Bông hoa dại cài trên vách lá

Bài đăng trên giai phẩm Giác Ngộ Xuân Giáp Thìn 2024 - Trình bày: Phòng Mỹ thuật/BGN
Bài đăng trên giai phẩm Giác Ngộ Xuân Giáp Thìn 2024 - Trình bày: Phòng Mỹ thuật/BGN
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Ngày nhỏ, ở quê nhà Phan Thiết, một lần nhìn đàn kiến trôi đi trong rãnh nước sau hè, tôi hốt hoảng không biết làm sao cứu chúng. Đột nhiên không kịp nghĩ suy gì, tôi cầu nguyện xin cho những sinh vật nhỏ bé ấy được sống sót, đổi lại tôi có thể bị bệnh như một kiểu “gánh tội” giùm.

Những tháng liền sau đó, tôi bị hành hạ bởi bệnh ghẻ lở mà di chứng còn đến bây giờ với những vết sẹo...

Những năm thiếu thời, có lúc tôi đã nghĩ căn bệnh đó đến với mình vì lời cầu nguyện “vớ vẩn”, nhưng rồi tôi hiểu ra bệnh cũng là nghiệp của mình thôi, dòng nước ấy đã cuốn phăng đàn kiến “của tôi” từ lâu lắm rồi. Rất nhiều chuyện quá vãng đã nhạt nhòa mất dấu, riêng phức cảm khi nhìn bầy sinh linh đuối nước hôm ấy vẫn còn đó. Tôi nhớ về con bé đa cảm thời thơ ấu như nhớ về một đứa trẻ kém thông minh. Ký ức ấy ít nhiều mang đến cho tôi mặc cảm tự ti về một tôi-ngốc-dại, dù tôi đang 12, 20, 30 hay 40 tuổi đầu...

Năm 15 tuổi, đang làm bài thi học kỳ, tôi trông thấy một con bướm sa vào lưới nhện ở góc phòng học. Lòng bất an một chút, nhưng tôi vẫn tập trung làm bài, tự nhủ xong buổi thi sẽ đến nhấc cánh bướm ấy. Thế rồi cô học trò quên bẵng, đi được nửa chặng đường từ trường về nhà, tôi vội vã quay lại trường tìm con bướm gặp nạn. Trên màng nhện, chiếc cánh vàng mơ ấy vẫn ở đấy, bất động. Không biết bướm còn... thở không, tôi mang để vào giỏ xe đạp và chở về nhà. Kỳ lạ, như vừa xong một giấc ngủ nồng, đi được nửa chặng đường, bướm cất cánh bay lên. Tôi vui khó tả, có lẽ không vì sự sống của con-bướm-bay-lên mà còn vì được nhấc khỏi gánh nặng tâm tư về sự chậm chạp và những hành động tưởng hoài công của mình...

*

Tuổi 18, tôi cùng bốn người bạn dành trọn mùa hè sống ở mảnh đất nghèo cạnh sông Sài Gòn. Những năm 90, ấp Bình Lợi, Thạnh Mỹ Lợi (Q.2, TP.HCM) thuộc diện “vùng sâu, vùng xa” còn nhiều khó khăn mà chiến dịch Mùa hè xanh chọn là một điểm đến cho các “chiến sĩ tình nguyện”. Ngày hai buổi chúng tôi dạy chữ cho lũ trẻ chưa có điều kiện đi học; thời gian còn lại phụ giúp những việc đồng áng trong xóm. Một buổi đứng lớp, thấy một em giết con kiến bò ngang bàn học, tôi hỏi han và nhận ra đó là chuyện thường ngày của bọn trẻ đã sớm vất vả mò cua bắt cá.

Trí nhớ suy tàn, tôi không nhớ mình đã nói gì với các em về việc cần tôn trọng từng sinh mạng của đời sống, chỉ nhớ mình chảy nước mắt khi tỉ tê, và bầy em vài đứa rưng rưng theo. Một trong những đứa trẻ mang đôi mắt long lanh vì nước mắt ấy hôm sau đã hái tặng tôi những bông hoa đủ màu em hái quanh làng... Em thủ thỉ từ nay sẽ không giết con vật nào cả, nếu không phải vì miếng ăn...

Đó không phải là bó hoa duy nhất tôi được tặng. Nhiều ngày, thức dậy bước ra cửa chúng tôi nhìn thấy hàng chục bó hoa thôn dã - nhiều nhất là hoa dâm bụt - cài trên vách lá. Ngôi nhà dựng bằng lá dừa nước rộng nhất xóm nơi chúng tôi lưu trú cứ thế sáng sáng lại đỏ thắm màu hoa. Đó thực sự là một mùa hè hạnh phúc. Một mùa hè chúng tôi học từ dòng sông những biến dịch không ngừng; học sống với tha nhân - học từ người lớn sự chân chất bao dung, học từ lũ trẻ tình yêu thuần khiết và khả năng trao tặng niềm vui bất tận cho người khác... Tôi nuôi lớn giấc mơ làm việc gì đó gắn với trẻ em, hướng tới trẻ em có lẽ cũng từ lũ trẻ ấp Bình Lợi ngày ấy.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Lũ trẻ ấy, giờ đã tuổi trung niên, có thể đã phiêu dạt sang nhiều nơi chốn khác nhau khi mảnh đất chôn nhau trở thành đất vàng đắt đỏ, đã xa cách dòng sông nay bao quanh toàn những khối bê-tông không cần hoa gài cửa... Sài Gòn của chúng ta đổi thay chóng mặt, chỉ riêng ký ức là cũ kỹ và có thể còn đó. Các em chúng tôi gặp, có khi nào nhớ tới những “thầy giáo”, “cô giáo” sinh viên đã đến như làn gió thoảng mùa hè năm ấy? Có còn nhớ mùi dầu gội tụi cô mang từ chuyến phà bên kia sông về, những mong tóc em hết chí? Có còn nhớ một buổi học cô trò cùng khóc, để rồi em ngần ngại khi phải tước đoạt sự sống của sinh vật bé nhỏ nào?

Lẩn thẩn tôi nghĩ, các em tôi, trong dòng chảy khốc liệt của cuộc sinh tồn, có khi phải làm nghề gắn với nghiệp sát, có thể nào còn hái hoa tặng ai? Hẳn là mộng mơ lắm, nhưng các em hãy nhớ về mình những ngày đứng lấp ló sau các bụi cây nhìn chúng tôi ngắm hoa và cười tươi hạnh phúc... Nhớ, để gọi về cho các em những thương yêu hồn nhiên...

*

Tuổi 40 hơn, tôi nối bước ba mẹ rời Sài Gòn đến sống ở một vùng đất mình yêu mến nhưng chưa hề thân thuộc. Từ bỏ một nhịp sống quen, từ bỏ một công việc ổn định lương cao, tôi xem chặng đường mới của mình như khởi đầu của việc thực tập ly tham. Trân quý việc gần gũi ba mẹ, yêu mến ngôi nhà thơm cỏ hoa, có thêm thì giờ phụng dưỡng người thân yêu, chăm sóc đám cây xanh quanh mình và cội bồ-đề bé trong lòng; tôi chưa khi nào hối tiếc về lựa chọn của mình, nhưng câu nói của thầy tôi đã làm tôi suy tư, về con kiến, về cánh bướm ngày xưa, về bài học ly tham mình còn học cả đời: “... Có chết cũng không sao cả T. à”. Thầy nói câu đó đợt tôi muốn chia tay Sài Gòn, chuẩn bị cho cuộc đổi thay trên hết vì mong muốn (hay là ham muốn?) ở cạnh cha mẹ, và gần với thiên nhiên.

Không phải danh vọng, tiền bạc; bài học ly tham lớn nhất chẳng phải là đoạn trừ tâm tham ái đó sao? Dục ái, hữu ái như chiếc lưới vô minh mà tôi là cánh bướm đã vạn lần dính mắc. Người thân yêu không sống mãi với mình, nếu không quán tưởng sâu sắc lẽ vô thường, không tinh tấn để sóng lòng bình lặng; một ngày nào đó - mà không, một hơi thở nào đó không hẹn trước, chính mình chia tay hay nhìn người thân chia tay sự sống, mình sẽ chới với bàng hoàng như đàn kiến ngày nào trên dòng nước cuốn...

Và rồi, trong luồng nhớ - nghĩ ấy, chính mảnh vườn nhỏ trong thành phố nhỏ tôi chuyển đến lặng lẽ dạy tôi nhiều về cái chết, về sự đến - đi liên tục của mọi biểu hiện, về sự bình thản từ niềm tin không đến - không đi. Tôi niệm Phật khi xới đất trồng cỏ, biết mình đang sát sinh nhưng không để mình ám ảnh. Tôi gặp gỡ kiến, mối, châu chấu, chuồn chuồn, bọ ngựa, ốc, dế... mỗi ngày ở biểu hiện Sinh lẫn Diệt. Tôi nhặt xác những con côn trùng bé nhỏ, hồi hướng chút lòng bình an của tôi cho chúng, mong chúng sẽ có một thọ mạng dài hơn ở lần hóa thân mới...

Bấy lâu ham... lớn khôn, tôi đã không muốn gọi về đứa trẻ bé dại, nhưng từ thẳm sâu tôi biết nó luôn ở đó, nó không đáng bị tôi giễu là cù lần, nó cũng đáng yêu như những đứa trẻ ở Bình Lợi đã cài hoa lên vách hay rớt nước mắt cùng tôi, nó hồn nhiên như bao đứa trẻ mang sao-trời-trong-mắt đường dài tôi gặp. Tôi mong gì hơn nhỉ? Một bông hoa dại thắm tươi cài trên vách lá, vô ưu đón ngày rã cánh...

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Tác giả, Phật tử Nguyễn Tường Bách trong khuôn viên vườn nhà - Ảnh: TGCC

Tác giả Nguyễn Tường Bách sẽ nói chuyện và giao lưu về chủ đề Sự phát triển của Đạo Phật tại châu Á

GNO - Nguyễn Tường Bách - tác giả, dịch giả của nhiều cuốn sách được nhiều người đọc yêu thích như Mùi hương trầm, Lưới trời ai dệt, Đêm qua sân trước một cành mai, Đạo của vật lý, Con đường mây trắng ... - sẽ có buổi trò chuyện và giao lưu xoay quanh chủ đề “Sự phát triển của Đạo Phật tại châu Á”.

Thông tin hàng ngày