Vị thầy trẻ gieo duyên lành cho người khiếm thị

GN - Trên gương mặt, trong từng cái vỗ tay và nụ cười của họ đều thấy nhẹ nhàng lắm. Có lẽ bạn sẽ có chút bỡ ngỡ ban đầu khi nhìn thấy họ, nhưng không phải ngạc nhiên vì họ khiếm thị mà vì họ thật sự an yên trong khóa tu Một ngày an lạc ở chùa.

Đó là cảm nhận của riêng tôi, khi tham gia khóa tu Một ngày an lạc cùng với hơn 50 Phật tử khiếm thị tại Vĩnh Hạnh tịnh viện, tọa lạc trong con hẻm nhỏ ở đường số 8, P.16, Q.Gò Vấp (TP.HCM) do ĐĐ.Thích Hạnh Văn trụ trì.

Đến tu vì mộ đạo, mến thầy

Những lời hát phát ra từ trong sâu thẳm tâm hồn họ, từ cái thấy biết rõ ràng về những gì mình đã tạo tác, để hôm nay quay về bên mái chùa và ngân nga: “Khi xưa con đã tạo bao ác nghiệp/ Vì do vô thỉ tham sân si/ Từ thân-miệng-ý phát sinh ra/ Hết thảy hôm nay con sám hối…”. Đó là một góc nhỏ trong giờ sinh hoạt của đại chúng khiếm thị với những bài hát rất đạo làm cho lòng người mềm lại, xúc động.

Anh Trang PGTT GN 760.jpg
Phật tử khiếm thị hoan hỷ khi nghe những giảng giải về giáo lý từ ĐĐ.Thích Hạnh Văn - Ảnh: Như Danh

Dù là dành cho người khiếm thị nhưng khóa tu diễn ra rất nghiêm khắc, giờ nào việc nấy. Cả đại chúng đều chấp hành đúng giờ giấc. Trước khi bắt đầu vào một thời khóa, các chúng trưởng đều nhắc nhở các chúng của mình, để chuẩn bị cho giờ tu học tiếp theo. Mỗi bài sám, câu chú, lời kinh khi quý thầy cất lên trì tụng, toàn thể đại chúng đều thuộc và đọc lớn.

Chương trình tu học ở đây theo phương châm “tu ra tu học ra học”. Ngay từ đầu cho vô đại trà, nhưng khi vô khuôn khổ tu học thì nghiêm khắc hơn cả những người bình thường, nên những người ban đầu đến vì những thùng gạo, thùng mì, thì chịu không nổi. Do đó những người thực tu thực học thì họ mới chịu được. “Vì thế mà những Phật tử đến khóa tu thật sự là ham tu ham học. Thật sự muốn tìm an lạc, giải thoát, chứ không phải đến vì sự chia sẻ tài vật từ thầy” - ĐĐ.Thích Hạnh Văn chia sẻ.

Thầy cho biết thêm “những Phật tử ở đây rất am hiểu giáo lý, có thể đứng lớp cơ bản để hướng dẫn lại cho Phật tử bình thường được”. 

Cách học thuộc lòng của các Phật tử đạo tràng ở đây cũng thật thú vị, mỗi bài kinh khi được thầy hướng dẫn đều được chuyển thể thành bài hát, và được cất lên trong mỗi giờ sinh hoạt, nên hát toàn là đạo lý của Phật. “Quyết tu hành ta trừ tham sân si…” hay “Từ vô thỉ tham sân si, gây bao tội ác bởi lầm mê, đắm trong sinh tử đã bao lần...”, cả đại chúng cùng đồng thanh hát.

Ngoài những giờ học do quý thầy hướng dẫn, ĐĐ.Hạnh Văn còn mời thêm các chuyên gia tâm lý, đó là vì “muốn thay đổi không khí, tạo một luồng sinh khí mới, hơn nữa Phật pháp là bất ly thế gian giác, có những vấn đề quý thầy không thể lột tả mạnh miệng như các chuyên gia tâm lý, nên để các chuyên gia nói sẽ dễ hơn”, thầy chia sẻ.

Trong buổi nghỉ giữa giờ sau thời thiền tọa buổi trưa, để chờ tới bài học mới, đại chúng được giới thiệu là có phóng viên báo Giác Ngộ đến từ sáng, thì ai cũng hoan hỷ và xúc động. “Chúng tôi biết đến báo Giác Ngộ từ lâu, Giác Ngộ có rất nhiều bài viết về Phật học, các bài phóng sự người tốt việc tốt... Tất cả Phật tử khiếm thị đều rất mong muốn được đọc báo Giác Ngộ mỗi ngày, nhưng không thể thấy đường, nên rất mong quý báo có thể thu âm lại tất cả các bài báo, làm thành một đĩa sách nói, để những người khiếm thị như chúng tôi cũng được nghe pháp, được tu tập, biết đến những gương vượt khó” - cô Nguyên Tịnh, chúng trưởng Tinh Tấn bày tỏ.

Sau một ngày tu an lạc, thầy Hạnh Văn còn tặng quà, để các Phật tử đem về. Thầy nói: “Vì đa số người khiếm thị họ đi bán vé số, đi massage…, thu nhập chính của họ trong một ngày là vậy, nếu mình không bù đắp vào thu nhập cho ngày hôm đó thì công việc tu hành của họ sẽ bị xao lãng, không chú tâm”.

Nhờ Phật, thấy cuộc sống nhẹ nhàng

Đến với khóa tu, được học lời Phật dạy, được hướng dẫn tu hành nên mọi người đều thấy an lạc. Chú Huệ Phước tham dự khóa tu được hơn 4 tháng, bộc bạch: “Đi tu thấy thoải mái tinh thần, học được những điều hay, vừa áp dụng cho mình, rồi cho cả gia đình nữa. Cái gì mình chưa hiểu, quý thầy giảng giải rất kỹ càng”.

Còn anh Huệ Phong vốn là một sinh viên bình thường, đang đi học thì bị bệnh u não, sau đó bị tai biến. Lúc đầu, khi mới bị bệnh anh cũng buồn nhiều lắm, hay bực bội vô cớ, bắt lỗi cái này, cái kia. Từ khi biết Phật pháp, đi tu các khóa Bát quan trai, được nghe quý thầy giảng giải về nhân quả nghiệp báo nên đã biết chấp nhận, biết tất cả lỗi lầm, nghiệp chướng báo chướng là do mình gieo. “Giờ hiểu nên cố gắng lo tu tập và sám hối để chuyển cái tâm tham-sân-si của mình”, anh Huệ Phong nói đầy lạc quan.

Anh chia sẻ thêm: “Giờ thấy cuộc sống nhẹ nhàng lắm, không vướng bận chi hết, không nghĩ xa vời lung tung như trước. Tất cả rồi cũng vô thường nên sống thật tốt, tạo được điều tốt gì là cố gắng làm”.

Cảm hóa người từ công hạnh lành

 Là một Tăng sĩ trẻ rất năng động và mong muốn làm được nhiều việc cho Phật pháp, hiện ĐĐ.Thích Hạnh Văn đang theo học thạc sĩ Phật giáo Việt Nam tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM. Thầy cũng là thành viên của Hội Khuyến học, Mặt trận Tổ quốc và Hội Thanh niên của phường 16 (Q.Gò Vấp).

VHTV (1).jpg


Phút giây tĩnh lặng dưới mái tịnh viện của thầy Hạnh Văn - Ảnh: Như Danh

Nói về những việc đang làm, thầy hoan hỷ chia sẻ: “Thấy mình đầy đủ duyên lành hơn những người khác, gần gũi các bậc tôn sư, đầy đủ lục căn, sống nơi phồn hoa đô thị, nhưng mà nhìn lại những người xung quanh mình, họ thiếu nhiều thứ. Với trách nhiệm của một người con Phật ‘trên thượng cầu Phật đạo, dưới hóa độ chúng sanh’, những việc gì mà người tu làm giúp ích được cho đời thì làm thôi, không có gì đáng nói cả”.

Với tâm nguyện đó, ngoài việc hàng tháng tổ chức khóa tu cho người khiếm thị, thầy còn tổ chức nấu cháo một tháng hai lần tặng đến các bệnh nhân ở Bệnh viện Nhi Đồng. Tháng 7 vừa rồi thầy còn hỗ trợ chỗ ăn ở cho 50 thí sinh dự thi đại học, tổ chức lễ cầu nguyện tiếp sức mùa thi và tư vấn từ chuyên gia tâm lý.

Là một người từng tham gia nhiều nhóm thiện nguyện, nhưng khi gặp thầy Hạnh Văn, quý mến công hạnh, kính trọng đạo đức nên chú Nghĩa, một Phật tử thuần thành đã gắn bó luôn với chùa trong các công tác Phật sự.  “Tâm đạo của thầy rất lớn, luôn vì tất cả mọi người. Khóa tu thầy tổ chức mọi người rất tinh tấn. Chùa nghèo nhưng nghĩa tình lớn lắm”, chú nói như một sự tán dương những việc thiện lành của người thầy trẻ.

“Thầy chăm lo người mù rất chu đáo và rất bài bản, khoa học, thỏa mãn được những nhu cầu của người khiếm thị, tu ra tu, học ra học rất rõ ràng. Trong quá trình tu, có những câu hỏi được thầy giải đáp rất tận tình, chương trình phù hợp với căn cơ của từng người, từ đó đem lại cho tôi sự an lạc”, anh Huệ Phong bày tỏ cảm nghĩ.

Còn bà con Phật tử trong xóm, khi thấy những công việc thầy làm thì mỗi người đều phụ thầy một tay. Chú Lộc nhà sát bên cạnh chùa “thấy thầy giỏi quá, việc gì cũng làm được hết, mà làm nhiều nữa, nên phải vô phụ thầy, chứ ở không chịu không nổi, mà làm thấy vui”...
Như Danh

___________

* Bài vở cộng tác cho trang Phật giáo - Tuổi trẻ hoặc ý kiến liên quan tới bài viết đăng trên trang này, bạn đọc hoan hỷ gửi về: phatgiaovatuoitre@gmail.com.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày