Cảm xúc mùa Vu lan: Thư gửi ba

Ảnh: Minh họa
Ảnh: Minh họa
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Hôm qua nhận được tin dượng ba mất. Con giật mình, vừa thương dượng, thương các em, lại vừa lo sợ “Tiếng khóc kia bao lâu nữa tới mình?”...

"Hôm nay...

anh đã bao lần dừng lại trên phố quen

ngã nón đứng chào xe tang qua phố

ai mất mẹ?

sao lòng anh hoảng sợ

tiếng khóc kia bao lâu nữa

của mình?"

(Thơ Đỗ Trung Quân)

Hôm qua nhận được tin dượng ba mất. Con giật mình, vừa thương dượng, thương các em, lại vừa lo sợ “Tiếng khóc kia bao lâu nữa tới mình?”.

Rồi ký ức ùa về trong con như một cuộn phim quay chậm…

Vào những năm thập niên 70, đa số người dân miền Trung đi kinh tế mới,vào miền Nam để khai hoang, canh tác. Ba đã xuôi về miền Tây sông nước, sự lựa chọn của ba thật đơn giản - nơi nào có lúa gạo thì sẽ được no.

Lúc đó con mới tròn 3 tuổi nhưng hàng ngày con phải theo mạ ra chợ. Mạ chèo thuyền đi hàng chục cây số mới ra được đến nơi để trao đổi hàng hóa mỗi ngày. Xung quanh nhà là sông nước mênh mông, vì thế chỉ 2 năm ở nơi này mà con không dưới 10 lần bị đuối nước: nặng, nhẹ đủ cả. Nhưng có lẽ con mạng lớn hay còn nặng nợ trần gian nên đều thoát chết.

Ba, mạ và các anh chị quanh năm lam lũ với nghề làm ruộng và đánh bắt cá. Vốn đã gieo trồng nhân duyên với Tam bảo nhiều năm (từng làm Bác gia trưởng của Gia đình Phật tử), nên thấy cảnh sát sanh diễn ra hàng ngày gắn liền với cuộc sống, ba không chịu được. Lại thêm thấy đứa con út mà ba cưng nhất liên tục chết hụt, nên ba quyết định từ bỏ nơi này để di cư thêm một lần nữa.

Cuộc sống lại tiếp tục với muôn vàn khó khăn, chồng chất. Cái nghèo, cái khổ lại thêm cơn bệnh quái ác hoành hành mà không có tiền chữa trị, mạ không đủ sức chống chọi nên đã qua đời.

Một mình ba bám trụ tại xứ Đồng Nai, làm đủ các nghề để sinh sống, nuôi các con. Những tháng năm ấy, bữa cơm thường phải độn thêm khoai, sắn là chính, ngày nào có được chén cơm "tinh” thì mừng rớt nước mắt. Mỗi bữa ăn, ba đều ngồi lựa khoai, sắn ăn trước, nhường lại những hạt cơm trắng ít ỏi phần con.

Rất nhiều và rất nhiều hình ảnh in sâu trong tim con cho đến tận bây giờ mà con không thể nào kể hết. Điều duy nhất mà con muốn nói là “Con cám ơn ba!”. Ba là người cha vĩ đại nhất đời con. Ba đã hy sinh một đời lo cho 7 đứa con. Đặc biệt, ba là người đã hướng đạo cho con. Ba thường hay bảo: “Con mà xuất gia được thì ba mừng còn hơn trúng số mấy tỷ”. Con đường tu tập và làm Phật sự của con được nhiều thuận duyên có lẽ phần lớn nhờ ân đức của ba.

Khi nghe tin dượng mất, nỗi lo sợ nơi con bỗng ùa về dẫu biết rằng "Sinh - tử thường nhiên". Dượng cũng là một người cha vĩ đại như ba khi đã hướng được 2 em xuất gia và cuối đời, dượng cũng xuất gia nên đến giờ phút cuối cận tử nghiệp ra đi rất nhẹ nhàng trong tiếng niệm Phật. Ba cũng hãy cố gắng niệm Phật và tu tập để cuối đời, ba cũng được nhẹ nhàng như thế nhé! Trong mỗi thời khóa tu tập của con hay mỗi khi con làm những việc lành, con cũng đều hồi hướng hết công đức ấy cho ba.

Mùa Vu lan năm nay, con cầu Phật gia hộ cho ba thật mạnh khỏe. Các con cần có ba để nương tựa. Nụ cười hiền từ của ba trong mỗi cuộc gọi "group" gia đình luôn tiếp thêm cho các con nguồn năng lượng bình an.

Con của ba,
Thích nữ Chúc Phương

Bài viết về Cảm xúc mùa Vu lan của bạn xin gửi về email onlinegiacngo@gmail.com, toasoan@giacngo.vn, sẽ được chọn đăng trên Giác Ngộ Online và báo in Giác Ngộ (Chủ đề xin ghi: Cảm xúc mùa Vu lan).

Tòa soạn

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ví dụ mặt trăng

Ví dụ mặt trăng

NSGN - Tỳ-kheo các thầy phải tu tập giống như mặt trăng, như người mới học, khi đi vào nhà người thì phải nhiếp tâm, kiểm thúc thân, biết hổ biết thẹn, luôn khiêm hạ.
Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày