Xuân về nuôi dưỡng mảnh đất tâm

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1188 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1188 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Mỗi dịp Tết đến, chúng ta thường hay trau chuốt lại hình thức nhưng hiếm ai để ý đến việc tâm hồn cũng cần làm mới. Bởi khi ta có tâm hồn đẹp thì mọi thứ bên ngoài tự nhiên sáng rỡ.

Bắt đầu một năm mới tinh khôi, bên cạnh việc làm đẹp cho bản thân, hãy tạm gác lại những bộn bề mà nhìn lại thật chậm và thật sâu để chăm sóc nội tâm của mình nhằm loại bỏ những tăm tối và làm hiển lộ phần sáng của tâm thức vốn trong sạch và chói sáng.

Tâm là chủ nhân của con người, dẫn dắt chúng ta suy nghĩ, nói năng, hành động để tạo dựng hạnh phúc hay chuốc lấy khổ đau. Kinh Tương ưng, Đức Phật dạy:

- Vật gì dắt dẫn đời?

Vật gì tự não hại?

Và có một pháp nào

Mọi vật đều tùy thuộc?

- Chính tâm dắt dẫn đời

Chính tâm tự não hại

Chính tâm là một pháp

Mọi vật đều tùy thuộc.

Bên trong chúng ta, biển tâm có lúc dịu êm, có lúc cuộn trào, có lúc chảy về quá khứ, có lúc dạt về tương lai. Những đợt sóng tâm xô đẩy, nối tiếp nhau, ngọn sóng này sinh rồi diệt, liên tiếp không dừng. Tâm vọng động là cội nguồn đưa đến vô số khổ đau.

Tâm lúc nào cũng tham cầu không biết đủ, lúc thì muốn cái này, khi thì không muốn cái kia. Bởi vọng tâm sai sử dẫn dắt như vậy, nếu ta không nhận rõ nhờ chánh kiến thì dễ đưa đến hành động và lời nói sai lầm. Cho nên mọi biến cố xảy ra cho chính mình và loài người là do sự vọng động của biển tâm thức. Vì vậy, trước một thế giới biến động, bất an như hiện nay thì một tâm hồn được phản tỉnh để thấu suốt bản chất của cuộc đời mà sống thăng bằng, an yên là thật sự khẩn thiết.

Nuôi dưỡng mảnh đất tâm

Trong đời sống hàng ngày, tâm chúng ta thường lên xuống theo những cung bậc cảm xúc như vui buồn, hạnh phúc, đau khổ,… Dòng suy nghĩ này nối tiếp dòng suy nghĩ kia liên tục không ngừng, đổi thay bất định. Đó là tâm vô thường, thay đổi liên tục, không lâu bền, hoàn toàn không chân thực, chỉ nhất thời mà thôi. Sở dĩ thế giới xảy ra nhiều biến động, con người ngày càng khổ đau đều khởi sự từ tâm có quá nhiều mưu cầu, tham đắm ngũ dục. Thiền sư Mãn Giác đã ví tâm vô thường của chúng ta như cảnh của mùa xuân:

“Xuân đi trăm hoa rụng,

Xuân đến trăm hoa nở,

Trước mắt việc đi mãi,

Trên đầu già đến rồi…”.

Chúng ta thường bị ngoại cảnh chi phối, nhìn thời gian qua đi từng khoảnh khắc, con người mãi lo âu và tiếc nuối. Họ hớn hở vui mừng khi xuân đến, và lo sợ tiếc nuối khi xuân đi. Tâm trạng khát khao lo sợ ấy dồn dập nung nấu con người, bởi họ không nhận ra được quy luật của cuộc đời là thành trụ dị diệt hay sanh lão bệnh tử.

Nhưng tâm các Thiền sư thì khác với chúng ta. Cái hay của các ngài là không phải sống vô tâm, vô cảm với cuộc đời như nhiều người thường nghĩ. Các ngài vẫn hưởng sự trong lành của mùa xuân, vẫn vui khi xuân đến và thanh nhàn khi xuân đi mà không bị cảnh bên ngoài chi phối. Bởi vì các ngài thấy rõ mùa xuân là một hiện tượng tự nhiên nằm trong dòng sanh diệt. Vì vô thường nên mới có mùa xuân, vì vô thường cho nên cây cối, hoa lá mới đâm chồi nảy lộc. Nếu không có vô thường, thì cuộc đời này khô cằn như sỏi đá.

Tâm cũng vậy, nhờ vô thường nên mới mang đến cho chúng ta nguồn hy vọng chuyển hóa. Bởi cái mới sẽ không hiện hữu nếu không liên kết với cái cũ, tương lai sẽ không có mặt nếu không liên hệ với quá khứ và hiện tại, rồi cái mới cũng sẽ thành cái cũ, và tương lai rồi cũng thành quá khứ. Vì vậy cái mới cũng không có thật, thời gian quá khứ không có thật; thời gian hiện tại cũng không thật; nên thời gian tương lai cũng không thật. Chỉ có tâm thanh tịnh hiện hữu mãi với thời gian mới thật sự là mùa xuân. Cho nên Thiền sư Mãn Giác đã nói:

“Đừng bảo xuân tàn hoa rụng hết

Đêm qua, sân trước một nhành mai”.

Dù cuộc đời có biến động thì tâm giác ngộ của các ngài vẫn tự tại giữa cuộc đời. Khi thấy được lẽ thật, ta sẽ không còn câu nệ, cố chấp vào trong hình tướng giả dối ấy nữa. Cho nên Thiền sư Chân Không đã nói “Hoa nở hoa tàn chỉ là xuân”. Đây mới chính là mùa xuân miên viễn.

Tâm tịnh - độ tịnh

Trong kinh Duy Ma Cật có câu: “Tùy kỳ tâm tịnh tức Phật độ tịnh”. Tức nơi đâu, thời điểm nào, nếu chúng ta giữ tâm mình thanh tịnh, không bị chi phối bởi vòng quay danh lợi, tiền tài, dục vọng mà luôn giữ tâm trong sạch thì nơi đó chính là đất Phật. Tâm đã thanh tịnh thì đâu đâu cũng trang nghiêm đẹp đẽ. Tâm nhiễm ô thì dù ẩn thân nơi hang sâu núi thẳm cũng chỉ là nhốt mình trong mộng tưởng mà thôi. Cho nên tịnh độ không ở đâu xa mà chính từ nội tâm thanh tịnh của mình.

Muốn có một nội tâm bình an, chúng ta hãy sống một đời thật tử tế, có đạo đức, làm mới lại tình thương, những thệ nguyện, niềm hỷ xả, bằng việc mở lòng mình để cảm thông, để chia sẻ, làm lợi lạc cho mọi người, mọi vật. Càng mở rộng tâm ra, ta sẽ cảm nhận được sự mầu nhiệm, tinh khiết thanh cao nơi tâm hồn của mình, từ đó góp thêm phần năng lượng hòa bình cho thế giới. Cho nên chúng ta và thế giới có an bình hay không thì đều xuất phát từ nơi nội tâm chứ không đến từ bên ngoài. Đó chính là tâm tịnh tức độ tịnh.

Tâm cũng như mảnh vườn, cần phải thường xuyên chăm sóc, nhổ sạch các cỏ dại phiền não để luôn được sạch đẹp. Ngài Thần Tú có dạy:

“Tâm như đài gương sáng

Luôn luôn phải lau chùi”.

Đức Phật đã dạy, bất cứ chúng sinh nào cũng có hạt giống giác ngộ, nhưng vì do đám mây mù vô minh phiền não từ nhiều đời bao phủ nên khiến cho tánh giác ấy bị che mờ, khác nào tấm gương sáng phủ đầy bụi bặm. Khi hiểu được điều này ta phải hết sức nỗ lực trừ bỏ dần dần những tâm tánh bất thiện. Cho nên sau một năm, chúng ta cũng cần làm mới lại tâm trí của mình, nâng tâm thức của mình lên một mức độ tốt đẹp nhất, xả bỏ những phiền não còn đọng lại và phát huy những phẩm tính thuần hậu nhất của tâm. Và nếu duy trì được những phẩm tính thuần hậu này trong một năm, chúng ta sẽ gặt hái được nhiều thành quả tốt đẹp.

Mùa xuân làm mới lại trời đất, thiên nhiên và con người. Chúng ta cũng nương theo mùa xuân để tự làm mới tâm của mình. Bởi tâm là chủ nhân của cuộc đời mình, chi phối mọi hành động, lời nói để quyết định khổ vui. Biết được như vậy, ta phải làm thế nào để hướng tâm đến những điều thiện, từ đó mới kéo theo hành động và lời nói thiện, dẫn dắt ta trên bước đường chân chính.

Ngày đầu năm, ai cũng có những ước nguyện thiện lành đến với bản thân, gia đình và xã hội thì điều đầu tiên chúng ta phải có là tâm thanh tịnh. Hãy tận dụng khoảnh khắc giao mùa này, quán sát lại tâm trí, những hạt giống bất thiện thì cần phải dỡ bỏ, những hạt giống thiện thì tiếp tục vun trồng để năm mới những hạt giống thiện được nảy mầm và lan tỏa hương thơm.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày