GNO - Đối với người học Phật - thực tập thương yêu mọi người, mọi loài - không chỉ giữ gìn nguyên tắc không sát hại mà còn giải cứu cho những loài khác thoát khỏi nỗi đau khổ khi sắp bị sát hại. Trong ý niệm đó, phóng sanh là pháp tu được Phật tử thực hành như một phương pháp nuôi dưỡng lòng từ, thể hiện việc tôn trọng mạng sống - bởi vốn loài nào cũng sợ chết - để tăng trưởng từ bi.
Loài nào cũng sợ chết, nên chớ giết, chớ bảo giết... Ảnh minh họa
Theo nghi thức phóng sanh của Phật giáo, khi phát hiện một loài nào đó đang sắp bị hành hình - có nguy cơ bị tổn hại tánh mạng - thì giải cứu, trước khi phóng thích, thường sẽ thực hiện pháp chú nguyện, quy y Tam bảo cho loài ấy, gieo duyên Phật pháp để những loài đó trong những đời sau, hội đủ duyên lành thì cùng đi trên đường vui tu tập, làm an lạc cuộc đời....Tuy nhiên, trong quá trình thực tập hạnh lành phóng sanh ít nhiều tạo ra những điều "ngoài ý muốn", đôi khi do người trong cuộc không thấy rõ "tác dụng phụ" của việc làm hoặc suy nghĩ sai lệch trong khi thực hiện. Ví dụ như, nghĩ rằng phóng sanh là tốt nên có nhiều người mua những loài độc hại thả vào môi trường, trong đó có rắn rết có thể cắn chết người lại thả gần khu dân cư hoặc những loài tàn hại cho nông nghiệp hoặc mất cân bằng sinh thái ở nơi thả (gây hại cho những loài khác đang có lợi cho môi trường đó)... Đồng thời, việc phóng sanh - nếu không khéo - lại có thể tạo ra dịch vụ bắt nhốt các loài (như chim, cá...) để phục vụ cho nhu cầu của người phóng. Như thế, phóng sanh vô tình lại là duyên khởi của giam cầm, gây hại cho loài khác. Nhiều người còn có ý niệm mua cá nuôi hoặc cá con ở những chỗ chuyên cung cấp cá phóng sanh thả cho được nhiều, thuận tiện mà đôi khi không biết được những sinh vật thả ra có đủ sức chống chọi với môi trường tự nhiên để tồn tại hay không...Phóng sanh - cứu mạng loài khác, người khác - đâu phải như vậy, càng không thể tính toán là phóng sanh cá con (thậm chí cá giống) để được nhiều mạng hơn... Phóng sanh - với phát xuất điểm là cứu mạng - lại dẫn tới dịch vụ bắt, nhốt, giam cầm, để chờ đợi người tới mua phóng như tình trạng bán chim, cá phóng sanh trước một số chùa hiện nay phần nào đó không ổn lắm. Thêm nữa, nhiều chùa và nhiều nhóm Phật tử tổ chức phóng sanh đôi khi cảm tính, không tìm hiểu kỹ môi trường sống của các loài nên phóng vào môi trường những loài không sống được chỗ ấy hoặc những loài gây hại cho môi trường đang yên đang lành nào đó. Thiết nghĩ điều này nên tránh. Để thực hiện hạnh phóng sanh được lợi lạc nhất thì trước tiên cần chấm dứt việc mua chim, cá phóng sanh từ những dịch vụ chuyên cung cấp. Phật giáo cũng nên phối hợp với các nhà môi trường, sinh học để có một danh mục các loài không nên đưa vào môi trường vì gây hại cho tự nhiên... Thêm nữa, Phật tử phóng sanh - gần gũi nhất - nên là giảm bớt việc ăn mặn, thực tập ăn chay để tránh duyên khởi của sự sát hại loài khác. Ra sức sống xanh bằng cách bảo vệ các loài, lên án việc săn bắt chim, thú vô tội vạ hoặc những thói quen ăn thịt chó, các việc tế lễ phản cảm, thiếu nhân văn mỗi dịp đầu năm chẳng hạn - đó cũng là một hình thức khác của phóng sanh, nuôi dưỡng bi tâm trên bước đường tu học lời Phật dạy.Đối với người học Phật, nghĩ-nói-làm phải trên tinh thần Bát chánh đạo, trí và bi phải song hành, từ đó mới không rơi vào chỗ mê lầm, làm việc ngỡ thiện nhưng lại ác, ngỡ lợi nhưng hại nhiều hơn...
Lưu Đình Long
____________
* Bạn đọc có ý kiến thêm hoặc ý kiến khác về đề tài phóng sanh - xin mời viết bài và gửi về: toasoan@giacngo.vn. Trân trọng!