Từ năm 1996 đến nay, tại lớp phổ cập này, thầy cô giáo vẫn miệt mài gieo những con chữ đến các em có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn cũng như khu vực lân cận.
Lớp phổ cập đặc biệt trong chùa
Được đến lớp học là điều vui và hạnh phúc với các em học sinh và cả phụ huynh. Đi học, với các em nhỏ nơi đây niềm vui nhất là được biết chữ, biết đọc. Trong ngày tổng kết này, các em đều vui. Đang trò chuyện hào hứng với người bạn cùng lớp, em Dương Lý Thanh Phương, 8 tuổi, học lớp 1, kể ríu rít: “Đi học con thấy rất vui, được chơi với nhiều bạn, con thích học Thể dục, tiếng Anh, môn Toán hơi khó nên con không thích lắm. Đi học còn được ăn bánh kẹo nữa”. Thanh Phương chia sẻ nhà em ở Hóc Môn, có tới 5 anh chị em, ba mẹ bán tạp hóa, nên mỗi khi đi học về em luôn chủ động tự học bài, sau đó thì phụ ba mẹ quét nhà, lau nhà, nấu cơm, rửa chén.
Hòa thượng Thích Thiện Chiếu trao phần thưởng đến các em học sinh trong lễ tổng kết năm học 2023-2024 |
“Được đi học con thấy vui lắm, con thích đi học”, em Lê Khắc Bảo Nam, 11 tuổi, học lớp 5 (ở đường Dương Quảng Hàm, P.6, Gò Vấp) bày tỏ niềm hạnh phúc được đến trường. Bảo Nam cho biết em không có cha, chỉ có một mình mẹ. Buổi sáng mẹ đưa đi học, rồi đi làm, còn trưa nhờ người chở về, cơm trưa mẹ nấu sẵn, ăn xong thì em tự làm bài tập về nhà.
“Mẹ làm may mặc, làm ở khu công nghiệp xa lắm, đi làm về có khi 12 giờ khuya mới tới nhà. Con thương mẹ lắm, nên giúp mẹ, phụ mẹ lau nhà, giặt giũ, nấu cơm, để không làm mẹ buồn”, Bảo Nam kể.
Với các bậc phụ huynh, có niềm vui và hạnh phúc nào bằng việc con mình được đi học chữ. Anh Nguyễn Văn Tám, sinh năm 1989, ở Phạm Văn Chiêu, Q.Gò Vấp đi khập khiễng kể, cách đây 6 năm bị tai biến, tê liệt 2 chân phải nằm một chỗ, gần đây nhờ châm cứu anh bắt đầu đi lại được. Mỗi buổi sáng anh tranh thủ chở con đến trường rồi đi bán vé số, sau đó đi châm cứu và tranh thủ về để đón con. Vợ anh làm công nhân, mỗi ngày đều đi làm rất sớm và tối mịt mới về.
“Vợ chồng nhà tôi điều kiện kinh tế không có như người ta. Cho con học ở đây là điều khiến cho vợ chồng tôi giải tỏa được nhiều ray rứt với con. Con được miễn học phí, đầu năm khai giảng còn được tặng quà, rồi sách, bánh kẹo, tập viết, đồng phục. Tôi biết ơn các thầy cô giáo, quý thầy ở chùa Kỳ Quang đã tạo điều kiện cho con tôi có môi trường để học tập”, anh Nguyễn Văn Tám bày tỏ.
Gieo yêu thương từ những con chữ
Từ năm 1994 chùa Kỳ Quang II bắt đầu nhận nuôi các em khiếm thị, lang thang kiếm sống và mời thầy cô giáo ở Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu về chùa dạy học chữ nổi cho các em.
Cô Xuân Quỳnh trong một buổi hướng dẫn các em học sinh lớp 5 |
Sau đó, nhận thấy nhiều em khác cũng có hoàn cảnh khó khăn không được đi học, vậy là Hòa thượng Thích Thiện Chiếu, Giám đốc Cơ sở Từ thiện xã hội Phật giáo chùa Kỳ Quang II, trụ trì chùa quyết định mở lớp học tình thương. Lớp học khai giảng đầu tiên năm 1996. Năm học 2023-2024, có 63 em theo học từ lớp 1 đến lớp 5, đa số học sinh nghèo, gia đình không có đủ điều kiện giấy tờ do ở tỉnh lên, hoặc chậm phát triển, tất cả các em sau khi tốt nghiệp vẫn tiếp tục đi học được bên ngoài.
Hòa thượng Thích Thiện Chiếu bày tỏ mỗi ngày thấy các em đến lớp học là thấy vui. “Tôi quan niệm giáo dục phải đặt lên hàng đầu. Mỗi người phải được đi học, để sau này làm cái gì đó mới có trình độ, nên cái học là cái quan trọng nhất trong sự phát triển đời sống con người”, Hòa thượng Thích Thiện Chiếu chia sẻ.
Gắn bó từ khi dạy cho các em khiếm thị rồi chuyển qua dạy các em ở lớp học tình thương đến nay đã trên 20 năm. Cô Phan Thị Xuân Quỳnh (sinh năm 1955, ở Q.5), hiện là giáo viên chủ nhiệm lớp 5, cô cho biết các em ở lớp học tình thương, mỗi em có mỗi hoàn cảnh khác nhau, có em buổi sáng đi học, buổi chiều thì phụ giúp ba mẹ. Vì thương các em, nên dù đi xa cô cũng không thấy mệt.
Cô Xuân Minh dạy kèm cho các em |
Từ năm 1996, cô Phan Thị Xuân Minh (sinh năm 1953, ở Q.5), có duyên với lớp học kể từ khi thầy trụ trì xuống trường Nguyễn Đình Chiểu mời giáo viên về chùa hướng dẫn các em khiếm thị cho đến bây giờ.
Cô Xuân Minh kể lúc mới bắt đầu nhận hướng dẫn cô nản lắm, vì đi xa, nhưng lên đây câu nói “cô ơi đừng bỏ tụi con nha” cứ văng vẳng bên cô. Cô nghĩ giờ mình không dạy thì không có ai hướng dẫn các em. Rồi ngày qua ngày, cô thấy bản thân dần bước qua được những khó khăn. “Chắc cũng là duyên lành, tôi được gặp chùa, gặp các thầy, làm cho mình gắn bó hơn. Dạy các em có những niềm vui, đến dạy các em thấy thương, thành ra nó cứ cột chân tôi tới bây giờ”, cô Xuân Minh bày tỏ.
“Gần 30 năm, tại nơi này thầy cô đã ươm mầm, chắp cánh, giáo dục các em trưởng thành. Tuy các em học phổ cập nhưng các em đã được học tất cả các môn như hệ chính quy với đội ngũ giáo viên tận tụy có trình độ chuyên môn nghiệp vụ và nhất là được sự quan tâm, chăm sóc, yêu thương của các thầy ở chùa Kỳ Quang II”, cô Đặng Thị Hồng Minh, quản lý lớp phổ cập Trường Tiểu học Trần Quang Khải - chùa Kỳ Quang II chia sẻ.
Các em học ở lớp phổ cập Tiểu học tại chùa Kỳ Quang II, được học đều tất cả các môn, phát triển toàn diện, tổ chức dạy tiếng Anh, Tin học cho các lớp, hướng dẫn học sinh xây dựng kế hoạch tự học tại nhà và đề nghị cha mẹ học sinh theo dõi...
Lớp tổ chức phát thưởng cho học sinh đạt kết quả tốt trong học tập, giáo viên đầu tư thời gian kèm cặp những em yếu kém và tạo điều kiện hỗ trợ những em có hoàn cảnh khó khăn được đến lớp; tổ chức kiểm tra định kỳ, thông báo kết quả cho học sinh, trao đổi với phụ huynh khắc phục các môn còn yếu. Lớp học có thư viện cho các em đọc sách, tổ chức các đợt kiểm tra vở sạch chữ đẹp, văn hay chữ tốt...
Các chuyên đề giáo dục kỹ năng sống, các hoạt động văn nghệ, thể thao cũng được lớp học thường xuyên tổ chức giúp học sinh ý thức trách nhiệm trong việc tham gia các hoạt động tập thể, phát triển năng khiếu và rèn luyện sức khỏe…
Tại lễ bế giảng, Hòa thượng Thích Thiện Chiếu, trụ trì chùa Kỳ Quang II đã có lời tri ân đến Ban Giám hiệu Trường Trần Quang Khải, thầy cô giáo, các vị lãnh đạo chính quyền, các vị phụ huynh, mạnh thường quân, cùng giáo viên đã cùng về lớp học tình thương Kỳ Quang II tạo niềm hạnh phúc và niềm vui cho các em trên con đường đến với con chữ.