Chuyện 10 năm ăn chay ở đó đây...

GNO - Tôi có 10 năm tròn ở trong một ngôi miếu miệt Cà Mau. Thờ thần, đương nhiên cúng và ăn mặn. Nhưng, cạnh miếu có một niệm Phật đường mà lần hồi phát triển thành ngôi chùa cỡ trung bình do một vị Tỳ-kheo trú trì.

… Tôi thường sang viếng chùa, Thiện Phước tự, có duyên may được nghe pháp từ vị trụ trì Trang Sa Bo. Thường thường, ở lại dùng chay và khi về thỉnh kinh sách. Duyên.

a anchay.jpg


Tác giả và ngôi miếu - nơi khởi nguồn để trường chay mười năm qua - Ảnh: TGCC

Chay ở Thiện Phước tự đơn giản lắm: bà con tiểu thương gửi những hàng bông có khi bán không được - chút cà, cải, bí… - cho xe ôm mang vào, và cô bác Phật tử chế biến tại nhà bếp bởi lò đốt bằng củi cũng kiếm được trong vùng. Cơm canh đơn sơ đạm bạc nhưng nghi thức đúng cách, thầy trụ trì tụng đọc kinh trước khi thọ chay, thực khách nghiêm cẩn đọc theo và chắp tay thành kính. Xong bữa chay, về trong sự thư thái lạ…

Có khi thợ đến miếu trùng tu sửa chữa, những anh chị em có lòng tin vẫn muốn ăn chay và tôi mua khi thì mấy trái dưa leo, lọ tương hay chao, xong. Bước đầu làm quen việc ăn chay như thế.

Nhưng để hiểu ý nghĩa tâm linh của ăn chay không đơn giản. Tôi có duyên đọc hướng dẫn của thầy Thích Thanh Từ về ăn chay, ngũ giới. Ẩm thực chay hàm chứa thông điệp lớn lao từ Đức Phật về trọng sự sống muôn loài, bảo vệ sinh mệnh trong các cõi và giáo dục lòng từ ái. Ăn chay còn thể hiện lòng tin của bậc xuất gia và Phật tử với giáo pháp và thực thi, hành đạo ở một khía cạnh thiết thân: sự ăn, lợi dưỡng.

Tôi cũng làm báo nghiệp dư, và hiểu góc nhìn khác về sự ăn chay có tính xã hội và đời thường: bảo vệ sức khỏe và môi trường. Nhưng chính ý nghĩa sâu sắc ở khía cạnh tâm linh.

Từ chỗ ăn chay theo nghĩa giản đơn và căn bản: tất cả thực phẩm phi động vật, tất cả thực phẩm có nguồn gốc thực vật, ăn để sinh tồn; tôi từng bước trải nghiệm thế giới chay phong phú đa sắc màu, hấp dẫn ở cả khía cạnh thị trường, chế biến và thẩm mỹ…

Tôi có cha nuôi già yếu ở nội ô thành phố cuối đất, đường Ngô Quyền - phường 9. Mỗi khi có thể, từ miếu dong con xe Dame cũ nát thăm ông, tôi ghé trước quán chay gần đèn xanh đèn đỏ, thưởng thức bữa chay tuyệt ngon với thực đơn dồi dào: cơm tấm, cơm đậu, cơm chiên… được chế biến công phu vói thức ăn kèm theo khó kể hết vì nhiều. Và quà mọn trong túi xách cho cha nuôi là phần tương tự luôn khiến ông, người có lòng tin Phật, vui lòng.

Cà Mau đúng là thành phố thú vị, cái gì cũng có một chút! Chay rải rác khắp nơi: đường dẫn vào chùa Phật Tổ - phường 4 có nhiều quán chay tuy không ngon bằng bên phường 9 đã kể song rẻ, tiện, gần chùa.

Tôi biết đến thực phẩm chay ngon, giàu dinh dưỡng và có giá trị ở kỹ thuật chế biến cũng như phục vụ, như thế.

Rời miếu, về nhà, cũng chỉ cách đấy chừng 30 cây số, tôi viết và đi nhiều nơi, có duyên đến thăm Bắc bộ, sự ăn chay càng hiểu nhiều và trải nghiệm thú vị hơn.

Ở Bảo Quang tự (chùa Ba Vàng) tọa lạc trên vùng đồi thuộc phường Quang Trung, thành phố Uông Bí - vùng mỏ Quảng Ninh, chay ở đỉnh. Nhà chùa tổ chức phục vụ chay cách hiện đại, khép kín ở nhà ăn rộng rãi thoáng đãng. Thực khách xếp hàng từ tốn di chuyển theo quầy và tự chọn món vào khay mình cầm, từ món đầu khai vị đến tráng miệng, chu tất, ngon lành, trang nghiêm… Trải nghiệm này quý. Từ Bảo Quang tự theo xe đi về Hạ Long, dọc đường có nhà hàng chay đẳng cấp. Bà con miền Bắc ăn chay “tốt”, tôi “tổng kết”.

Sài Gòn hoa lệ sự ăn chay phong phú lắm. Nhà hàng trước Vĩnh Nghiêm tự phục vụ chay chuyên nghiệp cho dù nhiều người than về... giá! Tôi cũng được thọ chay ở thiền viện Quảng Đức…

Đại Tòng Lâm (Bà Rịa - Vũng Tàu), thiền viện Thường Chiếu (Đồng Nai) có kinh nghiệm và nhân lực tổ chức chay cho số đông nhân các sự kiện lớn. Nếu bạn chứng kiến hàng nghìn thực khách được phục vụ chay ở nơi ấy như thế nào bạn sẽ suy nghĩ nhiều về lao động của quý Tăng Ni. Tôi từng men theo các lối thiền ở Thường Chiếu quan sát quý Tăng chuẩn bị bữa như lao động công nghiệp, nhịp nhàng, thuần thục, đặc biệt.

Một bữa chay đạt yêu cầu theo quan điểm Phật giáo không chỉ là bữa ăn ngon miệng, lợi dưỡng, bữa ấy từ chế biến đến phục vụ thấm đẫm hương từ bi, quý Tăng Ni, Phật tử niệm Phật trong khi làm việc và phục vụ và thực khách cũng thọ chay trong tình cảm, niềm tin kính Phật pháp, trong không gian thiền. Thọ chay như thế, không chỉ là ăn, sự tăng trưởng tâm linh bất khả tư nghị.

Sự ăn chay tùy duyên. Nhớ lần được tháp tùng chuyến hành hương về nguồn Ngọa Vân am, cả đoàn chúng tôi gồm vị Thượng tọa làm công tác nghiên cứu Phật học của Giáo hội và anh chị em truyền thông Phật giáo ăn chay cách khó quên: leo hết dốc cao, người mệt vào lán nghỉ, còn lại phân công nhau tìm rau rừng và nhóm bếp củi... nấu mì gói (chay). Thế là trong lán ở độ cao, có sương mù, chốn linh thiêng, chúng tôi thầy trò quây quần thọ chay vui vẻ. Kỷ niệm ấy được lưu lại trong máy nay đã quý đến mức có thể... đấu giá! Nói vui.

Vòng vo, sự ăn chay, bạn thấy, cũng công phu và thú vị đấy chứ?

Và trước khi ngồi vào bàn gõ những dòng vụng về này, ở Viva cafe, chốn được coi là sành điệu của giới trẻ thị xã mới, khi được hỏi: mấy con thích ăn chay không? Các cháu học trò trong đồng phục, vừa rời phòng thi tuyển sinh vào lớp 10 ở hai Hội đồng thi THPT Nguyễn Trung Trực và công lập, nhất loạt giơ tay đồng thanh: tụi con thích! Ăn chay đã thành thịnh hành và ngành chế biến kinh doanh thức ăn chay có đất dụng võ.

   Thiện tai.

Nguyễn Thành Công

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày