Vị thầy thân cận Đức Dalai Lama trả lời báo Giác Ngộ

GN - Trong dịp ghé thăm Việt Nam hồi giữa năm 2018, thầy Geshe Dorji Damdul, được biết đến là một trong những thông dịch viên thân cận của Đức Dalai Lama, đã đến thăm tòa soạn Báo Giác Ngộ.

Thầy đã có buổi trò chuyện thân mật, với những chia sẻ thú vị về xu hướng tiếp cận con người, đặc biệt là người trẻ, của Phật giáo hiện nay. Xin giới thiệu cùng bạn đọc câu chuyện thiết thực và ý nghĩa này, do PV Giác Ngộ thực hiện.

* Thưa thầy, thầy nghĩ như thế nào về xu hướng tiếp nhận Phật giáo của người phương Tây hiện nay?

a tre 5.jpg

Thầy Geshe Dorji Damdul

- Về cơ bản, đối với người phương Tây, khoa học hiện đại là chất liệu chính của giáo dục. Nghĩa là, họ nhấn mạnh vào mục tiêu khám phá thực tại, những gì là thực tế, lấy đó làm nền tảng cho sự giáo dục con người. Từ đó, con người có niềm tin vững chắc vào những gì mình được học.

Tôi còn nhớ, có nhận định được cho là của nhà khoa học Albert Einstein, rằng “Nếu có một tôn giáo nào đáp ứng những nhu cầu của khoa học hiện đại, thì đó là Phật giáo. Phật giáo không đòi hỏi phải xét lại mình để cập nhật những khám phá mới của khoa học. Phật giáo cũng không cần từ bỏ bất cứ quan điểm nào của mình để đi theo khoa học. Bởi, Phật giáo bao gồm khoa học và vượt xa khoa học” (If there is any religion that would cope with modern scientific needs, it would be Buddhism. Buddhism requires no revision to keep it up to date with recent scientific findings. Buddhism needs no surrender its view to science, because it embraces science as well as goes beyond science).

Như vậy, chúng ta có thể thấy, nếu có tôn giáo có thể đi đôi, song hành với khoa học, đó sẽ là Phật giáo.

Rõ ràng, hiện nay, người phương Tây đang ngày càng có thiện cảm với Phật giáo, bởi điều họ muốn đạt được hiện nay là hạnh phúc từ bên trong, đó là hạnh phúc về tinh thần và vì vậy, họ nỗ lực tìm kiếm một giải pháp cho hạnh phúc ở thực tại. Theo thời gian, họ nhận thấy, Phật giáo là một điều gì đó chứa đựng cả hai khía cạnh: bình an trong tinh thần và sự khám phá từng giây phút thực tại. Vì vậy, Phật giáo phù hợp với người phương Tây, dần chiếm được cảm tình của họ và khiến họ quan tâm đến tôn giáo này, về giáo lý, phương pháp thực hành và cả triết học Phật giáo.

* Chúng ta vẫn hay nói về sự thực hành trong Phật giáo. Vậy, chúng ta cần thực hành như thế nào để đúng với Chánh pháp của Đức Phật, từ đó, rèn luyện thân tâm để đạt được an lạc, thưa thầy?

- Đây thật sự là một câu hỏi nghiêm túc. Chúng ta thường nói về Phật giáo như một vấn đề triết học, vậy khi nói về thực hành, chúng ta cần thực hành điều gì? Thực hành triết học ư? Và tại sao nên thực hành?

Hầu hết ai cũng đều mong muốn hạnh phúc, không muốn khổ đau. Và sự thật là chúng ta luôn có khả năng hạnh phúc. Mọi người chìm đắm trong khổ đau là do kết quả của tư duy không đúng, suy nghĩ sai lầm, không thực tế và cũng không gắn liền với thực tại. Một khi chúng ta nhận thức được thực tại, tư duy về thực tại, ta sẽ thấy giữa Phật giáo và khoa học hiện đại có sự tương đồng. Vì sao? Vì mục tiêu của cả hai đều là muốn tìm hiểu và khám phá thực tại, với câu hỏi thực tại là gì. Từ đây, độc lập tìm kiếm câu trả lời và tiếp nhận một niềm tin khách quan. Sự khác biệt giữa Phật giáo và khoa học hiện đại là, khi khoa học khám phá ra thực tại là gì, coi như công việc của họ đã hoàn thành. Đối với Phật giáo, khi hiểu được thực tại là gì, chúng ta ứng dụng sự hiểu đó vào việc thực hành, làm cho chính mình hạnh phúc hơn. Điều này là khác biệt duy nhất.

a tre 2.jpg


Các diễn đạt Phật pháp của Thiền sư Thích Nhất Hạnh được giới trẻ ở nhiều
nền văn hóa tiếp nhận một cách tự nhiên và hào hứng - Ảnh: Langmai.org

Như vậy, để biết được thực tại là gì, Đức Phật đề cập đến ba bước: thứ nhất là phải học (văn), thứ hai là phải tư duy (tư), thứ ba là thiền (thực hành - tu). Học tập là làm phong phú cho bản thân với giáo pháp Đức Phật đã dạy. Thứ hai là tư duy, suy nghĩ để nhận xét, xác quyết những điều Đức Phật dạy để đạt được niềm tin, hơn là chỉ có đức tin mù quáng vào Phật giáo. Để đạt được niềm tin, Đức Phật khuyên mọi người phải suy nghĩ, tư duy nhiều hơn. Đó là điểm thứ hai.

Một khi chúng ta đạt được niềm tin thông qua sự tư duy, thì việc kế tiếp là chuyển hóa tâm thức. Để có thể chuyển hóa, ví dụ như ai đó bị bệnh, chúng ta cần uống thuốc, có thể một liều không đủ, để thuốc phát huy hiệu quả, chúng ta cần phải dùng liên tục trong 6 tháng. Những gì chúng ta đã học được, những gì chúng ta đã xác quyết thông qua tư duy, nghiên cứu Phật giáo, chúng ta phải áp dụng vào thực hành, giống như việc uống thuốc hàng ngày. Cho nên việc chuyển hóa tâm thức diễn ra, như ai đó gặp nhiều phiền não, khổ đau hay ngày nay, nhiều người trẻ, những người tập trung quá nhiều vào di động, các phương tiện thông tin đại chúng… sẽ dễ nảy sinh nhiều mâu thuẫn, sai lầm trong giao tiếp với mọi người xung quanh, gây ra cho nhau khổ đau là điều khó tránh khỏi.

* Như vậy, theo thầy, với các phương thức như Phật giáo đang thể hiện ngày nay, liệu Phật giáo có phù hợp với sự tiếp thu của giới trẻ?

- Ngày nay, nhiều vấn đề về tinh thần của các bạn trẻ đang gia tăng. Cho nên, rất cần thiết, thích hợp để chia sẻ giáo lý Phật pháp. Vì vậy, khi tôi trao đổi với các vị thầy trụ trì và chư Tăng, tôi luôn nhấn mạnh cần lưu ý cách tiếp cận những người trẻ, vì họ có thể nhận thấy được niềm tin của Đức Phật dạy phù hợp với khoa học hiện đại. Và rồi những gì họ xác quyết được, họ cần được hướng dẫn để áp dụng thực hành, giống như việc uống thuốc hàng ngày.

Đến khi sự chuyển hóa tâm thức thực sự tồn tại trong tâm trí, thì những ai thường khó chịu, dễ cáu kỉnh, dễ nổi giận, buồn chán, khổ đau… sau khi thực hành Phật pháp, kết hợp với phạm trù khoa học hiện đại, sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn, bình tĩnh hơn, an bình hơn, có thể kiểm soát bản thân, thanh thản hơn. Vì vậy, có thể khẳng định đây là những điều mang lại hiệu quả. Dựa trên 3 điều: học tập, suy tư và áp dụng thực hành thiền (văn - tư - tu), đây chính là phương cách chúng ta chuyển hóa tâm thức thành trạng thái mà ở đó, chúng ta có thể hòa hợp với thế giới, chấm dứt những xung đột, phân biệt giới tính, tham nhũng, khủng bố, v.v…

* Phật giáo với nhiều hệ phái, truyền thống khác nhau, theo đó là sự khác biệt về nghi lễ. Liệu điều này có làm ảnh hưởng đến sự tiếp cận Phật giáo của giới trẻ hiện nay, vốn ưa thích tinh thần thoải mái, tự do hơn?

- Về cơ bản, tinh túy của Phật giáo có thể phân thành hai loại. Thứ nhất, Đức Phật dạy rất rõ ràng cho những người bình thường. Loại này thậm chí còn tồn tại cho đến ngày nay, đây là truyền thống Pali hoặc truyền thống Phật giáo Nguyên thủy Theravada. Loại thứ hai Đức Phật thuyết giáo dành riêng cho một số đệ tử, những người muốn đạt được quả vị Phật. Vào thời điểm thế kỷ thứ II, vị đạo sư Ấn Độ vĩ đại, ngài Nagajuna (Long Thọ) đã khơi mồi Chánh pháp Đại thừa. Truyền thống đó được biết đến như Phật giáo Trung Hoa (Phật giáo Đại thừa) và Phật giáo Tây Tạng. Trên hết, một phương pháp thực hành rất tinh tế, đồng bộ, có quy trình, thực hành này được biết đến là truyền thống Kim Cương thừa. Đây là con đường giáo lý chính yếu cho những người tìm kiếm giác ngộ, chứng đạt quả vị Phật.

a tre 4.jpg


Đức Dalai Lama là một trong những khách mời thuyết giảng tại nhiều
trường đại học lớn ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ - Ảnh: Dalailama.com

Người trẻ ngày nay rất muốn xác định tại sao các truyền thống khác nhau, nhưng về bản chất đều giống nhau. Điều Đức Phật nói là bản chất, nếu tôi nói với người thực hành theo truyền thống Theravada, hoặc với hành giả Phật giáo Đại thừa, hay học giả Tây Tạng, hay là hành giả Tây Tạng… về những tinh túy của giáo pháp chư Phật, mọi người đều biết là cùng một tôn giáo, hay nói cách khác, tất cả các truyền thống này giống như những người anh em. Chuẩn mực là không làm các việc ác, tích lũy các thiện hạnh, hoàn toàn điều phục tâm chính mình, đây là lời dạy của chư Phật. Chúng ta phải tập trung vào tinh túy lời Phật dạy thay vì sự khác biệt của các truyền thống. Và giới trẻ cần nhận được những chỉ dạy, hướng dẫn về tinh túy này của chư Phật.

* Như vậy, Phật giáo Tây Tạng nói riêng, có những phương cách gì để thu hút và tiếp cận với người trẻ dễ dàng hơn trong thời đại hiện nay, thưa thầy?

- Thực ra, đây là điều mà cả ba truyền thống cần tập trung vào, đặc biệt là cách có thể thu hút người trẻ. Như tôi chia sẻ về năng lực giáo lý của Đức Phật, giúp mang lại hạnh phúc, hòa hợp hay phi bạo lực. Điều này được lan truyền khắp thế giới, bất kể mọi người ở đâu, cho dù họ tin hay không tin vào tôn giáo, là Phật tử hay không phải là Phật tử đều không quan trọng, thông điệp chính của Đức Phật là lòng từ bi, và nền tảng căn bản là hiểu được về thuyết duyên khởi (mối liên hệ tương tác phụ thuộc lẫn nhau). Giáo pháp của Đức Phật thực sự đóng góp cho thế giới này, cho ta biết rằng chúng ta chỉ là một. Vì vậy, không có chỗ cho khủng bố, không có chỗ cho tham nhũng, cho phân biệt giới tính, tất cả chúng ta chỉ là một.

Những người trẻ họ chưa biết, chưa hiểu tường tận về giáo pháp, chưa biết rằng giáo lý của Đức Phật rất phong phú về mặt triết học lẫn về mặt khoa học và về khoa học tâm thức. Dĩ nhiên, nhận thức về khoa học tâm thức, Đức Phật không thực sự đề cập vào điều này nhưng ngành khoa học tâm thức nói về sự vận hành của tâm trí, dựa vào các hệ thần kinh. Phật giáo nói về sự vận hành của não bộ hay cơ sở chức năng về tinh thần. Vì vậy, hai điều này gần như giống nhau. Lấy ví dụ, một ai đó bị phiền não, các nhà thần kinh học sẽ giải quyết sự phiền não này bằng cách cố gắng sửa chữa các khớp nối thần kinh trong hệ thần kinh. Đối với tâm lý học Phật giáo, sẽ cố gắng giải quyết cùng một vấn đề bằng cách xử lý với cảm xúc. Vì vậy, đây là hai phạm trù, có thể song hành với nhau.

Ngày nay Đức Dalai Lama, từ đầu năm 1978, đã có những cuộc đối thoại với ngành khoa học hiện đại và triết học Phật giáo. Cuộc đối thoại này rất phong phú, như đối thoại giữa khoa học và triết học hiện đại, khoa học tâm thức và tâm lý học và sau đó là hội nghị về tâm thức đời sống. Những Phật tử trẻ rất muốn biết về những điều này, để biết Phật giáo có nguồn vật liệu phong phú cung cấp cho thế giới, về tìm kiếm sự chuyển hóa cả tâm lý học và khoa học thần kinh hiện đại; và triết học Phật giáo dựa theo thuyết duyên khởi, các hoạt động liên quan đến cơ học lượng tử cho đến thuyết tương đối… Thật không may, các Phật tử trẻ, những người trẻ vẫn không biết gì về nền văn hóa, triết học và tâm lý học phong phú ấy, nhưng tôi không đổ lỗi cho các bạn trẻ đã không quan tâm đến Phật giáo.

a tre 1.jpg

Đối với người cao niên, đặc biệt là những người có trách nhiệm, những vị có năng lực trong cộng đồng, có thể phát huy, làm cho giáo pháp tiếp cận gần hơn với giới trẻ, để nói với các bạn rằng Phật giáo không phải là cúng bái, Phật giáo không phải là nghi lễ, mà Phật giáo là kho tàng triết lý và tâm lý phong phú. Vì vậy, các bạn nên tự hào về nền văn hóa của mình, sau đó nhận thức rằng đây không phải là đức tin mù quáng, mà giáo pháp có thể mang tính khoa học hiện đại, có khả năng đóng góp cho thế giới. Đây là điều chúng ta thực sự cần phải nỗ lực hết sức trong cộng đồng Phật giáo, đặc biệt là những người có khả năng lãnh đạo.

Vì vậy, với điều này, chúng ta có thể tổ chức một số hội nghị, đầu tiên để cho người trẻ đến tham dự. Khi người trẻ đến, nếu chúng ta dạy về giáo điều hoặc nghi lễ, người trẻ sẽ không hứng thú, không quan tâm, mà chúng ta cần làm cho buổi trao đổi thực sự thú vị, phù hợp với khoa học hiện đại. Thông thường, khoảng 20-30% những người trẻ trong số đó sẽ thích khoa học hiện đại, phần còn lại có thể là không có nền tảng căn bản về khoa học hiện đại, nhưng họ vẫn tôn trọng khoa học rất nhiều, vì khoa học thuộc về tri thức, thực sự khách quan với thực tại. Cho nên, một khi chúng ta có thể giao tiếp với người trẻ theo ngôn ngữ của họ, về phương diện khoa học hiện đại, sẽ hấp dẫn hơn. Điều này rất quan trọng.

Đồng thời, tất cả đều nên thực hành theo thông điệp của Đức Phật: sự hòa hợp bên ngoài và tạo ra hạnh phúc nội tại (bên trong). Điều này giống như âm thanh của tiếng vỗ tay. Để tạo ra âm thanh, chỉ với một bàn tay tượng trưng cho yếu tố bên ngoài không thể nào tạo ra âm thanh. Hay chỉ với một bàn tay kia tượng trưng cho nội tâm, cũng không tạo được âm thanh. Cả hai đều phải hiện diện, yếu tố bên ngoài và bên trong, để tạo ra âm thanh của hạnh phúc. Nếu chúng ta giải quyết được yếu tố bên ngoài, làm cho thế giới hạnh phúc, như vậy chúng ta cũng góp phần làm cho tâm trí, nội tâm mình hạnh phúc, an lạc. Vì vậy, hai yếu tố này phải được hợp nhất, không được tách rời.

* Xin cảm ơn những chia sẻ thiết thực của thầy.

Giao Hảo thực hiện

Về thầy Geshe Dorji Damdul

Geshe Dorji Damdul hiện là Giám đốc Tibet House, New Delhi, Trung tâm Văn hóa của Đức Dalai Lama.

Năm 1988, thầy vào Viện Biện chứng Phật giáo Dharamsala chuyên nghiên cứu về Logic, Triết học và Nhận thức luận của Phật giáo.

Năm 2002, sau 15 năm nghiên cứu, thầy đã hoàn thành bằng cấp Geshe Lharampa (tương đương tiến sĩ) tại Phật học viện Drepung Loseling. Sau đó, thầy học tại Mật viện Gyudmed Tantric trong một năm, nghiên cứu về Mật tông.

Năm 2003, theo sự giới thiệu của Văn phòng Đức Dalai Lama, thầy đến học tại Đại học Cambridge (Anh) chuyên ngành Anh ngữ và trở thành một thành viên thỉnh giảng tại Trường Girton, thuộc Đại học Cambridge.

Năm 2005, thầy chính thức được bổ nhiệm vào cương vị phiên dịch viên cho Đức Dalai Lama. Trong suốt nhiều năm, bên cạnh việc thực hiện tốt vai trò của mình, thầy cũng tham gia dịch các văn bản từ Tạng ngữ sang tiếng Anh như Arya Nagarjuna's Mulamadyamikakarika (Căn bản Trung luận tụng của Bồ-tát Long Thọ), Acharya Shantideva's Cock Bodhicaryavatara (Nhập Bồ-đề hạnh luận của Tôn giả Tịch Thiên - Chương Trí tuệ).

Tháng 3-2011, thầy được bổ nhiệm làm Giám đốc Tibet House, tại New Delhi, Ấn Độ.

Trước đó, vào năm 2008, theo sự phân công của Văn phòng Đức Dalai Lama, thầy đã đến Hoa Kỳ và để hợp tác cùng Giáo sư TS.Paul Ekman (thuộc Đại học Y khoa California) thực hiện cuốn sách của Đức Dalai Lama: “Nhận thức về cảm xúc của Emai Lama”.

Thầy cũng được Đức Dalai Lama tin tưởng giao phó việc thực hiện dự án sách giáo khoa về Khoa học và Triết học Phật giáo, với vai trò là một trong những biên tập viên chính. Bộ sách này sẽ được đưa vào sử dụng cho các trung tâm và viện nghiên cứu trên toàn thế giới, phục vụ cho việc nghiên cứu kỹ hơn về Triết học Phật giáo, Siêu hình học, Nhận thức luận, và Khoa học. Bên cạnh đó, thầy cùng một số học giả khác cũng đảm nhiệm việc biên tập cuốn sách “Đạo đức cho thiên niên kỷ mới - Phần II” và một loạt các cuốn khác viết về nghệ thuật hạnh phúc, do Đức Dalai Lama và Giáo sư Howard C. Cutler đồng tác giả, cũng như các tác phẩm quan trọng khác.

Theo đó, thầy đã gắn kết với thư viện Drepung Loseling, với cương vị là biên tập viên của tạp chí Dreloma từ 1994-2001. Trước đó, thầy là biên tập viên và cộng tác viên trong 5 năm cho tờ Lhaksam Tsekpa - tạp chí chuyên nghiên cứu so sánh chủ đề về Khoa học và Triết học phương Tây.

Thầy cũng thực hiện một số bài báo quan trọng về các hội nghị quốc gia và quốc tế được tổ chức tại các Đại học Delhi, Somaya ở Mumbai, Viện Truyền giáo Ramakrishna… về chủ đề thú vị như Nghịch lý của não và tâm trí hay thực tế về hiện thực theo Bồ-tát Long Thọ.

Hai cuốn sách quan trọng của thầy được biết đến là Hành trình nghịch lý của não và tâm trí và Điều gì tạo nên hiện thực tối thượng: Hiệu ứng của việc hiểu về hiện thực tối thượng.

Năm 2008, thầy được bổ nhiệm làm thành viên thỉnh giảng tại Đại học Delhi ở 3 trong số các khoa của Đại học - Triết học, Tâm lý học và Nghiên cứu Phật giáo.

Năm 2011, thầy là một trong những chuyên gia chính thiết kế giáo trình cho các khóa học B.A và M.A, về Nghiên cứu Tây Tạng, một phần của chương trình đào tạo tại Đại học Mở Quốc gia Indira Gandhi (IGNOU).

Thầy cũng thường xuyên có những buổi giảng dạy tại đây và nhiều nơi khác như đại học và học viện. Không chỉ trong nước, thầy cũng thuyết giảng Triết học, Tâm lý học, Logic và thực hành Phật giáo tại nhiều nơi trên thế giới như Mumbai, Hoa Kỳ và Singapore.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Chùa Long Hoa trao quà hỗ trợ đồng bào dân tộc

Chùa Long Hoa trao quà hỗ trợ đồng bào dân tộc

GNO - Chùa Long Hoa (Q.8) phối hợp UBND, Uỷ ban MTTQVN Q.8, các mạnh thường quân tổ chức trao 300 phần quà đến các hộ đồng bào dân tộc, hộ dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Q.8 vào ngày 16-4.

Thông tin hàng ngày