GNO - Năm nào cũng vậy, chùa Phật Bửu (xã Phước Vân, huyện Cần Đước, tỉnh Long An) quê tôi cũng tổ chức lễ Vu lan muộn hơn các chùa, thường thì sau ngày rằm tháng 7 đến một tuần.
Lễ Vu lan ở chùa quê - chùa Phật Bửu.
Người mà Phật tử gọi là "sư ông" chính là HT.Thích Tịnh Hạnh - Ảnh: Hạnh Ý
Mặc dù qua ngày rằm nhưng bà con vẫn náo nức, chờ đợi chư tôn đức về. Với các cụ, có sự hiện diện của quý Hòa thượng là niềm hạnh phúc lớn lao. Đây là dịp để bà con dâng các món ăn, y hậu, tịnh tài cúng dường và hồi hướng công đức về phụ mẫu nên mọi thứ đều chuẩn bị rất tinh tươm; con nít trong vùng chờ đợi chỉ có thế để được ăn nhiều món ngon, được vui đùa thỏa thích.
Để chuẩn bị cho ngày lễ đặc biệt này, từ 2-3 ngày trước, bà con đã đến chùa công quả. Tờ mờ sáng, những giọt sương còn đọng trên cỏ cây nhưng các cụ đã tay xách nách mang về chùa. Có cụ khệ nệ bê muối, đường, bột ngọt, dầu ăn; có cụ một tay chống gậy, tay còn lại quảy buồng chuối chín vàng ươm, những trái bưởi xanh mọng; cũng có cô một tay dẫn cháu, một tay xách mớ bầu bí, dừa khô đến chùa nấu kiểm.
Với tất cả thành tâm, tấm lòng dâng cúng chư Phật và quý thầy, cây nhà lá vườn, có cái gì là bà con đem đến chùa cái đó.
Những ngày như thế này, chùa luôn đầy ấp tiếng cười. Dưới bếp, các bà làm việc không ngơi tay, tiếng dao thớt cọc cạch vào nhau tạo nên âm thanh đặc trưng, vang vọng khắp các nhà lân cận. Còn ngoài hiên, bên chánh điện, con nít cứ đu theo quý sư quét sân, chưng hoa quả đòi nghe kể chuyện ngày xửa ngày xưa.
Mặc dù 8 giờ lễ Vu lan mới diễn ra nhưng 6 giờ sáng là ông cụ, bà lão đã về chùa cài hoa hồng, trang nghiêm áo tràng để rước quý thầy. Con nít cũng nhoi nhoi, đứng lẩn quẩn gần cổng tam quan để rước “sư ông” chứ không chịu vào trong chánh điện. Ngoài đến chùa để được ăn no nê, chơi đùa thỏa thích thì ngày nay, khá nhiều con nít làng quê đến chùa là để đến diện kiến “sư ông” và thích nhất là được “sư ông” vò đầu; được nghe thầy hỏi con nhà ai, mấy tuổi và được khen giỏi, ngoan.
Mặc dù Vu lan năm nào thầy cũng giảng cho nghe bài pháp thoại ngăn ngắn xoay quanh chủ đề “hiếu, hạnh” nhưng bà con rất thích nghe.
Nghe “sư ông” giảng, cụ già ai cũng nhem nhém nước mắt. Rồi niềm hạnh phúc hiện rõ trên gương mặt các cụ khi quý sư thọ nhận phẩm vật cúng dường, tán dương công đức. Thấy bà, thấy mẹ mình khóc, bên ngoài cửa sổ, lũ con nít đứa nọ nói với đứa kia “ê mày, sau này tao cũng có hiếu với mẹ tao như bà nội tao có hiếu với bà cố tao. Giờ tao học giỏi cho mẹ tao vui, sau này mẹ tao chết, Vu lan, tao cũng đi chùa để báo hiếu mẹ tao như bà nội tao đang làm”.
Rồi chúng hỏi nhau “sao bà cô khóc vậy tụi bây”? Nghe ai đó trong đám nói “chắc tại mất mẹ nên khóc đó mày ơi. Mẹ mất rồi nên bà cố không còn đút cơm, mua bánh cho mẹ ăn được nữa”, đứa trẻ khác nhanh nhẩu “bởi vậy, như tao là có hiếu, tao có đem cái bịch, lát ăn xong tao xin kiểm về cho ba má tao. Tụi bây phải bắt chước tao nè”.
Lũ trẻ vùng quê hồn nhiên đã biết lắng lòng và thể hiện lòng hiếu thảo với cha mẹ bằng những hành động rất đổi dễ thương như thế.
Buổi Vu lan diễn ra trong ngắn ngủi nhưng ý nghĩa thì đong đầy, trọn vẹn. Những cụ già cũng khóc mà những đứa trẻ cũng lắng lòng nghe quý thầy nói về ý nghĩa ngày lễ này và mách nhau đem đồ ăn về cho ba, mẹ. Như sự kế thừa, lũ trẻ đã thấy được ông bà có hiếu với đấng sinh thành và chúng cũng thích làm như thế với mẹ, cha mình. Điều đó có nghĩa, ngay từ bây giờ, trong chúng đã gieo mầm yêu thương, hiếu thảo với mẹ, cha.
Lễ Vu lan diễn ra muộn về ngày giờ nhưng dường như chưa bao giờ muộn với những đứa trẻ này!