Về những tờ báo đầu tiên của báo chí Phật giáo Việt nam

Về những tờ báo đầu tiên của báo chí Phật giáo Việt nam
   Pháp Âm và Phật Hóa Tân Thanh Niên là hai tờ báo Phật giáo đầu tiên trong lịch sử báo chí Việt Nam.

   Nguyệt san Pháp Âm

Theo Hòa thượng Lê Khánh Hòa hiệu Như Trí, trụ trì chùa Tiên Linh, Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre, thì năm Mậu Thìn (1928), ông cùng với các sư Huệ Quang, Từ Nhẫn, Chơn Huê, Thiện Chiếu thành lập Phật học Thư xã (PHTX), trụ sở đặt tại chùa Linh Sơn (đường Douaumont, nay là đường Cô Giang) quận 1, thành phố Hồ Chí Minh. Được sự ủng hộ tài chính của các cư sĩ Trần Nguyên Chấn, Ngô Văn Chương và các sư Thiện Niệm, Từ Phong, các ông quyết định ra báo Pháp Âm làm cơ quan ngôn luận của PHTX(1).

Công tác chuẩn bị được tiến hành từ tháng 2 năm Kỷ Tỵ (3-1929) bắt đầu bằng việc tìm người có trình độ viết bài. Hơn một tháng sau, tại chùa Linh Sơn, các đồng chí của ông đã bắt tay vào biên tập nội dung tờ báo. Pháp Âm được xuất bản ngày 31-8-1929, in tại nhà in Thạnh Thị Mậu, 186 Rue d’Espague,  Sài Gòn và phát hành tại chùa Sắc tứ Linh Thứu, làng Thạnh Phú - Xoài Hột, tỉnh Mỹ Tho (nay là xã Thạnh Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang).

Pháp Âm số 1 có 48 trang không kể bìa 1, bìa 2  và bìa 4, khổ báo là (14 x 20cm. Bìa 1 và 2: trên cùng là chữ Pháp Âm bằng Quốc ngữ, ở dưới là dòng chữ Chủ nhiệm Lê Khánh Hòa, Hòa thượng chùa Tiên Linh. Tập thứ 1, giá 0$30. Ở giữa là chữ Pháp Âm bằng chữ Hán, hai bên có hai dòng chữ Hán (trên) và Quốc ngữ (dưới) nêu tôn chỉ của Phật giáo là “Tự giác Giác tha” (bên trái) và “Từ bi Bác ái” (bên phải), ở dưới ghi: một tập; 12 quyển giá là 3$00; 6 quyển giá 1$50, suy ra báo mỗi tháng ra 1 kỳ (nguyệt san). Dưới cùng ghi: Thơ từ và mandat xin gửi cho ông Lê Khánh Hòa, chùa Sắc Tứ, làng Thạnh Phú, Xoài Hột - Mỹ Tho.

Bìa 4 đăng Lời cảm tạ của Chủ trì chùa Linh Sơn kiêm Quản lý PHTX Sài Gòn (tức sư Thiện Chiếu), cám ơn chư đàn việt cư sĩ tỉnh Trà Vinh hiến cúng Đại tạng kinh toàn bản 771 bộ để tại PHTX - chùa Linh Sơn, Sài Gòn.

Nội dung Pháp Âm có 9 yếu mục:

a) Đầu tiên, từ trang 3 - 5 là Mấy lời bày tỏ do Bổn viện đồng nhơn kính khải, kêu gọi Phật tử viết bài và đóng góp tài chính để tổ chức Thư xã và lập Phật học viện, ra báo Phật học như Thái Hư Hòa thượng bên Trung Quốc đã làm. Qua cách hành văn, chúng tôi cho rằng tác giả bài này là sư Thiện Chiếu.

b) Bàn về Phật học, tác giả Nguyễn Khoa Tùng hiệu là Thanh Nguyên trong hơn 4 trang báo đã lược kể Phong trào Chấn hưng Phật giáo (CHPG) ở Âu châu, ở Trung Hoa, Xiêm La (Thái Lan) và các báo Đông Pháp, Khai Hóa năm 1927, 1928 ở nước ta đã đăng những bài về CHPG và kêu gọi tiến hành CHPG thông qua việc bày tỏ sự ủng hộ đối với những việc làm của PHTX.

c) Phật giả: từ trang 9 đến trang 16, tác giả Minh Châu Tử bàn về Phật tính: “hết thảy chúng sinh đều có Phật tính, mà thấy được Phật tính của mình, ấy là thấy Phật”; ông khuyên mọi người cần phân biệt Phật thật và Phật giả và lên án những kẻ lợi dụng đạo Phật làm bậy. Với lý luận chặt chẽ, lời văn quyết liệt, theo chúng tôi, Minh Châu Tử có thể là bút hiệu của sư Thiện Chiếu hoặc HT Huệ Quang.

d) Tự trần của HT. Lê Khánh Hòa dài 4 trang, cung cấp cho chúng ta những chi tiết về quá trình CHPG ở Nam Kỳ. Khởi đầu là việc huyện quan Huỳnh Thái Cửu kêu gọi “sửa đạo” năm 1926 ở Trà Vinh, sau đó là cuộc gặp gỡ giữa Hòa thượng với HT Huệ Quang và sư Thiện Chiếu tại chùa Long Khánh tháng 2 năm Đinh Mão (1927), rồi sang tháng 5 năm đó, Giáo thụ Thiện Chiếu đi Hà Nội về mang một số báo Hải Triều Âm của Thái Hư Đại sư (có chương trình Phật giáo hội Trung Hoa ...) ghé qua trường hạ ở Qui Nhơn, Bình Định đưa cho HT. Lê Khánh Hòa xem và thúc giục cụ phải mau tiến hành CHPG không nên để trễ; cho đến khi Hòa thượng cùng các ngài Huệ Quang (chùa Long Hòa, Trà Vinh), Từ Nhẫn (chùa Thới Bình, Mỹ Tho), Thiện Chiếu (chùa Linh Sơn, Sài Gòn) thành lập PHTX và Phật học viện (1928) tại chùa Linh Sơn với sự giúp đỡ tài chính của Trần Nguyên Chấn, Ngô Văn Chương, các sư Thiện Niệm (chùa Viên Giác), sư Từ Phong ở chùa Liên Trì...

e) Những điều cần thiết cho người tại gia tín ngưỡng Phật giáo trình bày các quy tắc của Phật giáo: Quy y; Giữ giới; Lạy Phật, Khen Phật; Trì tụng; Sám hối; Cúng Phật; Ăn chay, Niệm Phật; Phát nguyện.

f) Phật giáo luân lý học, nguyên tác chữ Hán do Hoàng Phi Long dịch, trong 8 trang báo trình bày tiết thứ 1 là Cứu cánh chính học luận  giới thiệu Cái Chính học tiêu cực; Chính học tích cực và nêu những thủ đoạn thực hành là: 1. Hàng phục cái Tâm; 2. Tinh tiến cái Nghiệp.

g) Ai tri âm đó biết cho ai! Tác giả (có lẽ là Thiện Chiếu) tự đặt câu hỏi và trả lời về mục đích lập Thư xã là cơ quan truyền bá tư tưởng Phật giáo, sách báo ra trong giai đoạn phôi thai này bán lấy tiền để dùng  vào việc mở rộng Thư xã tiến tới lập trường Phật học để dạy dỗ trẻ cô bần, lập xưởng công nghệ để tế độ những người thất nghiệp...

h) Văn uyển đăng ba bài thơ của HT. Bích Liên (người Bình Định): Tĩnh tâm (thể lục bát) và hai bài thơ Đường luật: Vịnh đá vọng phu và Chúc mừng Phật học Thư xã.

i) Hành trình Nhật ký đi cổ động cuộc sáng lập Tòng lâm Phật giáo hội (chính là cuộc vận động chấn hưng Phật giáo ở Nam Kỳ) của HT. Lê Khánh Hòa. Trên gần 9 trang báo, Hòa thượng kể lại cuộc hành trình, bắt đầu ngày 27 tháng Giêng năm Kỷ Tỵ (1929) từ chùa Tiên Linh, Bến Tre đi Châu Đốc, sang Tà Keo, Phnom Penh (Campuchia) rồi về Sa Đéc, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Cần Thơ, Rạch Giá ra tận Hòn Quéo. Hơn 1 tháng sau mới về Thư xã.

Vì sao nguyệt san Pháp Âm phải đình bản? Có người cho rằng vì lý do tài chính, nhưng theo lịch sử địa phương thì sau ngày thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương, tờ Dân Cày, tiếng nói của Tỉnh Đảng bộ Mỹ Tho cũng đặt trụ sở tại chùa Sắc tứ Linh Thứu, báo in tại ngôi nhà sát vách chùa. Mọi việc đạo việc đời đều do Giáo thụ Chơn Huê và Thủ tọa Điển (đệ tử của HT Lê Khánh Hòa) sắp xếp. Chính quyền thực dân Pháp phát hiện, tiến hành lục soát chùa Sắc tứ Linh Thứu. Thủ tọa Điển bị truy nã, HT. Lê Khánh Hòa phải ôm kinh sách lên sở Mật thám giải trình. Vì thế Pháp Âm phải đình bản, chỉ ra được một số duy nhất.

Phật Hóa Tân Thanh niên

Phật Hóa Tân Thanh Niên (PHTTN) có 49 trang không kể trang yếu mục và bìa, khổ báo là 14 x 20cm. Bìa 1 trên cùng là chữ Phật Hóa Tân Thanh Niên bằng Quốc ngữ, ở dưới là dòng chữ quản lý Trương Tấn Phát. Ở giữa là chữ PHTTN bằng chữ Hán. Phía dưới ghi: Quyển thứ nhất, giá 0$30. Ở giữa hai hàng này đề Sở Phát hành, chùa Chúc Thọ, xóm Thuốc, xã Hạnh Thông, Gò Vấp (Gia Định).

Bìa 4 ghi Độc giả chú ý: Tập "Phật Hóa Tân Thanh Niên” sẽ lần lượt xuất bản, chư độc giả quân tử ai có lòng yêu muốn mua xin viết thơ và trả tiền trước trọn tập 12 cuốn, giá là 3$00. Thơ tờ, mandat xin đề cho Trương Tấn Phát, Quản lý Phật Hóa Tân Thanh Niên. Chùa Chúc Thọ, xóm Thuốc, xã Hạnh Thông, Gò Vấp (Gia Định)".

In tại nhà in Thạnh Thị Mậu, 186 Rue d’Espague, Sài Gòn.

Nội dung của nguyệt san Phật Hóa Tân Thanh Niên có các yếu mục sau:

a) Ai là người lo đời, thương đời, muốn làm việc cho đời?

Bài báo nêu mục đích của PHTTN là “để gây cái nền chánh tín cho dân tộc nào ưa cái chủ nghĩa hòa bình và muốn cái hạnh phúc sanh tồn trên thế giới” và kêu gọi chư quân tử, ai có lòng bác ái, có nghiên cứu Phật học xin tán trợ cho tờ báo.

b) Nước ta ngày nay cần phải chấn hưng Phật giáo

Trên 12 trang báo, Thiện Chiếu trình bày các vấn đề về Khổ, và cho rằng: Phật giáo không chủ trương thuyết Thượng đế tạo vật; Lời bàn của ông về Phật giáo với Khoa học, Phật giáo với Tôn giáo khá sắc sảo. Tiếp đó Thiện Chiếu nêu các nguyên nhân làm cho Phật giáo nước ta suy đồi và ông kêu gọi phải CHPG bằng cách lập Phật học viện và Phật học xã đào tạo tăng tài, chuyên về giáo nghĩa, lập các công trường, nông trường chuyên về thực nghiệp... 

c) Kính cáo các Sư cụ

Tác giả Tân Thanh Niên nêu vai trò của người xuất gia: gia vụ là hoằng pháp; sự nghiệp là lợi sinh. Ông cho rằng Phật pháp thịnh hay suy là do người xuất gia mà trách nhiệm của các sư cụ - trụ trì các chùa - là đống lương của Phật pháp, quy giám của hậu côn phải chống đỡ Phật pháp và tiếp dẫn hậu côn trở thành những tăng đồ có học. Tác giả kêu gọi: “Các sư cụ là đại biểu của Giáo hội, có lẽ cũng biết tự trọng, mà sớm trả lời cho chúng tôi bằng cách thực hành”.

Lời văn thật quyết liệt, theo chúng tôi, tác giả bài báo là sư Thiện Chiếu.

  d) Kính cáo các tín đồ

Tác giả Tân Thanh Niên phân biệt thế nào là xuất gia? Thế nào là tại gia, nêu rõ trách nhiệm của người tại gia là phải tiễu trừ cho tuyệt bọn Ma vương, tổ chức lại Giáo hội cho thuần túy và kêu gọi: “Tín đồ! Nếu muốn thoát ly cái kiếp nô lệ với Ma vương, thì phải mau mau sung vào đội binh “vấn tội”.

e) Nhập học vấn đáp

Tác giả Pháp Linh ghi lại những vấn đáp “vì sao nói đạo Phật là đạo cứu khổ”.

f) Bài diễn thuyết của ông Lương Khải Siêu tại Phật giáo Tổng hội nước Tàu do Bác Ái dịch nói về mối quan hệ giữa thời cuộc với Phật giáo ở Trung Hoa. Lương Khải Siêu cho rằng: “muôn vàn tội ác đều do ở cái vì mình mà thôi. Để khắc phục, phải dựa vào cái gốc là đạo đức”.

g) Một buổi hội nghị tại chùa Linh Sơn

Tác giả Huệ Thanh cho biết: Chiều ngày 16-7-1929 tại chùa Linh Sơn, Sài Gòn tổ chức Hội nghị Tăng già, gồm các liệt vị Hòa thượng tại các chùa: Từ Ân, Hội Khánh, Phú Long, Long Huê, Văn Thánh, Chúc Thọ, Tập Phước, Đức Sơn, Bình Long, Lý Dương Sanh v.v.., chùa Linh Sơn có HT. Khánh Hòa - đương kim trụ trì, sư Thiện Chiếu và ông Trần Nguyên Chấn Commis giúp việc Dinh Đốc lý Sài Gòn, hộ chủ chùa Linh Sơn, bàn về chấn hưng Phật giáo.

Đầu tiên, Commis Chấn trình bày một số sự việc: năm 1923 ông Chấn thỉnh sư Thiện Chiếu về chùa Linh Sơn, năm 1925 Thiện Chiếu đi làm Giáo thụ  trường “Hạ” tại chùa Chúc Thọ, Gò Vấp. Ở đó Thiện Chiếu định tổ chức “Phật giáo Thanh niên học Hội”, mục đích đào tạo nhân tài ra đảm đương Phật pháp. Nhưng tiếc thay, Hội ấy không thành lập được bởi Thiện Chiếu lúc đó còn trẻ tuổi, chưa được Giáo hội tín nhiệm. Đến năm 1926, một tôn giáo mới (đạo Cao Đài) ra đời tại Nam Kỳ, nên mới có phong trào CHPG. Cuộc vận động chấn hưng do HT. Khánh Hòa chủ trương chỉ được một số ít chùa hưởng ứng, trong 3,4 năm trường cũng lắm phen thất bại, nhưng nhờ nghị lực của các đồng chí, tuy chưa kết quả hoàn toàn, cũng lập được PHTX và Phật học viện. Cũng năm này, sư Thiện Chiếu giao lại chùa Linh Sơn cho Commis Chấn và khuyên ông Chấn thỉnh HT. Khánh Hòa là người đức cao vọng trọng làm trụ trì để tổ chức tùng lâm. Tới tháng 7-1929, HT Khánh Hòa đã thường trụ tại Linh Sơn ba bốn tháng. Ông Chấn đề nghị chư vị Hòa thượng mở lòng từ bi quan tâm, chỉ bảo giúp đỡ công việc của ông ở chùa Linh Sơn. Tiếp sau, sư Thiện Chiếu phát biểu làm rõ thêm lý do việc ông giao chùa lại cho Commis Chấn và nêu quan điểm CHPG của ông là “chống các hủ tục ở bên trong và tà thuyết ở bên ngoài bấy lâu nay làm cho lu mờ cái nhân nghĩa của Phật giáo, ngăn lấp cái đường sáng suốt của chúng sinh”.

Hòa thượng chùa Hội Khánh thay mặt liệt vị Hòa thượng, trả lời vắn tắt: “Các ngài có nhiệt tâm như thế, chúng tôi lấy làm hoan hỷ lắm, nhưng các ngài cứ lo tiến hành, còn phần chúng tôi thì xin để cho chúng tôi suy nghĩ lại”.

Bài báo đã cung cấp cho chúng ta những tư liệu quý về hoạt động CHPG ở Nam Kỳ lúc bấy giờ. Cũng qua bài này chúng ta biết được tờ PHTTN có thể ra đời vào tháng 9 hoặc tháng 10 năm 1929 ngay sau ngày tờ Pháp Âm số 1 bị đình bản.

h) Chương trình chùa của "Phật Hóa Tân Thanh Niên” sẽ lập. Từ trang 37 - 48 đăng 5 chương (1. Tôn chỉ: 7 điều; 2. Cách tổ chức: 4 điều; 3. Chức vụ và quyền hạn các viên chức: 18 điều; 4. Chùa và tài sản của chùa: 3 điều; 5. Công trụ quy ước: 52 điều) chương trình chùa PHTTN.

Tuy không ghi rõ trong tờ nguyệt san, nhưng hầu hết bài vở trong tờ báo là do sư Thiện Chiếu đảm nhiệm, có thể nói sư Thiện Chiếu là người sáng lập tờ Phật Hóa Tân Thanh Niên(2).

Đáng tiếc Phật Hóa Tân Thanh Niên - tờ báo tiếp sức cho nguyệt san Pháp Âm cũng chỉ ra được một số phải đình bản vì lý do tài chính.

Có thể nói nguyệt san Pháp Âm và Phật Hóa Tân Thanh Niên là hai đạo quân tiên phong dọn đường đi trước cho báo chí Phật giáo phát triển ở cả ba miền trong giai đoạn CHPG sau này. 

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng Thích Huệ Thông, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự kiêm Trưởng ban Pháp chế T.Ư - Ảnh: Bảo Toàn/BGN

Hòa thượng Thích Huệ Thông: “Muốn đăng ký con dấu mới phải thành lập Ban Quản trị tự viện”

GNO - Liên quan hướng dẫn về con dấu Ban Quản trị tự viện ngày 24-4-2024 của C06 - Bộ Công an và con dấu của tự viện đang lưu hành còn hiệu lực hay không, Báo Giác Ngộ đã có cuộc trao đổi với Hòa thượng Thích Huệ Thông, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự kiêm Trưởng ban Pháp chế T.Ư GHPGVN, về vấn đề đang được quan tâm này.
Ảnh minh họa

Quan điểm của Phật giáo về tự sát

GNO - Vừa rồi tôi có đọc bài “Cảnh giới của những người tự sát”. Trong sách có luận giải: Khi tự sát sẽ phạm vào 3 tội nặng. 1- Bất hiếu với song thân, 2- Tự hủy hoại hình hài, phụ phúc báu hi hữu có được thân người, 3- Ngu si vô trí. Sau khi tự sát, thần thức sẽ bị chìm trong thống khổ triền miên...

Thông tin hàng ngày