Xuống tóc

Xuống tóc nguyện xuất gia - Ảnh: Làng Mai
Xuống tóc nguyện xuất gia - Ảnh: Làng Mai
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Hình ảnh “xuống tóc” trước khi dấn thân chi viện vào tuyến đầu phòng chống dịch Covid-19 ở Bắc Giang của bác sĩ trẻ Đặng Minh Hiệu nhắc người xuất gia về con đường và hạnh nguyện chứa đựng trong bài kệ "thế phát" - bỏ mái tóc xanh...

Giữa những lo âu, căng thẳng khi số ca Covid-19 mới lây nhiễm cộng đồng chưa dừng lại mà vẫn đang gia tăng, lan ra nhiều tỉnh thành khác, hình ảnh bác sĩ Đặng Minh Hiệu, với nụ cười “tỏa nắng” khi “xuống tóc” để lên đường đến tuyến đầu, trợ giúp cho tỉnh Bắc Giang đang oằn mình chống dịch, đã đem lại nhiều cảm xúc cho cộng đồng.

Bác sĩ trẻ Đặng Minh Hiệu "xuống tóc" trước khi lên đường chi viện cho Bắc Giang chống dịch - Ảnh: Fb Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM

Bác sĩ trẻ Đặng Minh Hiệu "xuống tóc" trước khi lên đường chi viện cho Bắc Giang chống dịch - Ảnh: Fb Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM

Hiệu sinh năm 1993, đang công tác tại khoa Gây mê hồi sức Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM. Dẫu không phải là lần đầu, nhưng việc một bác sĩ, nhân viên y tế “xuống tóc” trước khi vào những nơi mà chỉ nghĩ đến những hiểm nguy rình rập cùng khó khăn rất lớn thôi cũng khiến nhiều người e ngại, lo sợ: cận kề bên những bệnh nhân nhiễm SARS CoV-2 với đa biến chủng, khả năng lây lan là khó lường.

Sức lan tỏa của đức hy sinh

Hình ảnh Hiệu với nụ cười rất sáng, không một chút lo lắng, vướng bận dù “đi chưa hẹn ngày về” được lan truyền trên mạng xã hội trong những ngày qua. Không cần diễn đạt gì thêm khi chỉ chừng đó thôi, đã quá sinh động cho phẩm chất cao đẹp của con người. Dưới cái nhìn của Phật giáo, đây có thể ví như biểu trưng của một vị Bồ-tát, đi vào nơi nguy hiểm để cứu người, giúp đỡ chúng sinh.

“Chưa có một tấm ảnh nào về nụ cười lại có thể làm tôi muốn bật khóc như tấm ảnh này. Tấm ảnh của một đồng nghiệp trẻ đang xuống tóc để đêm nay đi vào tuyến lửa Bắc Giang.

Muốn khóc vì nụ cười đẹp như một thiên thần.

Muốn khóc vì cảm động và tự hào.

Muốn khóc vì một tình yêu thương như cứ dâng trào trong lồng ngực…

Một tấm ảnh hơn ngàn lời nói. Có lẽ nói nhiều nữa cũng bằng thừa. Nụ cười ấy, ánh mắt ấy, tâm thế hiến dâng ấy đã vượt lên trên tất cả những mỹ từ đẹp đẽ nhất”, PGS.TS.BS Lê Minh Khôi, một đàn anh của Hiệu đã thốt lên xúc động bày tỏ.

Xuống tóc

Trong đạo Phật, việc cạo bỏ râu tóc được gọi là “thế phát”, mang một ý nghĩa vô cùng thiêng liêng, biểu thị cho một quyết định bằng ý chí bỏ đi hình thức, vướng bận bên ngoài để dành thời gian, tâm lực và trí tuệ cho một mục đích cao thượng hơn: Điều phục tâm, đoạn trừ khổ đau, sợ hãi, lo âu và sầu muộn, thoát khỏi sự chi phối của lòng tham lam, ích kỷ, bám víu…

Xuống tóc là một nghi lễ thiêng liêng trong Phật giáo - Ảnh: Làng Mai

Xuống tóc là một nghi lễ thiêng liêng trong Phật giáo - Ảnh: Làng Mai

Với việc làm của Hiệu trước khi lên đường đến Bắc Giang, cũng như những y bác sĩ đã bỏ đi “cái gốc của con người” trước khi vào tâm dịch chi viện cho Đà Nẵng trong làn sóng dịch Covid-19 đợt thứ ba hồi năm ngoái, với tôi, đó là “thế phát”, bỏ đi những vướng bận để chu toàn công việc của một thầy thuốc, tập trung tâm lực, thời gian cho thiên chức của mình.

“Hủy hình thủ khí tiết

Cát ái từ sở thân

Xuất gia hoằng Thánh đạo

Thệ độ nhất thiết nhân”...

Bài kệ mà bất cứ người xuất gia nào cũng nằm lòng khi từ bỏ mái tóc của mình để dự vào hàng ngũ “đầu tròn áo vuông”. Từ bỏ tất cả, cắt đứt tình thân để dấn bước lên đường tu tập theo hạnh của Phật, nguyện giúp đỡ tất cả mọi người… Tôi cũng cảm nhận điều đó qua bức ảnh của Hiệu.

Xuống tóc, bỏ đi cái đẹp bên ngoài để toàn tâm toàn ý cho hành trình giúp đỡ mọi người là một hành động đẹp, cho chúng ta cảm nhận về một khái niệm thường không thể diễn đạt, thuyết phục bằng lời, vượt lên mọi ngôn ngữ, đó là “giải thoát”.

"Thế phát" - xuống tóc để dấn thân trên con đường mới - Ảnh: Làng Mai

"Thế phát" - xuống tóc để dấn thân trên con đường mới - Ảnh: Làng Mai

Giải thoát trong đạo Phật không phải là vượt ra tất cả những gì mang ý nghĩa vật chất, mà chính là không còn bị sự tham lam, sầu muộn, lo âu, sợ hãi chi phối. Nói cách khác, đó là biểu hiện tự nhiên của người có trí tuệ - nhận thấy được bản chất của con người và cuộc đời là vô thường, nên nỗ lực phải thực hành giới, những đạo đức căn bản và thực tập thiền định không ngừng.

Khoảnh khắc ghi lại hành động và giữ nụ cười của Hiệu sẽ lưu mãi trong lòng bao nhiêu người, giữ niềm tin về hình tượng của người thầy thuốc mà giữa bao sóng gió do đời sống thực dụng xô đẩy đã ít nhiều bị hoen ố, tổn thương.

Hình ảnh của Hiệu cũng nhắc những người xuất gia về con đường phụng sự, sự hy hiến cao đẹp như nội dung bài kệ “thế phát” để tỉnh giác, ý thức gìn giữ “sơ tâm” - cái tâm ban đầu trong sáng và mạnh mẽ ấy, làm chiếc neo giữ cân bằng, không bị những đợt sóng danh, lợi, hưởng thụ xô dạt, nhấn chìm trong bất giác.

Cảm ơn Hiệu, cảm ơn nụ cười nhẹ như tênh, như những ánh nắng làm ấm lòng bao người trong khi bầu trời đang bị mây mù của dịch Covid-19 hoành hành hơn cả năm qua.

Mong những người đã và sẽ được “xuống tóc” trong ý nghĩa thiêng liêng, sẽ tiếp tục “tỏa nắng” cho cuộc đời này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Mô hình bằng tre mừng Phật đản của Phật giáo H.Triệu Phong, Quảng Trị được thiết trí tại chùa An Trú

Ấn tượng mô hình bằng tre mừng Phật đản của Phật giáo H.Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị)

GNO - Mô hình kỳ đài bằng tre tại chùa An Trú (H.Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) nổi lên giữa màu vàng ươm của cánh đồng lúa chín như gói ghém tất cả tấm lòng của Phật tử nơi đây hướng về Phật đản, cũng như lan tỏa thông điệp về bảo vệ môi trường, cảm hứng gìn giữ các giá trị truyền thống của làng quê.

Thông tin hàng ngày