Xin đừng làm cho người ốm đau thêm khổ

GN - Bệnh là một nỗi ám ảnh của con người. Đối với những người mắc các căn bệnh được dân gian xếp vào “nan y” như ung thư, lại càng thêm khổ, bởi như người ta quan niệm mỗi khi được chẩn đoán bệnh này thì xem như đã được tuyên án… tử hình và chờ đến ngày thi hành án!

dai-trang-1509586142.jpg

Căn bệnh ung thư được xem là vấn đề lớn đối với sức khỏe cộng đồng

Căn bệnh ung thư được xem là vấn đề lớn đối với sức khỏe cộng đồng. Theo số liệu thống kê được công bố thì năm 2000, nước ta có khoảng 68.000 người mắc ung thư, tuy nhiên đến năm 2010, số lượng đã lên tới 126.000 người. Dự báo tới năm 2020, số người mắc ung thư tại Việt Nam sẽ lên tới 200.000 người và tuổi của người mắc bệnh được phát hiện trẻ hóa.

Như chúng ta biết, do chất lượng đời sống còn thấp và sự hiểu biết về y học cũng như điều kiện tài chánh khó khăn, rất nhiều bệnh nhân khi phát hiện mình bị mắc ung thư đa số ở giai đoạn đã muộn, điều đó khiến cho cơ hội điều trị không có nhiều; nếu có cũng rất tốn kém.

GS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K Trung ương có lần chia sẻ con số thật đáng báo động: Ở nước ta, mỗi năm có khoảng 126.000 ca mới mắc và 94.000 trường hợp tử vong do ung thư. Nguyên nhân được cho là từ chất lượng môi trường bị ô nhiễm, thực phẩm không an toàn và lối sống thay đổi: nhậu nhẹt, thường xuyên thức khuya, ngủ dậy muộn, thói quen ăn uống không ý thức...

Đó là chưa kể những người nghèo mắc bệnh nhưng không biết tại sao mình chết vì không đủ điều kiện đi thăm khám và điều trị ở các cơ sở y tế.

Nhìn vào con số đó, hàng chục ngàn người bệnh phải chịu đựng nỗi đau khôn lường về thể xác, cộng thêm nỗi khổ tinh thần khiến cho cuộc sống của họ đầy màu xám.

Thế mà, có những kẻ đã vì lợi nhuận, đạp lên cả lương tri và luồn lách pháp luật để kiếm tiền từ những tia hy vọng khỏi bệnh của chính người bệnh và thân nhân của họ, đã được đưa ra ánh sáng trong vụ án sản xuất, mua bán thuốc chữa ung thư giả, tìm lợi nhuận cao gây bức xúc dư luận.

Chính lòng tham đã làm cho họ, những người liên quan chức năng nghề nghiệp hoặc liên hệ ngành y tế, xem nhẹ thiên chức mà mình đang có vai trò góp phần làm nên, do đó, những giọt nước mắt đều không còn ý nghĩa hối lỗi và không chạm tới được lòng cảm thông, sự trắc ẩn thường tình dành cho người gặp hoạn nạn.

Hãy đến các bệnh viện, cơ sở y tế hiện nay mới thấm nỗi đau được chồng thêm nỗi khổ, vì sự biến chất mang sắc thái thị trường nhưng không có quyền mặc cả, khi mà khẩu hiệu “thầy thuốc như mẹ hiền” trong tinh thần lân mẫn vô điều kiện chỉ còn là hình thức trang trí, mới bức xúc về việc làm giá thuốc, nhất là đối với các loại thuốc được cho là đặc trị căn bệnh ung thư, như đã đề cập, xảy ra trong thời gian dài.

Mới chỉ có VN Pharma bị đưa ra ánh sáng và đang bị xét xử, còn ai nữa, và trách nhiệm của các cơ quan chức năng liên hệ như thế nào?

Đừng để những thắc mắc trở thành nỗi hoài nghi âm ỉ trong lòng người dân, vì điều đó sẽ đưa tới hội chứng vô cảm, cản trở sự phát triển của đất nước.

Người mắc bệnh ung thư đã quá đau khổ rồi, xin đừng xem đó là nơi để kiếm lợi nhuận kếch xù, nếu chưa giúp đỡ được gì cho họ một cách thiết thực thì xin đừng vô cảm giẫm đạp lên những tia hy vọng mong manh còn lại, đừng chồng nỗi khổ lên sự đau đã quá sức chịu đựng của con người!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày