Ưu tư về giáo dục Tăng Ni và hướng dẫn Phật tử

GNO - Nhân Đại hội Phật giáo TP.HCM kỳ VIII, có nhiều bài tham luận được gởi đến từ các đại biểu, trong đó tập trung phần lớn vào thực trạng giáo dục Tăng Ni và hướng dẫn Phật tử tu học.

Tìm hướng tu học cho Phật tử trẻ

Là một trong những đại biểu đầu tiên đăng đàn phát biểu tham luận hôm nay 26-9, TT.Thích Chơn Không, Phó ban Thường trực Ban Hướng dẫn Phật tử TP đã thay mặt Ban Hướng dẫn Phật tử thành phố nêu lên thực trạng tu học Phật pháp của nam nữ Phật tử.

wwwH9 (1).JPG

TT.Thích Chơn Không trình bày tham luận - Ảnh: Vũ Giang

Thượng tọa cho rằng, từ khi Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo ra đời năm 2004, các hoạt động Phật sự từ Trung ương đến địa phương đã có những bước phát triển quan trọng, chùa chiền được tu bổ xây dựng khang trang hơn, tín đồ phát tâm quy y đông hơn, sinh hoạt tu học của Tăng Ni Phật tử khởi sắc hơn...

Tuy nhiên, theo Thượng tọa, những người đến các tự viện để tu học, tụng niệm phần đông là nữ Phật tử lớn tuổi. Trong khi nam giới và thanh thiếu nhi Phật tử, sinh hoạt với các đạo tràng, các lớp giáo lý hay các giảng đường có phần thưa vắng và không thường xuyên.

wwwH9 (6).JPG

Toàn cảnh phiên trù bị - Ảnh: Vũ Giang

Lý giải về thực trạng này, Thượng tọa đưa ra các ba nguyên nhân chủ yếu: do Phật tử còn quan niệm “Trẻ vui nhà, già vui chùa”; hầu hết thanh thiếu niên Phật tử là sinh viên, học sinh hoặc là người mới ra đời lập nghiệp rất bận rộn với sự học tập, làm việc và giải trí; các khóa tu học, tụng niệm ở các tự viện cũng như nội dung thuyết giảng ở các giảng đường tuy đáp ứng được các nhu cầu tu học, tín ngưỡng của đa số Phật tử trọng tuổi, nhưng chưa phù hợp với tâm tư nguyện vọng của giới trẻ.

Ngoài ra, thanh thiếu nhi Phật tử với lứa tuổi thanh xuân vốn hiếu động, hồn nhiên và sôi nổi trong khi quý Phật tử lớn tuổi tính tình điềm đạm, nghiêm trang, trầm tĩnh nên khó hòa nhập với nhau trong một khóa lễ tụng niệm hằng ngày. Và các thiện nam và giới trẻ không được tích cực khuyến khích đi chùa lễ Phật, tụng kinh, học tập giáo lý từ thời thơ ấu; khi lớn lên các thiện nam và giới trẻ muốn đến chùa thì cảm thấy bỡ ngỡ, khó khăn, vì không biết xưng hô, chào hỏi, nói năng cho phù hợp cũng là một lý do.

wwwH9 (4).JPG

Chư tôn đức chủ tọa Đại hội - Ảnh: Vũ Giang

Từ thực trạng trên, TT.Thích Chơn Không đề nghị toàn thể Đại hội, đặc biệt là chư tôn đức Tăng Ni trụ trì các tự viện trong toàn thành phố, tạo thuận duyên để giới trẻ đến với Tam bảo, hướng dẫn giới trẻ thực hành khóa lễ dành cho thanh thiếu nhi Phật tử theo nghi thức tụng kinh Phước Đức.

Ngoài ra, thay đổi phương pháp thuyết giảng giáo lý từ độc thoại sang vấn đáp, đố vui, kể chuyện, đặt vấn đề và khuyến khích các em phát biểu; tổ chức các hoạt động văn nghệ Phật giáo, hoạt động thanh niên, khóa tu, hội trại thường xuyên dành cho giới trẻ cũng là những giải pháp mà Thượng tọa đề nghị.

Bức thiết việc quản lý Tăng Ni

Trong khi đó, cũng đăng đàn phát biểu tham luận nhưng HT.Thích Lãng Huỳnh, Chánh đại diện Phật giáo quận 7 lại tập trung vào công tác giáo dục và quản lý Tăng Ni.

Hòa thượng nhìn nhận, những năm qua, Phật giáo thành phố đã đạt thành một số kết quả nhất định nổi trội hơn trước 1975. Chính bề mặt phát triển thậm chí lạm phát mà Thành hội chưa kịp kiểm soát một số tệ nạn phát sinh khi lượng số tu sĩ các tỉnh thành đổ về quá đông, không có chùa cư trú, ra ở phòng trọ, nhà trọ hoặc nhà cư sĩ. “Điều nầy Giáo hội không làm sao kiểm soát, và cũng chưa có phương án giải quyết”, Hòa thượng khẳng định.

wwwH9 (2).JPG

HT.Thích Lãng Huỳnh trình bày tham luận - Ảnh: Vũ Giang

Hòa thượng cũng cho rằng những di dân các tỉnh phía ngoài nhập vào thành phố và ven đô, lạm dụng chiếc áo nhà tu để khất thực, bán buôn, làm tiền dưới nhiều hình thức đã gây tai tiếng không ít, nhiều lần báo chí đánh động, đến nay Thành hội vẫn chưa có hướng giải quyết dứt điểm. Song song đó là việc một số am thất mọc lên không hợp pháp, một số chùa chưa hợp thức hóa theo chủ trương Giáo hội, nằm ngoài danh sách cơ sở Giáo hội vẫn chưa quyết định. Trong khi một số chùa am tự nguyện tham gia Giáo hội nhưng vẫn chưa được Giáo hội cứu xét chấp nhận vì thế gặp nhiều trở ngại về thủ tục pháp lý.

Trở lại với vấn đề quản lý Tăng Ni, Hòa thượng cho biết một số Tăng Ni sinh từ các tỉnh vào, không được thầy tổ yểm trợ tài chánh nên việc học cũng gặp nhiều khó khăn, phải lệ thuộc vào tín đồ, thậm chí phải tìm việc để sinh lợi. Chính vì không được thầy tổ, không được Giáo hội giúp đỡ nên việc học không thành tựu như ý, vì thế trình độ càng chênh lệch nhau khá đông.

Từ những bất cập vừa nêu, Hòa thượng đề nghị Thành hội cần nắm bắt số lượng tu sĩ có mặt trong thành phố, trong từng quận huyện để từ đó Ban Đại diện thay mặt Thành hội điều hướng số Tăng Ni sinh đó vào khuôn khổ của tổ chức. Đối với những Tăng Ni sinh không trú tại chùa, Giáo hội nên thuê một khu nhà tập thể, quy tụ Tăng Ni sinh vào để kiểm soát lẫn nhau, tránh tình trạng bê tha mất phong cách, giảm uy tín tập thể tu sĩ.

wwwH9 (5).JPG

HT.Thích Trí Quảng điều hành phần phát biểu tham luận - Ảnh: Vũ Giang

wwwH9 (3).JPG

Các đại biểu chào hỏi nhau tại Đại hội - Ảnh: Vũ Giang

Thành hội cũng cần khuyến cáo Phật tử không nên tiếp tay dung dưỡng những tu sĩ ở nhà Phật tử mà tạo điều kiện cho họ vào tập thể để quần chúng dễ tập trung cung dưỡng, hỗ trợ cho việc tu học hơn là giúp cá nhân lẻ tẻ. Đồng thời nhanh chóng hợp thức hóa các cơ sở mà một số Tăng Ni sinh tự nguyện hoặc không tự nguyện tham gia sinh hoạt chúng của Giáo hội.

Cuối bài tham luận, Hòa thượng tin rằng nếu Phật giáo thành phố bắt tay vào việc, huy động các nguồn lực cùng tham gia thì tin chắc việc quản lý Tăng Ni trở nên dễ dàng hơn.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Chùa Long Hoa trao quà hỗ trợ đồng bào dân tộc

Chùa Long Hoa trao quà hỗ trợ đồng bào dân tộc

GNO - Chùa Long Hoa (Q.8) phối hợp UBND, Uỷ ban MTTQVN Q.8, các mạnh thường quân tổ chức trao 300 phần quà đến các hộ đồng bào dân tộc, hộ dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Q.8 vào ngày 16-4.

Thông tin hàng ngày