Văn hóa hiếu đạo

GN - Khi Việt Nam “nhập siêu” văn hóa Trung Hoa 

Nếu kim ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc đối với Việt Nam luôn luôn  nghiêng về hướng “xuất siêu” cho Trung Quốc lên đến vài chục tỷ USD thì trong lãnh vực văn hóa, chúng ta cũng đã có lúc “ngợp” trước văn hóa của họ.

Có thể thấy bằng mắt một cách cụ thể là phim ảnh tràn ngập trên truyền hình, ngoài rạp chiếu phim từ Càn Long, Hoàn Châu cách cách, cho đến Diệp Vấn (1, 2)... đến mức có người nói VTV hay HTV cũng đều là Hoa TV! Gần đây hình như những người phụ trách truyền thông cũng đã nhận ra vấn đề khuynh loát ấy nên liều lượng phim Hoa có phần giảm bớt, thay bằng phim Ấn Độ hay Hàn Quốc.

Sau sự kiện các “sao” người Hoa nhất loạt ủng hộ “đường lưỡi bò”, phản đối phán quyết của Tòa trọng tài PCA, Đài Truyền hình Bình Thuận tạm ngưng chiếu “Tân Bến Thượng Hải” do sự có mặt của Huỳnh Hiểu Minh, một tài tử phản đối phán quyết của PCA. Không biết rồi ra còn đài nào theo khuynh hướng ấy không?

nguyencan1.jpg


Chữ hiếu trong đạo Phật trải dài vô cùng tận
vì Phật giáo quan niệm bất cứ ai cũng có thể là cha mẹ mình trong một kiếp trước

Mỗi tháng Bảy, nhìn lại Vu lan, chúng ta thấy ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa khá sâu đậm. Có những ảnh hưởng tồn tại từ bao đời nay, có cả những “di chứng”  cần xem xét cẩn thận. Hãy thử cùng nhìn lại xem những gì nên giữ và những gì nên loại ra khỏi đời sống văn hóa hôm nay.

Gạn đục khơi trong Mùa Vu lan - mùa cúng cô hồn

Chúng ta thấy chữ hiếu theo quan niệm Phật giáo không chỉ gói gọn trong bổn phận hay nghĩa vụ đối với mẹ cha. Chặng đường gian nan mà ngài Mục Kiền Liên phải trải qua để đánh thức thiện tâm của mẹ ngài lưu truyền ngàn năm nay, cho thấy ngài không chỉ thể hiện lòng hiếu thảo - hay rộng ra là lòng từ bi với mẹ mình mà còn với  bao con người hay tâm thức đang quằn quại nơi địa ngục.

Vu lan là một nét văn hóa Đông phương khi được gọi là ngày xá tội vong nhân. Ngoài ra, chúng ta còn gọi Vu lan là mùa báo hiếu, chứ không chỉ có một Ngày Cha (28-6) hay một Ngày Mẹ (11-5) như truyền  thống Tây phương.

Theo giải thích của HT.Thích Trí Quảng trên một bài viết về nguồn gốc của khoa nghi Mông sơn thí thực: “ … khi giáo lý đạo Phật truyền sang Trung Hoa, nước này thường xảy ra chiến tranh liên tục, đến độ phân chia thành nhiều nước nhỏ xâu xé nhau. Vì vậy, chuyện chết chóc luôn đè nặng lên tâm lý người Trung Hoa thời bấy giờ.

Tục truyền có người họ Vương chết một tuần rồi sống lại. Ông cho biết khi xuống âm phủ, thấy có nhiều vong hồn đói khổ. Ông được Diêm vương chỉ bày cách thức về trần thế phải đốt giấy tiền vàng bạc gởi xuống cho cô hồn. Từ đó có phong tục cúng cô hồn trong dân gian”.

Hòa thượng cho biết, đến đời Tống, có ngài Bất Không Tam Tạng chuyên tu Mật giáo ở núi Mông (thuộc tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc). Bằng độ cảm tâm của vị tu chứng, ngài nhìn thấy các loài ở thế giới âm đến xin ăn. Với lòng từ bi, ngài cho cô hồn thức ăn bằng cách đọc những câu thần chú, thì mỗi loài tự cảm thấy no đủ. Từ đó, ngài soạn ra nghi thức cúng thí cô hồn, gọi là Mông sơn thí thực. Bấy giờ, Phật giáo mới chính thức có nghi thức cúng cô hồn... Những hành giả muốn đi trên con đường thánh thiện giải thoát của Đức Phật không gì khác hơn là phải nỗ lực phát huy trí tuệ, phát triển đời sống giới đức, phạm hạnh. Vì chỉ có đức hạnh và trí tuệ mới tạo cho hành giả có năng lực siêu nhiên vượt ngoài nhận thức thông thường của thế gian.

Chúng ta phải hiểu rằng cô hồn khổ vì thức khổ, không phải thân vật chất khổ. Tôn giả Mục Kiền Liên giải tỏa ý thức khổ cho họ bằng bài kệ kinh Hoa nghiêm. Theo đó, bài kệ nói lên sự giác ngộ của ba đời các Đức Phật, quán sát thấy mọi việc, mọi hiện tượng xảy ra trên cuộc đời, nói rộng là pháp giới, đều do tâm tạo ra.

Đạo hiếu - Những dị biệt dưới lăng kính Khổng giáo

Kinh Thi, một trong những bản kinh cổ xưa của học thuyết Nho giáo đã không ngần ngại tuyên ngôn “Hiếu đạo” là cơ sở thiết lập, mở đầu văn hóa tình người một cách thiết thực mà ai cũng có thể cảm nhận: “Phụ hề sinh ngã, mẫu hề cúc ngã, ai ai phụ mẫu sinh ngã cù lao, dục báo thâm ân, hiệu thiên võng cực” (Cha sinh ta ra, mẹ bồng bế ta, thương thay cha mẹ, sinh ta khó nhọc, muốn báo đáp ân sâu, khác nào trời cao không lường). Thế nên, Khổng Tử từng nói:“Đạo hiếu bắt đầu từ việc thờ cha mẹ, kế đến là thờ vua giúp nước và sau cùng là lập thân”. Đó chính là suối nguồn văn hóa mà mỗi cá nhân hiện hữu ở cõi đời này đều khát khao thực thi. Lịch sử thường minh chứng như thế, một người được tiếp nhận nguồn giáo dục khởi đầu bằng sự hiếu thảo với mẹ cha khi ở nhà, cũng có thể là người nỗ lực đóng góp cho đất nước. Và như thế, đây chính là mẫu người trung hiếu lưỡng toàn của mỗi gia đình, của mỗi quốc gia dân tộc.

Nhưng Khổng giáo lại nặng lời phê phán Phật giáo, một tôn giáo cũng xem chữ hiếu như một bổn phận, một đức hạnh căn bản của con người. Phê bình đầu tiên cho rằng việc cạo tóc của Tăng sĩ là bất hiếu bởi vì Hiếu kinh nói rằng từ thân thể, các chi, tóc và da là nhận từ cha mẹ nên người ta không được làm tổn hại chúng.

Mâu Tử phản bác những nhà phê bình bằng việc nói rằng đạo đức quan trọng hơn da và tóc. Phê bình thứ hai là về đời sống độc thân của Tăng sĩ không người nối dõi. “Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại”. Họ chê trách tu sĩ Phật giáo bỏ nhà đi tu không phụng dưỡng cha mẹ, không cư tang ba năm khi cha mẹ mất và không biết tưởng nhớ. Mâu Tử phản bác bằng cách đưa ra những ví dụ rằng Hứa Do xây tổ trên cây, còn Bá Di và Thúc Tề chết đói trên núi Thủ Dương, nhưng “Khổng Tử khen ngợi họ”. Nó giống như những Tăng sĩ Phật giáo thực hành phạm hạnh bằng việc từ bỏ những niềm vui thế tục. Chữ hiếu theo Khổng giáo là phải tôn kính cha mẹ, nhất là cha, vì theo phụ quyền. Thế nên “Phụ sử tử vong, tử bất vong, tử bất hiếu”. “Đạo trời đất, con người là quý nhất. Hành vi của con người không gì lớn hơn hiếu thảo, hiếu thảo không gì lớn hơn tôn thờ cha, tôn thờ cha không gì lớn hơn sánh cha với trời” (Hiếu kinh).

Phê bình thứ ba liên quan đến những tập quán Phật giáo, chẳng hạn như áo quần và hành xử  khác với truyền thống Trung Quốc. Mâu Tử biện luận rằng “vào thời Tam hoàng, người ta ăn thịt sống, mặc da thú, sống ở trên cây hay ở trong các hang động”. Tuy nhiên, “những người ấy được nói là có đức hạnh, chân thật trung thực, tín tâm và vô vi. Như vậy, thực hành của Tăng sĩ Phật giáo là tương tự với họ”.

Chúng ta không cần dùng luận điểm của Mâu Tử vì chẳng cần phải cố gắng chứng minh mình giống họ làm gì, bởi lẽ  chữ hiếu của Khổng giáo có nội hàm khác so với nhà Phật. Theo Giáo sư Cao Huy Thuần, “Chữ hiếu trong đạo Phật trải dài vô cùng tận vì Phật giáo quan niệm bất cứ ai cũng có thể là cha mẹ mình trong một kiếp trước”. (Lời tựa sách Tôn giả Đại hiếu Mục Kiền Liên do HT.Thích Trung Hậu sưu tầm, 2016).

nguyencan2.jpg

Trong kinh Tương ưng, Đức Phật còn nói: “Vô thỉ luân hồi, tất cả chúng sinh từng làm cha, làm mẹ, làm anh, làm chị, là bà con quyến thuộc trong các nẻo đường sinh tử”. Đạo lý giải thoát khổ đau, chứng ngộ Niết-bàn cũng bắt đầu từ đây. Thế nên, Phật giáo không nhìn cha mẹ dưới hình ảnh phụ quyền mà dưới lăng kính từ bi. Hình ảnh rõ nhất là Mục Kiền Liên sau khi đắc thần thông, ngài nghĩ ngay đến việc cứu mẹ. Nếu cha mẹ làm sai thì sao? Theo Luận ngữ, “Thờ cha mẹ nên nhỏ nhẹ khuyên can, nếu thấy cha mẹ không theo ý mình thì vẫn cung kính mà không  xúc phạm, tuy khó nhọc, lo buồn, song không được oán hận” (IV.18). Trong Lễ ký, Không Tử vẫn luôn cho rằng vâng lời cha mẹ là nguyên tắc tối hậu của chữ hiếu, cho dù khuyên răn không được. Vậy nếu cha mẹ sai quấy thì con cái cứ phải phục tòng (!).

Giáo lý nhà Phật thì không như vậy, được thể hiện bằng quan niệm đạo hiếu của người Việt từ xưa có nét đặc thù riêng như đề cập trong Lục độ tập kinh: Hiếu không phải chỉ thương cha, thương mẹ là đã làm tròn hiếu đạo của một con người, mà còn phải hướng cha mẹ về đường ngay nẻo chánh, giúp cha mẹ vượt qua sai lầm, giúp nghèo cứu đói, thương nuôi quần sinh, như thế là đứng đầu của trăm hạnh.

Đức Phật từng dạy đệ tử xuất gia rằng: “Này các Tỳ-khưu, đời chưa có gì đáng gọi là hiếu. Làm cho cha mẹ bỏ ác làm lành, vâng giữ năm giới và ba tự quy, được thế dù rằng buổi sớm vâng giữ, buổi chiều mất đi, ơn ấy trọng hơn vô lượng công ơn nuôi nấng, bú mớm của cha mẹ mình. Nếu không biết đem giáo pháp Tam bảo, rất mực khai hóa cho cha mẹ mình, tuy là hiếu dưỡng vẫn như bất hiếu”(Kinh Hiếu tử, Việt dịch của HT.Thích Tâm Châu). Hơn nữa, một nguyên lý quan trọng trong giáo lý nhà Phật là nghiệp lực. Tôn giả Mục Kiền Liên, dù thần thông đệ nhất, cũng không thể biến chén than hồng mẹ đang ăn trở lại thành cơm được! Thế nên tốt nhất vẫn là không tạo nghiệp ác. Do đó Phật giáo không hề khuyên con có tư tưởng báo thù cho cha mẹ như trong các truyện hay phim Trung Quốc thường được đề cao dưới cái nhìn Nho giáo.

Chữ hiếu của Khổng giáo gắn liền với chữ trung - ngày xưa là trung với vua, với triều đại trị vì, còn chữ hiếu của nhà Phật chính là lòng từ bi ở cấp độ đầu tiên, vì một người không chia sẻ yêu thương với cha mẹ mình thì không thể yêu ai khác được.

Tệ nạn vàng mã - doanh số hàng ngàn tỷ

Cứ đến thời điểm rằm tháng Bảy năm nào cũng vậy, hàng loạt sản phẩm vàng mã mới, hiện đại được tung ra thị trường như xe máy SH, “siêu xe”, biệt thự cao tầng, iPad, iPhone, máy bay… Những chiếc ô-tô được dán nhãn các thương hiệu nhìn khá thời thượng như Mercedes, Rolls Royce… thậm chí người hầu, vợ bé cũng có người đặt làm gửi xuống… âm ty cho người thân của mình. 

Nguyên nhân đốt vàng mã vào ngày rằm tháng Bảy như đã đề cập ở trên do người họ Vương. Sâu xa hơn, theo cố HT.Tố Liên là vào thời vua Đạt Tôn nhà Đường (762) bên Trung Hoa, nhằm lúc Phật giáo cực thịnh, một vị sư tên là Đạo Tăng muốn cho dân chúng theo Phật giáo, bèn lợi dụng tục đốt vàng mã của người dân, vào tâu với nhà vua rằng: rằm tháng Bảy là ngày của Diêm vương ở âm phủ xét tội phúc thăng trầm, nhà vua nên thông sức cho thiên hạ, trong việc lễ cúng gia tiên vào ngày rằm tháng Bảy nên đốt nhiều vàng mã để cúng biếu các vong nhân dùng. Vua Đạt Tôn đương muốn được lòng dân nên rất hợp ý với lời tâu của Đạo Tăng, liền hạ chiếu cho thiên hạ.

Nhưng chẳng bao lâu giới Tăng sĩ Phật giáo công kích bài trừ, phần lớn dân chúng Trung Hoa hồi đó đã tỉnh ngộ, cùng nhau bỏ tục đốt vàng mã, làm cho các nhà chuyên sinh sống về nghề nghiệp vàng mã gần như bị thất nghiệp, nhất là nhà  Vương Luân, dòng dõi của Vương Dũ, người đã bịa đặt chế ra đồ vàng mã.

Thất nghiệp, Vương Luân mới bàn cùng với các bạn đồng nghiệp âm mưu phục hưng lại nghề nghiệp hàng mã. Một người giả cách ốm mấy hôm, rồi tin chết được loan ra, còn cái xác giả chết kia lập tức được khâm liệm vào quan tài, đã có lỗ hổng và sẵn sàng thức ăn, nước uống. Khi mọi người đang cúng, đốt vàng mã, bỗng thấy  cỗ quan tài rung động lên. Bấy giờ, Vương Luân đã đứng sẵn bên quan tài. Gã giả chết kia cũng lò dò ngồi dậy, bước từ quan tài ra, nói rằng: “Các thần thánh trong tam, tứ phủ vừa nhận được hình nhân thế mệnh cho tôi, với tiền bạc và đồ mã, nên mới tha cho ba hồn bảy vía của tôi được phục sinh về nhân thế". Công chúng lúc đó ai cũng tưởng thật, cho rằng hình nhân có thể thế mệnh được và thánh thần cùng ăn lễ đồ mã, tăng phúc, giảm tội và cho tăng thêm tuổi thọ. Từ đấy các nghề hàng mã lại được phục hưng một cách nhanh chóng. (Chuyện này còn chép ở sách Trực ngôn cảnh giáo).

Cố HT.Tố Liên khẳng định: “Như thế, chúng ta nên thẳng thắn nhìn nhận rằng: Bịa đặt ra tục mê tín, dị đoan, làm hình nhân thế mạng vào lễ tam, tứ phủ để đầu độc mê tín đến ngày nay là bắt đầu từ người Vương Luân. Người Trung Hoa đã bị cái bả mê tín vàng mã do Vương Luân đầu độc đến nay đã được 1.847 năm (1052-1952, đến nay là 1.901 năm!).  Dân tộc Việt Nam chúng ta mê tín cũng chẳng kém thế, nhưng vì trước đây, chúng ta bị họ đô hộ hơn 1.000 năm. Phong tục của người họ như thế nào, người mình cũng rập theo đúng khuôn khổ như vậy, bất luận hay, dở, phải, trái, tà, chính. Đó là do cái tính cẩu thả, phụ họa của người mình… Nếu không tìm thấy tục đốt vàng mã do Phật giáo hay Nho giáo truyền dạy, một lần nữa tôi xin thiết tha yêu cầu người Việt Nam ta bỏ tục vàng mã đi, và khuyên mọi người cùng bỏ tục ấy. Chúng ta cùng nhau triệt để bài trừ mê tín đốt vàng mã, quyết nhiên giữa dân tộc Việt Nam này để dành cho chúng ta viên thành một công nghiệp kiến quốc vậy”.

Buồn thay, không chỉ Phật tử mà một số tu sĩ cũng “mơ hồ” về vấn đề này, không biết vì cố ý hay vô tình. Chuyện kể trên địa bàn Hà Nội, có một vị sư trụ trì một ngôi chùa ở ngoại ô, từng du học ở Trung Quốc với học vị tiến sĩ, khi được hỏi về việc này lại cho biết “…Hết thảy mọi pháp đều là Phật pháp. Nếu chúng ta nhận thức được thì việc đó (việc đốt vàng mã) cũng không hề sai. Khi tâm mình chưa thanh thản thì cũng nên làm bất cứ một điều gì (như đốt vàng mã) để cho tâm được thanh thản. Khi đó, việc học đạo, làm việc đều thành tựu. Nếu cứ chấp trước cái này là của Phật pháp, cái kia không phải thì sẽ sinh tâm phân biệt, như vậy càng xa rời Phật pháp”.

Nếu hiểu lầm rằng “tất cả các pháp đều là Phật pháp”, cho nên bất cứ chuyện hay, dở gì trong thế gian cũng đều như nhau, đều có thể làm được, không phân biệt tốt, xấu, vì đều “là Phật pháp”, thì thật là ngụy biện. HT.Thích Thánh Nghiêm, trong một bài giảng Phật pháp, nói rằng: “Rất đáng tiếc là hiện nay, nhiều Tăng Ni cũng không hiểu đạo lý ấy, thậm chí Phật tử ở Trung Hoa lục địa sang Đài Loan còn phát minh ra loại tiền giấy đặc biệt gọi là “tiền giấy vãng sinh”, tức là trên một tờ giấy màu vàng, dùng mực đỏ in bài chú vãng sinh bằng chữ Phạn. Thực ra, công dụng tụng chú và tác dụng đốt tiền giấy là hai chuyện căn bản khác nhau…”. Hơn nữa, thông thường trong lễ nghi tín ngưỡng, các Tăng Ni tụng kinh, lễ sám, cầu đảo v.v… hầu hết đều có viết sớ. Đọc sớ xong rồi đốt sớ đi. Đó là bắt chước đạo gia đọc sớ cho quỷ thần nghe, đó là mê tín, hoàn toàn không có căn cứ gì trong giáo lý đạo Phật cả. Trong mọi việc, Phật giáo đều chủ trương lấy tâm thành kính để có cảm ứng. Đã đạt tới chỗ tâm thành và cảm ứng rồi, là có linh nghiệm, chứ không cần phải đốt lá sớ”.

vangma.PNG


Buồn thay, không chỉ Phật tử mà một số tu sĩ cũng “mơ hồ”
về vấn đề đốt vàng mã, không biết vì cố ý hay vô tình...

Ngoài ra, cũng nên nói thêm về ngoài các sớ, các tu sĩ cũng thường dùng các văn bản phiên âm từ Hán văn trong cầu an, cầu siêu, hộ niệm vì nghĩa có thể tạo cảm giác “bác học” hay “huyền bí” hơn chăng? Sao không dùng tiếng Việt, thay vì  Bính Thân niên, gọi là năm Bính Thân thì có gì sai? (Đương nhiên chúng ta không “nôm na” đến mức gọi là “năm con khỉ” (!).

Tóm lại , tình trạng nhập siêu đã có từ rất lâu , nhưng cần “gạn đục khơi trong”, loại dần những pha tạp, hủ tục không phù hợp với tinh thần trí tuệ của đạo Phật, góp phần xây dựng nền văn hóa dân tộc tốt đẹp.

Còn riêng mỗi chúng ta, không chỉ Vu lan, mà ngày nào cũng tâm niệm lời dạy thiết thực, giản dị và trong sáng của Đức Phật trong kinh Pháp cú:

“Không làm điều xấu, ác

Siêng làm điều thiện lành

Tự thanh tịnh tâm ý…”.

Và hướng về cha mẹ với tất cả tâm thức và tình cảm, dù còn hay đã mất, vì chữ hiếu theo nhà Phật trải dài vô cùng tận!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày