Cả nhà bên nhau, Tết đã đủ đầy

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Vậy là chẳng còn bao ngày nữa là Tết. Những cuộc điện thoại của tôi với cha mẹ ở quê giờ đây lúc nào cũng xen vào chuyện Tết.

"Chừng nào tụi con về?", "Năm nay, nhà gói bao nhiêu chiếc bánh vậy mẹ?", "Mẹ đã sắm chiếc hũ sành to hơn để nén hành, chiếu chăn đã giặt giũ, phơi phong thơm tho sạch sẽ",… Quanh quẩn cũng từng đó chuyện, ấy vậy mà nói hoài vẫn mới.

Một năm, ai bảo không dài đối với những kẻ tha hương lập nghiệp? Kẻ đi xa luôn mong Tết để về. Càng gần những ngày cuối năm, nỗi nhớ quê, nhớ cha mẹ càng da diết.

Nơi quê nhà, cha mẹ tôi cũng ngóng từng ngày chờ Tết đến. Bởi ngày Tết chính là ngày đoàn tụ của đại gia đình, ngày cha mẹ được gặp đầy đủ con cháu, dâu rể đi làm ăn xa trở về.

Năm nào cũng vậy, ngay từ đầu tháng Chạp, mẹ đã lo tính toán, sắm sửa mọi thứ: bánh kẹo, trà mứt; nào măng miến, thịt thà… và không bao giờ mẹ quên chuẩn bị bịch bóng bay đủ màu xanh, đỏ, tím, vàng với những dòng chữ "Chúc mừng năm mới", "An khang thịnh vượng", "Vạn sự như ý",… để phân phát cho đàn cháu. Có lúc mẹ ngồi thật lâu ở hiên nhà, chỉ để ngắm nhìn lũ cháu cầm những quả bóng căng tròn nô đùa ngoài sân, miệng khẽ mỉm cười.

Gần đến ngày Tết, cha tôi sẽ thu dọn đống củi khô ở góc sân, chất vào bếp một ít, còn lại xếp hết ra vườn để lấy sân rộng rãi cho các cháu về chơi. Tất cả các cửa lớn, cửa sổ của căn nhà ba gian được mở toang cho nắng gió ùa vào. Cha cẩn thận lau chùi hết bụi bẩn ở bốn chiếc giường lớn, sẵn sàng đón con cháu ở xa về.

Bốn chị em tôi lớn lên rời vòng tay cha mẹ, phải Tết đến chúng tôi mới có dịp quây quần đông đủ. Biết vậy nhưng mẹ cứ ra ngóng vào trông. Mẹ quét dọn đến cổng rồi đứng nhìn mãi trên con đường cái. Cha thấy vậy lại nói: “Bà ngóng gì chứ! Chúng nó còn công việc, đúng ngày sẽ về thôi”. Miệng cha thì nói thế, nhưng mắt lại liếc nhìn lên tấm lịch treo trên tường, rồi nhẩm tính điều gì đó của riêng mình.

Đón con cháu về, cha mẹ như trẻ ra, nhanh nhẹn hơn và cười nói nhiều hơn. Cả nhà tôi sẽ cùng nhau ngâm gạo, đãi đỗ, ướp thịt. Cha thì đi cắt lá dong. Hàng lá dong được cha trồng bao năm rồi vẫn cứ xanh mướt tốt tươi. Lũ cháu ríu rít theo sau ông hỏi đủ thứ chuyện. Rồi chúng sẽ chia nhau nhặt lá to, lá bé phân loại ra; nhẹ nhàng, cẩn thận rửa sạch từng chiếc lá theo sự hướng dẫn của người lớn.

Buổi tối ngày 29 Tết, con cháu quây quần xem cha gói bánh chưng. Sáng hôm sau những chiếc bánh xanh vuông vắn được xếp vào chiếc nồi lớn để luộc. Đêm 30, bên bếp lửa cháy rực, cả nhà cùng nhau trò chuyện, trông nồi bánh chưng. Bọn nhỏ được nghe ông bà kể những câu chuyện cổ tích, rồi ngủ thiếp đi.

Hôm bữa anh bạn kể, cứ gần Tết, má anh lại gọi hỏi: “Tết, mùng mấy bây về?”. Tôi cười: “Sao giống mẹ em quá vậy?”. Thì ra, những người mẹ có con đi xa đều có chung nỗi niềm, Tết càng đến gần lòng càng chộn rộn chờ mong, gói ghém cả niềm nhớ thương suốt một năm dài xa cách. Với cha mẹ, chỉ vậy thôi Tết đã đủ đầy, chỉ vậy thôi xuân đã rộn ràng.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày