Vai trò hoằng pháp của vị trụ trì

GN - Sự nghiệp hoằng pháp là nghĩa vụ thiêng liêng, sứ mệnh cao cả của người xuất gia nói riêng và người con Phật nói chung.

Giáo pháp của Đức Phật mang tính nhân bản, chỉ dẫn con người quay về đời sống nội tâm, ổn định đời sống đạo đức tâm linh cho mỗi cá nhân và cộng đồng. Nếu Chánh pháp không được truyền bá và ứng dụng trong đời sống thì Phật giáo chỉ như món đồ trưng bày, không mang lại lợi ích thiết thực. Muốn cho Phật pháp được lan rộng đến nhân quần xã hội, cần phải nhờ những “sứ giả Như Lai” hoằng truyền, nhận lãnh sứ mạng tiếp Tăng độ chúng, truyền trao giáo pháp của Đức Phật cho chúng sanh, hầu chuyển hóa tâm thức, tạo dựng một đời sống an lạc và hạnh phúc ngay tại thế gian. Những vị ấy phải có tâm nguyện dấn thân phụng sự đạo pháp, phục vụ nhân sinh trên tinh thần vô ngã vị tha.
maichua.jpg

Vị trụ trì là sứ giả trong việc hoằng dương Phật pháp, bởi lẽ, ngôi chùa là nơi quy tụ quần chúng Phật tử, gắn bó với mọi hoạt động của con người và xã hội. Công cuộc tuyên dương Chánh pháp chịu ảnh hưởng rất lớn bởi công năng tu tập và hiệu quả gánh vác các hoạt động Phật sự địa phương của vị trụ trì. Ở góc độ thực tế, vai trò người trụ trì trở thành tác nhân trung tâm của mọi vận động Phật sự và chuyển tải nội dung Phật pháp vào xã hội, giúp cho giáo pháp của Đức Phật được lan tỏa khắp nơi, đến với nhiều đối tượng khác nhau.

Ngôi chùa cần được coi như là một cơ sở truyền bá Phật pháp chứ không phải chỉ thuần túy đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng. Vị trụ trì có nhiều thuận lợi và ưu thế, có tính chủ động cao trong sứ mệnh hoằng pháp. Một vị trụ trì phải là một nhà hoằng pháp hữu hiệu, nên phải biết rõ vai trò quan trọng của mình và bối cảnh xã hội, nhu cầu của tín đồ và sự vận động bánh xe pháp như thế nào để chuyển đổi cơ chế sinh hoạt cho phù hợp với thời đại.

Trụ trì mang ý nghĩa “Trụ Pháp Vương gia, trì Như Lai tạng”. Trụ Pháp Vương gia” là an trú trong ngôi nhà của Đấng Pháp Vương, tự thân cảm nhận sự an nhiên tự tại khi thực hành các phương pháp tu tập, thể hiện qua thân khẩu ý, ứng dụng các pháp thế gian và xuất thế gian trong đời sống hàng ngày. “Trì Như Lai tạng” là giữ gìn kho báu của Như Lai sẵn có nơi chính mình. Có định nghĩa khác, “Trụ Như Lai x, hành Như Lai s”, nghĩa là trụ trì là người ở nhà Như Lai, làm việc của Như Lai. Ở nhà Như Lai là ở nhà vô trụ vô chấp, làm việc Như Lai là hoằng pháp độ sanh, là sứ giả thay Phật giáo hóa chúng sanh.

Vị trụ trì đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc xương minh đạo pháp và góp phần vào việc hộ quốc an dân. Trụ trì có những nhân tố tích cực hay tiêu cực trong sự nghiệp phụng sự đạo pháp và dân tộc tùy theo nhận thức và việc làm của từng vị. Nếu vị trụ trì nơi tự viện đó có đạo hạnh, thiện xảo hoằng dương, truyền trì mạng mạch Phật pháp, hướng dẫn quần chúng tu học thì Phật giáo nơi đó hưng thịnh, Phật tử càng sanh tín tâm hộ pháp. Ngược lại, nếu chỉ đặt nặng phát triển về cơ sở vật chất, cuộc sống thực dụng, sinh hoạt theo những hình thức mê tín dị đoan, không chú trọng đến việc truyền bá Chánh pháp và tạo dựng môi trường chuyên tu thì Phật pháp cũng sẽ theo đó mà suy vi.

Vị trụ trì cũng đóng vai trò chính yếu trong việc tạo lập niềm tin nơi quần chúng để mọi người có cái nhìn tốt đẹp về một đạo Phật thực tiễn và khoa học, góp phần trong sự tồn tại và phát triển cơ sở Phật giáo tại địa phương. Khả năng hướng dẫn, chuyển hóa những người chưa hiểu đạo vào đạo là một vấn đề quan trọng trong sứ mạng hoằng pháp thông qua nghệ thuật giáo hóa và công năng tu tập của vị trụ trì. Trụ trì là người có điều kiện thường xuyên tiếp cận Phật tử, giải quyết những vấn đề vướng mắc trong tu học và định hướng một đời sống đạo đức tâm linh cho họ. Do vậy, vai trò của vị trụ trì trở thành trung tâm chuyển tải nội dung Phật pháp, khơi nguồn tuệ giác trong mỗi người và cũng là trung tâm vận động mọi Phật sự nơi địa phương khi cần thiết. Muốn hoàn thành trách nhiệm, vai trò của vị trụ trì trong sự nghiệp phụng sự đạo pháp và dân tộc, điều kiện tiên quyết là khi thực hiện mọi Phật sự phải đúng theo Chánh pháp và giới luật của Phật.

Nghiêm trì giới luật là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu của vị trụ trì. Đạo hạnh uy nghiêm mới có thể làm chỗ nương tựa vững chắc cho tứ chúng noi theo tu tập và đảm đương vai trò sứ mạng hoằng pháp độ sanh. Khi giới luật được giữ gìn một cách thanh tịnh thì tính cách ly trần thoát tục của một bậc xuất gia hiện bày. Mọi người khi nhìn vào đạo hạnh sáng ngời của vị trụ trì sẽ phát tâm quy hướng Phật pháp. Do đó, việc giữ gìn giới luật của vị trụ trì không chỉ lợi ích cá nhân mà còn làm lợi ích cho rất nhiều người. Đây là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên sự cảm hóa quần chúng đến với đạo Phật, dẫn đến thành công trong quá trình hoằng dương Chánh pháp.

Nếp sống chuẩn mực trong đời sống phạm hạnh của vị trụ trì cũng phản chiếu tấm gương cao đẹp đến với mọi người. Hình ảnh và nếp sống đạo hạnh của vị trụ trì sẽ là một bài thuyết pháp vô ngôn sinh động, đầy tính thuyết phục để cảm hóa mọi người trở về với Chánh pháp. Thân giáo là một biểu tượng mẫu mực gây được ấn tượng đạo hạnh trên bước đường cảm hóa tha nhân. Trong cuộc sống thường nhật, quần chúng Phật tử thường quan sát và nhận xét vị trụ trì ở nhiều góc độ, từ hình dáng, cử chỉ cho đến phong cách ứng xử, trình độ tu tập cũng như phương pháp hành trì...

Có những vị trụ trì tuy khả năng thuyết giảng không được thông lợi, hoạt bát nhưng chính thân giáo của vị ấy với uy đức thanh cao là bài pháp vô ngôn chuyển hóa biết bao con người quay về nẻo giác. Tự thân của người mang sứ mệnh hoằng pháp phải luôn tu dưỡng bản thân, hoàn chỉnh nhân cách của mình để làm mô phạm cho mọi người xung quanh. Nếu không có một đời sống mẫu mực thì không thể tạo cho đồ chúng niềm tin tưởng và khiến họ thực hành theo những gì mình hướng dẫn, con đường giáo hóa sẽ không mang lại kết quả gì. Điều cần thiết phải có nơi vị trụ trì chính là trí và đức. Thông qua những hoạt động thường ngày, vị ấy thể hiện được cung cách của một bậc xuất trần thượng sĩ, giải quyết mọi việc bằng cái tâm tu tập và hành trì lời Phật dạy, tạo nên nguồn năng lượng chuyển hóa an lạc cho mọi người.

Với mục đích chuyển tải tư tưởng của Đức Phật đi vào đời sống thực tiễn, vị trụ trì không chỉ truyền bá Phật pháp qua kiến thức Phật học phổ quát trên lý thuyết văn tự mà phải bằng sự thực nghiệm tự thân trải nghiệm công phu tu tập. Khi muốn chỉ dạy cho người khác một phương pháp tu tập nào đó, đòi hỏi người trụ trì phải là người có quá trình công năng tu tập, đạo lực thăng tiến, đã có hành trì qua phương pháp thực nghiệm mới có khả năng ứng dụng một cách nhuần nhuyễn để chuyển hóa và tháo gỡ những vướng mắc cho người khác. Những phương pháp hướng dẫn đó phải đúng theo lời Phật dạy, thực tế và mang đến lợi ích thiết thực trong hiện tại và tương lai. Vị trụ trì phải có quá trình tu học lâu dài, chuyên sâu nghiên cứu kinh điển và hành trì giáo pháp. Nếu vị ấy không có sự dụng công nhất định trong nghiên cứu và tu tập sẽ là một thiếu sót lớn, sứ mạng hoằng pháp cũng khó mà thành tựu.

Ngày nay, tín đồ Phật tử nhiều người có trình độ Phật pháp sâu sắc. Do vậy, vị trụ trì cũng cần phải trang bị cho mình kiến thức về mọi lãnh vực cần thiết cho trách vụ của mình, thông suốt nội điển, am hiểu ngoại điển, phải có kinh nghiệm tiếp Tăng độ chúng, biết cách tổ chức tu học trong thiền môn, kiến thức thẩm mỹ về xây dựng chùa, cách trần thiết nơi thờ tự... Dù rằng, vị trụ trì đa đoan Phật sự nhưng phải dành thời gian nghiên cứu thêm kiến thức phổ thông và nội điển để theo kịp sự phát triển và đổi mới của thời đại, tham dự các khóa hội thảo, bồi dưỡng hoằng pháp, bồi dưỡng nghiệp vụ trụ trì do Giáo hội tổ chức.

Để hoàn thành những mục tiêu và nhiệm vụ trên, vị trụ trì cần phải hoàn thiện về phương thức thuyết giảng, đa dạng hóa nội dung các đề tài được thuyết giảng mang tính sáng tạo và thực tiễn, vận dụng nhuần nhuyễn các phương tiện để có khả năng chuyển tải cao nhất triết lý Phật giáo vào đời sống hàng ngày của người Phật tử cũng như đời sống xã hội. Lời dạy của Đức Phật dù có cao quý, lợi ích đến đâu, nếu không có người truyền bá thì lời dạy ấy cũng không được thiết thực lợi lạc nhân sinh. Chính vị trụ trì là người trực tiếp chỉ dạy cho mọi người hiểu biết, nhận chân được đâu là con đường giác ngộ giải thoát, vận dụng như thế nào mới mang lại lợi ích thiết thực, an lạc, hạnh phúc cho chúng sanh.

Mỗi ngôi chùa phải là một trung tâm văn hóa, giáo dục của Phật giáo, mà vị trụ trì đóng vai trò linh hồn chủ đạo trong việc xây dựng cơ cấu tổ chức sinh hoạt của trung tâm đó. Cần duy trì thường xuyên những buổi thuyết giảng vào các khóa tu định kỳ, những ngày sám hối tại chùa, hoặc lồng ghép vào các chương trình lễ hội như Phật đản, Vu lan, các ngày lễ vía, giỗ Tổ, ngày truyền thống... nhằm tạo sinh khí cho phong trào tu học nơi mỗi tự viện và là cách truyền bá Phật pháp sâu rộng từ mỗi cơ sở tự viện nơi địa phương. Thiết lập đạo tràng tu tập là một trong những mục tiêu của Giáo hội nói chung và của mỗi vị trụ trì nói riêng nhằm đáp ứng nhu cầu tu học của Phật tử hiện nay, rèn luyện lối sống lành mạnh, những phương pháp thực tập có lợi ích thiết thực cho sự chuyển hóa thân tâm, nhân rộng nguồn năng lượng bình an cho cộng đồng. Người xưa có câu: “Trăm hay không bằng tay quen”. Đây cũng là phương cách tạo điều kiện cho vị trụ trì có nhiều dịp được thực tập thuyết giảng, nói chuyện trước đông đảo quần chúng, củng cố khả năng hoằng pháp của mình. Mặt khác, cần học hỏi và mạnh dạn cải cách những phương thức hoằng pháp không phù hợp với thực tế, thiếu khoa học, đặc biệt là những tín ngưỡng mang màu sắc mê tín dị đoan cần phải được mạnh dạn xóa bỏ.

Việc tổ chức các lễ hội Phật giáo cũng đóng vai trò không thể thiếu trong vấn đề hoằng pháp đối với đại đa số quần chúng Phật tử. Vị trụ trì phải biết cách tổ chức các lễ hội Phật giáo mang nét đặc thù của văn hóa Phật giáo, vừa trang nghiêm, vừa chuyển tải được những ý nghĩa sâu sắc của triết lý đạo Phật. Một buổi lễ trang nghiêm, ấn tượng sẽ tạo một ảnh hưởng sâu đậm trong tâm tư và cảm xúc của những người tham dự, từ đó dễ tạo điều kiện khuyến khích họ đến chùa tu tập.

Hiện nay, một số buổi lễ Phật giáo được tổ chức nhằm đáp ứng nhu cầu của Phật tử như: lễ hằng thuận, chúc thọ, an vị Phật, cầu an, cầu siêu... cũng khá phổ biến tại các chùa và tư gia của Phật tử. Thông qua các buổi lễ đó, tín đồ sẽ có mối quan hệ mật thiết với ngôi chùa nhiều hơn, và cũng thể hiện tinh thần tùy duyên nhập thế của đạo Phật. Tuy nhiên, phải xem đây là những phương tiện hoằng pháp nhằm dẫn dắt họ tìm hiểu cái hay cái đẹp của đạo Phật, rồi từng bước đưa họ đến với Phật pháp bằng cái nhìn chân chánh, không nên lợi dụng những hình thức nghi lễ mang màu sắc tín ngưỡng dân gian thần bí, làm mê hoặc lòng người để thực hiện những ý đồ lợi dưỡng cá nhân.

Việc thiết lập mối quan hệ tốt đẹp giữa ngôi chùa với tình làng nghĩa xóm xung quanh cũng là một cách thức hoằng pháp rất ưu thế. Những việc mang lại lợi ích cho làng xóm để mọi người cảm nhận được hình ảnh tràn đầy tình thương yêu, từ bi lân mẫn của vị trụ trì là một hình thức đem đạo vào đời, tạo được thiện cảm thân thương, gắn bó giữa ngôi chùa với người dân. Người trụ trì phải tu tập tâm từ bi nhẫn nại để có một tình thương và uy đức lan tỏa đến mọi người, tích cực tham gia các công tác từ thiện nhân đạo, xây dựng nhà tình thương, đưa đoàn bác sĩ về khám bệnh từ thiện cho người dân..., tất cả đều không ngoài sứ mạng “hoằng pháp vi gia vụ, lợi sanh vi bản hoài”.

Tóm lại, vị trụ trì đóng một vai trò quan trọng trong sứ mạng hoằng pháp độ sanh. Trụ trì là chủ thể, là linh hồn của ngôi tự viện, giữ vai trò lãnh đạo, tiếp Tăng độ chúng, là nhà giáo dục tâm linh dẫn dắt tín đồ hướng đến đời sống thuần lương đạo đức, tu tập giải thoát theo giáo lý Đức Phật. Sự thịnh suy của ngôi chùa, ở mặt nào đó, cho thấy sự thịnh suy của đạo Phật tại địa phương và ảnh hưởng đến sự thịnh suy chung của Phật giáo Việt Nam. Nếu một vị trụ trì có quá trình tu học nghiêm mật, có phẩm chất đạo đức thanh thoát, có đời sống chuyển hóa, có khả năng thuyết giảng trên pháp tòa thì đó là những yếu tố ưu việt, giúp cho vị ấy hoàn thành sứ mạng cao cả của mình một cách tốt đẹp.

Làm trụ trì là nắm trong tay vận mạng của Phật pháp. Ngôi chùa có được quần chúng tin yêu hay không, có tiếp nối chư vị Tổ sư truyền trì mạng mạch Phật pháp hay không, tất cả đều tùy thuộc vào người trụ trì nhiệt tâm, có đạo hạnh, có kiến thức cũng như khả năng trong công tác hoằng pháp lợi sinh, hưng long Tam bảo, cùng góp sức xây dựng tòa nhà Chánh pháp mãi mãi trường tồn trong thế gian sinh diệt này.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

NSGN - Hòa thượng Ẩn Sơn có pháp húy là Thành Nhạc, thuộc đời 34 Thiền phái Lâm Tế, theo kệ phái Đạo Mân Mộc Trần. Hòa thượng là vị Tổ khai sơn chùa Long Thiền, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Học giới cho ngài là đệ tử của Hòa thượng Nguyên Thiều Thọ Tông (1648-1728).
Ví dụ mặt trăng

Ví dụ mặt trăng

NSGN - Tỳ-kheo các thầy phải tu tập giống như mặt trăng, như người mới học, khi đi vào nhà người thì phải nhiếp tâm, kiểm thúc thân, biết hổ biết thẹn, luôn khiêm hạ.
Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày