31-5 đến nay.

Nhìn lại, tôi thấy làm từ thiện không dễ nhưng cũng… thiệt dễ!

Tác giả trong chuyến trao quà Tết tại Nông Sơn, Quảng Nam cuối năm Canh Tý

Tác giả trong chuyến trao quà Tết tại Nông Sơn, Quảng Nam cuối năm Canh Tý

“Làm bằng cái tâm, khó lắm!”

Những anh chị đi trước trong công tác này nhắn nhủ tôi, làm từ thiện phải bằng cái tâm, khó lắm, không dễ. Đó là làm từ thiện với sự chăm chút từ khi khởi lên ý niệm chia sẻ - giúp đỡ, làm sao để không phiền não vì việc này, cũng không để mình trở nên tự cao mỗi khi làm được một chương trình nào đó.

Thực tế, có những người rơi vào hai điều trên. Có thể vì bị áp lực từ chuyện vận động tài chính cho chuyến đi khiến họ lo lắng, mệt mỏi. Cũng có thể họ không có sự minh bạch trong tài chính (huy động từ cộng đồng), dẫn tới việc đối phó dư luận, lăn tăn những con số...

Việc tự mãn hoặc thấy rằng mình quan trọng trong vai trò đứng đầu câu lạc bộ, người tổ chức chương trình, làm được việc, giúp được nhiều người cũng khiến người ấy “kẹt” lại. Thực ra, dù cá nhân hay tập thể, trong việc thiện cũng cần sự chung tay góp sức của nhiều người, từ mạnh thường quân đến tình nguyện viên, chính quyền địa phương hỗ trợ…

Thấy được sự thành công của hoạt động từ thiện nhờ vai trò của số đông, dù là nhỏ nhất, ta sẽ dẹp được bản ngã của mình và có thể làm được lâu dài, hoan hỷ. Đồng thời, giữ được tâm “tùy duyên” trong việc thiện cũng làm mình nhẹ nhàng mỗi khi tiến hành. Để một chương trình diễn ra tốt đẹp thực ra phải nghĩ về yếu tố nhân duyên này. Theo đó, cứ làm hết sức mình, còn sự hưởng ứng hay chương trình suôn sẻ đến đâu cũng vui vẻ, vì đó là kết quả nằm ngoài sự quán xuyến của mình rồi. Làm việc gì, kể cả từ thiện, ai cũng mong nó như kế hoạch, nhưng như người xưa nói “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”. Thiên ở đây chính là yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, hay theo nhà Phật là “hội đủ nhân duyên”. Tổ chức trên 10 chương trình “Niềm vui bất ngờ” - tặng quà Tết cho người nghèo ở Nông Sơn (Quảng Nam) - tôi ngộ ra điều này. Có những lần vận động được sự đóng góp rất nhanh, nhưng không ít lần trầy trật, có khi không đủ kinh phí như dự kiến. Nhưng không vì thế mà tôi buồn vui với việc thiếu hụt ấy, nhờ nghĩ tới chữ duyên.

Trở lại việc làm từ thiện từ cái tâm, tôi nghĩ đến niềm vui của công việc ấy. Tránh hai biểu hiện lo lắng, cầu mong phải đạt được. Thành công của một chương trình, ai cũng có sự đóng góp quan trọng, mỗi người trong mắt xích công việc ấy đều hỗ tương, biết ơn nhau vì đã cùng chung tay, từ sức lực đến tài lực. Khi đó, việc thiện sẽ mang lại hạnh phúc, bình yên cho cả mình (người trao) và người nhận cũng như những cộng sự của mình trong quá trình thực thi. Làm xong thì nhẹ nhàng buông xả.

Tôi nghĩ, niềm hỷ lạc từ đó sẽ lại trở thành món quà pháp thí mà chúng ta đóng góp cho cuộc đời, giúp ta không kẹt lại bởi việc thiện mình làm.

Của cho và cách cho

Của cho, tôi nghĩ phải phù hợp với từng địa phương, thời điểm… Ví dụ, về vùng đồng bào vùng sâu vùng xa thì tặng lương thực, thực phẩm sẽ giúp họ dễ sử dụng hơn là tiền. Hoặc khi có bão lụt, không phải cứ đoàn từ thiện nào cũng mang mì ăn liền tặng tới tấp.

Ở đợt lũ 2020, tôi thấy việc “bội thực” quà là mì gói, bánh tét đã gây những tranh cãi trên mạng. Nắm rõ thông tin, điều tiết các chuyến tặng quà, ta có thể từ từ làm các chương trình/ công trình dân sinh mang tính lâu dài hơn thay vì đổ xô tặng quà nhu yếu phẩm khi nó đã quá nhiều hoặc đã đủ.

Trong đợt dịch Covid-19, khi Sài Gòn thiếu hụt thực phẩm do nguồn hàng cung cấp không được khơi thông đúng mức, có thể thấy tinh thần “nhường cơm sẻ áo” của đồng bào lại được dấy lên mạnh mẽ. Khắp nơi hướng về TP.HCM, từ thôn quê nghèo hay vùng rốn lũ vốn nhiều khó khăn cũng đều hoan hỷ góp người ít gạo, ít khoai, bầu, bí, mướp…, chung tay cho người Sài Gòn chống dịch.

Trao quà trong chương trình "Tình người nơi xóm trọ" hôm 20-7 vừa qua

Trao quà trong chương trình "Tình người nơi xóm trọ" hôm 20-7 vừa qua

Trở lại việc tổ chức một chương trình từ thiện, để có sự định hướng quà cáp hay công trình phù hợp thì người làm việc thiện, tổ chức từ thiện cần lắng nghe người dân, tham vấn với cán bộ địa phương. Cách đây 10 năm, khi còn tham gia với các nhóm từ thiện như Ngàn Hạc Giấy, Bước Chân Yêu Thương (TP.HCM), mỗi lần tổ chức chương trình chúng tôi đều đi tiền trạm. Những chuyến đi như vậy một phần để xác định rõ nơi mình đến thiếu thứ gì, có thật sự khó khăn, để trao cho đúng nơi thật sự cần. Và qua đó, mình tiếp xúc với địa phương để họ tư vấn giúp cách thức làm, quà cáp hoặc công trình phù hợp với văn hóa, nhu cầu của người dân. Mỗi chuyến đi của nhóm đều trao đúng người, đúng nơi, không lãng phí tài chính của những người tin tưởng đóng góp. Nhờ vậy, việc thiện nguyện mình làm cũng có sự dụng công, đặt để tâm vào đó một cách trách nhiệm.

Đừng để việc từ thiện vì thành tích chi phối, rồi sau đó “biến chất” là điều mỗi người làm cần cẩn trọng. Câu nói “Hãy nhớ lại tâm niệm khi bắt đầu” là một lời nhắc mà người làm từ thiện tự răn để không rơi vào tâm thế mình là người cho, mình quan trọng thế này thế kia. Sự khiêm tốn, ân cần khi đến với người nghèo mới thực sự là từ thiện, để họ không bị tổn thương khi thấy mình được xã hội cưu mang.

Còn cách cho, đó là trao những phương tiện cho người khó dần cải thiện cuộc sống thay vì những “con cá” - những món quà tức thời, ăn liền, khiến họ ỷ lại. Tôi biết nhiều nhóm từ thiện hiện nay đã thay đổi phương thức làm từ thiện, đẩy mạnh các chương trình mang tính lâu dài như làm đường bê-tông, cầu, xây trường, làm nhà, chăm lo sự học, hỗ trợ y tế… Trong đó, quan trọng nhất là các công trình dân sinh giúp thay đổi bộ mặt làng quê, giáo dục giúp thay đổi nhận thức và đầu tư cho các nhân tài tương lai qua học bổng. Trao “cần câu” như vậy sẽ là cách làm căn cơ, có kết nối chặt chẽ hơn với chính quyền để tránh những sự cố đáng tiếc trong quá trình thực hiện.

Thái độ đem cho cũng là cách nuôi dưỡng tâm người trao. Về mặt gửi gắm tinh thần, mỗi lần tặng quà tôi còn gia tâm “mong cho người nhận món quà này được an vui, sớm nhận diện nhân quả để chuyển hóa tâm thức, sống an vui trong mọi hoàn cảnh, vượt qua được khó khăn hiện tại để sau này có cơ hội hành thiện, giúp đời”.

Không có tiền làm từ thiện được không?

Tất nhiên là được. Vì sự hiến tặng không chỉ có quà vật chất mà còn những món quà tinh thần, dưới dạng năng lượng tích cực, lời nói có giá trị giúp người chuyển hóa.

Từ đầu mùa dịch, Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Đệ nhất Phó Pháp chủ kiêm Giám luật Hội đồng Chứng minh, Trưởng ban Trị sự Phật giáo TP.HCM đã kêu gọi Tăng Ni, Phật tử nỗ lực tu tập. Cấm túc an cư giữa mùa Covid-19, theo Trưởng lão Hòa thượng là “nghịch tăng thượng duyên”. Theo đó, khi không tổ chức hạ trường, chỉ tâm niệm an cư tại trú xứ, hành giả sẽ không rộn tâm vì phải tiếp khách, đón tiễn các đoàn đến thăm viếng, cúng dường…

Cái nhìn của bậc đạo cao luôn thấy “cơ trong nguy”, sách tấn mỗi người con Phật nỗ lực thực tập, kiến tạo năng lượng an, định trong khó khăn để hiến tặng cho mọi người, mọi loài. Đây là năng lượng giúp cân bằng, chuyển hóa những tiêu cực, khổ đau, lo lắng do những bất an, hệ lụy của dịch bệnh mang lại. Do vậy, ngồi yên, có niệm-định-tuệ cũng là từ thiện quý giá mà mỗi người có thực tập tỉnh giác có thể làm. Đó chính là vô úy thí - tặng sự không sợ hãi, một quà tặng theo tinh thần của Bồ-tát Quán Thế Âm.

Từ thiện là làm việc thiện từ tâm. Việc thiện ngoài hành động (thân) thì còn thể hiện trên ý - khẩu (suy nghĩ và lời nói). Cầu mong cho người bớt khổ, hay an ủi bằng lời nói, bài viết giúp người bình an hơn cũng là việc thiện.

Theo Phật giáo, việc thiện là việc lợi mình lợi người, ở hiện tại và cả tương lai. Nhớ điều này để làm gì cũng nhìn lại, quán chiếu, giữ tâm bình an mới là cái thiện trên mọi điều thiện biểu hiện trong đời.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Làm sao đưa Phật pháp đến với tuổi trẻ?

GNO - Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng các chương trình chánh niệm tại trường học có thể giúp ích, đặc biệt là ở các cộng đồng nghèo, nơi học sinh phải đối mặt với mức độ căng thẳng cao hơn.
Lễ khởi công xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tại H.Quan Hóa, sáng 21-11

Thanh Hóa: Ban Trị sự Phật giáo tỉnh khởi công xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tại H.Quan Hóa

GNO - Thực hiện cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh theo Chỉ thị số 22-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sáng 21-11, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thanh Hóa đã làm Lễ khởi công, trao kinh phí xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tại H.Quan Hóa.
Sư bà Diệu Không

Giáo sư Cao Huy Thuần viết về Sư bà Diệu Không

GNO - Mỗi lần nghĩ đến Sư bà Diệu Không, tôi lại liên tưởng đến bà Gotami, di mẫu của Đức Phật, vừa là mẹ nuôi vừa là Ni thánh. Tôi biết, nếu Sư bà đang ở đâu đó mà nghe tôi nói thế này, Sư bà sẽ quở tôi là phạm thượng. Nhưng tôi đành chịu tội bất kính vì nhiều lý do.
Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình "Bồ-tát trẻ tuổi"

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày