Vì sự nghiệp trồng người chẳng của riêng ai…

Giác Ngộ - Tâm là đạo diễn của lời nói và hành động. Hành động, lời nói hung hăng, ngỗ ngược cũng từ ba “độc” (tham, sân, si). Nhất là tâm lý chưa vững vàng của giới trẻ, nếu không có sự thực hành tập luyện tâm linh, tâm càng dễ “nhiễm độc”. 

Nguyên nhân chủ quan đó chính là sự thiếu thực hành tâm linh, nên khi bị tác động bởi những lời nói, hành động “chướng tai gai mắt”, người trẻ đã không tự chủ được hành động của chính mình. Nói đến sự thiếu thực hành về tâm linh, trách nhiệm một phần của Phật giáo. Người trẻ đến chùa chưa có tư tưởng “học Phật”, mà vẫn còn tư tưởng “cầu (xin) Phật”. Tư tưởng Phật giáo chưa thấm nhuần vào lối sống tâm linh của người trẻ, từ đó, nhiều bạn trẻ đến với Phật Pháp chỉ để tu phước (làm công quả, chấp tác) thay vì phước huệ song tu (thực hành chuyển hóa nội tâm).

IMG_2193.jpg
Người trẻ nếu được thực hành tâm linh
thì sẽ bớt tưới tẩm những hạt giống bạo lực - Ảnh: Hạnh Ý

Mặt khác, một hệ quả nhỏ của việc thiếu thực hành tâm linh, đó là cái tôi đặt không đúng chỗ. Mong muốn khẳng định mình là một mong muốn chính đáng, nhưng nếu đặt không đúng chỗ và “khẳng định” không đúng hướng thì sẽ thật nguy hiểm. Thay vì khẳng định bản thân bằng trí tuệ và đạo đức, đáng buồn là một số bạn trẻ chọn cách tự khẳng định mình bằng nắm đấm, bằng những danh xưng “đại ca” và sự phục tùng của người khác làm điều đắc ý cho mình.

Bên cạnh sự thiếu thực hành về tâm linh, nguyên nhân chủ quan còn xuất phát từ lối sống không lành mạnh, buông thả về thể xác (ăn chơi trác táng) và tâm hồn (không có lý tưởng sống). Những người trẻ này, như lời Phật dạy, “ngũ ấm xí thạnh khổ”, nghĩa là cuộc sống có điều kiện hưởng thụ quá lớn cũng dẫn đến những hành động gây ra sự đau khổ. Khổ là vì không ý thức được niềm vui trong cuộc sống hiện tại nên không có lý tưởng sống rõ ràng để vươn tới, để phấn đấu. Lý tưởng sống giống như ngọn hải đăng trên biển, không có lý tưởng sống, chúng ta có thể sẽ đi lạc đường khi bỏ phí và đánh rơi tuổi trẻ của mình.

Có nhiều yếu tố tạo nên nguyên nhân khách quan tác động đến tâm thức người trẻ dẫn tới hành động, lời nói bạo lực.

Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”, yếu tố gia đình giữ vai trò quan trọng hàng đầu. Dạy dỗ con trẻ là cả một nghệ thuật của trí tuệ và sự kiên trì chứ không đơn giản chỉ là ra lệnh, quát nạt để bắt ép con trẻ nghe lời người lớn. “Yêu cho roi cho vọt” nhưng không vì thế mà thẳng tay đánh đập, chửi bới, văng lời thô tục một cách tùy tiện và quy chung đó là “roi vọt”. Tất cả những hành động xảy ra trước mắt con trẻ, tác động hay không tác động trực tiếp, đều có ảnh hưởng đến nhận thức và tâm lý của chúng.

wwday con.jpg

Dạy con lòng nhân ái ngay từ bé thơ - Ảnh minh họa

Vì tuổi trẻ là giai đoạn hình thành nhận thức và tâm lý non yếu dễ bị ảnh hưởng nhất. Nếu bị tác động tiêu cực, tạo một sức nén tâm lý, hành động và lời nói sẽ không tránh khỏi tiêu cực. Một đứa trẻ hay bị đánh đập, quát nạt để làm thế này, không làm thế kia, sẽ hình thành nếp suy nghĩ “đánh đập (bạo lực) là có quyền hành sai khiến người khác”. Như vậy, vô hình chung, xu hướng giải quyết mọi chuyện bằng bạo lực xuất hiện, thay vì “đối thoại”, trẻ nhỏ sẽ chuyển sang “đối đầu”.

Theo số liệu được đưa ra tại “Hội thảo giải pháp phòng ngừa từ xa và ngăn chặn tình trạng học sinh đánh nhau” do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày 28-7-2010 thì trong khoảng thời gian từ năm 2009 đến ngày diễn ra hội thảo, các trường trên toàn quốc đã xử lý kỷ luật, khiển trách gần 900 học sinh, buộc thôi học hơn 730 học sinh và cảnh cáo gần 1.600 học sinh do tham gia vào các vụ đánh nhau trong và ngoài nhà trường. Riêng năm học 2009-2010 xảy ra 7 vụ việc học sinh đánh nhau dẫn đến chết người.

M.Đ tổng hợp

Yếu tố giáo dục trong nhà trường cũng rất quan trọng. Trong khi giáo dục được coi là sự nghiệp “trồng người”, “tiên học lễ, hậu học văn” thì giáo dục nước nhà mới chỉ chú ý đến “văn” mà dường như thiếu hụt về “lễ”. Những bài học về lòng yêu thương, sự bao dung mới chỉ dừng lại ở tính hình thức mà chưa có bề sâu đi vào tâm hồn người trẻ.

“Giáo dục công dân” mới chỉ dừng lại ở việc giáo dục về chính trị, pháp luật và rất “lý thuyết”. Một khía cạnh nhỏ khác, việc giảng dạy một số tác phẩm văn học có chi tiết bạo lực (như Tấm Cám, Chí Phèo…) chưa được xem xét cẩn thận. Ví dụ như tác phẩm Chí Phèo, việc Chí Phèo cầm dao giết Bá Kiến và tự sát mới chỉ được nhấn mạnh là sự hy sinh vì cái thiện, và việc giết người đó là vì lẽ phải. Nhưng có bao giờ những em học sinh được gọi là tay anh chị đánh bạn bè, hay cầm dao đâm bạn, thậm chí để “rửa hận” với thầy cô giáo, mà không tự cho là lẽ phải thuộc về mình?  

Ở tuổi học trò, tâm hồn của các em chưa hoàn toàn đủ sức miễn nhiễm trước một hiện tượng, biết bóc tách lấy phần tốt đẹp để tiếp thu và loại bỏ đi phần tiêu cực. Dẫu rằng các tác phẩm như Chí Phèo, Rừng xà nu, Tấm Cám có nhiều thông điệp cao đẹp, song khách quan mà nói hành động cầm giao giết người là một sự gợi ý (dù là vô thức) cho học sinh về bạo lực.

Về khía cạnh những người làm giáo dục, tiếp xúc với học sinh nhiều nhất là thầy cô. Thầy cô cần và phải là những tấm gương tốt cho học sinh noi theo về mọi mặt chứ không chỉ riêng học thức. Có thể nói, trong thời gian vừa qua, dư luận rất bức xúc với những người thầy đứng trên giảng đường mà xúc phạm học sinh bằng những lời lẽ thô tục, mất tư cách đạo đức đưa các em vào con đường tội lỗi (vụ hiệu trưởng Sầm Đức Xương… Sư phạm phải là mô phạm (hình mẫu), nhưng nhân bất thập toàn, nếu không mô phạm được thì cũng đừng “vi phạm”!

wwdanhnhau4.jpg
Người thầy là hình mẫu nên nếu thầy dùng bạo lực
để giáo dục học trò thì làm sao tránh khỏi
việc các em không bạo lực? - Ảnh: Internet

 Yếu tố xã hội bao gồm ba yếu tố có tác động lớn: truyền thông, văn hóa phẩm và yếu tố môi trường sống. Môi trường sống có tác động đến người trẻ là điều quá dễ hiểu. “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”, các cụ đã dạy như vậy.

Báo chí mang tính chất “phản ánh xã hội” với đầy những tin cướp, giết, hiếp. Phim ảnh, game, văn hóa phẩm mang tính bạo lực tràn lan ngoài xã hội thật và cuộc sống ảo (internet) với đầy những nhân vật “máu lạnh” hành động đâm chém không ghê tay, tất cả làm chai lì, chà sát tâm hồn người trẻ, gieo rắc mầm mống bạo lực trên mảnh đất những tâm hồn ngây thơ non nớt. 

Bài vở tham gia diễn đàn "Thao thức với bạo lực" vui lòng gửi về địa chỉ email: bandocgiacngo@gmail.com. Xin trân trọng chào đón những chia sẻ của quý bạn đọc!

Giác Ngộ Online

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày