GNO - Sáng 28-3 (12-2-Mậu Tuất), tại thiền tự Yên Cát (chùa Di Lặc) ở thôn Thăng Bình, thị trấn Yên Cát, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa, môn đồ pháp quyến cùng thân quyến đã tổ chức lễ tưởng niệm chung thất ĐĐ.Thích Tánh Khả và rót đồng đúc đại hồng chung.
Quang cảnh buổi lễ
TT.Thích Tâm Đức, UV HĐTS, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Thanh Hóa; ĐĐ.Thích Tâm Định, Phó ban Thường trực BTS GHPGVN tỉnh Thanh Hóa cùng chư tôn thiền đức Tăng Ni Thường trực BTS GHPGVN tỉnh; chư Tăng Ni trụ trì các chùa trong và ngoài tỉnh tham dự buổi lễ.
Về phía chính quyền có ông Nguyễn Quốc Thanh, Phó ban Dân vận Tỉnh uỷ; ông Bùi Hải Vinh, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng ban Tôn giáo tỉnh; ông Dương Văn Mạnh, Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND H.Như Xuân; ông Lê Sỹ Nghiêm, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND H.Như Xuân; cùng các vị lãnh đạo các phòng ban ngành, cơ quan đoàn thể của huyện Như Xuân, Triệu Sơn, Như Thanh, các xã thị trấn trên địa bàn H.Như Xuân và đông đảo bà con Phật tử xa gần.
Chư tôn đức tham dự
Tại buổi lễ, thay mặt thường trực BTS GHPGVN tỉnh Thanh Hóa, ĐĐ.Thích Nguyên Phong đọc tiểu sử cố ĐĐ.Thích Tánh Khả. Theo đó, Đại đức thế danh Dương Văn Thảo, pháp danh Tánh Khả, sinh năm Tân Dậu (1982), tại Giồng Riềng - Kiên Giang. Thân phụ là cụ ông Dương Văn Hùng và thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Từ, sinh trưởng trong một gia đình gồm 7 anh chị em, Đại đức là con thứ tư trong gia đình nhiều đời thâm tín Tam bảo. Từ thuở nhỏ, Đại đức thường cùng song thân đi chùa lễ Phật nghe pháp, đã sớm bộc lộ niềm tin và ý nguyện xuất thế. Năm 16 tuổi, Đại đức tập sự xuất gia và chính thức xuất gia năm 18 tuổi.
Đại đức dành trọn đời cho công tác từ thiện xã hội, văn hóa, truyền thông, đã được HĐND, UBMTTQVN tỉnh Thanh Hóa biểu dương gương Người tốt - Việc tốt trong nhiều năm liền, cùng nhiều bằng khen, giấy khen khác. Thay mặt môn đồ pháp quyến, ĐĐ.Thích Nguyên Từ đã dâng lời tưởng niệm cố Đại đức.
Pháp quyến Đại đức dâng lời tưởng niệm
Phật tử rưng rưng tiếc thương thầy
Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND H.Như Xuân phát biểu tưởng niệm, bồi hồi nhớ kỷ niệm cách nay 2 năm.
Ông Phương nhận định: “Với lòng nhiệt huyết cháy bỏng, Đại đức đã không quản ngày đêm, nắng mưa, giá rét; do vậy, chỉ hơn sau bốn tháng bắt tay vào xây dựng công trình tính cho đến ngày Đại đức vĩnh viễn ra đi đã biến núi Yên Ngựa, một vùng đồi núi hoang sơ toàn cây cỏ, tre nứa, ao hồ… dần dần trở nên công trình ngoạn mục đầu tiên cho thiền tự Yên Cát (chùa Di Lặc), gồm nơi thờ Phật, giảng đường để phục vụ cho các khóa tu trong tương lai, gác chuông, lầu ngắm Phật, đầm Hạc, ao sen; đặc biệt là quảng trường Di Lặc với tượng Phật Di Lặc tươi cười, hiền hòa mang đến hạnh phúc cho nhân sinh với chiều cao hơn 7m, xung quanh tượng Phật Di Lặc là 12 pho tượng Di Lặc hóa thân cùng với 12 con giáp đẹp đẽ mang tính triết lý sống.
Ngoài ra còn nhiều hạng mục công trình khác do Đại đức phác họa như tượng Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni chúc phúc, đồi Quan Âm, tháp Dược Sư, công trình đúc đại hồng chung nặng một tấn mà sinh thời cố Đại đức chưa kịp thực hiện…
Trong quá trình xây dựng, khôi phục lại thiền tự Yên Cát, Đại đức đã cùng các vị lãnh đạo các ban ngành, đoàn thể cấp huyện và thị trấn Yên Cát tiến hành quy hoạch khu du lịch sinh thái tâm linh thị trấn Yên Cát có quy mô rộng hơn 27 ha, tương lai sẽ trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với Phật tử và du khách thập phương mà thiền tự Yên Cát như một điểm nhấn du lịch tâm linh cho Phật giáo huyện Như Xuân nói riêng và cho Phật giáo tỉnh Thanh Hóa nói chung, ông Phó Chủ tịch chia sẻ.
TT.Thích Tâm Đức trao 100 triệu đồng do chùa Thanh Hà tiến cúng đúc chuông
Nghi thức chú nguyện rót đồng đúc chuông
Đại đức Tánh Khả còn được biết đến là người có rất nhiều đóng góp cho Phật giáo tỉnh nhà với các hoạt động văn hóa, truyền thông, công tác từ thiện, đặc biệt là tham gia hướng dẫn các khóa tu cho giới thanh thiếu niên trong và ngoài tỉnh... Riêng với Giác Ngộ, Đại đức là CTV thường xuyên thực hiện tin tức Phật sự tại Thanh Hóa với bút danh Minh Tông.
Trước khi viên tịch, Đại đức đã lên ý tưởng, thiết kế xong khuôn chuông và định ngày đúc chuông nhưng do sự cố xảy ra nên buổi lễ không được diễn ra như dự định. Nhân dịp tưởng niệm chung thất, môn đồ pháp quyến đã thực hiện di nguyện đúc đại hồng chung nặng 1 tấn của Đại đức, được sự phát tâm tiến cúng tịnh tài của nhiều cá nhân, tập thể ngay tại buổi lễ.