GN - Xe bị cán đinh, tôi đành phải dắt bộ đi tìm điểm vá xe.
Nắng Sài Gòn thật gay gắt, mồ hôi nhễ nhại, và rồi tôi cũng tìm được tiệm để vá. Tuy nhiên, khi dắt xe vào tiệm vá xe vỉa hè thì chỉ có một phụ nữ xấp xỉ 50 đang bán giải khát.
- Chị ơi, ở đây có vá xe không ạ? Tôi hỏi.
- Có, em chờ một chút. Người phụ nữ bán giải khát trả lời.
Tôi nghĩ chắc tôi phải chờ một người đàn ông đến vá xe cho tôi nên gọi một ly nước mía để giết thời gian.
Đột nhiên, người phụ nữ ấy mang móc lốp và những dụng cụ vá xe ra. Thấy phụ nữ chân yếu tay mềm loay hoay với các dụng cụ vá xe toàn sắt nên tôi cũng đến phụ chị ta. Tôi vốn không quen nên cũng không giúp được nhiều.
Vá xong thì chị ấy lại gặp rắc rối khi ráp vào. Chợt có một chàng trai tóc hoe, bận quần jean, áo thun, đi giày nâu trông rất “teen” chạy đến: “Mẹ để đó cho con”. Nói rồi cậu ta lăn xả vào làm thay mẹ và bơm xe cho những người đi đường khác nữa. Cậu ấy vừa làm, vừa cười nói với mẹ với những câu từ rất lễ phép, đầy đủ chủ ngữ và vị ngữ chứ không cộc lốc như những “teen” khác mà tôi vẫn thường nghe, thấy.
Qua vài câu trò chuyện, tôi được biết cậu ấy đang là sinh viên và cậu ấy vừa đi học về. Chàng trai mải làm việc và cũng không “giữ gìn” gì bộ quần áo tân thời mà cậu ta đang mặc, tóm lại là cậu ta không sợ bẩn đồ.
- Mẹ ơi, của chú này hết bao nhiêu tiền ạ?
- Con xin chú 15 ngàn. Người mẹ đáp.
- Chú cho con xin 15 ngàn ạ. Chàng trai quay qua nói với tôi.
Tôi trả 20 ngàn và bảo cậu ấy không phải thối lại đâu.
- Con xin, con cảm ơn chú ạ. Cậu ấy nói.
Chứng kiến câu chuyện của mẹ con người vá xe, tôi suy nghĩ đến vài vấn đề sau:
Thứ nhất, nếu cha mẹ rèn luyện con cái qua thông qua việc hướng dẫn cho con mình biết lao động thì con cái sẽ có kỹ năng sống tốt hơn.
Thứ hai, trong cái xã hội mà cha mẹ cứ đau đáu nhìn về thành tích của con mình, như: điểm học tập phải cao, phải thi vào trường này trường nọ, phải là ông này ông nọ... thì tư tưởng giẫm đạp lên người khác để sống chắc chắn sẽ hình thành ở trẻ. Và nếu như vậy, thì vô cảm, ích kỷ... có hình thành ở trẻ cũng là điều dễ hiểu.
Thứ ba, qua câu chuyện mẹ con người vá xe, về kinh tế họ giàu hay nghèo thì tôi không thể đánh giá, nhưng có thể thấy rằng, họ giàu chữ lễ, giàu kỹ năng lao động, dồi dào kỹ năng sống.
Những nghiên cứu về tâm lý - giáo dục cho thấy trẻ con nông thôn có kỹ năng sống, kỹ năng lao động tốt hơn trẻ con sinh ra và lớn lên ở thành phố. Ngược lại, trẻ con thành phố nhanh nhạy hơn trong vấn đề tiếp cận văn minh, chẳng hạn như internet, smartphone....
Phải chăng, những người không có điều kiện sống tốt lại có kỹ năng sống tốt hơn, có sự sáng tạo, chịu khó hơn so với những người sống trong “nhung lụa”. Nhiều năm qua, trong các kỳ thi tuyển sinh, số lượng thủ khoa đến từ nông thôn luôn áp đảo. Điều đó cho thấy dù không có điều kiện học tập tốt như học sinh thành phố nhưng nếu giàu nghị lực và ý chí vượt khó, phát huy sáng tạo, nhất là không ỷ lại đã giúp cho các em có kết quả học hành, thi cử vượt trội hơn.
Mới hay, văn hóa sống và kỹ năng sống của giới trẻ cần được nuôi dưỡng, un đúc từ chiếc nôi gia đình, các bậc cha mẹ và sau đó mới là học đường và các môi trường xã hội khác.