GN - Trong bầu không khí hân hoan, hỷ lạc đón mừng mùa Phật đản PL.2561, chuyên mục Phật giáo - Tuổi trẻ trên Giác Ngộ số 895, ra ngày 10-4 ÂL, đăng tải một bài viết tưởng chừng như “lạc lõng”: Giới trẻ “đỏ mắt” tìm nơi tu học - bài báo như gióng lên tiếng chuông mạnh mẽ đánh động vào một thực tế đáng quan ngại. Phải chăng Phật giáo nước ta đang thiếu những pháp hành thích hợp với giới trẻ?
Theo tác giả bài báo, những địa chỉ thường hay tổ chức các khóa tu dành cho giới trẻ tại TP.HCM quanh đi quẩn lại vẫn là các chùa Hoằng Pháp, Phổ Quang, Giác Ngộ, tu viện Tường Vân…, nói chung chỉ đếm trên đầu ngón tay. Góc nhìn của tác giả có thể chưa bao quát được vấn đề, song dễ dàng nhận thấy những địa chỉ tu học dành cho người mong muốn thực hành giáo lý đạo Phật là ít ỏi, chưa thực sự tương xứng so với số chùa hiện có.
Nhà chùa cần nhiều mô hình tu-học-sinh hoạt
để giới trẻ rèn luyện thân-tâm, nhất là dịp hè này - Ảnh: Thanh Niên
Mô hình tu tập phổ biến nhất của các chùa hiện nay ở TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung là các đạo tràng tụng kinh, niệm Phật và Bát quan trai giới. Những đạo tràng này thường thích hợp với những Phật tử thuần thành, đặc biệt với những người lớn tuổi. Giới trẻ nói chung và những người bước đầu tìm hiểu, mong muốn thực hành giáo lý Phật giáo thường e ngại những nơi “thuần túy” như thế. Vả chăng, mong muốn của họ là tìm được một phương pháp cũng như một nơi thích hợp để “tịnh tâm tu tập”, mục đích “lấy lại cân bằng” để tiếp tục “chinh chiến” giữa trường đời!
Trong lời phát biểu trước thềm Phật đản năm nay, một vị tôn túc lãnh đạo tinh thần của Trung tâm Phật giáo Maha Vihara - Malaysia nhấn mạnh: “Điều quan trọng nhất là lễ Vesak hướng con người đến chuyện học, thực hành các lời dạy của Đức Phật. Mỗi chúng ta cần nỗ lực cao nhất trở về thực hành các giá trị Phật giáo”. Tuy vậy, trong một phát biểu khác cũng vào dịp này, Thượng tọa Saranankara, trú trì chùa Sri Jayanti - Malaysia cho rằng: “Với giới trẻ, điều thu hút họ đến chùa chính là âm điệu của những ca từ văn nghệ và những khóa lễ sắc màu. Nếu bắt các em phải ngồi yên một chỗ và thiền tập thực sự là một điều vô cùng khó”. Đó chính là những băn khoăn, mâu thuẫn của những người hoằng pháp. Và, ở nước ta, các khóa tu dành cho giới trẻ có vẻ như đồng cảm với quan điểm của Thượng tọa Saranankara hơn.
Trên thực tế, nhu cầu thực hành Phật giáo chuyên sâu của một bộ phận giới trẻ, nhất là doanh nhân, trí thức và giới văn phòng… ngày càng cao. Với họ, thiền tập là một phương pháp hiệu quả, và trên một phương diện nào đó, không mang nặng tính tôn giáo, người khác đạo vẫn có thể thực hành. Thử liên hệ đăng ký những nơi thường mở các khóa thiền 10 ngày, điển hình như tịnh xá Ngọc Thành - Thủ Đức, mặc dù quy định khắt khe, song các khóa thiền này vẫn thường kín chỗ, phải đợi nhiều tháng mới có thể tham dự.
Bản thân chúng tôi cũng nhận được nhiều câu hỏi về những phương pháp an tâm, giải tỏa bấn loạn, stress, làm giàu năng lượng để sống “chất lượng” về mặt nội tâm của nhiều người trẻ là Phật tử hoặc chưa từng thực hành Phật giáo. Dĩ nhiên, muốn đạt được điều đó, những lời giảng suông sẽ không mang lại hiệu quả thiết thực; họ phải cần đến một phương pháp cụ thể và liên tục thực hành. Phương pháp thì nhiều, song ai sẽ là người hướng dẫn, và địa điểm nào hiện có thích hợp nhất cho họ?
Còn nhớ tại hội nghị toàn quốc về ngành Tăng sự của Giáo hội - năm 2016, Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN đã nhận định tỷ lệ Phật tử trẻ chỉ khoảng 15% số tín đồ đạo Phật, còn lại là thành phần lớn tuổi. Đã đến lúc lãnh đạo Giáo hội, các vị trụ trì quan tâm hơn nữa đến vấn đề và nhu cầu thiết thực này.