Tu viện Vĩnh Nghiêm

Chánh điện tu viện Vĩnh Nghiêm (Q.12) - Ảnh: Phùng Anh Quốc
Chánh điện tu viện Vĩnh Nghiêm (Q.12) - Ảnh: Phùng Anh Quốc
0:00 / 0:00
0:00
GN - Sau hơn 10 năm thi công, tu viện Vĩnh Nghiêm tọa lạc tại phường Hiệp Thành, Q.12 - TP.HCM đã hoàn thiện, với kiến trúc độc đáo hoàn toàn do bàn tay người thợ Việt Nam thực hiện. Nơi đây là cơ sở đào tạo khoa Luật thuộc Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM vừa được thành lập.

Năm 1971, Hòa thượng Thích Tâm Giác (1917-1973) mua khoảng 12 héc-ta (120.000m2) tại xã Tân Thới Hiệp, tổng Bình Thạnh Trung, tỉnh Gia Định, để xây dựng tu viện và làm nghĩa trang Vĩnh Nghiêm. Công việc đang tiến hành, vô thường chợt đến, ngày 20 tháng 10 năm Quý Sửu (14-11-1973), Hòa thượng viên tịch. Thể theo di nguyện của ngài, Hòa thượng Thích Thanh Kiểm (1920-2000), đồng khai sơn và trụ trì đời thứ hai của tổ đình Vĩnh Nghiêm, đã an táng và xây dựng lăng mộ cúng dường ngài tại vị trí đầu khu đất (ngày nay thuộc góc đường HT 31 và Lê Văn Khương).

Trọn trong chữ “Duyên”…

Vật đổi sao dời, sau năm 1975, chính quyền địa phương (bây giờ gọi là xã Tân Thới Hiệp, huyện Hóc Môn, thành phố Hồ Chí Minh) trưng dụng phần lớn khu đất của chùa để thành lập hợp tác xã nông nghiệp, làm Trường Tiểu học Nguyễn Trãi, Trường Trung học phổ thông Võ Trường Toản, Phòng Giáo dục của địa phương, chỉ để lại cho chùa 10.000m2 làm nghĩa trang và 20.000m2 để canh tác lấy hoa lợi mua nhang đèn cúng Phật và tự cung tự cấp. Từ năm 1975 cho đến năm 1980, Hòa thượng Thích Thanh Kiểm và đệ tử hàng ngày đạp xe lên đây trồng rau, khoai,… để sinh sống.

Khó khăn theo năm tháng ra đi. Đất nước bước vào vận hội mới, hòa nhập kinh tế thế giới, Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập, Hòa thượng Thanh Kiểm lại trở về thư phòng bên nghiên mực, viết kinh dịch sách; và ngài dạy thầy Thanh Phong và thầy Đức Thiện, v.v… trồng bạch đàn để giữ đất. Năm 1997, địa phương này được đổi tên thành phường Hiệp Thành, Q.12, thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1998, Hòa thượng Thích Thanh Kiểm lại tiếp tục đệ đơn xin thành lập tu viện. Công việc đang tiến hành thì ngày mùng 5 tháng Chạp năm Canh Thìn (30-12-2000) ngài viên tịch.

Kế thừa trụ trì, thực hiện di nguyện của Thầy Tổ, thầy Thanh Phong lại tiếp tục nộp đơn xin xây dựng tu viện. Gần mười năm xin phép với đủ các loại thủ tục, cuối cùng, năm 2009, tu viện được phép xây dựng.

Cũng trong năm này, sau hơn 15 năm du học ở Nhật, tôi về nước và được tổ đình giao trách nhiệm trông coi việc xây dựng tu viện. Thầy Thanh Phong và tôi trao đổi rất nhiều vấn đề về việc xây dựng: danh xưng, quy mô, chức năng,… Cuối cùng chúng tôi thống nhất lấy tên gọi tu viện Vĩnh Nghiêm để đền đáp công ơn của Thầy Tổ, thống nhất xây dựng một ngôi tự viện bằng gỗ mang dấu ấn văn hóa Đại Việt.

Khi chuẩn bị xây dựng, anh Phạm Anh Dũng phát tâm tiến cúng 200m3 gỗ giáng hương để làm Phật điện. Sau đó phải mua thêm mấy ngàn khối gỗ căm xe nữa mới đủ.

Ngày 26-9-2009 (8-8-Kỷ Sửu), tu viện khởi công. Số tiền khi xưa Nhà nước đền bù cho tổ đình để di dời cổng tam quan, thầy Thanh Phong giao hết cho tôi xây dựng tu viện và vừa xây được nền móng giảng đường cùng trai đường thì hết tiền. Tôi bèn vác túi đi xin. Xin không được lại đi mượn, mượn những người bạn thân thiết trong đạo cũng như ngoài đời nhưng mượn cũng không xong. Thế là công trình phải mất hai năm “trơ gan cùng tuế nguyệt”!

Cuộc đời tôi sinh ra không phải dưới một ngôi sao tốt hay ngôi sao xấu mà sinh đúng chữ Duyên: chữ Duyên trong Nhân duyên của nhà Phật. Năm 2012, mẹ tôi qua đời. Trước khi ra đi, mẹ tiến cúng toàn bộ tài sản để xây dựng tu viện. Và theo lời dặn dò của mẹ, các anh, em của tôi, mỗi người một tay, góp công góp của để tiếp tục công việc xây dựng cho tới khi hoàn thành. Lần tái khởi động này cũng được sự tiến cúng của chư Tăng, Ni và Phật tử gần xa nên tu viện được hoàn thành mỹ mãn như ngày nay. Viết tới đây, tôi nghĩ phải cảm ơn sư huynh của tôi. Năm 10 tuổi tôi vào cửa Không tập sự. Ba năm sau, thế sự thăng trầm, Thầy tôi đi xa. Trong giai đoạn khó khăn muôn mặt, sư huynh đã cưu mang và mớm cho tôi từng con chữ. Chữ nghĩa tôi có được ngày hôm nay phần nhiều là do sư huynh tôi chỉ dạy hơn 40 năm trước. Khi xây dựng tu viện, thấy tôi gặp khó khăn, đi mượn nhưng không được, phải ngưng thi công trong vòng hai năm, thế là, cứ vài tháng, dành dụm được bao nhiêu, sư huynh lại mang lên cho tôi xây dựng tu viện. Đều đặn như thế cho tới ngày tu viện hoàn thành.

Giữ gìn và lưu truyền “hồn Việt”

Trở lại việc xây dựng. Tôi quyết định dựng một ngôi chùa gỗ đúng theo truyền thống châu thổ sông Hồng nhưng phải thật tinh tế, kỹ lưỡng; xây dựng một ngôi chùa tâm linh, một công trình văn hóa để lại cho thế hệ sau. Tôi nghĩ chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, ngành nghề dựng nhà gỗ và chạm trổ hoa văn sẽ thất truyền vì nguyên vật liệu không còn.

Do đó, tôi cố gắng tới mức cho phép thực hiện các công trình gỗ thật chu đáo và tỉ mỉ. Về chi tiết hoa văn chạm trổ, dĩ nhiên vẫn theo những họa tiết truyền thống như mai, lan, cúc, trúc; long, ly, quy, phụng,… nhưng tôi cũng cố gắng hết sức để đưa những họa tiết, những hoa văn nói lên được văn hóa Việt Nam thời hiện đại. Ngay cả tượng pháp tôi cũng cho đục tại Việt Nam. Tôi muốn nói một điều rằng không phải người thợ Việt Nam không thực hiện được tượng đẹp, có hồn. Nhưng cho dù tượng không đẹp, không có hồn nhưng tượng đó dù sao cũng là tượng Việt Nam, do bàn tay người thợ Việt Nam đục lên. Năm, mười năm và thậm chí trăm, ngàn năm sau, chắc chắn lúc đó tôi đang lang thang một phương trời vô định nào đó nhưng thế hệ sau nhìn vào tượng, họ sẽ tự hào bao nhiêu khi biết rằng đó là tượng được đục bởi bàn tay của người thợ Việt Nam hàng trăm, ngàn năm trước. Ở phương trời nào vô định, chắc chắn tôi cũng vui theo. Lại nữa, có thể công thợ đục tượng ở Việt Nam cao hơn một vài nước kế cận nhưng tôi quan niệm miễn sao tượng do chính người thợ Việt Nam đục là được và cho dù giá có cao hơn một vài nước khác nhưng đồng tiền trả cho người thợ Việt Nam cũng là một cách giúp đỡ người thợ nói riêng, giúp kinh tế nước nhà nói chung. Trong tinh thần đó, tu viện cố gắng tối đa sử dụng nguồn nhân lực, vật lực trong nước.

Sau hơn 10 năm thi công, mỗi ngày có hơn 100 công nhân của hơn 10 tốp thợ khác nhau, tu viện hoàn thiện với hơn 10 kiến trúc, đầy đủ các hạng mục của một ngôi già lam. Các kiến trúc sau đây được dựng bằng gỗ quý: Phật điện, tổ đường, phương đình cổng tam quan, tháp chuông, tháp Quan Âm, Khai sơn đường, nhà bia, nhà dẫn. Các kiến trúc bằng bê-tông: Cổng tam quan, thư viện, văn phòng, nhà linh, Đông đường, Tây đường, giảng đường, trai đường, nhà bếp.

Lễ khánh thành được tổ chức vào ngày húy kỵ của Hòa thượng khai sơn Thích Tâm Giác 20-10-Canh Tý (4-12-2020) để tri ân Thầy Tổ, huynh đệ, cha mẹ, Tăng Ni, Phật tử xa gần, anh em thợ,… đã hằng tâm hằng sản kiến tạo nên ngôi già-lam này. Kính nguyện Phật pháp trường tồn, Việt Nam thịnh trị.

Phương Ngoại am, ngày khánh thành tu viện
4 tháng 12 năm 2020 (20-10-Canh Tý)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày