Vì đâu ra nỗi này?

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1242 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1242 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - "Chùa dạo này vắng quá!" - Đó là lời than của một vị Tăng ở Cao nguyên, Đại đức Thích Lệ Đạo (trụ trì chùa Phước Duyên ở Krông Ana, Đắk Lắk). Vị này cho biết ở ngôi chùa nơi Thầy đang hành đạo, trong dịp rằm tháng Giêng vừa rồi, chỉ trên dưới 100 Phật tử lui tới, giảm rất nhiều so với trước đây.

Hỏi duyên cớ thì Thầy thở dài: “Bà con cứ truyền tai nhau nghe, nói lại cho nhau chuyện… bà Đoàn Hương lên đài truyền hình nói các sư sống xa hoa, chuyện chùa chiền, sư sãi...!”.

Chỉ có tiếng thở dài

Cho đến nay, chưa có một điều tra, nghiên cứu nào được công bố về việc tác động, ảnh hưởng của những thông tin, hiện tượng tiêu cực liên quan đến Tăng Ni, chùa chiền những năm gần đây đã làm thay đổi tình cảm, cái nhìn của số đông về Phật giáo như thế nào. Vấn đề này cũng chưa thấy được đặt ra một cách nghiêm túc, dù rất nhiều hội thảo do các đơn vị thuộc GHPGVN được tổ chức ở nhiều nơi.

Những thông tin tiêu cực liên quan tới Tăng Ni, chùa chiền chắc chắn có sự tác động lên tình cảm, cái nhìn của số đông về Phật giáo. Sự tác động đó sẽ lâu dài, lan rộng, biến tướng khó lường trong thời đại bùng nổ thông tin với độ lan truyền nhanh chóng thông qua phương tiện số như hiện nay.

“Sự phát triển của mạng internet và mạng xã hội giúp loài người tiếp thu nhiều điều hay nhưng điều xấu cũng lan tràn đầy rẫy. Điển hình như người con Phật chúng ta có thể chia sẻ những lời Phật dạy dễ dàng hơn, được xem, được nghe những bài thuyết pháp giá trị của chư tôn đức dù ở nơi xa xôi, nhưng chúng ta cũng dễ dàng gặp phải những ‘tà đạo’ mượn danh Phật, những ‘tà sư’ mượn danh sư khiến những người chưa có cơ hội học Phật chân chính dễ bị lừa gạt lôi cuốn vào đường tà”.

(Huyền Lam)

Nếu chúng ta thấy thời gian gần đây, các hoạt động Phật sự của các cấp Giáo hội lẫn các cơ sở tự viện trực thuộc được cho là rất phong phú. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, các hoạt động ấy khá khiêm tốn so với các thông tin tiêu cực xuất hiện trên mạng xã hội, nếu xét trên mức độ quan tâm thể hiện qua lượt xem, đọc và số lượng tiếp cận qua internet.

Chẳng hạn clip Nguyễn Minh Phúc với tên gọi “thầy chùa ăn thịt chó” đôi khi có hàng triệu lượt xem; các clip các hành vi không phù hợp với đạo đức và oai nghi của một Tăng, Ni nào đó có thể có hàng ngàn lượt chia sẻ, hàng chục ngàn cảm xúc và bình luận, tiếp cận với hàng triệu tài khoản mạng xã hội. Gần đây clip cắt từ nội dung thảo luận nội bộ của một nhóm Tăng Ni về việc ứng dụng mạng xã hội, cũng vậy, đang làm mưa tạo gió trên mạng xã hội. Thật là xót xa khi so sánh với mức độ lan tỏa, ảnh hưởng của các clip, thông tin được cho là tốt đẹp, Phật sự chính thống!

Nếu cần số liệu chính thức và thuyết phục thì hãy vào các kênh thông tin, mạng xã hội của các cấp Giáo hội, các Ban, Viện Trung ương để xem, đối chiếu thực tế.

Hiển nhiên, với sự hiếu kỳ của số đông, những tin tức xấu thường thu hút dư luận, còn điều tốt đẹp chỉ là chuyện “bình thường ở huyện”.

Cư sĩ Trần Đình Sơn, nhà nghiên cứu văn hóa, một Phật tử thuần thành, người chứng kiến và gắn bó với các hoạt động Phật giáo hơn 50 năm qua mỗi lần gặp người viết cứ thở dài, hỏi Giáo hội có động thái gì trước hiện tượng mở mạng internet lên là thấy… tin tức xấu, chuyện không hay về Phật giáo cứ nhan nhản.

Loạn phát ngôn, loạn quan điểm Phật học

Sự bùng nổ của mạng xã hội mở ra cơ hội chưa từng có cho con người, trong đó có Tăng Ni, Phật tử về việc thể hiện và tiếp nhận thông tin. Người Phật tử có thể nghe thuyết giảng, bày tỏ quan điểm, trao đổi, liên hệ và tương tác trong đời sống tinh thần ở khắp mọi nơi, không bị giới hạn về thời gian và khoảng cách địa lý. Tuy nhiên, chính công nghệ thông tin cùng các ứng dụng của nó cũng đã tạo nên một sự hỗn loạn chưa từng có.

Chỉ với sự liều lĩnh, “bạo miệng”, hay có giọng nói dễ nghe, ngoại hình dễ nhìn, thì một Tăng, Ni trẻ về mọi mặt về cả tuổi đời lẫn nhận thức Phật học, hiểu biết văn hóa, kinh nghiệm thực hành tâm linh có thể trở thành… giảng sư, “người của công chúng”, được theo dõi và chào đón như một “ngôi sao” của làng giải trí.

Công nghệ này đã chắp cánh cho họ bay bổng, ảo giác sức mạnh, dẫn tới bệnh tự huyễn hoặc về sứ mệnh thiêng liêng mang danh nghĩa hoằng pháp.

Cùng với đó, một số vị có học vị và đôi khi có cả chức sắc trong Giáo hội, cũng sử dụng phương tiện này nhằm thỏa mãn ý riêng bằng cách tuyên bố, phát ngôn, nhận định về Phật giáo, kinh điển theo cách tiếp cận của mình; đồng thời phủ nhận các truyền thống khác, diễn dịch giáo lý theo lối tư biện, dẫn tới các phát ngôn vĩ cuồng, gây mâu thuẫn và rối loạn thêm cho thông tin về Phật giáo; rồi trường hợp sử dụng mạng xã hội để công kích nhau có thể nói là rất tự do giữa trụ trì chùa Giác Ngộ ở TP.HCM và các vị ở chùa Ba Vàng (tỉnh Quảng Ninh) mấy năm trước đây.

Do vậy, không lạ gì, có hiện tượng là đại diện của một nhóm thuộc chuyên ngành hoằng pháp của Giáo hội đề nghị áp dụng biện pháp hạn chế mời một nhân vật nhà sư hệ phái Khất sĩ trẻ G.M.L thuyết giảng, thì lập tức, một “đạo trưởng” đăng đàn, dùng mạng xã hội để phản công quyết định ấy, cũng gây xôn xao trên mạng xã hội, trong dư luận.

Như đã nói, chưa thấy một nghiên cứu, khảo sát nào về tác hại của những hiện tượng này; một dạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, giữa những phát ngôn phủ định và công kích không chỉ giới hạn ở từng cá nhân mà liên quan tới các pháp môn, tín ngưỡng Phật giáo Việt Nam, chủ trương hoằng pháp và bài trừ tệ nạn mê tín dị đoan núp dưới danh nghĩa tôn giáo… đã tác động, phân hóa, ảnh hưởng như thế nào đối với quần chúng trong cái nhìn, tình cảm đối với Phật giáo. Chỉ với các biểu hiện cụ thể nhất là trên các bình luận trong các “post” trên mạng, tỷ lệ chán ghét, ác cảm của quần chúng là điều rất cần quan tâm, khi chiếm một lượng không hề nhỏ.

Phật giáo không trừng phạt ai, cũng không có quyền quyết định ai sẽ làm lãnh đạo và đừng nghĩ vậy để tự tung tự tác bất chấp nguyện vọng của số đông, bởi người Phật tử có một quyền, đó là quyền mặc tẫn, cắt đứt mọi sự liên lạc trong tương quan tôn giáo. Đó là hậu quả không thể tồi tệ hơn đối với một tổ chức.”, Hòa thượng Thích Nguyên Huy trong một lần chia sẻ về các hiện tượng và thực trạng của Phật giáo, đã nói như một sự cảnh báo cho rằng đó là điều quan ngại, đáng sợ nhất.


Trong một so sánh đối với các tôn giáo, về tin tức xấu trên cả truyền thông chính thống lẫn mạng xã hội, có người cho rằng Phật giáo Việt Nam đang là đối tượng bị “tập kích truyền thông”.

Như mới đây, sau khi chương trình có sự tham gia của bà TS.Đoàn Hương với những phát ngôn ám thị và quy chụp cho rằng “có rất nhiều nhà sư hư hỏng”, phán quyết rằng đã đến lúc không trông chờ vào Giáo hội siết chặt kỷ luật mà phải đưa hình sự vào để xử lý, trừng phạt nghiêm khắc… được phát sóng, dẫu cho vị lãnh đạo cao nhất của Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC tuyên bố là đã phong tỏa, nhưng hiện nay những đoạn video trong chương trình này vẫn nhan nhản trên mạng xã hội, tiếp tục “vả” vào mặt Tăng Ni và tổ chức đại diện cho Tăng Ni, Phật tử khi má đã sưng vì những thông tin gay gắt này trước đó!

Ngoài một số tiếng nói lẻ loi, còn lại âm ỉ trong dư luận. Không ít người Phật tử vẫn trông chờ tiếng chuông cảnh tỉnh của Giáo hội, không chỉ với các sự vụ trên, để phân định rạch ròi điều đúng - việc quấy; vì nếu không, đến một lúc nào đó, điều đáng sợ nhất xảy đến là tín đồ không còn kỳ vọng gì khác.

“Phật giáo không trừng phạt ai, cũng không có quyền quyết định ai sẽ làm lãnh đạo và đừng nghĩ vậy để tự tung tự tác bất chấp nguyện vọng của số đông, bởi người Phật tử có một quyền, đó là quyền mặc tẫn, cắt đứt mọi sự liên lạc trong tương quan tôn giáo. Đó là hậu quả không thể tồi tệ hơn đối với một tổ chức.”, Hòa thượng Thích Nguyên Huy trong một lần chia sẻ về các hiện tượng và thực trạng của Phật giáo, đã nói như một sự cảnh báo cho rằng đó là điều quan ngại, đáng sợ nhất.

Cần thông tin cụ thể, để giữ gìn kỷ cương

Với các thuật toán và công nghệ AI - trí tuệ nhân tạo, kho dữ liệu vô tận không bị giới hạn bởi không gian địa lý, sẽ tự động liên kết và ùa về, áp đảo người tiếp nhận, trong đó có các thông tin xấu được gắn từ khóa “Phật giáo”, “nhà sư”...

Cũng không lạ gì, trong một báo cáo không chính thức do một lãnh đạo ngành báo chí thuyết trình, thông tin tiêu cực về Phật giáo luôn áp đảo các tin tức Phật sự của Giáo hội tới nhiều lần, xét về số lượng và mức độ hiển thị khi sử dụng công cụ tìm kiếm trên không gian mạng.

"Gần đây, Giáo hội có chủ trương chấn chỉnh việc công nhận người xuất gia theo hướng kỷ cương về giới luật, Phật tử chúng tôi vui mừng vì điều đó. Và mong rằng, Giáo hội nghiêm khắc với những cá nhân tu sĩ vi phạm giới luật và pháp luật, đừng để tình trạng vi phạm nơi này lại được suy cử chức vụ quan trọng nơi khác, khiến cho dư luận xem thường, cơ hiềm, mỉa mai. Đừng vì một vài cá nhân để dư luận quy chụp lên hàng chục vạn Tăng Ni khác, và nguy hại hơn là mất niềm tin, có cái nhìn không thiện cảm với đạo Phật”.

Cư sĩ Trần Đình Sơn

“Rất mong các nhà báo, các vị lãnh đạo cơ quan báo chí, cơ quan chức năng nếu điều tra, phát hiện và có đủ chứng cứ những vị sư được cho là ‘vi phạm giới luật, hư hỏng’, như bà Đoàn Hương, cũng như vị lãnh đạo đài VTC đã nói, thì rất cần chỉ đích danh nếu bà có lương tri của người trí thức và đài truyền hình VTC muốn xây dựng. Theo đó, Giáo hội cũng có những công bố chính thức quan điểm của mình, vì một vài cá nhân Tăng Ni nếu có những hành vi như thế không có nghĩa là Phật giáo Việt Nam cũng tệ hại như thế”, cư sĩ Trần Đình Sơn bày tỏ.

Ông cho biết rằng việc đó là cần thiết để giữ niềm tin của xã hội và không làm tín đồ Phật giáo hoang mang, rối loạn.

Theo ông, Nhà nước hiện nay đang làm công việc thanh lọc cán bộ của mình để lấy lại niềm tin trong nhân dân. “Không cớ gì chúng ta không làm được điều đó để xứng đáng là tôn giáo có lịch sử gắn bó và đồng hành với dân tộc hai ngàn năm qua. Những hiện tượng tiêu cực về Phật giáo được nêu chung chung bằng cách nói ‘một số’, rồi ‘rất nhiều’… gây bức xúc, đi đâu chúng tôi cũng nghe, tới đâu cũng bị hỏi, từ các cuộc gặp gỡ bên ngoài xã hội lẫn con cháu trong nhà. Quý Tăng Ni ở trong chùa, chúng tôi là người sống ngoài đời, rất rát tai và đau lòng về hiện tượng đó khi nghĩ về nỗ lực chấn hưng Phật giáo đầu thế kỷ XX của tiền nhân, Pháp nạn 1963 và công đức của tiền nhân chúng ta đối với Phật giáo Việt Nam...”, cư sĩ Trần Đình Sơn chia sẻ.

Vị cư sĩ này cũng cho biết thêm, trong tương quan xã hội và mở rộng mối quan hệ quốc tế, hội nhập của Việt Nam hiện nay, nếu không có thông tin kịp thời và những điều chỉnh cụ thể, để tình trạng tự phát nhận thức, chỉ nói về lĩnh vực tôn giáo, có thể đưa tới sự nhiễu loạn đáng tiếc, khi muốn chấn chỉnh thì đã quá muộn màng - nếu soi từ kinh nghiệm qua các biến cố lịch sử trong quá trình vận động của của dân tộc.

“Gần đây, Giáo hội có chủ trương chấn chỉnh việc công nhận người xuất gia theo hướng kỷ cương về giới luật, Phật tử chúng tôi vui mừng vì điều đó. Và mong rằng, Giáo hội nghiêm khắc với những cá nhân tu sĩ vi phạm giới luật và pháp luật, đừng để tình trạng vi phạm nơi này lại được suy cử chức vụ quan trọng nơi khác, khiến cho dư luận xem thường, cơ hiềm, mỉa mai. Đừng vì một vài cá nhân để dư luận quy chụp lên hàng chục vạn Tăng Ni khác, và nguy hại hơn là mất niềm tin, có cái nhìn không thiện cảm với đạo Phật”, cư sĩ Trần Đình Sơn nói.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình Bồ-tát trẻ tuổi

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày