Chùa xưa

0:00 / 0:00
0:00
GNO - Xa quê lâu năm nhưng tôi vẫn không sao quên được hình bóng chùa xưa, nơi mà mỗi lần tâm hồn rối bời tôi lại tìm đến chỉ để được ngồi lặng lẽ dưới bóng mát cây bồ-đề cũng đủ thấy lòng thanh tịnh.

Chùa xưa nằm nép mình bên bờ sông Cái - con sông chảy ngang qua miền quê yêu dấu, bồi đắp phù sa, kiến tạo văn hóa rồi âm thầm đổ ra biển cả bằng những cửa sông nằm khuất giữa bạt ngàn rừng xanh.

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1241 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1241 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Người dân quê tôi gắn bó sâu sắc với mái chùa cổ kính. Hồi nhỏ, mỗi ngày tôi đạp xe đi học ngang qua cổng chùa đều thấy sư cô đứng quét lá rụng, nở nụ cười tươi vẫy vẫy chào tôi. Những ngày rằm bà nội tôi cũng hay đi chùa, lần nào tôi cũng đòi theo cho bằng được rồi ngồi cun cút sau lưng bà nghe các sư thầy nói những điều lành.

Chùa xưa vui nhất là vào những ngày lễ Tết, những đêm rằm trăng sáng vành vạnh soi. Cũng như tôi, chị hai rất thích đi chùa, dù chị em tôi không quy y cửa Phật. Tôi nhớ ngày mình còn nhỏ, thỉnh thoảng chị hai lại rủ tôi lên chùa chơi. Trời trưa nắng gắt, chị đội nón lá, tôi núp dưới bóng chị men theo con đường nhỏ quanh co ra bờ sông Cái rồi đi lên chùa.

Bước vào cổng chùa là một thế giới khác, mát mẻ, thanh tịnh, mọi âu lo muộn phiền tưởng chừng như tan biến đi dù hồi ấy tâm tư tôi chẳng mang nhiều nỗi niềm, chỉ buồn phiền vì những chuyện không đâu. Chị em tôi gặp sư thầy, nói đôi ba câu chuyện rồi quanh quẩn sân chùa, ngắm vòm cây xanh lá rung rinh trong gió trưa thổi lồng lộng từ dòng sông Cái. Chị nói chùa xứ mình đẹp quá, yên tĩnh quá, mai mốt đi xa em đừng quên bóng dáng chùa xưa...

Tôi không quên chùa xưa như lời dặn dò của chị. Bởi với tôi, chùa xưa là quê hương, là cội nguồn, là nơi di dưỡng tâm hồn tôi sau những biến động thường ngày.

Ngày nhỏ ở quê niềm vui giản đơn vô cùng, chỉ là chạy nhảy trên cánh đồng nồng đượm khói đốt rạ khô sau mùa gặt, chăn trâu, thả diều, tắm sông hay đi chùa những đêm rằm trăng sáng. Đám con nít chúng tôi háo hức lắm, cứ xôn xao tíu từ từ sớm đến chiều chỉ để chọn bộ đồ đẹp nhất và trang trọng nhất để mặc đi chùa, dù ngày thường mặc quần cộc áo phông sư thầy cũng cho vào sân chùa chơi sậm chơi sụi.

Đêm buông xuống, những ánh đuốc lập lòe bên bờ sông Cái, cùng tiếng cười nói ríu ran. Trẻ con hiếu kỳ chạy trước, người lớn điềm tĩnh đi sau, đến với mái chùa để lễ Phật và nghe sư thầy thuyết giảng Phật pháp. Tôi rời tay má, tay chị, hòa nhập cùng đám con nít trong xóm. Má dặn đi nép vào nhau, đêm rằm chùa đông, không khéo lại lạc. Nhưng tôi không sợ lạc, chốn này tôi rành rọt sáu câu. Mái chùa, dòng sông, con đường quanh co, bến nước vàng màu hoa cải... tất cả đã in sâu vào tâm hồn của tôi.

Lạy Phật xong, má tôi ra sau chùa phụ các sư cô nấu chè, còn tôi với đám con nít lót dép ngồi dưới gốc cây bồ-đề nói chuyện trời trăng mây nước. Mấy câu chuyện trẻ con, mấy lần chuông đổ tiếng vọng ra mặt sông Cái êm đềm, trăng trên cao hiền lành trút sáng cả sân chùa, vườn cây, mái ngói... Tôi thấy đêm trôi qua nhanh quá. Mới đó thôi mà chị hai và má tôi sắp sửa ra về. Trăng lên cao, mỉm cười trên vòm trời huyền hoặc. Tôi lon ton theo má trở về nhà. Con đường quanh co dẫn vào xóm nhỏ lại xôn xao trong phút chốc trước khi chìm vào đêm khuya tịch mịch.

Hôm tôi về thăm quê, chị bảo sư thầy ngày trước đã viên tịch. Lòng tôi bồi hồi. Tôi nhớ lại nụ cười cùng cái vẫy tay của sư thầy mỗi khi tôi đạp xe ngang qua cổng chùa đến trường, cả những thức quà bé nhỏ nhưng làm vui lòng con trẻ mỗi độ tôi lên chùa chơi, nghe tiếng chuông chùa văng vẳng ra mặt sông Cái hiền hòa, êm ả.

Chùa xưa vẫn êm đềm trong tâm trí của tôi. Mấy lần tôi về quê, chị hai cũng từ nhà chồng cách mấy dòng sông trở về vui vầy bên má, chị em tôi lại rủ nhau lên chùa chơi. Bao giờ cũng vậy, về với chùa, tôi thấy tâm mình thanh tịnh. Đắm mình trong bóng mát, trong sắc màu trầm trầm của mái chùa xưa mà thấy tim mình ấm áp vô ngần. Với tôi, chùa xưa là nguồn cội, là cõi thiêng, là nơi lưu giữ những kỷ niệm tuổi xưa một lần đi qua là không bao giờ trở lại.

Bây giờ tôi cũng đang ngồi dưới mái chùa xưa, bên dòng sông Cái của quê hương. Tôi nghe tiếng chuông chùa vọng vào hồn mình từng hồi, đánh thức những xúc cảm năm nào tưởng chừng ngủ quên trong thẳm sâu tâm thức...

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Họa sĩ Kim Đức

Quy y

GNO - Cái tin chị đi tu làm ai cũng ngỡ ngàng. Bọn thanh niên trong khu phố tiếc hùi hụi vì từ nay không còn ai để theo đuổi, trêu ghẹo. Người già, nhất là những người chuộng trang phục áo dài, áo bà ba lấy làm buồn lắm, bởi chị là một cô thợ may may đồ kiểu xưa rất đẹp.
Chuông chùa Nhật Bản, giống như chuông chùa của các nước khác, được đánh từ bên ngoài bằng chày hoặc thanh xà treo chứ không phải bằng một quả lắc bên trong.

Phạm chung trong đời sống văn hóa, tôn giáo của người Nhật

NSGN - Phạm chung ( bonshō, 梵鐘), cũng được gọi là điếu chung ( tsurigane, 釣鐘) hay đại chung ( ōgane, 大鐘), là những chiếc chuông lớn được nhìn thấy trong các ngôi chùa Phật giáo trên khắp Nhật Bản, dùng để thỉnh mời các Tăng sĩ tập họp hành lễ và để phân định các mốc thời gian trong ngày.

Thông tin hàng ngày