Bạn lớn và lời sách tấn cuối ngày

Giác Ngộ - Vâng, chú là bạn lớn theo nghĩa tuổi tác và cả những trải nghiệm, những góc nhìn trong cuộc sống cũng như trong thực tập đạo pháp. Chú không nói nhiều, thích lắng nghe và chiêm nghiệm. Đó là những gì con biết về chú qua những lần tiếp xúc, nói chuyện, chia sẻ về nghề nghiệp và qua quá trình gắn bó trong công tác.

1.

Chú là bạn lớn, vì chú vào nghề và từng trải với nghề đã mấy chục năm, con chỉ là người viết trẻ (nếu nói cho hoa mỹ thì là cây bút trẻ), tập tành với nghề báo 5-6 năm nay. Chú cũng hiểu về những nghĩa lý sâu xa của đạo màu nhiều hơn con nên nhiều lúc nghe chú nói, nhìn chú làm việc con cũng có thể học hỏi được rất nhiều từ chú.

wtra1.JPG

Mời người một chén trà - Ảnh: Internet

Nghề viết là nghề “làm dâu thiên hạ” nên có người khen, kẻ chê khi sản phẩm mình “ra lò” và được truyền tải đến công chúng, bạn đọc. Đó là lẽ đương nhiên, nên dù khen hay chê thì mình cũng ngồi thật bình tĩnh để lắng nghe. Nghe như thế thì mới có thể hiểu được mình còn bị nội kết nào chưa tháo gỡ, có nguồn tin hoặc ý niệm nào trong tư tưởng chưa thông đã bộc lộ trong sản phẩm của mình. Và nghe như thế cũng là để biết bạn đọc mình cần gì, và có đang cùng mình ngồi lại để trải nghiệm cuộc sống qua trang viết hay chỉ là một vị-khách qua đường?

Dẫu là khách qua đường hay là bạn thân thiết thì cũng đều đáng trân trọng cả, bởi dù gì thì họ cũng đã “gặp” mình một lần trong đời phải không chú? Gặp một lần, dẫu ấn tượng nhiều hay ít thì cũng là một lần “ghi” vào tâm người ấy những ước nguyện thiện lành rằng: họ đọc và đồng cảm, cùng mình thực tập để kiến tạo hạnh phúc, bằng an…

2.

Thời đại ngày nay, chỉ cần một cái click chuột là thế giới đã gần lại, rất gần nên việc xây dựng những “ngôi chùa online” không phải là quá khó. Tịnh thất, chùa là nơi mà khi mình ghé vào, mình cảm nhận được sự an lạc và có thể lắng dịu thân tâm để thở một hơi thở có ý thức, tiếp xúc được với sự mầu nhiệm của hiện tại. Chính vì vậy mà mỗi ngày, sau những giờ phút lao chen với những điều rất bình thường như là áo cơm con lại muốn mình ngồi thật yên, thở và viết trong ý niệm: mình cùng với những người bạn của mình trở về ngôi chùa online để thực tập “an trú trong hiện tại”.

Chú là một trong những người bạn như thế, và may mắn là con đã kịp biết chú không chỉ là “bạn ảo” mà còn là đồng nghiệp, đồng hương. Những cái “đồng” ấy không quan trọng bằng “đồng tu”, là cùng một truyền thống, cùng tổ tiên tâm linh nên sẽ có thể hiểu được nhau như chú đã hiểu và chia sẻ tối qua, lúc cuối ngày. Một tin nhắn với nhiều ưu ái dành cho con, đó là một lời khen, con đã mỉm cười không phải vì sung sướng bởi được khen mà là hạnh phúc vì ít nhất có một người bạn lớn (cũng là bạn đọc thân thiết) hiểu mình.

Hiểu thì sẽ thương, và rõ ràng là chú thương con, như con, như em, và như học trò nhỏ của chú vậy. Dẫu chú không nói ra, nhưng con cảm nhận được.

wtra3.jpg

Thư pháp của HT.Thích Nhất Hạnh - Ảnh: langmai.org

Nhà văn Maxim Gorki đã nói: “Văn học là nhân học”. Đó là một cái nhìn tương đối về con người và mối tương quan qua những trang viết. Những gì người đó viết là một yếu tố để nhận biết chứ chưa hẳn là chính họ. Con người còn nhiều yếu tố khác để nhận diện và tất nhiên mọi cái nếu không chánh niệm và nuôi dưỡng thường xuyên thì cũng sẽ chập chờn, vô thường, phụt tắt. Nhất là đối với những giá trị nhân văn cao thượng, nếu không được vun vén thì sẽ dễ bị những tạp nhiễm rù quến.

Mình sống giữa bùn mà mình chưa phải sen nên đương nhiên dễ nhiễm hôi tanh của bùn, phải không chú?

Nhưng, với những gì con viết, và chú cảm nhận, chia sẻ… là một lời sách tấn để con nhận ra rằng mình đã đi trên con đường của Bụt, đang đi như một dòng sông, mình không lẻ loi, không lạc loài. Ít ra còn có một người bạn lớn như chú…

Cùng bạn đọc:

Lá thư chia sẻ là tiểu mục từng xuất hiện trên Trang Phật giáo-Tuổi trẻ của Giác Ngộ. Nay Giác Ngộ Online mở lại mục này để lắng nghe, làm cầu nối cho bạn đọc gửi những chia sẻ của mình tới người thân, người thương. Đó có thể là những trăn trở, ước mong, hoặc chỉ là một phút trải lòng, cảm nhận những bước chuyển trong tâm mình và thời tiết...

Bài viết tham gia không quá 800 chữ, gửi về địa chỉ e-mail: phatgiaovatuoitre@gmail.com.

Giác Ngộ Online 

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày