Về chùa Candaransi dự lễ Ok-om-bok, học pháp bố thí

GNO - Dưới cơn mưa lất phất tối Rằm tháng 10 (11-11), tại chùa Candaransi (Q.3, TP.HCM), bà con Phật tử về dự lễ Ok-om-bok chật kín khuôn viên.

Nhiều em bé theo ba mẹ đi chùa đã ngồi thật yên, chắp tay cùng lắng nghe thời pháp thoại do HT.Danh Lung, Ủy viên Thư ký HĐTS, Phó Văn phòng 2 TƯGH, trụ trì chùa nói về những nét văn hóa của người Khmer, về nét đẹp lễ Ok-om-bok hay đút cốm dẹp, lễ cúng trăng...

2km.jpg


Phật tử lễ bái Tam bảo trong lễ Ok-om-bok

Theo Hòa thượng, các lễ nghi văn hóa đó thể hiện lòng biết ơn đến với đất trời, mặt trăng đã mang đến một mùa vụ tốt tươi cho bà con và ước nguyện một mùa mới mưa thuận gió hòa. Vì vậy, mâm cúng là những sản vật của nhà nông như: dừa, chuối, khoai lang, khoai môn, bánh in và cốm dẹp.

Nghi thức lễ được tiến hành vào tối 15-10 âm lịch, khi mặt trăng lên cao, mọi người tập trung tại sân chùa hay sân nhà để làm lễ. Trong lễ hội có các hoạt động văn hóa chính như: lễ cúng trăng, thả đèn gió, đèn nước, hội đua ghe ngo.

Hòa thượng còn kể câu chuyện tiền thân Đức Phật trong kinh “Túc sanh truyện” - về một kiếp là thỏ trắng với pháp bố thí thân mạng cho những kẻ cơ hàn đói khổ. Với pháp bố thí ba-la-mật tối thượng nên hình ảnh thỏ trắng được khắc ghi vào bề mặt của mặt trăng, sự kiện diễn ra vào khoảng tháng 10 âm lịch.

Hằng năm, vào ngày này, người Khmer tổ chức lễ cúng trăng theo truyền thống Phật giáo Nguyên thủy để tưởng nhớ đến đức độ của vị Bồ-tát Soma Panhdita (Thỏ Trắng) thực hành hạnh bố thí ba-la-mật tối thượng.

Theo Hòa thượng, thân được cấu tạo bởi tứ đại, sự kết hợp tinh cha huyết mẹ và mọi hành động xấu ác đều do tâm tạo nên, do đó tâm rất quan trọng trong quá tình tu học Phật.

“Trong kinh Phật có dạy, pháp làm cho tâm ngày càng tròn đầy đó là “tâm dễ dạy, dễ thuần hóa và kiềm chế”. Những người có những tâm này là những người đáng được sử dụng, còn ngược lại thì không nên sử dụng”, HT.Danh Lung chia sẻ.

3km.jpg
HT.Danh Lung nói về nét văn hóa của người Khmer và nói về pháp bố thí trong lễ Ok-om-bok

Hòa thượng nhắc Phật tử, đến chùa đầu tiên phải học tâm từ bi của Đức Phật, đến chùa mà không biết thương yêu mọi người trong gia đình, mọi người xung quanh thì đó chưa phải là người học Phật.

Tiếp đến phải biết giữ tâm mình, để trở nên tốt hơn và mang tâm thương yêu hiểu biết đến tất cả mọi người xung quanh.

“Biết đến chùa là có phước rồi nên phải biết tạo phước hơn nữa, không bao giờ dám xem thường, chê bai người khác, dù họ có già hay nghèo hơn, xấu hơn, không dễ thương bằng mình… Con người ai cũng có Phật tính, ai cũng sẽ là Phật trong tương lai”, Hòa thượng nhấn mạnh.

9km.jpg


Cầu nguyện phước lành phát sinh trong lễ gia hộ đên 39 bà con Việt Nam bị mất tại nước Anh được siêu thoát. Gia hộ cho bà con miền Trung vượt qua cơn bão được bình an

Trong buổi lễ, chư Tăng, Phật tử cùng đã cùng nhau cầu nguyện, hồi hướng phước báu phát sinh trong ngày lễ đến tất cả chúng sinh, những người đã quá vãng, 39 người Việt chết tại Anh được siêu thoát về cõi lành. Đồng thời cầu nguyện cho miền Trung vượt qua bão lũ an toàn, vững chãi trong cuộc sống.

Sau đó, Hòa thượng trụ trì thực hiện nghi thức đút cốm dẹp truyền thống của người Khmer. Buổi lễ kết thúc với nghi thức thả hoa đăng, thể hiện lòng biết ơn và cầu nguyện bình an đến muôn loài.

1km.jpg

7km.jpg
Phật tử lễ Tam bảo và cầu nguyện

10km.jpg

11km.jpg
Phẩm vật cúng dường là những sản vật của người nông dân: dừa, chuối, khoai lang, khoai môn, cốm dẹp…

14km.jpg
HT.Danh Lung thực hiện nghi lễ truyền thống: đút cốm dẹp

15km.jpg
Lễ thắp nến và thả hoa đăng kết thúc buổi lễ

Như Danh

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày