Bây giờ, bạn có đang hạnh phúc?

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1153 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1153 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GN - Với vô số những bận rộn, lo lắng thường nhật, có lẽ không ít khi chúng ta quên mất rằng thực sự, mục đích lớn nhất mà mình đang hướng đến trong đời sống là gì.

Mục đích sống của chúng ta liệu có phải là hạnh phúc không? Là con người, ai lại chẳng muốn hạnh phúc, ai lại không mong sống một cuộc đời vô ưu, vô lo. Nhưng nếu được hỏi liệu rằng “bây giờ, bạn có đang hạnh phúc?”, chắc sẽ có không ít người bối rối trước vấn đề tưởng như đơn giản ấy.

Bây giờ, bạn có đang hạnh phúc? Đó là câu hỏi đầu tiên được Thiền sư Pomnyun đặt ra trong Life Lessons (Làm sao học hết được nhân sinh?). Cuốn sách bao gồm những pháp thoại, vấn đáp ngắn của thầy trước công chúng, xoay quanh nhiều vấn đề khác nhau trong cuộc sống, được tập hợp theo từng nhóm chủ đề riêng.

Những người quan tâm đến lĩnh vực kinh tế đều có thể biết Hàn Quốc là một trong số những quốc gia có tốc độ phát triển thần kỳ tại châu Á. Chỉ trong khoảng 6 thập kỷ, Hàn Quốc đã bứt phá từ một quốc gia nghèo đói và vươn lên một cách ngoạn mục. Theo dữ liệu từ Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc ngày 25-1 được dẫn lại bởi Reuteurs, GDP quốc gia này đã tăng 4% năm 2021, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mức nhanh nhất trong vòng 11 năm tính đến 2021.

Nếu theo suy nghĩ thông thường hiện nay, với sự phát triển về kinh tế, sung túc về vật chất như vậy, người dân Hàn Quốc ắt hẳn sẽ sống hạnh phúc. Thế nhưng thực tế lại không hẳn vậy. Từ lâu, nếu theo dõi qua báo đài, cứ thi thoảng, chúng ta lại thấy tin về những vụ tự tử của người nổi tiếng xảy ra tại quốc gia này.

Thậm chí, trong những năm gần đây, tỷ lệ tự tử của người trẻ tại Hàn Quốc tăng cao đến mức đáng lo ngại, đặc biệt là sau biến cố do đại dịch Covid-19 gây ra. Đồng thời, những áp lực kinh khủng trong cuộc sống thường nhật cũng là điều thường xuyên được nhắc đến. Áp lực học hành thi cử với học sinh, sinh viên; áp lực thăng tiến với người lao động; áp lực trong đời sống gia đình, nhà cửa, tài chính; áp lực từ sự cô đơn của con người trong đô thị…

Muôn vàn những điều như thế bủa vây lấy thị dân, bào mòn dần những tâm hồn mà có khi chính bản thân họ cũng không hay biết, để rồi họ dần quên mất những điều giản dị nhất trong đời sống như liệu rằng mình có đang hạnh phúc hay không, mình có sống thật sự ý nghĩa hay không. Mà không chỉ riêng với họ thôi đâu, kể cả chúng ta nữa, những người cũng đang phải quẩn quanh trong vô số dự định, kỳ vọng, có thể chính chúng ta cũng dần quên mất việc tự vấn lại về mục đích thật sự trong đời.

Thiền sư Pomnyun sinh năm 1953 tại Ulsan, Hàn Quốc, là một tu sĩ Phật giáo, nhà văn, nhà hoạt động xã hội có sức ảnh hưởng lớn tại Hàn Quốc. Năm 1988, thầy thành lập Jungto (nghĩa là Đất lành), một tổ chức cộng đồng Phật giáo với mục tiêu giúp đỡ những người gặp đau khổ, vượt qua những tổn thương về tinh thần.

Thiền sư Pomnyun đã tổ chức hơn 1.000 buổi vấn đáp trực tiếp nhằm lắng nghe, an ủi những người đã và đang phải đối diện với khó khăn trong cuộc sống. Đồng thời, thầy cũng có một kênh YouTube nhằm chia sẻ những bài giảng của mình. Các bài giảng của thầy được dịch sang tiếng Anh và các ngôn ngữ khác để người nước ngoài cũng có thể dễ dàng tiếp cận.

Thiền sư Pomnyun từng nhận nhiều giải thưởng về tôn giáo và hòa bình. Năm 2018, thầy nhận Huân chương dân sự Moran do Tổng thống Hàn Quốc trao tặng. Năm 2020, thầy được Quỹ Hòa bình Niwano của Nhật Bản trao giải Hòa bình lần thứ 37 cho những đóng góp quan trọng trên nhiều phương diện như nhân đạo, hoạt động xã hội, môi trường, hòa bình thế giới,…

Thiền sư Pomnyun là tác giả của nhiều cuốn sách với nội dung chữa lành. Trong đó, Life Lessons (Làm sao học hết được nhân sinh?) là một trong những cuốn sách nổi tiếng nhất của thầy, có sức ảnh hưởng lớn đối với công chúng tại Hàn Quốc.

Là một nhà lãnh đạo tinh thần Phật giáo có sức ảnh hưởng tại Hàn Quốc, Thiền sư Pomnyun đã dành phần lớn thời gian hành đạo để giúp chữa lành những tổn thương cho mọi người. Thầy tiếp cận với vướng mắc của từng cá nhân và tháo gỡ chúng thông qua những chia sẻ giản dị, gần gũi và có khi hài hước.

Cuốn sách Làm sao học hết được nhân sinh? của Thiền sư Pomnyun nằm trong top 10 sách Phật giáo được nhiều người đọc nhất tại Hàn Quốc, nhưng cũng không có gì ngoài những câu chuyện, chia sẻ súc tích của thầy xoay quanh những việc bình thường nhất của đời người: công việc, sự thăng tiến, kết hôn, tuổi già, nỗi cô đơn, cái chết,… Là một người tu, thầy Pomnyun nhìn nhận tất cả dưới nhãn quan Phật giáo, soi chiếu mọi vấn đề bằng sự trung dung và đưa ra cách giải quyết theo một cách rất… Phật. Chìa khóa để tháo mở ở đây chỉ bằng việc sống một cuộc đời đơn giản và hết lòng với hiện tại.

“Ngày còn nhỏ, ta cho rằng chỉ cần trở thành người lớn thì mình sẽ hạnh phúc. Thời đi học, ta lại cho rằng chỉ cần vào đại học thì mọi chuyện sẽ tốt đẹp. Chúng ta luôn chờ đợi ngày mai ‘chỉ cần tốt nghiệp đại học’, ‘chỉ cần kết hôn’, ‘chỉ cần sinh con’. Chúng ta luôn hẹn ước với sau này và khổ sở chịu đựng ngày hôm nay”. Dường như ai cũng từng rơi vào sự băn khoăn như thế. Sự băn khoăn về những gì chưa tới, về những kỳ vọng chưa xảy đến, để rồi khi thời gian trôi đi, chúng ta lại quay ngược về tiếc nuối những điều đã qua mất.

Tất nhiên, sống đơn giản lại không phải là chuyện dễ. Con người phần đông luôn có xu hướng mong cầu nhiều hơn những gì mình đang có, đó là động lực thăng tiến của xã hội nhưng cũng chính là mấu chốt dẫn đến nỗi khổ. Trong chia sẻ của mình, thầy Pomnyun không đề nghị mọi người phải buông bỏ hay trốn tránh tất cả, mà chỉ là đối diện và chấp nhận thực tế như nó đang có, với những gì đang xảy đến, kể cả nỗi buồn, thất vọng hay bất hạnh. Chỉ có đối diện và tìm cách chuyển hóa nó, chúng ta mới có cơ hội thoát ra khỏi những bức màn tối quây bọc lấy mình. Đó cũng chính là tinh thần của Thiền, của Phật giáo.

Đọc những chia sẻ của Thiền sư Pomnyun, người viết bất chợt nhớ đến Phong Tử Khải. Phong Tử Khải sinh năm 1898, mất năm 1975, là một họa gia, nhà lý luận nghệ thuật nổi tiếng của Trung Quốc thời hiện đại. Ông đồng thời cũng là một Phật tử, học trò của Hoằng Nhất Đại sư Lý Thúc Đồng.

Phong Tử Khải có một tập tản văn với tên gọi Sống vốn đơn thuần, trong đó bao gồm những câu chuyện được ông ghi chép từ thực tế đời sống, ẩn chứa trong đó là nhân sinh quan đầy trong sáng của chính tác giả. Với Phong Tử Khải, cuộc sống vốn dĩ là chuyện hết sức đơn giản, chỉ cần sống với tất cả lòng đôn hậu, trong trẻo của một đứa trẻ, người ta mới có thể tận hưởng được những hạnh phúc bình dị nhất trong mỗi phút giây trên nhân gian. Đó cũng chính là cách mà Phong Tử Khải đã sống, vẽ và viết trong gần trọn đời mình.

Sau cùng, đôi lúc, giữa những nhọc nhằn nặng gánh dù ít hay nhiều, chúng ta hãy thử một lần nhìn lại mình và tự hỏi: Bây giờ, mình có đang hạnh phúc? Mình có đang sống tốt không?

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày