"Đại sứ ẩm thực Huế" Hồ Thị Hoàng Anh với "Ký ức ngày xuân" ở cố đô

0:00 / 0:00
0:00
GNO - Như thường lệ mọi năm, vào ngày mồng một Tết, sau khi cả nhà đi xuất hành lên chùa về, ai nấy đều cảm thấy đói và mệt. Tết là dịp duy nhất để anh chị em tôi được phép mặc đồ đẹp suốt ngày, mẹ tôi cũng thế...
Bài đăng trên Giai phẩm Giác Ngộ Xuân Quý Mão 2023 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Viết Diễn

Bài đăng trên Giai phẩm Giác Ngộ Xuân Quý Mão 2023 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Viết Diễn

Những ký ức về ngày xuân ở Huế khi tôi còn là một đứa con gái nhỏ, thật không bao giờ phai nhòa. Tôi vẫn còn nhớ như in từ những hạt mưa bụi ngày xuân, không khí vui tươi của xóm làng, hình ảnh êm ấm hạnh phúc của gia đình cho đến những món ăn thơm tho, đẹp đẽ mẹ nấu cúng tổ tiên trong những ngày tết.

Phong tục ở Huế thì từ buổi trưa ngày cuối năm mọi sinh hoạt ngoài đường hầu như đều chấm dứt, gia đình tôi cũng như bao gia đình khác đều trở về nhà để làm công việc chuẩn bị đón xuân. Các anh em trai thì theo phe ba tôi lo chuyện lau dọn bàn thờ và đơm hoa quả. Tôi và các chị em gái thì theo phe mẹ lo chuyện bếp núc, sửa soạn cỗ bàn để cúng rước tổ tiên. Mâm cơm mẹ tôi nấu cúng tổ tiên chiều 30 Tết thường là mâm cơm mặn. Các món ăn thường được xếp đặt trên cái mâm 3 tầng bằng đồng. Không phải kiểu cách chi, nhưng đây là kỷ vật của ông nội.

Ba tôi kể rằng ngày xưa bà nội tôi thường dọn cơm cho ông nội tôi trên bộ ván gõ, nên phải dùng cái mâm 3 tầng mới hợp. Nên ngày nay, để cúng ông bà thì mẹ tôi cũng xếp thức ăn trên cái mâm ấy. Trên cái mâm thấp và lớn nhất thì mẹ tôi xếp các loại đồ mộc như măng khô xào thịt, vả trộn với tôm, giá xào nham. Mâm vừa thứ hai thì xếp mấy loại canh như giò heo hầm có buộc sợi lạc, tô canh cá ám và các loại nước chấm. Mâm nhỏ nhất trên cùng thì xếp dĩa thịt heo kho tàu, tôm rim, cuốn ram, nem chả, thịt phay xắt lát mỏng. Dĩa cơm, bánh chưng, bánh tét và xôi chè thì xếp hẳn ra bàn thờ. Năm nào ba tôi cũng hài lòng sung sướng khi thấy mẹ tôi chuẩn bị thật tươm tất cho mâm cơm cúng tổ tiên.

Nhưng riêng tôi thì thích nhất là buổi cơm chay ngày đầu năm mà mẹ tôi nấu cho gia đình. Tuy là buổi cơm chay nhưng mẹ tôi đã chuẩn bị rất kỹ từ lâu. Đầu tháng Chạp là mẹ tôi bắt đầu ủ chao, đem mứt rủ cho sạch cát (mứt là loại rong biển của làng Lăng Cô, giòn và thơm mùi vị của biển chứ không mềm xèo như rong biển được trồng đại trà của Trung Quốc bây giờ). Kiếm mua cho được củ mài (còn gọi là hoài sơn, một loại củ hiếm mọc ở vùng núi Trường Sơn). Lên chùa Sư nữ Hồng Ân để lựa mua loại tương nào không bị khét.

Như thường lệ mọi năm, vào ngày mồng một Tết, sau khi cả nhà đi xuất hành lên chùa về, ai nấy đều cảm thấy đói và mệt. Tết là dịp duy nhất để anh chị em tôi được phép mặc đồ đẹp suốt ngày, mẹ tôi cũng thế. Tôi không quên được hình ảnh mẹ tôi quấn hai vạt áo dài lên, lăng xăng chuẩn bị bữa cơm cho cả nhà. Mẹ tôi xuất thân từ gia đình có chủng tử sâu đậm với tín ngưỡng Phật giáo. Mẹ cũng muốn cho anh chị em tôi có niềm tin sâu sắc như vậy bằng cách thông qua các món ăn chay thơm ngon để đưa chúng tôi vào niềm tin đó.

Các món ăn trong buổi cơm chay là chao kho trong cái ơ bằng đất ăn kèm với các loại rau sống tươi ngon, canh rong biển nấu với cải cay, đậu khuôn nguyên chất nên khi chiên phồng lên vàng rộm chấm với nước tương đậu nành có dầm ớt đỏ chỉ thiên. Tráng miệng là chè củ mài nấu với đường phèn. Vì củ mài thiệt quý nên chúng tôi chỉ được một người một chén nhỏ, ăn vào thiệt là ngậm mà nghe từ vị ngọt thanh của đường phèn đến cái dẻo, cái bùi mà thơm không diễn tả được của củ mài.

Chúng tôi quây quần bên mâm cơm gia đình, ai nấy như mở lòng ra đón nhận tình thương gia đình cùng hương hoa của đất trời mùa xuân có đủ cả hương vị trên rừng lẫn dưới biển. Xong bữa cơm chay đầu năm, ba tôi phát lệnh cho anh trai tôi khai mạc hội xăm hường. Các anh chị tôi tha hồ vui sướng hò reo theo tiếng reng reng của những hạt xăm hường.

Đến khi tôi lập gia đình thì việc sửa soạn mâm cơm dâng cúng tổ tiên ngày Tết còn quan trọng hơn. Vì gia đình chồng tôi có truyền thống Nho giáo nên việc thờ phụng tổ tiên là hết sức thiêng liêng. Mẹ chồng tôi là con dâu trưởng trong gia đình quan lại ở Huế, từ khi mới về làm dâu lúc 17 tuổi đã lo tập tành theo khuôn phép của việc bếp núc, cúng kỵ, gia nương. Từ các vật liệu để nấu nướng cho đến cách xếp đặt cỗ bàn có nhiều điểm khác so với nhà tôi. Chỉ với các nguyên liệu ít ỏi nhưng phải cần kiệm, vén khéo sao cho đầy đủ bộ lệ và tỏ lộ vẻ kiểu cách! Vật liệu chính chỉ có một con gà mà mẹ chồng tôi đã chấy hóa đầy đủ thành một mâm cỗ nhiều món. Đùi gà một cái thì ram vàng, một cái thì luộc xé phay, cổ và chân gà thì hầm với hạt sen, hai cái ức thì xé làm gỏi, lòng gà thì xào với rau củ v.v…

Khi mới về nhà chồng thì tôi còn rất ngây thơ nên công việc được giao cho tôi trong ngày lễ Tết chỉ là đơm xôi và soạn lau chén dĩa. Công việc đơn giản là vậy nhưng với tôi thì hết sức lạ lùng. Mẹ chồng đưa cho tôi một nồi xôi cỡ chừng hai lon nếp và nói: “Con đơm xôi này ra cho được 30 dĩa”. Tôi thiệt hết sức thắc mắc nên cứ tần ngần đứng mãi. Thấy vậy dường như hiểu ý nên mẹ chồng tôi vào tủ bưng ra cho tôi một chồng dĩa thiệt sự là đúng 30 cái nhưng cái nào cái nấy còn nhỏ thua cái dĩa trà.

Rồi đến việc lau soạn chén dĩa thì thấy hầu như cái nào cũng mẻ, cũng re, cũng cóc gặm… nhưng cái nào mẻ ít thì bịt bạc, cái nào mẻ nhiều thì bịt đồng. Tô chén thì nhiều kiểu dáng, nhiều chủng loại không thể nào gộp thành bộ được. Rồi đến đũa thì lạ hơn, ba đôi thì dài, năm đôi thì ngắn… tuy được lau chùi rất bóng loáng nhưng đã ngả màu theo thời gian.

Những loại chén bát tuy đã sứt mẻ như vậy nhưng gia đình chồng tôi rất quý. Huế qua bao cuộc chiến tranh binh biến vậy mà mỗi khi chạy loạn, mẹ chồng tôi khi nào cũng gánh theo và cất giữ cho đến bây giờ. Đó là các loại chén bát nội phủ, còn các đôi đũa ngà thật dài thì của các cụ ông, cùng với các đôi đũa ngà nhỏ và mảnh mai thì của các cụ bà. Là những kỷ vật gia bảo mà trải qua nhiều đời trong gia đình đã dùng đến nên được giữ gìn rất kỹ lưỡng. Mỗi năm “xuân thu nhị kỳ” mới đem ra sử dụng vào dịp lễ cúng tổ tiên.

Trong khi sửa soạn mâm cơm cúng tổ tiên, mẹ chồng tôi khi nào cũng hết sức thành kính. Cũng như mẹ tôi khi xếp đặt cỗ bàn vào ngày Tết thì cũng mặc áo dài nhưng mẹ chồng tôi còn đi cả chân đất. Việc đó như là muốn tỏ lòng thành không những từ trong tâm mà còn từ chân lên đầu.

Sau này, mâm cơm cúng tổ tiên trong gia đình chồng do tôi sửa soạn. Các món ăn cũng được xếp đặt vào các loại chén dĩa xưa cũ kỹ như vậy. Nhưng các món ăn thì có khác hơn, cũng là mâm cơm có đủ món, canh thì có canh ba oản, món xào thì có bào ngư xào với lơ-ghim, món nấu thì có món vi cá nấu độn, món kho thì có món bò kho quế. Có cả xôi trắng và chè yến sào chưng với hạt sen. Đây là những món ăn nghe có vẻ cao sang nhưng thật ra không phải là món Tây món Tàu chi cả, mà đó là những món ăn rất Huế đã có tự ngày xưa. Tôi thì có sở thích luôn tìm tòi để phục hồi lại những món ăn truyền thống trong các dịp Tết của Huế xưa.

Tôi không mặc áo dài để nấu ăn trong ngày Tết như các mẹ ruột và mẹ chồng tôi mà chỉ mặc áo dài lên thắp hương cúng Phật và mặc áo dài khi chăm sóc, chơi với con. Thường thì người ta mặc áo dài khi đi ra ngoài cho đẹp còn tôi thì trái lại. Tôi có hai cái áo dài để mặc ở nhà, một cái khi lên thắp hương bàn Phật để tỏ lòng thánh kính và một cái để làm thành trì bảo vệ cho con. Áo dài mặc ở nhà của tôi không có eo co, không lồng lộng, không “xô dạt trời chiều” chi cả, mà đó là nhưng cái áo dài bằng vải cotton mềm cho dễ giặt, dài và rộng thùng thình.

Trong cái áo dài như vậy tôi cảm thấy rất tiện dụng khi chăm sóc cho con. Khi con còn nhỏ mỗi lần bồng ẵm cho bú mớm, tôi chỉ cần vén hai vạt áo dài lên là có cái mền đắp ấm cho con. Khi con khóc thì đã có ngay hai vạt áo dài biến thành khăn lau quệt nước mắt, nước mũi. Khi con muốn nghe chuyện cổ tích, sẵn có áo dài tôi đã biến ngay thành kịch sĩ nhập vai bà ngoại, trong “Cô bé quàng khăn đỏ”.

Khi con lần đầu cầm được cây bút thì hai vạt áo dài là nơi mà con tôi tha hồ vẽ vời những nét bút đầu tiên. Những lúc hiếu động thường chui vào hai vạt áo dài làm đuôi rồng múa lân, đứa thì kéo lui đứa nhảy tới. Những lúc như vậy làm tôi hoa mắt xây xẩm mặt mày. Nhưng tôi vẫn chịu đựng như vậy còn hơn con chạy nhảy leo trèo làm đổ bể các đồ cổ ngoạn mà chồng tôi có tính say mê sưu tập, trưng bày.

Cu Bon nay đã lớn và trong thời gian đi du học ở Mỹ đã mấy năm rồi, năm nào ngày Tết đến cũng gọi điện về nói rằng: “Tết ở bên này có đủ bánh chưng bánh tét, có hoa mai hoa đào, có luôn bầu cua cá cọp… nhưng không có không khí như ở quê nhà. Con thèm nhớ những món ăn mà mẹ nấu, con nhớ không khí gia đình mình trong những ngày Tết… À nữa con nhớ lắm hai cái vạt áo dài của mẹ, rồi khóc rưng rức... Cúp máy, tôi ngồi nhớ con rồi khóc thút thít.

Nếu như Lâm Ngữ Đường nói rằng: “Tình yêu quê hương là sự thương nhớ thèm thuồng các món ăn mà cha mẹ cho ta ăn từ thời thơ ấu”. Và ai đó nói rằng “Biết yêu Mẹ là biết yêu Tổ quốc”. Tôi thì có thể sung sướng mà nói rằng: Cu Bon và cu Bi sẽ là những “chàng trai nước Việt” biết yêu quê hương và yêu Tổ quốc thiết tha.

Hôm nay là ngày đầu tháng Chạp rồi đó, tôi khoác áo dài lên thắp hương bàn Phật, rồi ra chăm sóc mảnh vườn con trên sân thượng của ngôi nhà ở đất phương Nam. Do không có kinh nghiệm chăm sóc hoa cảnh, các cây mai đồng loạt trổ hoa cả rồi! Bất giác mà nhớ lại cảm xúc “Vũ trụ choàng thay áo”của thi sĩ Huyền Không, tức Thiền sư Mãn Giác:

“… Ô hay xuân đến bao giờ nhỉ

Nghe tiếng hoa khai bỗng giật mình

Sáng nay thức dậy choàng thêm áo

Vũ trụ muôn đời vẫn mới tinh…”

Một bữa sáng đầu tháng chạp mà lòng tôi đã cảm thấy hân hoan tươi mát như một khu vườn trong buổi sáng mùa xuân. Tôi nheo mắt, tinh nghịch đùa với vạt nắng vàng vắt trên vai rằng: Tôi đã bắt được nó. Nhưng không, đó là một dải nắng lung linh vàng cuối đông rất đẹp. Nó tự đến và sẽ tự đi. Mà tôi thì không bao giờ có thể làm được cái việc bắt mây hay nhốt gió.

Dưới ánh sáng ban mai, tôi cúi xuống soi rọi lại mình. Tôi được sống trong thế giới khoa học hiện đại, được hưởng nhiều thành quả văn minh. Nhưng thực chất tôi không khác gì với mẹ của mình cả! Tôi cũng nấu những món ăn mà ngày xưa mẹ tôi đã nấu, tôi cũng mặc áo dài hầu như quanh năm suốt tháng như mẹ chồng tôi đã mặc...

Tôi là sự tái hiện của hình hài và tập quán của tổ tiên trong một hoàn cảnh mới.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Sư bà Diệu Không

Giáo sư Cao Huy Thuần viết về Sư bà Diệu Không

GNO - Mỗi lần nghĩ đến Sư bà Diệu Không, tôi lại liên tưởng đến bà Gotami, di mẫu của Đức Phật, vừa là mẹ nuôi vừa là Ni thánh. Tôi biết, nếu Sư bà đang ở đâu đó mà nghe tôi nói thế này, Sư bà sẽ quở tôi là phạm thượng. Nhưng tôi đành chịu tội bất kính vì nhiều lý do.
Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình Bồ-tát trẻ tuổi

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày