Như vầng trăng sáng giữa hư không

Ảnh: Diệu Tướng Am
Ảnh: Diệu Tướng Am
0:00 / 0:00
0:00
GN - Trong Phật giáo, dù thể hiện dưới hình thái nào, diệu tướng của chư Phật, Bồ-tát luôn gắn liền với vẻ đẹp tròn đầy nhân hậu, thanh tịnh, dịu dàng và yêu thương.

Thế kỷ I - II sau Tây lịch, Phật giáo Đại thừa bắt đầu phát triển, hưng thịnh tại Bắc Ấn. Tinh thần nhập thế một cách sâu rộng của Phật giáo Đại thừa được thể hiện qua sự dung hòa nhiều hình thái mới để làm phương tiện độ sinh. Thời bấy giờ, Gandhara đã phát triển thành một trung tâm văn hóa nghệ thuật Phật giáo phồn thịnh.

Ảnh: DTA

Ảnh: DTA

Trong nghệ thuật Gandhara, Đức Phật bắt đầu được diễn tả qua điêu khắc với hình ảnh của một thế nhân mang vẻ đẹp hoàn mỹ. Vẻ đẹp trong hình tượng Đức Phật thời kỳ này phần nào chịu ảnh hưởng từ sự giao thoa văn hóa Ấn - Hy Lạp với tỷ lệ nhân trắc hoàn mỹ, đường nét tinh xảo, sống động. Hình tượng Đức Phật được tạc trên đá với cách thức thể hiện phong phú: có khi là một bậc đạo sư đang đi kinh hành hay ngồi tĩnh tọa, tay kiết thủ ấn với dáng dấp tự tại, giải thoát; có lúc lại hiện lên trong hình tượng khổ hạnh trơ xương hoặc trở thành chủ thể trong khối phù điêu sống động mô tả một sự kiện trong cuộc đời Ngài. Dù xuất hiện trong trạng thái nào, Đức Phật luôn được diễn tả với đầy đủ hảo tướng của một vị đạo sư tự tại, giải thoát.

Ảnh: DTA

Ảnh: DTA

Theo dòng biến chuyển của lịch sử, đạo Phật bắt đầu được truyền bá rộng rãi ra bên ngoài cương vực Ấn Độ, theo Con đường tơ lụa đến Đông Á. Cũng chính từ đây, nghệ thuật Phật giáo bắt đầu thăng hoa theo phương hướng mới. Những tượng vũ, bích họa tuyệt mỹ của Phật động Đôn Hoàng, Mạc Cao, Long Cương, Vân Môn,… tiếp nhận ảnh hưởng từ nền nghệ thuật Phật giáo Tây Á với những sáng tạo, biến chuyển mang đặc thù riêng của vùng đất mới mà đạo Phật du nhập. Và có thể nói, những đặc điểm, cảm hứng trong tạo tác hình tượng Đức Phật từ những giai đoạn, vùng đất vẫn còn ảnh hưởng sâu đậm đến nghệ thuật tạo tác tượng vẽ, thể hiện diệu tướng chư Phật, Bồ-tát bằng các hình thái nghệ thuật ngày nay.

Ảnh: DTA

Ảnh: DTA

Vẻ đẹp của Đức Phật thường được ví như mặt trăng, điều đó được thể hiện trong kinh điển hay văn học Phật giáo. Lần giở trang phạm bối, kinh Tạp A-hàm biệt dịch có một đoạn dùng ánh trăng rằm để mô tả diệu tướng của Đức Phật, khiến chúng sinh phát sinh niềm hỷ lạc không cùng khi được ngắm nhìn:

Du như tịnh mãn nguyệt/ vân xử không trung/ Quang minh chiếu thế giới/ Nhất thiết giai nhạo kiến/ Thích Ca Mâu Ni Tôn/ Thế gian Đại Đạo sư/ Đoan nghiêm thù thắng đặc/ Danh văn tất sung mãn.

(Tựa như ánh trăng rằm/ Mây tan hết tối tăm/ Chiếu sáng khắp thế gian/ Ai thấy đều hoan hỷ/ Đức Thích Ca Mâu Ni/ Đạo sư cao nhất đời/ Tướng đoan nghiêm thù thắng/ Oai danh khắp muôn phương).

Ảnh: DTA

Ảnh: DTA

Hay trong các bài tán Phật - một hình thái đặc thù trong nghi lễ Phật giáo, có những bài tán tụng mang nội dung ca ngợi diệu tướng của Đức Từ Tôn. Trong số đó đặc biệt có thể kể đến bài tán Phật diện, một bài tán được rất nhiều người con Phật biết đến:

Phật diện do như tịnh mãn nguyệt

Diệc như thiên nhựt phóng quang minh

Viên quang phổ chiếu ư thập phương

Hỷ xả từ bi giai cụ túc.

(Mặt Phật như trăng rằm

Lại tựa ánh mặt trời

Chiếu soi khắp mười phương

Đủ từ bi hỷ xả).

Ảnh: DTA
Ảnh: DTA

Hình ảnh mặt trăng hiện lên trong đêm đen mang ý nghĩa biểu tượng. Trăng rằm tròn đầy với ánh sáng dịu dàng luôn đem đến thanh tao, nhẹ nhõm cho lòng người mỗi khi trông thấy. Với người Phật tử, trăng tròn là dấu hiệu của ngày trưởng tịnh, dịp quay về dưới mái chùa để lễ Phật, tụng kinh, nuôi lớn thân tâm bằng việc hành trì Chánh pháp. Và hình ảnh mặt trăng tròn soi sáng trên mái chùa cũng gắn liền với văn hóa và tình tự dân tộc, nhắc nhớ bao người về chốn dung dưỡng “nếp sống muôn đời của tổ tông”.

Thuở xưa, khi phương tiện chưa phát triển, người đi trong lúc tối trời thường nhờ vào mặt trăng để an tâm vững bước trên đường xa. Với người học Phật, giáo pháp và tình thương của chư Phật, Bồ-tát cũng như ánh trăng ấy, không rực rỡ, chói sáng mà mát mẻ, dịu dàng dẫn bước trong đêm dài tăm tối, vô minh.

Đêm càng tối tăm, ánh mặt trăng càng trở nên sáng tỏ hơn bao giờ hết. Ánh sáng dịu dàng bao phủ lấy thế gian, len lỏi đến mọi nơi mọi chốn để xua đi cái tối tăm, giá lạnh của trần đời. Hiện thân của Đức Phật giữa đời cũng ví như mặt trăng tròn đầy giữa đêm trường ấy. Ánh sáng từ mặt trăng đã xua đi tối tăm của đêm dài vô minh. Diệu tướng của Ngài dẫu viên mãn, tốt đẹp muôn phần, nhưng vẻ đẹp ấy lại không khiến cho người đời chìm đắm, vướng mắc mà chính từ đó, thiện tâm được khởi lên, niềm kính tín được phát sinh.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng - Ảnh: Bảo Toàn/BGN

Giải tỏa oan ức

GNO - Tất cả chúng ta sống trên cuộc đời này, ai cũng có nỗi lo, nỗi khổ, nhất là cảm giác bị oan ức là nỗi khổ lớn. Oan ức là những điều mình không làm mà bị người khác đổ lỗi, nên mình cảm thấy ức lòng, đau khổ. Muốn giải tỏa nỗi oan ức này, chúng ta làm cách nào.
Đức Thế Tôn, bậc Thầy của trời, người

Điều phục tâm là chiến thắng tối thượng

GNO - Người đệ tử Phật xuất gia hay tại gia đều biết, giáo lý đạo Phật không phải là những lý thuyết trừu tượng siêu hình mà là những lời dạy thiết thực hướng đến đời sống an lạc, hạnh phúc nội tại.

Thông tin hàng ngày