Bóng đá và niềm vui chống dịch

Bóng đá và niềm vui chống dịch
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Rạng sáng 8-6, trong trận đấu vòng loại World Cup - một giải đấu lớn nhất của môn thể thao vua - Việt Nam đã thắng thuyết phục Indonesia với tỉ số 4-0.

Tin vui đó tràn ngập các báo và mạng xã hội trong sáng cùng ngày. Đêm 7-5, nhiều người yêu bóng đá đã thức để xem trận đấu được tường thuật trực tiếp trên truyền hình. Trận đấu giữa mùa chống dịch căng thẳng với kết quả Việt Nam ghi điểm đã mang lại niềm vui cho những người yêu mến đội tuyển, thích bộ môn này.

Người Việt Nam luôn lạc quan trong mọi hoàn cảnh. Có lẽ nhờ vậy mà dễ chấp nhận được mọi thứ, vui sống thay vì sống bực bội. Tất nhiên, tính cách nào cũng có hai mặt của nó, nếu dễ chấp nhận quá thì cũng sẽ khó có nỗ lực đấu tranh để thay đổi tích cực hơn.

Tình yêu gửi về quê hương - Ảnh: Thể thao

Tình yêu gửi về quê hương - Ảnh: Thể thao

Trong những ngày dịch bùng phát, làn sóng thứ 4 tại Việt Nam, TP.HCM trở thành một trong những địa phương có ổ dịch cần phải cứng rắn truy vết, dập tắt sự lây lan trong cộng đồng. Giãn cách xã hội theo chỉ thị 15, có quận huyện theo chỉ thị 16 và còn cộng thêm những quy định nghiêm ngặt hơn (như Gò Vấp, phường Thạnh Lộc thuộc quận 12). Nhìn thành phố vốn năng động, sầm uất nhất nước bước vào những ngày căng thẳng chống dịch với sự vắng vẻ, địa điểm kinh doanh nhiều mặt hàng không thiết yếu phải tạm dừng; rồi người dân đi lại khó khăn, hạn chế…, ai cũng thương, cũng lo. Nhưng rồi mọi người lại tự an ủi, động viên nhau “ráng qua hết vài tuần này, mọi thứ sẽ lại bình yên”.

Đến thời điểm này, trong cuộc họp chiều 7-6, theo Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, dịch ở TP.HCM có chững lại, cơ bản đã kiểm soát được tình hình. Phó Thủ tướng Chính phủ cũng khẳng định tương tự, kể cả ở điểm nóng Bắc Giang. Đây có thể xem là tin vui, hi vọng ít ngày nữa, với sự quyết tâm của chính quyền và người dân, dịch bệnh sẽ được đẩy lùi.

Có thể thấy, trong những lúc cam go, khó khăn nhất đó, tình người vẫn ăm ắp nơi những con người biết sẻ chia, những tổ chức, doanh nghiệp, hội đoàn… cùng chung sức cho cuộc chiến với Covid. Con số 6.600 tỉ đồng đóng góp vào Quỹ vắc-xin phòng chống Covid-19 do Chính phủ phát động trong tối 5-6 vừa rồi đã nói lên điều đó. Ngoài ra, trong những chia sẻ thường ngày, những bao gạo thơm hay ít nước tương, nước mắm, dầu ăn, phong bao lì xì cũng đã được gói ghém gửi cho những người yếu thế, những người phải cách ly trong vùng bị phong tỏa, giãn cách xã hội.

Ngay tại căn nhà mình, khi không đi được ra khỏi thành phố, kể cả về quê nhà cũng không (vì có những địa phương yêu cầu người về từ TP.HCM phải cách ly 21 ngày), nhiều người đã chọn niềm vui nhỏ mà không nhỏ từ chính việc chơi với con, cùng nấu bữa ăn ngon và ăn cơm chung với những người thân thương của mình. Có người còn nói vui rằng: “Nhờ Covid mà cả nhà mới có cơ hội ở bên nhau trọn vẹn thời gian một ngày, được trò chuyện và lắng nghe những thành viên trong gia đình nhiều như vậy”. Đó là cái nhìn tích cực để tham gia chống dịch, như chính thông điệp ngành y: “Chúng tôi ở đây để bảo vệ đồng bào. Đồng bào ở nhà để bảo vệ chúng ta”.

Có rất nhiều cách để tạo niềm vui thay vì để Covid-19 và việc giãn cách làm cho mình buồn tẻ, chán ngán. Chẳng hạn, nhiều người có sức khỏe đã tham gia hiến máu khi TP.HCM phát lời kêu gọi vì thành phố đang thiếu nguồn máu dự trữ cho chữa bệnh. Với những Phật tử trẻ, những ngày qua đã chia sẻ ở nhà đọc sách, đọc kinh, ngồi thiền, chép kinh, chăm cây… Các bạn xem thời gian này là thời điểm “cấm túc” để “tu gia hạnh” cho bản thân. Chư Tăng Ni với tịnh giới của mình, những ngày này cũng tùy địa phương mà khai hạ, bước vào thời gian 3 tháng trau dồi giới - định - tuệ. Ở những vùng dịch, không thể an cư tập trung thì tâm niệm an cư theo chỉ đạo của Trung ương Giáo hội. Năng lượng tích cực từ sự tu tập, việc làm thiện lành đó trong những ngày tháng này sẽ lan tỏa, để động viên và chuyển hóa những tiêu cực khác do dịch bệnh gây ra.

Tiếp sức để chiến thắng - Ảnh: Thể thao

Tiếp sức để chiến thắng - Ảnh: Thể thao

Trở lại với niềm vui của trận đấu giữa Việt Nam với Indonesia, chiến thắng của các cầu thủ áo đỏ có thể nói cũng đã góp phần làm cho không khí chống dịch, giãn cách bớt ảm đạm. Đã rất lâu rồi người dân mới có dịp thức khuya và hào hứng bình luận, rôm rả đùa vui trên mạng xã hội vì màu cờ sắc áo. Tất nhiên, vui thôi đừng vui quá, đừng quên nơi ngóc ngách của những địa phương đang có Covid, virus vẫn còn lảng vảng trong cộng đồng để tiếp tục cuộc chiến bền bỉ này.

Còn nhớ, trong mùa World Cup trước và giải bóng đá U23 châu Á 2018, nhà báo Hoàng Độ từng nhắc đến câu chuyện bóng đá, đời sống người tu từ bộ phim “Chiếc Cup” (The Cup) dài 94 phút do thầy Khyentse Norbu, người điều hành nhiều trung tâm tâm linh viết kịch bản.

Theo nhà báo Hoàng Độ, bộ phim sau khi trình chiếu làm cho cả thế giới có cái nhìn gần gũi về đời sống trong các tu viện theo truyền thống Kim cương thừa ở Dharamsala, Ấn Độ, nơi Đức Dalai Lama lưu trú. Đó là, trong sinh hoạt thường nhật ở tu viện, với các nội quy nghiêm mật, nhưng những tu sĩ, đặc biệt là những vị tuổi còn trẻ, cũng là những cậu con trai đích thực: bồn chồn không yên trong những giờ ngồi thiền, có những lúc ham chơi, và thậm chí đôi khi cũng có hành động thái quá của tuổi mới lớn. Và điều quan trọng là họ cũng thích bóng đá.

Trong giai đoạn giãn cách xã hội, thậm chí cách ly để phòng chống dịch Covid-19, nếu bạn không đi ra bên ngoài được thì hãy dành thời gian để quay về bên trong thế giới tâm hồn phong phú của chính mình và gia đình mình...

Trong giai đoạn giãn cách xã hội, thậm chí cách ly để phòng chống dịch Covid-19, nếu bạn không đi ra bên ngoài được thì hãy dành thời gian để quay về bên trong thế giới tâm hồn phong phú của chính mình và gia đình mình...

“Bộ phim này, ở một khía cạnh khác, cũng nói về ảnh hưởng từ những tác động sâu sắc của hiện tượng toàn cầu hóa đối với những truyền thống cổ xưa. Qua đó, tạo nên cái nhìn mới: Việc tu tập tinh tấn được đặt bên cạnh những hoạt động dường như rất “thế tục” - như xem bóng đá qua truyền hình, làm người xem thích thú và cảm mến nhân vật - các vị tu sĩ trẻ vì sự gần gũi nhưng cũng luôn nỗ lực đi trên con đường thực nghiệm tâm linh thánh thiện”, bài báo chia sẻ.

Qua đó tác giả nêu lên thông điệp của bộ phim - đó là tinh thần trung đạo của đạo Phật chủ trương: tránh xa các cực đoan, những suy nghĩ, lời nói và hành động thái quá; nghiêm khắc không có nghĩa là cấm tiệt, giải trí trong một thời điểm phù hợp không có nghĩa là phóng dật!

Liên hệ ở khía cạnh chống dịch, có những lúc phải nghiêm ngặt như 15 ngày giãn cách mà TP.HCM - địa phương có đóng góp ngân sách cao nhất nước - phải áp dụng. Ý nghĩa không phóng dật trong chống dịch chính là giữ các nguyên tắc 5K, cùng nhiều biện pháp tăng mạnh do sự lây lan của nCoV trong cộng đồng. Nhưng dù vậy, mỗi người vẫn có thể kiến tạo niềm vui riêng. Trong thời công nghệ 4.0, mạng xã hội trở thành kênh tương tác quan trọng, việc tạo niềm vui hay lan tỏa những điều tích cực trên đó rất nhanh chóng, dễ dàng.

Tin tưởng, với sự đồng lòng như đã kể, Việt Nam cũng sẽ chiến thắng Covid-19, để những niềm vui về bóng đá hay các hoạt động thiện nguyện cộng hưởng thành vị thế, định danh tốt đẹp về con người, đất nước với bạn bè năm châu…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày