Dạo quanh những con phố khu vực Chợ Lớn đang nhộn nhịp không khí chuẩn bị Tết Nguyên đán, chúng tôi đếm được hơn chục ông đồ già có trẻ có, phần lớn đều vào tuổi tứ tuần. Trong số đó, cao niên nhất là ông đồ ở chợ Thiếc.
Nhiều gia đình người Hoa ở TP.HCM lâu nay vẫn duy trì tập tục dán những câu đối tết (tiếng Quảng Đông gọi là “huy xuân”, tức mùa xuân đã đến) trong nhà mỗi dịp tết đến. Chị Liên, một người Hoa ở quận 5, cho biết nhà chị lâu nay đều đến xin chữ một ông đồ ở khu vực chợ Thiếc, quận 11. Nét chữ của ông rất có hồn chứ không cứng nhắc như dạng câu đối ép nhũ (dù giá bán chỉ 1.000-3.000đ/tờ nhỏ), vì theo chị, cái gì làm bằng thủ công đều đáng quý, đáng trân trọng.
Hành nghề chỉ đúng tháng cuối năm
Ông đồ mà chị Liên kể chính là cụ Tăng Chánh Ký với tên hiệu Tằm Thanh, hành nghề trước cửa nhà số 116 Phó Cơ Điều, P.4, Q.11. Người thấp gầy, khuôn mặt phúc hậu, năm nay cụ đã 75 tuổi, dấu vết thời gian lưu lại trên mặt cụ nhiều nếp nhăn và tàn nhang nhưng trông cụ vẫn còn khỏe, được xem là một trong những cụ đồ người Hoa cao tuổi nhất hiện nay. Suốt hơn 20 năm qua, cứ đúng ngày mồng 1 tháng chạp là cụ kê bàn viết câu đối, viết đúng một tháng đến tận ngày 30 tết. Mỗi ngày cụ rời nhà khoảng 5 giờ sáng, thong thả đi bộ đến địa chỉ trên, bày bàn ghế và dụng cụ gửi tại địa điểm thuê rồi ngồi viết câu đối đến 5 giờ chiều.
Vì là ông đồ lâu năm nên cụ có khá nhiều khách quen như chị Liên. Nhiều khách hàng đến không cần nói cụ cũng biết họ cần những câu đối gì, hoặc chỉ cần đưa cho cụ một danh sách là được. Khách hàng xin chữ nhiều nhất khoảng từ rằm tháng chạp, thường xin các câu như Nghênh xuân tiếp phước, Tân xuân đại cát, Cung hạ tân hi (Chúc mừng năm mới), Hợp gia bình an, Tổng yếu cấu vận (Luôn luôn may mắn), Cung hỉ phát tài, Hòa khí sinh tài, Vạn sự như ý, Tài nguyên quảng tiến (Tiền vào như nước)... với mong muốn một năm mới hạnh phúc ấm no.
Ngoài câu đối tết, cụ còn viết các bảng thông báo nghỉ tết cho công ty, câu đối cho đám cưới. Giá mỗi câu đối từ 10.000-70.000đ/tờ tùy kích cỡ. Cụ kể có khách hằng năm nào cũng viết mỗi câu “Hảo sự hậu lai” (Chuyện tốt đến sau), hóa ra họ cần để dán ở cổng sau. “Những câu “độc” như thế này chỉ có viết tay thôi, không ai in sẵn đâu. Còn khách hàng buôn bán thường rất mê tín, năm nào xin chữ về làm ăn buôn bán được là sang năm lại đến, không thì họ lại tìm ông đồ khác cho hên!? Không biết chữ tôi có hên không, nhưng tôi có nhiều khách quen xin chữ cả chục năm nay rồi” - mắt cụ ánh lên niềm vui.
Con chữ gắn với cái tâm
Khi chúng tôi hỏi lý do lấy tên hiệu Tằm Thanh, cụ trả lời vì công việc viết câu đối cũng giống như âm thanh yếu ớt của những con tằm, suốt ngày cần mẫn nhả tơ, một công việc thầm lặng nhưng lắm công phu. Cụ bảo hiện có nhiều ông đồ ra viết câu đối nhưng không phải ai cũng có nét chữ đẹp. Cụ đã luyện thư pháp từ hồi còn đi học, thời gian rảnh lại lấy bút ra luyện chữ. Vì vậy, đến nay dù đã bước vào tuổi cổ lai hi nhưng nét chữ của cụ vẫn còn rất vững, không hề bị run tay.
Chính vì say mê viết câu đối nên suốt thời gian qua, cụ đã sưu tầm cho mình hơn 40 cây bút lông đủ cỡ, lớn có thể viết chữ to đến 40cm, nhỏ thì viết chữ nhỏ chỉ bằng 2cm. Đó chính là bộ đồ nghề, là tài sản quý giá đã theo cụ suốt bao năm nay. Cụ còn bảo câu đối tết của người Hoa thường viết bằng nhũ vàng chứ không phải mực tàu như ông đồ người Việt. “Viết câu đối phải có cái tâm, nhiều lúc cố gò nhưng chữ lại không như ý muốn, có khi viết mấy tờ mới chọn được tờ vừa ý” - cụ vừa nói vừa lấy cây bút nhỏ nhất ra viết biểu diễn cho chúng tôi xem.
Một điều khá đặc biệt là cụ rất sỏi tiếng Việt, không như nhiều cụ ông cụ bà người Hoa khác chỉ có thể nghe lõm bõm. Xuất thân là nhà giáo, sau giải phóng cụ làm việc ở Mặt trận Tổ quốc phường 5, quận 11, khi về hưu làm tổ trưởng dân phố.
Khi nghe hỏi về những người bạn ông đồ, cụ đượm buồn: “Mấy ông bạn già đều mất cả rồi!”. Cụ bảo sang năm có thể cụ không làm ông đồ nữa vì tuổi cao mắt kém, trí nhớ kém, mấy năm gần đây phải nhờ người em gái ra phụ giúp. Cụ không lập gia đình, không con cái, không đệ tử, hiện sống với người em và các cháu, trong gia đình không ai theo nghề cụ.
Lúc chia tay cụ, chúng tôi không khỏi chạnh lòng vì không biết sang năm có còn được cụ cho chữ nữa không. Chỉ biết rằng những ông đồ “người muôn năm cũ” vẫn ngồi đấy như muốn duy trì một tập tục đẹp mỗi dịp tết đến, bất chấp những đổi thay của cuộc sống ngày càng vội vã hơn