Tâm sự của người "giữ" chùa quê

Ảnh: N.L
Ảnh: N.L
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Tôi có duyên về trụ trì một ngôi chùa nhỏ giữa miền quê yên ả. Ngày ngày, tôi sống trong tiếng chuông mõ, giữa màu xanh của lúa và khoảng trời bình yên. Nhưng càng yên bình bao nhiêu, lòng tôi càng thao thức bấy nhiêu vì ngày càng ít người trẻ nơi đây lui tới cổng chùa.

Những mùa lễ lớn, những buổi tụng kinh, vẫn thường thấy bóng dáng quen thuộc của những cụ già chống gậy, những người trung niên lặng lẽ ngồi sau tượng Phật, hiếm hoi lắm mới có vài gương mặt trẻ và rồi... cũng vội vàng, thoáng qua như gió.

Chùa quê - một thời là trung tâm sinh hoạt cộng đồng, nơi tuổi thơ từng chạy nhảy, nơi người trẻ nương tựa, học đạo làm người, nay dường như đứng bên lề của dòng chảy thời đại. Các em, phần lớn đã rời làng quê để lên phố học hành, lập nghiệp. Người còn lại, vướng bận đủ lo toan cơm áo, việc đồng, việc chợ... Cuộc sống hiện đại đem lại nhiều tiện nghi, nhưng cũng kéo tuổi trẻ xa dần khỏi nếp sống tâm linh, chỉ "gắn bó" nhiều với điện thoại, mạng xã hội...

Tôi nhiều lần tự hỏi: Phải chăng ngôi chùa quê này đã cũ kỹ trong mắt người trẻ? Phải chăng hồi chuông, tiếng mõ, khói nhang trầm, những bài kinh sám hối không còn gợi cảm xúc gì nơi họ? Hay là tôi - một trụ trì trẻ chưa đủ gần, chưa đủ mở lòng, chưa đủ sáng tạo để đưa ánh sáng Phật pháp vào đời sống thực tế của các bạn trẻ nơi đây?

Nỗi buồn lớn nhất của người giữ chùa không phải là mái ngói rêu phong, cột kèo mục nát, mà là khi tiếng chuông vang lên trong vắng lặng, không còn ai lắng nghe, không còn ai tiếp bước. Bởi tôi biết, một ngôi chùa không thể mãi sống bằng ký ức. Chùa cần người trẻ hiện diện, chia sẻ, gắn bó, để nơi đây không chỉ là di tích, mà là nơi gieo trồng nhân cách, từ tâm, tỉnh thức và sự sống tinh thần mới mẻ.

Tôi không mong chùa quê biến thành nơi "giải trí" sinh hoạt, vui chơi để níu chân tuổi trẻ. Nhưng tôi tha thiết muốn mái chùa sẽ là nơi bình yên giữa sóng đời, nơi người trẻ có thể tạm buông điện thoại, ngồi lại bên tách trà, lắng nghe tiếng lòng mình, học cách sống chậm, sống sâu và sống tử tế.

Con đường đó không dễ, nhất là giữa làng quê thiếu phương tiện, thiếu nguồn lực và đôi khi cả sự đồng hành. Nhưng tôi vẫn tin trách nhiệm của trụ trì trẻ không chỉ là giữ ngôi chùa, mà là giữ hồn quê, giữ ánh sáng Phật pháp trong lòng người trẻ. Tôi tin, hạt giống đạo nằm sẵn nơi mỗi người. Chỉ cần một bàn tay đưa ra, một câu nói cảm thông, một chương trình gần gũi, thì giới trẻ sẽ quay lại, không phải vì lễ lạy, mà vì họ thấy ở chùa quê một nơi cho họ thở, sống và thương.

Ngày nào còn tuổi trẻ, còn làng quê, còn mái chùa đơn sơ, tôi vẫn nguyện làm chiếc cầu nhỏ, âm thầm bắc nhịp giữa cổ truyền và hiện đại, giữa Đạo và Đời, giữa người tu và người trẻ. Để ngôi chùa quê không trở thành kỷ niệm, mà là nơi khởi đầu cho một thế hệ sống tỉnh thức, biết yêu thương và phụng sự cuộc đời.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thượng tọa Thích Đức Thiện đọc toàn văn Tuyên bố chung Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc Thành phố Hồ Chí Minh 2025 tại phiên bế mạc, sáng nay, 8-5

Tuyên bố chung Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc Thành phố Hồ Chí Minh 2025

GNO - Tại phiên bế mạc Đại lễ Vesak 2025, sáng 8-5, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Tổ chức Quốc gia Đại lễ đọc toàn văn Tuyên bố chung Thành phố Hồ Chí Minh; bản tiếng Anh do Hòa thượng TS.Tampalawela Dhammaratana, Phó Chủ tịch ICDV công bố.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại phiên bế mạc Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2025 - Ảnh: Đăng Huy

Bài phát biểu của Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình tại phiên bế mạc Đại lễ Vesak LHQ 2025

GNO - Việc đăng cai và tổ chức thành công Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2025 tại TP.HCM là dấu ấn rõ nét, cho thấy vai trò ngày càng được nâng cao của GHPGVN trong cộng đồng Phật giáo quốc tế và trong tăng cường đối thoại các vấn đề toàn cầu, ngăn chặn xung đột, thúc đẩy công bằng xã hội và phát triển bền vững...
Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Ủy viên Thường trực Hội đồng Chứng minh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN đọc Diễn văn bế mạc Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2025

Diễn văn bế mạc Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2025

GNO - Đoàn kết và bao dung không chỉ là học thuyết đạo đức Phật giáo, mà còn mãi là kim chỉ nam cho những suy nghĩ, lời nói, và hành động của con người để xây dựng xã hội an hòa, ít xung đột, tràn ngập thương yêu.

Thông tin hàng ngày