6 loại cô đơn

Đừng sợ hãi sự cô đơn, mà thử một lần tiếp xúc với nó...
Đừng sợ hãi sự cô đơn, mà thử một lần tiếp xúc với nó...
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Khi một buổi bình minh bạn thức giấc, và bất thần, một cảm giác đau xót của sự xa lạ và cô đơn, bạn có thấy đó là cơ hội bằng vàng của mình không? Thay vì là làm khổ mình hay cảm thấy có cái gì đó sai lầm đáng sợ đang xảy ra, bạn đừng quá căng thẳng và thử tiếp xúc với cái khoảng không vô tận của tâm mình?

Không có một chỗ nào để trụ trong giáo pháp Trung đạo. Tâm không có chỗ trụ thì không tự giải quyết được gì vì không có nơi để tập trung, nắm níu. Làm sao mình có thể đạt được chỗ không trụ? Để đạt được chỗ không trụ mình phải thay đổi thói quen thâm căn, cố đế mà mình hay phản ứng khi có chuyện gì xảy ra: Muốn giải quyết vấn đề đó bằng cách này hay cách khác. Tôi sẽ chết nếu tôi không thể tìm ra một lối thoát, một giải pháp! Khi không tìm được câu trả lời, chúng ta cảm thấy như đang bị kẹt trong một tình huống khó xử. Chúng ta cảm thấy cô đơn, như gà nuốt nhằm dây thun với những cảm giác bồn chồn, nóng nảy, khó chịu mà mình luôn cố tránh né bằng cách tìm cho ra một lối thoát, một giải pháp. Cái cảm giác đó thật là nặng nề!

Tuy nhiên, năm này tháng nọ tìm ra được giải pháp này, giải pháp kia, có khi phải, có khi trái, có khi đúng, có khi sai, nhưng chưa bao giờ thực sự thay đổi được gì. Lục lọi tìm kiếm một sự bảo đảm an ổn chỉ mang lại niềm vui tạm bợ. Giống như thay đổi vị trí của hai chân trong lúc ngồi thiền. Chân mình bị đau vì ngồi xếp bằng lâu nên mình phải thay đổi vị thế của chúng. Và rồi mình cảm thấy, ‘Phào! Thật là nhẹ nhõm’ nhưng hai phút rưỡi sau, mình lại muốn thay đổi vị thế của chúng nữa. Chúng ta cứ xoay trở bên này, xoay trở bên kia để tìm một vị thế thoải mái, yêu thích, và sự vừa lòng mà mình có được thì rất ngắn ngủi.

Chúng ta nghe nhiều về nỗi thống khổ của luân hồi, và luôn cả sự giải thoát. Nhưng chúng ta chưa nghe nhiều về nỗi đau khổ từ việc hoàn toàn bị kẹt cứng đến việc hết bị mắc kẹt, được tự do. Tiến trình của việc hết bị mắc kẹt đòi hỏi một sự can đảm ghê gớm, vì chúng ta đang thay đổi, tận gốc rễ, cách chúng ta tiếp nhận thực tại, như đang thay đổi toàn diện các tế bào di truyền (DNA). Chúng ta đang mở trói cho một kiểu mẫu mà không phải bản chất của con người. Kiểu mẫu của con người là: phác họa hàng ngàn, hàng tỷ cách để đạt được lối thoát, giải tỏa những khó khăn, bế tắc trong đời sống. Chúng ta có thể có những hàm răng trắng bóng hơn, một mảnh vườn cỏ dại không mọc được, một đời sống không bao giờ có xung đột, bất hòa, một thế giới không có hổ thẹn. Chúng ta có thể sống hạnh phúc mãi mãi. Kiểu sống này khiến chúng ta thêm nhiều chuyện bất như ý và gây nhiều đau khổ.

Làm người, chúng ta không chỉ tìm kiếm những giải pháp, lối thoát cho đời sống, mà còn cảm thấy mình xứng đáng với những giải pháp đó. Tuy nhiên, không chỉ không xứng đáng với những giải pháp, lối thoát như vậy, mà mình còn bị đau khổ từ những thứ đó. Chúng ta không xứng như vậy; thực ra, chúng ta xứng đáng những thứ tốt hơn. Chúng ta xứng được có quyền thừa kế, mà đây chính là trung đạo, một trạng thái tâm phóng khoáng mà mình có thể thư giãn với những mâu thuẫn và bất trắc trong đời sống. Đến một chừng mực nào đó, mình luôn tìm cách tránh né sự nhập nhằng, mơ hồ. Chúng ta tự nhiên đang kinh qua những triệu chứng tâm lý trốn tránh, trốn tránh từ những suy nghĩ rằng có một khó khăn, bế tắc, và một người nào, ở một nơi nào đó, cần phải giải quyết vấn nạn này.

Con đường trung đạo luôn rộng mở nhưng khó mà thành tựu được vì bản chất tâm tính cố hữu mà loài người ai cũng có. Khi ta cảm thấy cô đơn, khi ta cảm thấy tuyệt vọng, điều mình thích làm là tìm cho ra cách trốn thoát, hay tìm cách tránh né. Chúng ta không muốn ngồi yên và cảm nhận những gì mình đang cảm thấy. Chúng ta không chịu lặng yên để được chữa trị. Nhưng đó chính là cách mà con đường trung đạo khuyến khích mình làm. Nó khuyến khích chúng ta đánh thức lòng can đảm mà ai cũng có, không có ngoại lệ, bao gồm luôn cả bạn và tôi.

Thiền quán chỉ cho chúng ta một phương cách để tu pháp trung đạo - ở ngay chỗ đó. Chúng ta được dạy là đừng phê phán những gì đang xảy ra trong tâm mình. Đúng ra là không nên nắm níu những gì khởi lên trong tâm. Những thứ mình cho là xấu hay tốt, mình đơn giản chỉ nhìn nhận chúng như là những ý nghĩ, mà không để cho những kịch tính xảy ra khi mình cho nó là đúng hay sai. Chúng ta được hướng dẫn là để cho những ý nghĩ này đi qua, giống như mình đụng nhẹ những bong bóng nước bằng một cọng lông chim. Cách nghiêm ngặt thẳng thắn này chuẩn bị cho chúng ta thôi đừng vọng tưởng, vùng vẫy nữa và để khám phá một trạng thái sống tươi mát, không thành kiến, và không thiên vị.

Không một chỗ để trụ là sự đơn độc tột cùng. Đó còn gọi là sự giác ngộ - Ảnh: Internet

Không một chỗ để trụ là sự đơn độc tột cùng. Đó còn gọi là sự giác ngộ - Ảnh: Internet

Trải nghiệm của những cảm giác rõ rệt, như là sự cô đơn, chán chường, lo sợ, có thể mang đến sự thai nghén đặc thù với sự khát khao tìm một lối thoát. Trừ phi, mình có thể thoải mái với những cảm giác này. Thật là khó để yên, không làm gì khi mình đang trải nghiệm chúng. Chúng ta muốn chiến thắng hay thất bại, khen tặng hay đổ lỗi. Ví dụ như, nếu có ai đó cho mình ra rìa, mình không thích phải ngồi chịu trận với cảm giác khó chịu đó! Thay vì vậy, mình làm rùm beng lên theo như thói thường, rằng mình là một nạn nhân bất hạnh. Hoặc là, mình tránh né cách hành xử non nớt này bằng cách hành động theo lẽ phải, nói cho họ biết rằng họ đã phạm một sai lầm lớn như thế nào. Chúng ta tự động muốn che giấu sự đau đớn bằng cách này hay cách khác, như là đồng tình với sự việc là mình đang làm đúng, hay cho mình là nạn nhân.

Thường thường chúng ta xem sự cô đơn như là một kẻ thù. Chúng ta không muốn mời gọi những gì đau lòng đến với mình. Mình khao khát, nóng nảy, bồn chồn tìm cách trốn tránh và kiếm ai đó hay cái gì đó làm bạn. Khi chúng ta có thể chịu để yên, không làm gì trong lúc dầu sôi, lửa bỏng, mình bắt đầu có một mối tương giao không thù nghịch với sự cô đơn, một sự cô đơn tươi mát, nhẹ nhàng mà khiến đảo ngược hoàn toàn cái thói quen sợ hãi thông thường khi trước của chúng ta đối với nó.

Có sáu cách để mô tả loại cô đơn tươi mát này. Chúng là: ít ham muốn, biết đủ, tránh những hành động không cần thiết, luôn luôn giữ kỷ luật, không lang thang vào thế giới của tham dục, và không tìm kiếm sự bảo đảm an toàn từ những ảo tưởng.

Ít ham muốn là sự tự nguyện được cô đơn mà không trốn tránh, trong khi toàn thân mình đang khao khát có một cái gì đó làm mình vui lên và thay đổi tâm trạng này. Tu tập loại cô đơn này là một cách gieo trồng những hạt giống để làm giảm đi sự nôn nóng, bồn chồn. Ví dụ trong khi ngồi thiền, mỗi lần mình bị những ý nghĩ của mình kéo chạy lung tung, mình liền đặt tên cho chúng là ‘ý tưởng’, là lúc chúng ta đang tập luyện sống trong hiện tại, bây giờ và ở đây, mà không bị phân tâm. Chừng nào mình đã không muốn làm như vậy hôm qua, hay ngày hôm trước, hay tuần trước, hay năm ngoái thì chúng ta cũng không thể làm được điều đó bây giờ. Một cái gì đó xảy ra, sau khi chúng ta thực tập ít ham muốn hết lòng và đều đặn.

Chúng ta cảm thấy ít ham muốn theo cái ý nghĩa là mình ít bị lôi kéo một cách mạnh mẽ từ những ‘tâm sự rất quan trọng’ ở trong tâm mình. Như vậy, cho dù nếu sự cô đơn nóng hổi còn đó, và mình ngồi chịu trận với cái nôn nóng, bồn chồn chỉ có vài giây, trong khi mình chả ngồi yên được gì cả hôm qua, đó là hành trình của một hiệp sĩ. Đó là con đường của sự can đảm. Càng ít bị quay cuồng và phát hoảng, chúng ta càng nếm thấy sự mãn nguyện, hài lòng với sự cô đơn tươi mát. Như thiền sư Katagiri Roshi thường nói “Mình có thể bị cô đơn, nhưng không để bị nó ném đi mất”.

Loại cô đơn thứ hai là biết đủ. Mình không mất gì hết khi mình không có gì để mất. Chúng ta không có cái gì để mất nhưng vì bị lên khuôn trong đầu là mình có nhiều thứ bị mất. Cảm giác mình có nhiều thứ bị mất có gốc rễ từ sự lo sợ - lo sợ sự cô đơn, sự thay đổi, sự không tồn tại, và về những cái gì mà không có lối thoát. Mình hy vọng có thể tránh được cảm giác này và sợ rằng mình không thể làm điểm tựa cho chính mình.

Khi chúng ta vạch một lằn ngay điểm giữa của một tờ giấy, chúng ta biết được mình đang là cái gì và ở bên phía phải, hay phía trái. Nhưng khi mình không biết đặt mình bên phía nào cả, mình không biết mình đang là cái gì, do vậy, mình không biết phải làm gì. Mình hoàn toàn không biết. Chúng ta không có một điểm tựa, không có gì để nương nhờ. Vào thời điểm này, chúng ta hoặc là hoảng hốt, hay là nhịn chịu. Biết đủ là đồng nghĩa với nhịn chịu sự cô đơn tươi mát này. Chúng ta từ bỏ việc tin tưởng rằng nếu có thể trốn thoát được sự cô đơn sẽ mang đến nào là hạnh phúc, sung sướng, thoải mái, can đảm, hay sức mạnh. Chúng ta phải thường xuyên từ bỏ ý nghĩ trên cả ngàn lần, và bằng sự ý thức, chánh niệm liên tục học làm quen với sự bồn chồn, nóng nảy trong tâm mình. Rồi thì, thay đổi sẽ xảy ra dù cho mình có để ý đến hay không. Chúng ta có thể sống cô đơn mà không có sự chọn lựa nào khác, sống an lạc ngay trong lúc đó với cái tâm trạng mà mình đang trải nghiệm.

Loại thứ ba của sự cô đơn là tránh những sinh hoạt không cần thiết. Khi chúng ta cô đơn cực độ, mình thường tìm kiếm một cách nào đó để cứu mình; mình đang tìm một lối thoát. Mình có một cảm giác buồn nôn mà mình gọi là sự cô đơn, và tâm trí mình muốn phát điên, tìm cách kiếm một cái gì đó để cứu mình khỏi tuyệt vọng. Cái đó gọi là hành động không cần thiết, một cách để làm mình bận rộn để không cảm thấy nỗi khổ, niềm đau của mình. Cách này có thể là: mình bị ám ảnh luôn tơ tưởng đến những chuyện lãng mạn, hoặc làm nhặng xị lên về một lời đồn đại vô bổ, hoặc biến mình thành một người điên rồ.

Điểm chính là trong tất cả những sinh hoạt này, chúng ta đang tìm kiếm cách làm thân với ai đó theo thói quen thông thường của mình, lặp đi lặp lại cái cách cũ rích mà mình thường sử dụng để tránh con ác quỷ cô đơn. Mình có thể nào cứ để mặc nhiên và tỏ lòng từ bi và tôn trọng đối với con người mình khi đó? Bạn có thể nào thôi đừng trốn chạy cái cô đơn này? Vậy thì thử lo tu niệm, chứ đừng có nhảy nhót, tránh né khi mình bắt đầu cảm thấy lo sợ? Thư giãn với sự cô đơn là một phương pháp xứng đáng tốt nhất. Như nhà thơ người Nhật, Ryokan, thường nói, ‘Nếu bạn muốn tìm ra ý nghĩa, đừng đuổi theo quá nhiều việc’.

Luôn giữ kỷ luật là một phương pháp khác để học sự cô đơn tươi mát. Luôn giữ kỷ luật nghĩa là khi nào có cơ hội bạn đều tự nguyện tìm cách trở về sống với phút giây hiện tại. Đây chính là luôn giữ kỷ luật để sống với sự cô đơn. Chúng ta tự nguyện ngồi yên, ngay nơi đó, một mình. Mình không cần phải làm gì với loại cô đơn này; bạn chỉ ngồi đủ lâu để quán chiếu mọi chuyện đang thực sự xảy ra như thế nào. Mình thật sự một mình và không có bất cứ cái gì khác để mình tựa nương.

Thực ra, cách này cho phép chúng ta khám phá một trạng thái sống hoàn toàn như thực, không bị ảo giác, tưởng tượng của tâm vẽ vời ra. Thói quen áp đặt tất cả những quan niệm của mình về mọi sự việc phải như thế này, hay phải như thế kia, khiến mình không thấy chúng một cách thông thoáng và cởi mở. Mình nói mình biết, nhưng thực sự thì không biết. Mình tuyệt đối không biết gì hết! Không có một sự chắc chắn nào cả. Cái sự thật rõ ràng này khiến mình đau lòng và mình muốn trốn chạy khỏi nó. Nhưng quay về sống an lạc với cái cô đơn quen thuộc là một kỷ luật tốt vì biết nhận thức sâu sắc cái giây phút bế tắc trong đời mình. Chúng ta tự đánh lừa mình khi lo chạy trốn từ những cái tối tăm của sự cô đơn.

Không lang thang trong thế giới tham dục là một cách khác để sống với sự cô đơn tươi mát. Lang thang trong thế giới tham dục nghĩa là tìm kiếm những chọn lựa khác, lục lọi xem có cái gì để an ủi mình, như là thức ăn, bia rượu, hay một người nào đó. Thế giới tham dục bao gồm luôn cả đặc tính nghiện ngập, cách chúng ta nắm níu vào một cái gì đó vì nó làm cho mình cảm thấy an tâm, bớt lo sợ. Đặc tính đó phát nguồn từ việc mình không bao giờ muốn được trưởng thành. Mình vẫn còn muốn, khi về nhà sẽ vẫn tìm thấy trong tủ lạnh những thứ mà mình thích nhất; khi chuyện trở nên khó khăn hơn, mình vẫn muốn la lên cầu cứu ‘Mẹ ơi!’. Nhưng điều mình đang làm để tiến bước trên con đường ‘thành nhân’ là rời khỏi nhà và trở thành người vô gia cư, không nhà. Không léo hánh vào thế giới tham dục liên quan tới việc được tiếp xúc với mọi chuyện như thật, không bị ảo tưởng. Cô đơn không phải là một vấn đề. Nó không có gì cần phải giải quyết. Sự thật này cũng áp dụng cho những kinh nghiệm khác của mình trong đời.

Một hướng khác để sống với sự cô đơn tươi mát là không tìm kiếm sự bảo đảm an toàn nào từ những ảo tưởng. Sự thật đã được phơi bày, đã đến lượt mình phải lộ diện, không có cách nào thoát khỏi được! Mình cũng không tìm kiếm sự an ủi từ những suy tư, nghĩ ngợi của chính mình, như là cái này thì sao, như vậy có được không, hay mình nên làm vậy, hay không thể làm vậy, v.v… Sống với sự cô đơn tươi mát mình không mong mỏi sự bảo đảm an toàn nào từ những ảo tưởng. Vì vậy mà mình được dạy khi tiếp xúc chúng trong lúc ngồi thiền thì hãy đặt tên cho chúng là ‘ý tưởng’. Nó không phải là một thực thể. Nó trong suốt và không thể nắm bắt được. Mình được khuyên là chỉ nhận biết chúng và rồi để nó đi qua, đừng làm nhặng xị với cái không thật đó!

Sự cô đơn tươi mát cho phép chúng ta nhìn chân thật mà không có sự can thiệp và xâm lược của những thứ khác trong tâm trí mình. Mình có thể từ từ buông bỏ cái lý tưởng mà mình nghĩ mình phải là ai, hay mình muốn mình là như vậy, hoặc mình nghĩ người khác muốn mình là như vậy, hay phải là như vậy. Chúng ta từ bỏ nó và chỉ nhìn trực diện con người mình với lòng từ bi và một chút khôi hài. Rồi thì, sự cô đơn không còn là một sự đe dọa, một sự đau lòng, hay là một sự trừng phạt.

Sự cô đơn tươi mát không cung cấp cho chúng ta một lối thoát nào, hay cho chúng ta một chỗ nương tựa. Nó thách thức chúng ta bước vào một thế giới không có chỗ trụ, không có bên này bên kia, và thậm chí không có chỗ đứng. Đây gọi là con đường trung đạo, hay là con đường đạo của những hiệp sĩ.

Khi một buổi bình minh bạn thức giấc, và bất thần, một cảm giác đau xót của sự xa lạ và cô đơn, bạn có thấy đó là cơ hội bằng vàng của mình không? Thay vì là làm khổ mình hay cảm thấy có cái gì đó sai lầm đáng sợ đang xảy ra, ngay trong lúc đau buồn và khát vọng đó, bạn có thể nào giảm bớt căng thẳng và tiếp xúc với cái khoảng không vô tận của tâm mình? Lần sau, khi nào có cơ hội thì bạn hãy thử nghiệm cái này đi!

PEMA CHODRON (Theo Six Kinds of Loneliness by Pema Chodron, Shambhala Sun Magazine, July 1st, 2000)

__________________

(*) Pema Chodron là một Tỳ-kheo-ni tu tập theo truyền thống Phật giáo Tây Tạng, một vị giáo thọ Phật giáo người Mỹ nổi danh nhất hiện nay. Ni sư Pema Chodron có biệt tài thuyết pháp hùng hồn, có những quyển sách bán chạy nhất, và tổ chức ngày tu học với hàng ngàn người tham dự.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày