Bấy giờ, Thế Tôn thị hiện ba phương cách để giáo hóa một nghìn vị Tỳ-kheo này. Là ba phương cách nào? Đó là thị hiện thần túc biến hóa, thị hiện biết tâm người khác và thị hiện giáo giới.
Thị hiện thần túc nghĩa là, Thế Tôn tùy theo sự mong cầu của họ mà thị hiện thể nhập thiền định4, phi hành trong hư không đến phương Đông, hiện ra bốn oai nghi đi, đứng,Trung tâm Trí Tịnh dịch ngồi, nằm, rồi nhập Hỏa tam-muội5 và phóng ra các loại ánh lửa màu xanh, vàng, đỏ, trắng, hồng, pha lê, rồi hiển bày tướng nước và lửa xuất hiện cùng lúc; hoặc dưới thân ra lửa, trên thân ra nước, hoặc trên thân ra lửa, dưới thân ra nước, bốn phía chung quanh cũng đều như vậy. Bấy giờ, khi Thế Tôn đã thị hiện các loại thần biến rồi, Ngài trở lại ngồi giữa đại chúng. Đó gọi là thị hiện thần túc.
Thị hiện biết tâm người khác nghĩa là, thị hiện biết rõ tâm của người kia như vậy, ý của người kia như vậy, thức của người kia như vậy, người kia nên nhớ nghĩ như vậy, không nên nhớ nghĩ như vậy, người kia nên buông xả như vậy, người kia nên tự thân tác chứng và an trụ như vậy. Đó gọi là thị hiện biết tâm của người khác.
Thị hiện giáo giới là, như Thế Tôn dạy: “Này các Tỳ-kheo, tất cả đều bị đốt cháy! Thế nào là tất cả bị đốt cháy? Đó là mắt bị đốt cháy; sắc, nhãn thức, nhãn xúc và nhãn xúc làm nhân duyên sanh ra cảm thọ, hoặc cảm thọ khổ, hoặc cảm thọ vui, cảm thọ không khổ không vui, tất cả chúng đều bị đốt cháy. Cũng vậy, tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng bị đốt cháy; hoặc pháp, ý thức, ý xúc và ý xúc làm nhân duyên sanh ra cảm thọ, hoặc cảm thọ khổ, hoặc cảm thọ vui, cảm thọ không khổ không vui, tất cả chúng đều bị đốt cháy. Bị đốt cháy bởi cái gì? Bị đốt chảy bởi lửa tham, lửa sân, lửa si; bị lửa sanh, già, bệnh, chết, ưu bi, khổ não đốt cháy.
Bấy giờ, một nghìn vị Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy rồi, không còn khởi các lậu, tâm được giải thoát.
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.
__________
(1)Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.197. 050b14). Tham chiếu: S.22.61 - III.71; S.35.28 - IV.19. Đại Phẩm Vin.I1.
(2)Già-xà Thị-lợi-sa (迦闍尸利沙 Gayāsīsa).
(3)Già-xà Thị-lợi-sa chi-đề (迦闍尸利沙支提 - Gayāyaṃ viharati gayāsīse): Trú tại thôn Gāya, trên núi Gayāsīsa. Theo, Phiên Phạn ngữ 翻梵語 (T.54. 2130.1. 987a21) thì Già-xà Thị-lợi-sa chi-đề(迦闍尸利波支提 - Gayāsīsa), còn gọi là Gia-xà Thi-lợi-sa (加闍尸利沙).
(4)Thiền định chánh thọ (禪定正受 - Samādhi samāpatti), còn gọi tam-muội chánh thọ, tam-muội đẳng chí, chỉ cho việc thể nhập thiền định.
(5)Hỏa tam-muội (火三昧): Năng lực thiền định làm thân thể phát ra lửa.
NS345.