Xuyên suốt lịch sử của các triều đại phong kiến Đông Á, con rồng luôn là hình ảnh tượng trưng cho quyền lực của vua chúa…
Tuy vậy, hình tượng con rồng thời Lý – thời đại lập quốc của Việt Nam có những đặc điểm cấu tạo khác hẳn với rồng thời trước hoặc cùng thời ở Trung Quốc.
Nhìn chung, rồng thời Lý được thể hiện trong dáng dấp hiền hòa mềm mại, có mình dài như rắn, thường không có vẩy, thon nhỏ dần về phía đuôi, bụng phân thành nhiều đốt ngắn như bụng rắn. Dọc sống lưng rồng có một hàng vây thấp tỉa riêng ra từng cái, đầu vây trước tựa vào vây sau.
Rồng có bốn chân, mỗi chân có ba ngón. Vị trí của chân bao giờ cũng đặt ở một nơi nhất định. Một chân trước mọc gần giữa khúc uốn thứ nhất, chân kia nằm gần cuối khúc uốn này. Hai chân sau bao giờ cũng ở gần khoảng giữa khúc uốn thứ ba. Cả bốn chân đều có dải lông dài mọc từ khuỷu hất ra phía sau và móng cong nhọn giống chân loài chim.
Đầu rồng không có sừng, thường ngẩng cao, miệng há rộng với hai hàm răng nhỏ đang vờn đớp viên ngọc quý. Từ mũi rồng thoát ra mào có dạng ngọn lửa, được gọi là mào lửa. Trên trán rồng có một hoa văn giống hình chữ "S", cổ tự của chữ "lôi", tượng trưng cho sấm sét, mây mưa, yếu tố rất quan trọng trong nền nông nghiệp lúa nước...
Dưới đây là một số hình ảnh của rồng qua những cổ vật có từ thời Lý, Đất Việt ghi nhận tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia: