Chiều ngày 2-12, sau một đám rước đầy màu sắc từ Kalachakra Ground đến tháp Đại Giác, Đại lễ trùng tụng Tripitaka Quốc tế lần thứ 18 đã long trọng được khai mạc ngay dưới cội bồ-đề linh thiêng, nơi Đức Phật thành đạo. Cộng đồng Phật giáo quốc tế bao gồm các nước như Bangladesh, Campuchia, Ấn Độ, Indonesia, Lào, Nepal, Myanmar, Sri Lanka, Việt Nam, Hoa Kỳ,… cũng đã tề tựu về thánh địa để tham gia sự kiện quan trọng này.
Thống đốc bang Bihar Rajendra Vishwanath Arlekar tuyên bố khai mạc sự kiện tại khuôn viên tháp Đại Giác. Năm nay, Campuchia là quốc gia đăng cai tổ chức sự kiện cùng với Hội đồng Trùng tụng Tam tạng kinh điển Quốc tế và Liên đoàn Ánh sáng Phật pháp Quốc tế (LBDFI).
Bộ Luật tạng gồm 3 tập được trùng tụng trong sự kiện này |
Ngoài ra, Giám đốc LBDFI Wangmo Dixey cho biết có khoảng 10.000 Phật tử từ các vùng khác nhau của Ấn Độ và nước ngoài cũng đến tham gia sự kiện. “Đại lễ trùng tụng Tam tạng kinh điển là buổi lễ trọng đại đối với các Phật tử theo truyền thống Phật giáo Theravada, và những nơi mà các tín đồ thường phúng tụng các bản kinh văn từ Tipitaka.
Vào ngày 13-12, sau khi sự kiện kết thúc, Tăng đoàn quốc tế sẽ tham gia vào cuộc diễu hành đi bộ vì hòa bình (Peace Walk) để bước theo những dấu chân của Đức Phật trên cung đường dài 14km trong thung lũng Jethian đến tinh xá Trúc Lâm (Veluvana) tại Rajgir”.
“Mục đích của đại lễ chính là kết nối tất cả các cộng đồng Phật giáo về lại một trú xứ, cùng nhau lan tỏa thông điệp của Đức Phật thông qua sự hòa hợp, bình an và đoàn kết của cộng đồng Phật tử từ nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới. Trong cuộc sống, con người chúng ta bao gồm hai yếu tố thân và tâm. Trong khi thân được thức ăn nuôi dưỡng hàng ngày thì tâm cũng phải được phát triển thông qua việc trau dồi tri thức và chân lý, để tâm được bình an và giác ngộ”, Chủ tịch Hội đồng Trùng tụng Tam tạng kinh điển Quốc tế cho biết.
Ajahn Amaro, người phát ngôn chính của buổi lễ cho biết: “Thật hoan hỷ khi trong dịp đặc biệt này, chúng ta tề tựu lại với nhau dưới cội bồ-đề linh thiêng, nơi Đức Phật thành đạo để trùng tụng lại những lời dạy của Ngài và hồi tưởng lại những gì mà Ngài đã phó thác cho chúng ta. Cho đến khi nhập Niết-bàn, Ngài đã không hề chỉ định ai làm lãnh đạo của Tăng đoàn, mà dạy chúng Tăng lấy Pháp và Luật làm thầy. Vì vậy, trùng tụng Tam tạng rất quan trọng đối với chúng ta lúc này, bởi việc đó giúp chúng ta có cảm giác kết nối và gần gũi hơn với Đức Phật… Cầu mong cho những lời kinh được tụng đọc sẽ chạm vào tâm khảm của mỗi một hành giả dù ở xa hay gần”.
Được biết, đây là một hoạt động thường xuyên được diễn ra định kỳ vào thượng tuần tháng 12 hàng năm tại Bồ-đề đạo tràng. Kể từ năm 2006 đến nay, sự kiện này đã được tổ chức 18 lần tại khuôn viên của tháp Đại Giác. Năm nay, cộng đồng Phật giáo quốc tế sẽ cùng nhau trùng tụng bộ Luật tạng Vinayapitaka.
Thành kính |
Trước đó, một hội nghị chuyên đề đã được tổ chức tại Bảo tàng quốc gia vào ngày 6-11 với chủ đề “Revival of Buddha Dhamma in the Land of Origin” (Sự hồi sinh của Phật pháp trên quê hương xứ sở). Liên đoàn Phật giáo Quốc tế (IBC) và Liên đoàn Ánh sáng Phật pháp Quốc tế của Berkeley, Hoa Kỳ cùng với 40 nhà sư quốc tế đã dẫn đầu trong cuộc hành hương đến nhiều địa điểm quan trọng của Phật giáo tại Ấn Độ.
Khi bắt đầu cuộc hành hương của mình, Wangmo Dixey, Giám đốc điều hành LBDFI cho biết: “Hôm nay là một khởi đầu tốt lành khi chúng tôi bắt đầu chương trình Dharma Training Wheel cùng với 45 vị sư từ Thái Lan, Myanmar, Lào, Việt Nam, Ấn Độ và Tây Tạng. Chúng tôi khởi hành từ Delhi và bắt đầu tụng kinh Pháp cú, một bản kinh sâu sắc, súc tích và đã dẫn dắt vô số hành giả trên con đường tuệ giác của Phật giáo”. Đây cũng là cột mốc đã mở đầu cho lễ trùng tụng Tam tạng kinh điển, một sự kiện quan trọng nhằm đánh thức pháp âm của Đức Phật ngay tại nơi Ngài thành đạo.