Ngày 29-3 vừa qua, Đức Dalai Lama đã có buổi trò chuyện với các sinh viên đến từ 5 trường đại học của Nga.
Chương trình được tổ chức với sự tham gia của Đại học Quốc gia Moscow, Đại học Bang Petersburg, Đại học Bang Kalmyk, Đại học Bang Buryat, Đại học Bang Tuvan, và được kiểm duyệt bởi GS.Nikolai Yankovski, hiện là viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Nga.
Trong đó, Giáo sư Chernigovskaya đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của cuộc trò chuyện với Đức Dalai Lama: “Được gặp gỡ một vị lãnh đạo trí tuệ tầm cỡ thế giới như thế này quả thật là một trải nghiệm quý báu. Xét thấy thế giới đang đứng ở bước ngoặt giữa văn minh và tự nhiên, chúng ta buộc phải trăn trở về những vấn đề như chúng ta là ai, chúng ta đang hướng đến điều gì, tại sao chúng ta sống, điều gì sẽ xảy đến với môi trường tự nhiên và chúng ta phải chịu những trách nhiệm gì. Rốt cuộc, đại dịch Covid chỉ là chất xúc tác và mức độ căng thẳng đang gia tăng một cách chóng mặt. Vì vậy, việc trò chuyện và trao đổi với một người có trí tuệ thực sự rất cần thiết”.
Mở đầu buổi đối thoại, nhà lãnh đạo Phật giáo Tây Tạng đã nhận xét rằng mọi người đều là thành viên của cùng một gia đình, vì vậy, sống đoàn kết, hòa hợp là điều rất quan trọng: “Trong thế kỷ XX, nhân loại đã trải qua hai cuộc chiến tranh thế giới. Chúng ta đã sử dụng trí tuệ con người và kiến thức khoa học để phục vụ cho các mục đích quân sự. Bây giờ, đã đến lúc chúng ta phải quan tâm đến toàn thể nhân loại, không chỉ riêng quốc gia này hay quốc gia kia. Vì tất cả chúng ta đều chung sống với nhau trên cùng một hành tinh, nên không có lý do gì để tranh đấu trên sự phân biệt ‘chúng ta’ và ‘họ’ - đó là một lối suy nghĩ quá cổ hủ”.
Một sinh viên của Đại học Quốc gia Petersburg đã thắc mắc liệu có điều gì khiến mọi người tốt đẹp lên không, Đức Dalai Lama đáp: “Lòng từ bi. Ngay cả động vật cũng cảm nhận được điều đó. Nếu hành động của bạn được lòng từ bi dẫn dắt, hạnh phúc sẽ ngập tràn trên khuôn mặt của bạn. Vẻ đẹp thực sự là vẻ đẹp bên trong tâm hồn”.
Đức Dalai Lama cũng lưu ý rằng là một quốc gia lớn, Nga có nhiều cơ hội và khả năng để góp phần xây dựng một thế giới hạnh phúc hơn. Ngài khuyên các Phật tử Nga không chỉ cầu nguyện, thực hiện các nghi lễ Phật giáo mà còn phải nghiên cứu giáo lý càng nhiều càng tốt và biết so sánh những gì họ học được với khoa học. Thông điệp cuối cùng của ngài với các sinh viên là giữ gìn truyền thống Nalanda.
Các buổi giảng dạy của Đức Dalai Lama cho các Phật tử Nga đã được tổ chức tại Ấn Độ từ năm 2009, theo lời thỉnh cầu của Thượng tọa Yelo Rinpoche, trụ trì của Datsang Rinpoche Bagsha, Lạt-ma trưởng của Kalmykia, và thầy Telo Tulku Rinpoche, đại diện danh dự của Đức Dalai Lama ở Nga, Mông Cổ và Cộng đồng các quốc gia độc lập, cùng với sự hỗ trợ của Lama Kamby, Tăng sĩ tối cao của Cộng hòa Tuvan. Năm ngoái, từ ngày 5 đến ngày 7-11, lần đầu tiên buổi pháp thoại đã được tổ chức trực tuyến do đại dịch Covid-19.
Phổ Chiếu/Báo Giác Ngộ lược dịch, theo Buddhistdoor