Bình an giữa tâm bão

Ảnh: Tuệ Đăng
Ảnh: Tuệ Đăng
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Một khi có những sự hiểu biết đúng đắn và pháp tu - điều trị thích hợp, chúng ta không sợ hãi sự xâm nhập của bất kỳ loại virus hay ác ma nào!

Nghiêm Thuần (Yanchun), 52 tuổi, người Vũ Hán. Chị bị nhiễm virus Corona chủng mới (2019-nCoV), giống như vài chục ngàn người khác ở Hồ Bắc. Giữa tâm chấn đại dịch vốn dĩ trở thành cơn bão quét qua nhiều tỉnh thành Trung Quốc, Vũ Hán bị phong tỏa, Nghiêm Thuần không thể tìm ra bất kỳ một bệnh viện nào nhận chữa trị chị, tất cả đều quá tải. Nghiêm Thuần quyết định tự cách ly tại nhà để tìm cách kháng bệnh.

Dù vậy, Nghiêm Thuần không cô đơn. Qua Wechat, chị có thể liên lạc với những người bạn đạo của mình, nhất là được các vị “sư phụ Việt Nam” thăm hỏi, sách tấn. Nhóm bạn đạo của chị rất đông - vài chục, thậm chí lên đến vài trăm người, bởi có không ít những Phật tử “ngầm”, ngại “lộ thân phận”; họ đều là những người đã tích cực ủng hộ Tăng Ni du học sinh Việt Nam tại Đại học Vũ Hán trong nhiều năm qua. Trong số đó, có khoảng chục người quy y với các vị Tăng Ni Việt Nam. Bản thân chị cũng được “sư phụ Việt Nam” truyền Tam quy Ngũ giới, đặt pháp danh Tâm Giác.

Giữa lằn ranh sanh tử, người Phật tử không sợ hãi và truyền năng lượng này đến với cộng đồng

Giữa lằn ranh sanh tử, người Phật tử không sợ hãi và truyền năng lượng này đến với cộng đồng

Là Phật tử, trong cảnh khốn cùng nhất, Nghiêm Thuần không quên lời Phật dạy. Chị quay về nương tựa Tam bảo theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Hàng ngày chị uống nhiều nước ấm, giữ tâm bình an, ngồi thiền, lễ bái, niệm Phật. Thay vì lên mạng coi tin tức, chị trì tụng Kim cang. Thay vì than trách, chị thăm hỏi, an ủi bạn đạo, gọi cho các “sư phụ Việt Nam” để được hướng dẫn.

Vũ Hán mặc dù là trung tâm giáo dục của cả nước, nhưng Phật giáo đã mai một - như tình hình chung ở Trung Quốc sau Cách mạng văn hóa - chùa chiền được duy trì hình thức, nhức nhối với hiện tượng giả sư, không ít Phật tử do vậy đã thành lập thiền đường, niệm Phật đường ngay trong ngôi nhà của họ, cùng nhau kết bạn đạo tu tập. Nghiêm Thuần cũng vậy, chị thường hành trì tại nhà. Nhờ tu tập tốt, lạc quan, giữ tâm bình an mà sức khỏe chị tiến triển khả quan.

Trong nghịch cảnh, giữa lằn ranh sanh tử, người Phật tử chân chính luôn không sợ hãi và truyền năng lượng này đến với cộng đồng - tức vô úy thí. Đối diện với tật bệnh bằng sự hiểu biết, người ta nhận ra sức khỏe của thân và tâm quý giá nhường nào; tâm từ bi - thương yêu là sợi dây bền chắc để kết nối nhân loại.

Vì vậy, trong những ngày khủng hoảng, chúng ta vẫn đọc được đây đó những lời khuyên chí lý của những người con Phật: “Hãy ngồi xuống và tĩnh tâm. Đừng để cho tâm của bạn phóng chiếu ra những kịch bản tận thế tồi tệ nhất. Nếu bạn để tâm trí làm vậy thì bạn đang tạo môi trường màu mỡ cho đủ thứ virus phát triển dễ dàng. Ngồi tĩnh tâm, chỉ quan sát và cảm nhận. Trong sự hỗn loạn đó, đâu là sự nguy hiểm thực sự, đâu là tin giả? Chỉ khi tĩnh tâm, bạn mới nhận ra được câu chuyện thật và đưa ra hướng xử lý cho mình”.

Và, “không tạo ra những nghiệp xấu bằng cách tạo ra các thông tin thực hư đủ loại; thay vì lựa chọn thái độ sợ hãi hoặc thù ghét với virus, chúng ta nên thành tâm gửi lời xin lỗi tới tất cả những chúng sinh mà chúng ta đã từng giết hại... Chúng ta coi virus là kẻ thù mà quên mất rằng chúng ta đã sát sinh rất nhiều các con vật để phục vụ cho nhu cầu ăn uống của mình. Chúng ta ăn các loài như vậy, ắt hẳn các loài vật sẽ coi chúng ta là virus nguy hiểm nhất”.

Một khi có những sự hiểu biết đúng đắn và pháp tu - điều trị thích hợp, chúng ta không sợ hãi sự xâm nhập của bất kỳ loại virus hay ác ma nào!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Vài nét về lịch sử Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni

Vài nét về lịch sử Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni

NSGN - Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni được thành lập vào thời Đức Phật và tồn tại cho đến ngày nay. Trong nhiều thế kỷ, những phụ nữ xuất gia đã thực hành, chứng ngộ và giữ gìn lời dạy của Đức Phật, không chỉ mang lại lợi ích cho bản thân mà còn cho xã hội nơi họ sinh sống.
Ảnh minh họa

Làm sao đưa Phật pháp đến với tuổi trẻ?

GNO - Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng các chương trình chánh niệm tại trường học có thể giúp ích, đặc biệt là ở các cộng đồng nghèo, nơi học sinh phải đối mặt với mức độ căng thẳng cao hơn.

Thông tin hàng ngày