GNO - Đoàn chúng tôi hạ cánh xuống sân bay Đà Nẵng vào lúc gần 6 giờ chiều 30-10. Trên đường cao tốc qua địa phận Quảng Nam và Quảng Ngãi, hai bên đường không có ánh đèn điện nào, kể cả đèn đường và đèn của nhà dân.
Cây cổ thụ gãy đổ, làm vỡ vụn các tạo cảnh trong chùa
Có vẻ như phần lớn vùng nông thôn ở khu vực này mất điện, chỉ đến khi vào thành phố Quảng Ngãi mới thấy có điện, nhưng nhiều tuyến phố vẫn tối om.
Buổi chiều, chúng tôi lên chùa Thiên Ấn (nằm trên núi Thiên Ấn) - một đại danh lam của tỉnh Quảng Ngãi, lễ Phật. Thật xót xa khi chứng kiến cảnh chùa tiêu điều sau bão: cây cổ thụ đổ hàng loạt, cánh cổng chùa bị vỡ, voi đá vỡ nát, tán che đầu Phật Thích Ca sụp nghiêng, mái ngói chùa bị vỡ xô lệch... Đây là những gì cơn bão số 9 đi qua và để lại.
Núi Thiên Ấn có hình thang cân độc đáo, nằm ở độ cao khoảng 100m so với mực nước biển, là biểu tượng của người dân xứ Quảng. Núi Thiên Ấn và sông Trà Khúc hợp thành cặp biểu tượng sơn thuỷ thiêng liêng trong tâm thức người Quảng Ngãi. Giữa thiên nhiên thoáng đãng, ngọn núi như chiếc ấn của trời cao niêm xuống dòng sông xanh nên người xưa gọi là Thiên Ấn niêm hà. Trên đỉnh núi thiêng này, có Thiên Ấn tự - vốn là ngôi chùa cổ với kiến trúc đẹp, độc đáo bậc nhất ở xứ Quảng, được xây dựng từ năm 1694 dưới thời Nguyễn Phúc Chu.
Mái ngói bị tốc, nhành cây gãy làm hỏng mái ngói
Xung quanh khuôn viên chùa Thiên Ấn là rừng cây cổ thụ che bóng mát quanh năm cho du khách dừng chân nghỉ ngơi, thưởng lãm những vườn hoa đẹp quanh chùa; đặc biệt là tôn tượng Bồ-tát Quan Thế Âm được thiết trí tại đây. Chùa Thiên Ấn thu hút du khách với lối kiến trúc nhà Rường. Trong chùa có một chiếc chuông quý với tiếng vang rộng lớn khắp cả vùng.
Ngoài ra, chùa Thiên Ấn Quảng Ngãi còn nổi tiếng với giếng Phật, nước giếng sâu, mát rượi quanh năm và nguồn nước trong giếng chưa bao giờ cạn.
Một số hình ảnh cảnh quan xung quanh chùa Thiên Ấn sau khi cơn bão dữ quét qua:
Cảnh tượng xơ xác sau bão khiến nhiều người không khỏi xót xa...
Chu Minh Khôi