Viết cho thế hệ Ni trẻ hôm nay: Gặp lại lời kinh xưa

0:00 / 0:00
0:00
GNO - Trên đường phố dập dìu, một hình ảnh cô Ni thong thả đếm bước, có thể chùa của cô rất gần. Hoặc ngồi xe tay ga chen trong mạch giao thông nhộn nhịp. Áo lam, áo đà, áo vàng dù phai nét thời gian hay còn mới tinh khôi....

Hướng về nguồn

Ni giới Việt Nam cũng như Ni giới toàn cầu đều có chung một cội nguồn: Kiều-đàm Di mẫu. Dấu ấn của lịch sử văn hóa Ấn Độ đã in đậm lên bản sắc Phật giáo Việt Nam thời đầu tiên du nhập. Tính cách huyền thoại, thần tích đi chung với con người, đời sống trở nên bay lượn biến ảo. Di mẫu và 500 vị Tỳ-kheo-ni viên tịch, tự thân hiện 18 món thần biến, nhập Tam muội thiêu thân. Ngài Tăng-già-mật-đa khi đưa Ni đoàn sang Tích Lan đã biến hóa thần lực bảo vệ cây bồ-đề trên đường biển…

Chúng ta đọc đến chuyện công chúa Tiên Dung cùng Chử Đồng Tử học đạo với sư Phật Quang, được ban nón lá và gậy phép, một đêm ngủ lại bên bờ đầm, sáng ra thành quách lâu đài hiện rõ. Chuyện Man Nương và Tứ pháp tạo mưa, thấm nhuần đồng ruộng Kinh Bắc… Công chúa Bát Nàn dẹp giặc giúp Hai Bà Trưng, xong việc trở về tu phúc độ dân, đền chùa ngàn năm hương khói. Các nữ Phật tử Việt Nam thời đầu tiên dựng nước đã để lại nhiều thần thoại, chịu ảnh hưởng quyền năng xứ Ấn.

Có thể nói đất nước bốn ngàn năm văn hiến là bốn ngàn năm có những nếp sống Ni lưu chan hòa đạo lý dân tộc. Theo thời gian, theo hoàn cảnh, tính cách quyền năng hay tính cách minh triết được nêu cao. Ni sư Diệu Nhân nói kệ trước khi viên tịch, đó là thái độ ung dung nhàn tản của một vị thiền đức ngộ đạo, một phong cách sống làm gương mẫu cho Ni giới. Bên cạnh đó những ngôi chùa làng do chư Ni sáng lập, dù hàng vương giả xuất thân hay bình dân bá tánh, chuyên dạy đạo lý thập thiện, hướng dẫn khai hoang lập ấp, phát triển xây dựng làng xã... Những ngôi chùa Ni lặng lẽ vững vàng, thời đại nào cũng cần để vỗ an tâm tình dân cư.

Nối kết quá khứ

Tiếp tục phát huy truyền thống xây dựng xã hội nhân sinh trên nền tảng đạo đức, miền Nam xa xôi hướng về đầu nguồn Bắc Bộ, nơi có các vị nữ Bồ-tát lưu danh sử sách. Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm tiếp nhận và triển khai mở rộng những đức tính tốt đẹp sẵn có của Ni lưu. Vị trí giao thông thuận lợi, kinh tế phát triển, học vấn và đạo đức thành tựu tốt đẹp. Giáo dục, văn hóa, nghệ thuật, minh triết, công nghệ thông tin... đều nằm ở Sài Gòn. Chư Ni thành phố luôn đảm nhận vai trò tiên phong, đi đầu quán xuyến trong mọi lĩnh vực. Đầu thế kỷ XX, chư vị Ni trưởng tiền bối nêu cao gương cầu học cầu tiến, miền Nam ra Bắc học luật, viếng thăm các tổ đình Ni kỳ cựu của Hà Nội, lấy ý tưởng mở trường độ Ni tại Sài Gòn. Trường ni Hải Ấn (Gia Định), trường ni Kim Sơn (Phú Nhuận), trường ni Huê Lâm (Chợ Lớn) là nguyên mẫu xây dựng các thế hệ Ni tiếp theo.

Sau Đại hội Ni bộ Nam Việt thành lập năm 1956 tại chùa Huê Lâm, chư Ni miền Nam lần lượt về Sài Gòn thọ học. Nơi đây tình hình an ninh và đời sống tinh thần bảo đảm thuận lợi. Hai Ni trường uy tín bấy giờ là Ni trường Dược Sư (Gia Định) và Ni trường Từ Nghiêm (Chợ Lớn), là trung tâm đào tạo, là đầu não điều hành hoạt động Ni giới tại thành phố. Tại các Ni trường, chư Ni ba miền có cơ hội gặp gỡ.

Miền Bắc với tâm tình “Tôi xa Hà Nội năm lên 18…” hay “Từ thuở mang gươm đi mở nước. Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long”. Miền Tây xa ngái, đi về lận đận vì những chuyến phà trên sông rộng, từ Sài Gòn về Cần Thơ đôi lúc mất một ngày đường vì không kịp hai chuyến bắc Mỹ Thuận, Cần Thơ. Miền Trung chịu ảnh hưởng của chinh chiến trường kỳ, cũng không thể ngồi yên xem kinh thư. Ở đâu cũng vậy, luật Phật dạy mình không nên ở chỗ có hiểm nạn. Sài Gòn rộn ràng, nhưng cũng là nơi nương náu học tập của một thời tuổi trẻ.

Hòa nhập dòng sông

Khi viếng thăm những danh lam cổ tự, điều khiến chúng ta thán phục chiêm ngưỡng là những cội cây già rủ bóng, những gốc đại thụ vững chãi rêu mốc thời gian. Một không khí bình yên trầm mặc nhưng uy dũng cũng biết bao. Chúng ta cũng mong ước chỗ mình ở, một ngôi chùa nơi phố vắng hay chốn làm Phật sự thị tứ, có được một đôi gốc cổ thụ vài trăm năm như thế. Biết rằng thời gian quá khứ của nơi cây mọc là yếu tố quyết định, chúng ta thầm trân trọng cảm ơn di tích.

Thành phố Hồ Chí Minh đã từng có nhiều gốc cổ thụ tinh thần cho Ni chúng hiện nay, từ đó đi lên vững chãi, hội nhập, phát triển với biết bao năng lực tuổi trẻ. Chư vị Ni trưởng tiền bối một thời vân tập đông đủ về thành phố, xây dựng tùng lâm Ni bộ, tạo nền tảng vững vàng cho thế hệ kệ Ni lưu tiếp nối. Đời sống đạo hạnh của các ngài, nghị lực vượt qua chông gai, tấm lòng bi mẫn tiếp người không mỏi mệt.

Mỗi kỳ họp Đại hội hay Đại giới đàn Ni bộ Trung ương, hình bóng chư vị Ni trưởng là niềm tin, là ánh đuốc soi thấu tương lai. Không phải chỉ trên ngôn từ, trong chúng ta còn đọng lại hình ảnh đời thường rất gần gũi. Một bậc lão Ni ân cần thăm hỏi Ni trẻ, một vài chiếc bánh hay món ăn thích hợp được đem lên xe xích-lô đi từ Sài Gòn về Gò Vấp, để biếu tặng bạn Ni già, răng chiếc còn chiếc mất, “Bánh này làm bằng bột gạo rất mềm, Ni trưởng dùng lấy thảo…”. Và cơn mưa chợt xối xuống bên hiên chùa, hai Ni trưởng ngồi kể chuyện ngày xưa học chung lớp kinh luật chữ Nho, phải dày công tra cứu. Tuổi già bỗng vui khi nhắc lại những ngày tháng năm đó, những bạn đồng song có người đã mây ngàn hạc nội, có người ẩn tích quê xa... Thị giả nhỏ ngồi nghe quên mưa nắng.

Dòng sông xưa xuôi về biển cả, thế hệ hôm nay lớn lên từ nguồn mạch sông dài, từ sự chở che nuôi dưỡng của những bậc đại thọ lão ni. Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều điều kiện tối ưu để mở rộng khung trời hoạt động. Ni giới thành phố Hồ Chí Minh đạt được nhiều thành tựu trong và ngoài nước, luôn luôn tiếp bước phát triển không ngừng. Thành phố này luôn có nhiều kỷ niệm không quên. Người từ miền tỉnh lên Ni trường Sài Gòn, mang theo tính cách ngôn ngữ miền quê xưa, lâu dần hội nhập Sài-Gòn-hóa. Người ở nơi này trở về quê nối nghiệp thầy tổ, hoặc phát tâm làm công tác vùng xa, đem phong cách trường Ni dạy lại cho lớp trẻ sơ cơ.

Một vài năm học xong cơ bản, được gởi lên thành phố hòa nhập cộng đồng Ni chúng, sẽ được tiếp xúc, tiếp cận, thu thập nhiều kiến thức kinh nghiệm mới. Luôn luôn có sự kết nối giữa thành phố và các tỉnh dù xa hay gần. Sống và lớn lên ở thành phố sẽ không quên bạn bè những tỉnh làng xa. Người về Đồng Tháp, Sóc Trăng hay Bạc Liêu sẽ nhớ thành phố phù hoa rộn ràng, những lớp học Ni chúng đông vầy. Mối thân tình giao lưu gắn kết, mỗi dịp gặp nhau cùng chia sẻ khó khăn hay thuận lợi trong Phật sự của mỗi người.

Trên đường phố dập dìu, một hình ảnh cô Ni thong thả đếm bước, có thể chùa của cô rất gần. Hoặc ngồi xe tay ga chen trong mạch giao thông nhộn nhịp. Áo lam, áo đà, áo vàng dù phai nét thời gian hay còn mới tinh khôi, hình ảnh Ni lưu không chìm lẫn, không nổi bật muôn hồng nghìn tía nhưng vẫn trụ giữa Ta-bà. Có phải chăng vọng lại lời kinh, bảo lưu nét giải thoát? Trong cuộc đời, đi với cuộc đời nhưng vẫn có phong cách riêng.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Lễ khởi công xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tại H.Quan Hóa, sáng 21-11

Thanh Hóa: Ban Trị sự Phật giáo tỉnh khởi công xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tại H.Quan Hóa

GNO - Thực hiện cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh theo Chỉ thị số 22-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sáng 21-11, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thanh Hóa đã làm Lễ khởi công, trao kinh phí xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tại H.Quan Hóa.
Sư bà Diệu Không

Giáo sư Cao Huy Thuần viết về Sư bà Diệu Không

GNO - Mỗi lần nghĩ đến Sư bà Diệu Không, tôi lại liên tưởng đến bà Gotami, di mẫu của Đức Phật, vừa là mẹ nuôi vừa là Ni thánh. Tôi biết, nếu Sư bà đang ở đâu đó mà nghe tôi nói thế này, Sư bà sẽ quở tôi là phạm thượng. Nhưng tôi đành chịu tội bất kính vì nhiều lý do.
Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình "Bồ-tát trẻ tuổi"

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày