GNO - Phật giáo đã tồn tại khoảng 1.700 năm trên bán đảo Triều Tiên. Mặc dù với lịch sử lâu dài như vậy, nhưng trong giới khoa học quốc tế ít ai biết đến các đặc điểm cụ thể của Phật giáo Hàn Quốc.
Chư Tăng Hàn Quốc
Nhiều người cho rằng điều này là do sự khan hiếm những nguồn tư liệu đáng tin cậy bằng tiếng Anh về chủ đề này. Và bất cập này hiện đang thay đổi: Tông Tào Khê - tông phái lớn nhất tại Hàn Quốc - gần đây thông báo rằng họ đã xuất bản một ấn bản bằng tiếng Anh có tiêu đề “Những Tác phẩm Sưu tập của Phật giáo Hàn Quốc”.
Tông Tào Khê khẳng định đây là bộ sưu tập toàn diện đầu tiên của Phật giáo Hàn Quốc từng xuất hiện bằng ngôn ngữ Tây phương.
Bộ sách 13 tập này bao gồm những huấn từ của các nhà sư trong suốt chiều dài của lịch sử Hàn Quốc như Wonhyo (617-686), Jinul (1158-1210) và Seosan (1520-1604).
Khoảng 2.000 bản sẽ được phân phối cho 313 viện nghiên cứu Hàn Quốc ở 67 quốc gia cũng như các thư viện và các học giả về Phật giáo Hàn Quốc trong và ngoài nước.
Việc biên tập và dịch thuật công trình này cần đến tổng cộng 46 học giả người Hàn Quốc và người nước ngoài. Dự án bắt đầu vào năm 2006 và trị giá hơn 2,7 tỷ won (2,4 triệu USD) từ nguồn quỹ của nhà nước. Ban biên tập tiếng Anh bao gồm Robert Buswell (UCLA), Charles Muller (Đại học Tokyo), John Jorgensen (ASU, Đại học Quốc gia Úc) và Roderick Whitfield (SOAS, Đại học London).
JoongAng Ilbo đã có cuộc nói chuyện với John Jorgensen thuộc ASU qua thư điện tử về quá trình biên dịch toàn bộ bộ sưu tập này.
Hỏi: Theo quan điểm của ông, ý nghĩa của dự án dịch thuật này là gì?
- Đáp: Đây là lần đầu tiên một bộ sưu tập các văn bản Phật giáo Hàn Quốc thuộc tất cả các thời kỳ lịch sử được dịch sang tiếng nước ngoài.
Trong bộ sách này có nhiều văn bản hơn được dịch sang ngôn ngữ châu Âu so với các thời điểm trước đây.
Bộ sưu tập được thực hiện bởi các học giả Phật giáo Hàn Quốc đại diện cho các xu hướng chính và các tác phẩm quan trọng nhất của Phật giáo Hàn Quốc, do đó, bộ sách nói chung tương đối có hệ thống trong cách tiếp cận.
Bộ sách sẽ rất hữu ích nhất là đối với các học giả và sinh viên người nước ngoài bởi vì tất cả các tài liệu được tập hợp lại với nhau và được giải thích. Trước đây, các học giả và sinh viên không phải người Hàn đã phải tìm kiếm trong những cuốn sách và các tạp chí khác nhau - một số rất tối nghĩa - để tìm tài liệu về Phật giáo Hàn Quốc.
Một ngôi chùa Hàn Quốc
Các nước phương Tây xem Phật giáo Hàn Quốc như thế nào?
- Việc công nhận Phật giáo Hàn Quốc ở các nước phương Tây là thấp so với Phật giáo Nhật Bản và Trung Hoa, mặc dù cộng đồng người Hàn Quốc ở các nước này khá lớn.
Cho đến gần đây, Hàn Quốc đã bị lu mờ bởi Nhật Bản và hiện đang bị lu mờ bởi Trung Quốc. Tuy nhiên, thành công của Hàn Quốc trong việc xuất khẩu sản phẩm công nghiệp và gần đây là mốt văn hóa Hàn Quốc đã có hiệu quả trong việc đưa Phật giáo Hàn Quốc đến với những người không phải Hàn Quốc.
Hơn nữa, sự thịnh vượng ngày càng tăng của Phật giáo ở Hàn Quốc, và sự tăng trưởng về số lượng người Hàn Quốc, những người đạt được học vị tiến sĩ, chủ yếu là ở Mỹ, về chủ đề Phật giáo, đã giúp tạo ra các tác phẩm nghiên cứu phức tạp hơn về Phật giáo Hàn Quốc được xuất bản bằng tiếng Anh.
Nhiều người vẫn nghĩ rằng Phật giáo Hàn Quốc chỉ là bản sao của Phật giáo Trung Hoa. Ông có nghĩ rằng dự án dịch thuật này có thể sẽ mang lại sự thay đổi nào đó trong cách nghĩ như vậy?
- Ở một mức độ nào đó, thường rất khó phân biệt Phật giáo Hàn Quốc với Phật giáo Trung Quốc, đây là do sự nông cạn và sự thiếu hiểu biết của chúng tôi.
Nhiều năm trước, một trong những người tiên phong trong việc nghiên cứu Phật giáo Hàn Quốc ở phương Tây, giáo sư Lewis Lancaster, đã sử dụng ý tưởng hóa trị để phân biệt Phật giáo Trung Quốc và Hàn Quốc. Điều đó có nghĩa là, các yếu tố tương tự đều có mặt ở cả hai truyền thống, nhưng chỉ khác nhau về trọng lượng giữa các yếu tố này mà thôi.
Tôi hy vọng theo một cách nào đó độc giả của bộ sưu tập được dịch này sẽ nhận thấy những đặc điểm đặc trưng của Phật giáo Hàn Quốc, dẫn đến việc đánh giá cao sự hiểu biết về Phật giáo của người Hàn Quốc như một đóng góp cho sự phát triển của Phật giáo nói chung.
Phần khó nhất của tác phẩm dịch này là gì?
- Theo nhận xét của một số người tham gia trong dự án dịch thuật thì phương pháp dịch theo nhóm được sử dụng ở đây giống như được sử dụng lần đầu tiên khi dịch các kinh điển Phật giáo từ tiếng Ấn Độ sang tiếng Trung Quốc.
Văn bản sẽ được dịch sang ngôn ngữ nói Trung Quốc, sau đó được ghi lại và thảo luận, và cuối cùng được viết thành văn bản bằng văn chương Trung Quốc cũng như trau chuốt và xác định ngữ nghĩa.
Tất nhiên luôn có sự khác biệt về cách dịch các thuật ngữ Phật học. Sự khác biệt cũng do không phải tất cả các dịch giả đều là người Anh bản ngữ, và ngay cả trong số những người nói tiếng Anh cũng có sự khác biệt giữa tiếng Anh Mỹ, Anh và Úc. Ví dụ, người Mỹ gọi mùa thu là “fall” nhưng người Úc và người Anh lại gọi là “autumn”.
Ông nghĩ cái gì là đặc tính nổi bật nhất của Phật giáo Hàn Quốc?
- Đây là một câu hỏi khó. Tôi không tin có cái được gọi là "bản chất quốc gia" hay "tính cách dân tộc". Tương tự như vậy tôi không nghĩ rằng có cái bản chất không thay đổi nào đó tiềm ẩn bên trong Phật giáo Hàn Quốc. Chấp vào một bản chất bất biến nào đó là trái với ý tưởng vô thường của Phật giáo.