Ba nguyên tắc hóa giải mâu thuẫn từ trí tuệ của Thiền sư Suzuki

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1284 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1284 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Lewis Richmond kể lại một khoảnh khắc đáng nhớ cùng Thiền sư Suzuki Roshi. Qua một cuộc trò chuyện giản dị, thầy đã thể hiện những nguyên tắc sâu sắc của Phật giáo trong việc giao tiếp, từ đó, mang đến những bài học giá trị về sự thấu hiểu và kết nối tích cực trong cuộc sống.

Mùa hè năm 1971, tôi đang sống tại trung tâm thiền trên núi Tassajara, một trong những thiền viện đầu tiên ở Mỹ. Người sáng lập và giáo thọ tại ngôi thiền viện này là Shunryu Suzuki, một thiền sư từ Nhật Bản đến đây để dạy thiền cho người Mỹ, và phần lớn học viên là những người trẻ tuổi. Một trong số đó là Robert, anh ấy nổi tiếng với việc nói chuyện không ngừng nghỉ và sự nhiệt tình quảng bá gạo lứt như một thực phẩm tâm linh hoàn hảo.

Một buổi chiều, tôi tình cờ bắt gặp Suzuki Roshi và Robert ở trong sân tu viện. Như thường lệ, Robert nói chuyện với giọng đầy phấn khích: “Suzuki Roshi, thầy có đồng ý rằng gạo lứt là thực phẩm rất tốt cho việc thiền tập hay không? Nó có phải là sự cân bằng tuyệt đối giữa âm và dương không?”. Vào những năm tháng sôi động của phong trào đó, chế độ ăn gạo lứt rất thịnh hành, và chúng tôi phục vụ nó mỗi ngày trong thiền đường ở Tassajara. Thầy Suzuki Roshi hiếm khi chỉ trích chúng tôi và luôn tỏ ra khoan dung với những ý tưởng như vậy. Ở Nhật Bản thời đó, gạo lứt hiếm khi được sử dụng trong bữa ăn, chỉ có gạo trắng mới được xem là tiêu chuẩn. Có lẽ thầy Suzuki Roshi cũng chỉ mới ăn gạo lứt lần đầu tiên khi đến Tassajara.

“Thầy có nghĩ rằng gạo lứt giúp chúng ta đạt được giác ngộ không?”, Robert tiếp tục.

Thầy Suzuki Roshi lắng nghe Robert nói một lúc lâu mà không phản hồi gì. Cuối cùng, khi Robert tạm ngừng để lấy hơi, thầy lại nhẹ nhàng nói: “Thức ăn rất quan trọng”.

“Thức ăn rất quan trọng”. Câu nói này làm Robert ngạc nhiên. Anh ấy ngưng bặt và chỉ đứng đó như trời trồng, khuôn mặt lộ vẻ bối rối. Nhưng thầy Suzuki Roshi không nói thêm lời nào nữa và quay lưng rời đi.

Tôi chưa bao giờ quên câu chuyện này. Dù nó chỉ như một cuộc trò chuyện thoáng qua, nhưng có điều gì đó đã làm tôi cảm nhận được sự sâu sắc, thậm chí là thâm thúy trong câu nói của thầy Suzuki. Bây giờ nghĩ lại, tôi nhận ra rằng phản ứng của thầy chính là một biểu hiện điển hình về cách tiếp cận Phật giáo trong việc xử lý mâu thuẫn - một phương pháp có thể áp dụng rộng rãi trong thế giới ngày nay. Cách tiếp cận này bao gồm ba yếu tố: tìm điểm chung, thể hiện sự tôn trọng, và thay đổi cấp độ giao tiếp.

Tìm điểm chung

Thầy Suzuki Roshi không phản bác Robert bằng các “chân lý” của hai bên mâu thuẫn với nhau. Thầy không nói: “Thật ra, trong các thiền viện Nhật Bản, chúng tôi không ăn gạo lứt” dù điều đó là hợp lý để phản bác quan điểm của Robert. Thay vào đó, thầy chỉ đơn giản nêu lên một điều mà cả hai đều có thể đồng thuận, dù thầy không nói rõ đó là điểm chung. Thầy cũng không nói: “Tôi nghĩ cả hai chúng ta đều đồng ý rằng thức ăn rất quan trọng”, bởi điều đó sẽ tạo cảm giác thầy đang giả định suy nghĩ của Robert và đặt mình ở vị trí “cao hơn”. Thay vì vậy, thầy Suzuki tạo ra điểm chung theo cách gợi mở và không áp đặt.

Thể hiện sự tôn trọng

Dù những ý tưởng của Robert về thực phẩm có phần thiển cận nhưng phản ứng của thầy Suzuki Roshi thể hiện sự tôn trọng đối với anh ấy. Thầy đối xử với Robert như một người có quyền giữ ý kiến riêng của mình, và theo nghĩa đó, thầy giống như một người bạn ngang hàng. Đúng là cả hai đều tin rằng thức ăn rất quan trọng. Dù có sự khác biệt lớn về tuổi tác và kinh nghiệm (Suzuki đã hơn 60 tuổi và dành cả đời làm một tu sĩ Phật giáo) nhưng thầy vẫn dành cho Robert sự bình đẳng trong khi giao tiếp với nhau.

Thay đổi cấp độ giao tiếp

Khi Suzuki Roshi nói “Thức ăn rất quan trọng” thì rõ ràng, điều thầy thực sự muốn truyền tải là thức ăn mang một giá trị tâm linh quan trọng trong Phật giáo, bởi thông qua đó chúng ta có thể trải nghiệm sự kết nối sâu sắc và thể hiện lòng biết ơn đối với tất cả chúng sinh. Các bữa ăn trong thiền đường của chúng tôi đều bắt đầu bằng những nghi lễ trang trọng. Trước mỗi bữa ăn, chúng tôi tụng một bài kinh để tỏ lòng tri ân thức ăn. Một phần trong bài tụng có câu: “Bảy mươi hai công lao đã mang đến hạt cơm này. Ta phải ghi nhớ hạt cơm đến từ đâu”.

Việc ăn uống là cơ hội để trực tiếp trải nghiệm giáo lý về sự tương tức trong Phật giáo. Loại thức ăn là gì không quan trọng. Các tu sĩ Phật giáo khi thực hành hạnh khất thực, và họ phải chấp nhận bất kỳ loại thức ăn nào được đặt vào bát của mình. Khi thầy Suzuki nói “Thức ăn rất quan trọng” mà không giải thích gì thêm, thầy đã nâng cuộc trò chuyện lên một cấp độ sâu sắc hơn.

Vì vậy, tìm điểm chung, thể hiện sự tôn trọng, và thay đổi cấp độ giao tiếp: ba yếu tố này có thể được áp dụng để hóa giải nhiều loại bất đồng quan điểm khác nhau, từ tranh cãi trong các mối quan hệ, giao tiếp với thanh thiếu niên, đến những cuộc thảo luận về chính trị.

Trong các mối quan hệ, một cuộc tranh luận về những vấn đề quan trọng đối với cả hai bên - chẳng hạn như tài chính - thường có thể rơi vào sự hiểu lầm và căng thẳng không đáng có. Những “sự thật” có thể bị lợi dụng để chiến thắng trong cuộc tranh cãi, và sự kết nối sâu sắc trong mối quan hệ có thể bị lu mờ. Tôi nhớ có những lúc mình vô tình “thuyết giảng” về tài chính cho vợ mình mà không nhận ra mình đang làm điều đó. Thay vào đó, một câu như “Tiền bạc thực sự rất quan trọng” có thể giúp thiết lập điểm chung cho cả hai bên. Hoặc một câu như “Anh chỉ muốn nói là anh thương em” có thể là cách thay đổi cấp độ giao tiếp hiệu quả.

Ngoài ra, cha mẹ và con cái tuổi teen thường gặp khó khăn trong việc giao tiếp. Tôi từng nghe một nhân viên xã hội, hiện đang làm công việc liên quan đến thanh thiếu niên, nói rằng: “Thanh thiếu niên muốn cha mẹ ở bên cạnh mình, nhưng không nhất thiết phải nói gì mà chỉ cần quan sát và lắng nghe họ”. Trước khi Suzuki Roshi nói bất kỳ điều gì, thầy chỉ lắng nghe Robert. Việc lắng nghe ấy tự bản thân nó đã tạo ra một dạng điểm chung, như một cách để thừa nhận ngầm rằng “Tôi có mặt ở đây” và “Bạn cũng có mặt ở đây”. Điều đó thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau giữa hai bên giao tiếp.

Về mặt chính trị, ngày nay vấn đề này đang trở nên gay gắt đến mức đôi khi khó có thể biết được ta nên nói gì hay làm gì. Thậm chí, những sự thật cơ bản cũng có thể bị đưa ra để tranh cãi. Một câu như “Tôi trân trọng việc bạn chia sẻ quan điểm của mình” hoặc “Ngày nay, mọi người đều có thể nói ra những điều mình suy nghĩ” có thể là những cách phản hồi thích hợp, nhưng đôi khi điều tốt nhất là chỉ lắng nghe mà không nói gì.

Phản ứng của thầy Suzuki Roshi đối với Robert không phải là một chiến lược hay kỹ thuật. Đó là biểu hiện tự nhiên của con người thầy – một người cam kết sâu sắc với nguyên tắc ahimsa, hay “bất hại”, trong hành động và cách ứng xử. Thầy thực sự “sống như những gì thầy nói” và chính điều đó đã truyền cảm hứng cho tất cả chúng tôi noi theo.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Đức Pháp chủ GHPGVN tiếp ông Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ Vũ Hoài Bắc đến thăm và chúc Tết tại chùa Huê Nghiêm - TP.Thủ Đức - Ảnh: Quảng Đạo/BGN

Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ Vũ Hoài Bắc chúc Tết Đức Pháp chủ, Trưởng lão Hòa thượng Đức Nghiệp

GNO - Sáng nay, 19-1, ông Vũ Hoài Bắc, Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ cùng phái đoàn đã đến thăm, chúc Tết đến Đức Pháp chủ tại chùa Huê Nghiêm (TP.Thủ Đức); Trưởng lão Hòa thượng Thích Đức Nghiệp, Phó Pháp chủ kiêm Giám luật Hội đồng Chứng minh GHPGVN trước thềm năm mới xuân Ất Tỵ - 2025, tại chùa Vĩnh Nghiêm (Q.3).
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1279 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Băn khoăn của người mới đi chùa

GNO - Tôi mới đi chùa trong thời gian gần đây và có vấn đề khiến tôi băn khoăn. Đó là tụng kinh mà có nhiều đoạn đọc bằng âm Hán-Việt khiến tôi chẳng hiểu gì cả. Tôi mong muốn được tụng đọc kinh bằng tiếng Việt để hiểu rõ nghĩa lý lời Đức Phật dạy và ứng dụng trong đời sống hàng ngày.
Có hay không bậc A-la-hán thoái pháp?

Có hay không bậc A-la-hán thoái pháp?

NSGN - Căn cứ theo lộ trình tu tập như Phật đã dạy, một Tỳ-kheo khi chưa giải thoát hoàn toàn thì việc thoái thất có thể diễn ra. Tuy nhiên, khi vị ấy đạt đến giải thoát hoàn toàn viên mãn, đã đạt đến bất động, thì không còn bất kỳ một sự thoái thất nào.

Thông tin hàng ngày