Áo không màu

Bài đăng trên Giai phẩm Giác Ngộ Xuân Quý Mão 2023 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài đăng trên Giai phẩm Giác Ngộ Xuân Quý Mão 2023 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Áo không màu nên áo cũng chưa phai. (Nguyên Sa)

Tuổi trẻ một thời mê núi rừng và những am cốc khuất tịch. Chỉ vì những câu chuyện các bậc đạo sĩ ở ẩn, uống nước suối ăn lá rau rừng. Đó là nhu cầu tối giản, không bị lệ thuộc vật chất khi mà dường như trong thâm tâm ai cũng muốn được như vậy. Ít ra không bị bó buộc bởi những quy ước xã hội, bằng cấp, kỳ thi và những món tiền lương cuối tháng. Hướng đến một đời sống cao khiết ngạo nghễ. Có những câu chuyện trong núi, làm bay bổng tâm người. Thiền sư Hương Nghiêm dẫn Đường Tuyên Tông, lúc tạm ẩn làm Tăng trong hội của ngài Bá Trượng, đi chơi ngắm thác nước trong núi Đại Hùng. Đến nơi, Thiền sư chợt ngâm hai câu thơ:

Xuyên vân phá thạch bất từ lao

Địa viễn phương tri xuất xứ cao.

“Xuyên mây vượt núi chẳng từ nan

Đất thẳm mới hay nguồn cội cao”.

Ngừng lại, tìm ý hoặc để thăm dò ông Tăng này Tuyên Tông cao hứng nối luôn:

Khê giản khởi năng lưu đắc trụ

Chung quy đại hải tác ba đào.

“Khe suối chẳng lưu dòng chảy mạnh

Tột về biển lớn quậy ba đào”.

Quả thật, người huynh đệ này khẩu khí hơn người. Bây giờ chỉ là Sa-di quèn trong chúng, ai biết về sau chỗ thấy chỗ ngộ thế nào. Núi rừng là nơi nuôi dưỡng, làm thành tựu công phu.

Núi Đại Hùng của Tổ Bá Trượng cao chót vót, Thiền tăng về tụ hội như mây, áo nạp khép kín nơi thiền đường. Thiền sư Hoàng Bá và Quy Sơn là hàng đầu trong chúng. Lúc đấy Hương Nghiêm, Tuyên Tông còn rảnh để rủ nhau đi dạo núi, nhưng lời ước hẹn sẽ có một kỳ tích mai sau.

Lúc ngài Hoàng Bá còn ở trong hội của Thiền sư Diêm Quan đang lễ Phật trên chánh điện, Sa-di (sau này là Tuyên Tông) bèn đến hỏi: Chẳng chấp cầu Phật, chẳng chấp cầu Pháp, chẳng chấp cầu Tăng, Trưởng lão lễ Phật để làm gì?”. Sa-di này dám mượn thiền ngữ trêu ghẹo bậc võ lâm thiên hạ. Ngài Hoàng Bá lặp lại câu chẳng chấp nói tiếp Việc thường lễ bái như thế. Đã nhắc chỗ không chấp, nhưng không phải vì không chấp mà không lễ Phật. Lời dạy xưa rõ ràng, soi sáng cho những kẻ cuồng thiền.

Sa-di lúc ấy có biết mình đang đối diện với ai không, vẫn hỏi tiếp: Cần lễ làm gì? Sư bèn cho một tát. Sa-di nói: Thô lỗ quá! Sư nói: Nơi đây là chỗ nào mà nói thô nói tế? Bèn đánh thêm cho một tát tai. Về sau khi ngài Hoàng Bá thị tịch, vua sắc thụy Đoạn Tế thiền sư có dụng ý nhắc lại đoạn nhân duyên này.

Nói chuyện núi rừng mà lại lan man về những nhân vật đã ở rừng núi, dù muốn hay không. Đường Tuyên Tông nếu không gặp sự cố nơi triều đình, cần gì phải ẩn thân trong chốn già-lam, giấu mình với cây cỏ. Từ đó ông có dịp gặp gỡ các bậc tông sư, gần nhất là với Hương Nghiêm. Cho đến khi Hương Nghiêm từ giã Quy Sơn để về ở trên núi Bạch Nhai - Nam Dương.

Đây là chỗ của Quốc sư Huệ Trung, sau khi được tâm ấn nơi Lục tổ, đã ở luôn hơn 40 năm không xuống núi. Ngài Hương Nghiêm nổi danh với công án “Ngậm cành cây”, trước đó khi chưa phá sạch sanh tử, đã thệ làm ông Tăng tầm thường, không nói thiền nói đạo. Cũng đã hết sức mình nghiền ngẫm lời của Tổ Quy Sơn “Nói một câu khi cha mẹ chưa sanh”. Ngày ngày chuyên chú quét đất dọn cỏ, mà câu hỏi xưa rền vang đất trời. Một hôm nhân cuốc cỏ trên núi lượm hòn gạch ném trúng cây tre vang tiếng, Sư chợt tỉnh ngộ phá lên cười.

Câu chuyện của Sư làm cảm động tùng lâm một thuở. Sử sách có ghi, Tuyên Tông từng lánh nạn tại đạo tràng Hương Nghiêm này. Về sau khi lên ngôi, ông cực lực ủng hộ huynh đệ một thời của mình.

Những Thiền tăng vang bóng, mang dấu ấn rừng núi khiến hậu sanh cứ mơ một thuở lên non.

Mai về núi dựng am mây

Thăm vầng trăng cũ còn đầy như xưa.

Ta đi từ những nắng mưa

Cỏ rêu sơn động còn chừa lối không.

(Toại Khanh)

Nhưng có một thứ không theo thời gian không gian biến diệt, chẳng thể dùng mây núi hay suối ngàn thác rừng diễn tả. Núi có thể biến hình, thác nguồn cũng có khi cạn khô vì biến đổi khí hậu, chỉ khi khai mở được tự tánh của mình thì nhận được màu áo không phai. Bàng Uẩn nói kệ:

Ta có một tấm áo

Chẳng phải gấm thế gian

Màu đời không nhuộm thắm

Vẫn trắng tinh ngọc ngà

Lúc cắt không dùng kéo

Khi may chẳng dùng kim

Áo thường khoác trên thân

Có người không thấy được

Ba ngàn thế giới che ấm lạnh

Vô tình hữu tình đều thấu suốt

Nếu ai lấy được tấm áo này

Khoác lên vào thẳng Không vương điện.

Những kỳ tích cổ sử của nhà thiền đều lưu xuất từ tấm áo không phai.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Võ Dũng

Tỳ-kheo-ni Tô-ma

NSGN - Tôi nghe như vầy: Một thời, Đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ. Bấy giờ, Tỳ-kheo-ni Tô-ma2  ngụ tại tinh xá của chúng Tỳ-kheo-ni, ở trong ngự viên, thuộc nước Xá-vệ.

Thông tin hàng ngày