Bulgaria: Trung tâm Phật giáo Palyul trong đại dịch

0:00 / 0:00
0:00
GN - Đối diện với vô thường chỉ là vấn đề thời gian. Sớm hay muộn thì vô thường cũng sẽ bộc lộ bản chất của nó. 

Nhưng việc chấp nhận vô thường lại tùy vào khả năng tâm thức của mỗi người. Đôi khi đó là một quá trình đau khổ và gian nan. Năm dịch bệnh vừa qua là một giai đoạn khắc nghiệt và đau buồn, trong đó, sự vô thường đã hiển lộ trong từng ngày từng giờ: bệnh tật, đau đớn, lo lắng, bất an, chia ly và chết chóc. Ở tại thời điểm này, chúng ta hy vọng những điều tốt đẹp sẽ đến, cố gắng để nhìn thấy ánh sáng nơi cuối đường hầm. Ánh sáng đó chính là Chánh pháp, là những lời dạy thâm thúy của Đức Phật. Bằng cách nào ánh sáng Chánh pháp có thể soi sáng con đường của chúng ta, giúp chúng ta chấp nhận sự vô thường và bảo vệ tâm thức chúng ta trong những thời điểm đầy biến động như thế này? Bài viết này ghi lại những chướng ngại và trải nghiệm tâm linh của những vị hành giả tu tập tại Palyul - một trong những trung tâm Phật giáo hoạt động tích cực nhất ở Bulgaria.

Trung tâm Palyul tại Bulgaria được kiến tạo vào năm 2002, khi Pema Rinpoche tạo nên nhóm Thiền Palyul ở Sofia sau chuyến thăm đầu tiên của ông đến đất nước này. Năm 2011, Trung tâm Palyul Bulgaria được xây dựng như một phần của dự án toàn cầu Palyul Dharma Center. Dự án này được Đức Pháp vương Penor Rinpoche bảo trợ, bao gồm nhiều trung tâm Phật giáo Tây Tạng theo truyền thống Palyul tại châu Âu. Không lâu sau lễ tôn phong của trung tâm ở Sofia vào ngày 29-4-2012, tổ chức phi lợi nhuận Palyul Center Bulgaria được thành lập. Năm 2017, cộng đồng Phật giáo Nyingma cũng được thành lập, hỗ trợ việc thực hành giáo pháp và giúp hành giả hiểu rõ hơn về truyền thống Phật giáo Kim cương thừa lâu đời nhất ở Tây Tạng.

Trong thời điểm đại dịch Covid-19 hoành hành, trung tâm phải đóng cửa hầu như cả năm. Các chương trình tu học và các sinh hoạt thường niên tạm ngưng, không biết khi nào mới có thể hoạt động trở lại. Vấn đề tài chính để duy trì trung tâm trở nên quan trọng và cấp bách trong tình hình mới này. Những thành viên tại đây đã phải linh hoạt và lựa chọn một chiến lược phù hợp để bảo tồn công trình Phật giáo gần 10 năm tuổi này.

Ở thời điểm này, các nhà lãnh đạo tại trung tâm Palyul đã phải duy trì và phát triển cơ sở theo hướng trực tuyến. Họ tổ chức các sự kiện trực tuyến và tham gia thực tập cùng với những người khác qua các ứng dụng công nghệ. Năm 2020, họ cho xuất bản niên lịch Phật giáo với tên Lotus. Trước đó, vào đầu năm 2018, một vị thầy lớn tại đây là Pema Rinpoche đã dự đoán rằng một ấn bản như vậy sẽ mang lại lợi ích lớn cho trung tâm và cho những người Bulgaria quan tâm đến Phật giáo.

Việc giãn cách xã hội đã ảnh hưởng rất lớn đến sự hội họp của Tăng đoàn nơi đây. Họ không thể tu tập ở trung tâm hay tiếp xúc và trao đổi trực tiếp với nhau. Thay vào đó, họ cố gắng điện thoại cho nhau ít nhất mỗi tháng một lần, hỏi thăm về các vấn đề mà người kia gặp phải. Với những vị đồng tu thân thiết, họ nói chuyện hầu như mỗi ngày, và thỉnh thoảng gặp nhau tại công viên để trò chuyện cùng nhau. Chư Tăng tại đây cố gắng hỏi thăm sức khỏe hay các vấn đề của nhau và đảm bảo rằng các mối quan hệ không bị ngưng lại hoàn toàn.

Trung tâm Palyul cũng phải duy trì liên lạc với các giảng sư, nhận sự hướng dẫn và chỉ dạy thông qua hình thức trực tuyến. Việc kết nối với các vị thầy đã trở nên dễ dàng hơn. Các vị giáo thọ chấp nhận hình thức giao tiếp trực tuyến và sử dụng mạng xã hội thường xuyên hơn. Hàng loạt bài giảng và các bài thực hành trực tuyến đã được thiết lập. Mới đây, một buổi thực hành trực tuyến được tổ chức nhân ngày nhập diệt của vị thầy Kyabje Thubten Palzang Rinpoche.

Javor Konstantinov và Roman Stanoev, hai vị lãnh đạo của Trung tâm Palyul Bulgaria cho biết trong thời kỳ khó khăn đối với toàn nhân loại như hiện nay, họ đã nhận thấy những thay đổi rất tích cực trong việc thực hành Phật pháp. Phật pháp đã bắt đầu bén rễ sâu sắc hơn trong họ. Ở giai đoạn này, vô thường, sự tái sinh quý báu của con người, tính bình đẳng và lòng từ bi đã hiển hiện đến mức họ không thể không nhìn thấy chúng, suy nghĩ về chúng và áp dụng những suy nghĩ sâu sắc này trong cuộc sống hàng ngày.

Pháp đã dạy cho mọi người rằng ngay cả trong những thời khắc khó khăn nhất thì chúng ta cũng có cơ hội đổi mới và thức tỉnh. Mọi thứ mà chúng ta tưởng là ổn định và vĩnh viễn thì ngay lúc này đang đổi thay và hoại diệt. Đại dịch thực sự đã tạo cơ hội cho chúng ta quán chiếu về sự vô thường.

(Theo Buddhistdoor)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Tác giả, Phật tử Nguyễn Tường Bách trong khuôn viên vườn nhà - Ảnh: TGCC

Tác giả Nguyễn Tường Bách sẽ nói chuyện về Sự phát triển của Đạo Phật tại châu Á

GNO - Nguyễn Tường Bách - tác giả, dịch giả của nhiều cuốn sách được nhiều người đọc yêu thích như Mùi hương trầm, Lưới trời ai dệt, Đêm qua sân trước một cành mai, Đạo của vật lý, Con đường mây trắng ... - sẽ có buổi trò chuyện và giao lưu xoay quanh chủ đề “Sự phát triển của Đạo Phật tại châu Á”.

Thông tin hàng ngày