Cuộc bộ hành vì hòa bình từ Florida đến New York

0:00 / 0:00
0:00
GNO - Một nhóm các nhà sư Phật giáo, dẫn đầu bởi Phra Sutham Nateetong có cuộc bộ hành kéo dài hơn 3.500km từ Key West bang Florida đến Thác Niagara, New York với mục tiêu thúc đẩy thông điệp về hòa bình và bất bạo động trên khắp nước Mỹ.

Phra Sutham Nateetong, 62 tuổi, là một nhà sư Phật giáo nổi tiếng đã dẫn đầu nhiều cuộc đi bộ vì hòa bình ở các quốc gia như Ấn Độ, Nhật Bản, Malaysia và Việt Nam. Năm 2019 là lần đầu tiên vị sư này thực hiện cuộc hành hương trên khắp nước Mỹ. Lần này, sư cùng với các tu sĩ đồng hành khác đã khởi hành từ điểm cực Nam Key West của Hoa Kỳ và cho đến nay đã đi được khoảng 2.775km hướng đến Thác Niagara, New York.

Phra Sutham Nateetong

Phra Sutham Nateetong

Các nhà sư đi bộ khoảng 32km mỗi ngày; trong quá trình đó, họ đã dừng lại ở nhiều thị trấn và thành phố khác nhau để tương tác với cộng đồng địa phương, gặp gỡ các nhà lãnh đạo, thành viên của các tổ chức và các nhóm tôn giáo khác nhau để thảo luận về tầm quan trọng của hòa bình và tinh thần bất bạo động. Hoạt động này gợi nhớ đến những cuộc hành hương Phật giáo truyền thống mà các nhà sư đã thực hiện trước đó trong nhiều thế kỷ và đây được xem là những hạnh nguyện cao cả để truyền bá giáo lý Phật giáo.

Chủ đề chính của cuộc hành hương này là hòa bình. “Tôi muốn mọi người sống với nhau một cách hòa hợp. Chúng tôi đang cố gắng cho thế giới thấy rằng chúng tôi đang tiếp tục bước đi vì hòa bình. Chúng tôi không hề đấu tranh với bất kỳ ai cả”, Phra Sutham cho biết. Phra Suthim Chuaypradit, một trong số vị sư của nhóm hành hương, chia sẻ thêm rằng: “Nếu mọi người giúp đỡ và yêu thương nhau, tôi nghĩ hòa bình là điều chúng ta có thể thực hiện được.”

Trong suốt cuộc hành trình, các nhà sư đã dừng lại ở nhiều thành phố như Miami, Atlanta và Washington, DC. Đặc biệt, tại Washington, DC, họ được tiếp đón bởi Chuliepote Isarankura Na Ayudhaya, đại biện lâm thời tại Đại sứ quán Hoàng gia Thái Lan. Đại sứ quán nhân dịp tốt lành này đã làm lễ cúng dường cho các nhà sư.

Ở mỗi địa điểm dừng lại, các nhà sư tham gia vào các sự kiện tương tác với cộng đồng, thông qua việc tổ chức các buổi thiền tập và thảo luận về hòa bình. Những hoạt động tương tác này nhằm mục đích thúc đẩy ý thức về hòa bình, thống nhất và mục đích chung giữa các nhóm người khác nhau. Lucinda Stouffer, một cư dân Maryland, đã bất ngờ phát hiện ra các nhà sư gần khuôn viên sân nhà mình và nhận định rằng họ đang có một chuyến hành hương tuyệt vời với mục đích rất ý nghĩa.

Các nhà sư trong đoàn hành hương

Các nhà sư trong đoàn hành hương

Cuộc hành trình đã thu hút được sự ủng hộ từ nhiều tổ chức và cá nhân khác nhau. Các ngôi chùa Phật giáo địa phương và các tổ chức hòa bình đã cung cấp hỗ trợ hậu cần, thực phẩm và chỗ cư trú cho các nhà sư. Các tín đồ Phật giáo và những công dân không phải Phật tử cũng đã đề nghị hỗ trợ tại nhiều điểm dừng khác nhau.

“Tôi thích mọi thứ ở Mỹ, những cung đường, con người, thiên nhiên. Mọi người đều rất tử tế”, nhà sư Phra Pratago Camron chia sẻ. Tuy nhiên, cuộc hành trình không phải là không có thách thức. Các nhà sư đối mặt với tình trạng thể chất, điều kiện thời tiết và rào cản hậu cần. Nhưng cho dù gặp những khó khăn như thế, họ vẫn cam kết với những phát nguyện tốt đẹp ban đầu của mình.

Nhiều cá nhân và tổ chức, bao gồm các đại diện từ các tổ chức tôn giáo và hòa bình khác nhau, chờ đón các nhà sư tại Thác Niagara. Chặng cuối cùng của cuộc hành trình bao gồm một buổi lễ cầu nguyện vì hòa bình và một bài phát biểu công khai của nhà sư Phra Sutham.

Cuộc hành hương từ Key West đến Thác Niagara của Phra Sutham và các tu sĩ đồng hành là một minh chứng cho cam kết của họ đối với tinh thần hòa bình và bất bạo động. Trong suốt hành trình dài và gian khổ này, họ đang hướng đến mục tiêu truyền cảm hứng cho những người khác kiến tạo và trau dồi sự hiểu biết đối với hòa bình cho quốc gia và cho cả thế giới.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng - Ảnh: Bảo Toàn/BGN

Giải tỏa oan ức

GNO - Tất cả chúng ta sống trên cuộc đời này, ai cũng có nỗi lo, nỗi khổ, nhất là cảm giác bị oan ức là nỗi khổ lớn. Oan ức là những điều mình không làm mà bị người khác đổ lỗi, nên mình cảm thấy ức lòng, đau khổ. Muốn giải tỏa nỗi oan ức này, chúng ta làm cách nào.

Thông tin hàng ngày